ĐIỂN TÍCH BẢN KINH HỘ TRÌ DỊCH BỆNH
Các Chú giải đều ghi duyên sự bài kinh từ câu chuyện ở thành Vesali (Tỳ-xá-ly), kinh đô xứ Vajji (Bạt-kỳ) chịu 3 tai ương: nạn đói, ma quỷ quấy phá, và bệnh dịch. Bộ tộc Licchavi cai trị xứ này, gửi một phái đoàn đến thành Vương-Xá (Rajagaha), xứ Magadha (Ma-kiệt-đà) của vua Bimbisara (Bình-sa, Tần-bà-sa-la) gặp Đức Phật lúc bấy giờ đang ngự tại Tịnh xá Trúc Lâm (Veluvana). Họ thỉnh cầu Ngài đến Vesali để giải trừ các tai ương ấy.
Khi Ngài đến nơi cùng với vua trời Đế-thích (Sakka) và chư thiên, phần lớn các loài ma quỷ hoảng sợ bỏ trốn. Trời đổ mưa xối xả rửa sạch thành phố. Đức Phật đọc lên bài kinh Ratana Sutta, bảo ngài Ananda ghi nhớ rồi đi vòng quanh thành phố, vừa đi vừa rải nước chứa trong bình bát và đọc tụng bài kinh nầy. Khi ngài Ananda tuân lời Đức Phật làm theo như thế, những ma quỷ còn lại đều bỏ chạy và bệnh dịch được tiêu trừ.
Sau đó, dường như có một trận mưa lớn nên nhân dân thoát khỏi nạn dịch hoành hành, nhờ mưa lớn nên mùa màng ruộng vườn tránh khỏi cái khô hạn! Hết dịch, hết đói cũng vì thế. Chính nhờ sự mát mẻ, an lành từ oai lực kinh Paritta nên các trạng thái tâm nóng nảy, hung dữ … lắng dịu lại.
Do duyên sự đó, Ratana Sutta ngày nay thường được tụng đọc để xua tan bệnh tật, rủi ro, và ma quỷ.
NỘI DUNG BẢN KINH HỘ TRÌ RATANASUTTA
Bài kệ này được Đức Thế Tôn thuyết giảng trong một duyên sự đặc biệt. Tôn giả A-Nan-Đa đã vâng lời Đức Phật, học thuộc lòng bài kinh này, đi chung quanh ba vòng thành Vesali, không phải chỉ tụng mà còn đem tâm từ của mình để hoà nhập cảm nhận thế nào là giá trị của Phật, của Pháp, của Tăng qua 16 bài kệ.
Với 16 kệ ngôn, Đức Thế Tôn đã đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau của Phật, Pháp, Tăng. Những khía cạnh đó nói lên những giá trị thâm áo, những giá trị cao cả ,chân thật của Phật Pháp tăng như thế nào.
Sau cùng ba bài kệ cuối nói về một lời mời thỉnh hướng đến những vị Phi nhơn nhất là Chư Thiên có chánh kiến, những vị có oai lực. Xin các Ngài cảm nhận được ân đức của Phật, ân đức của Pháp, ân đức của Tăng. Do sự cảm nhận này xin các ngài hoan hỷ hộ trì cho thế gian này được nhiều sự tốt đẹp, cát tường.
Bản kinh này có thể gọi là kinh Cứu hộ hay kinh Hộ quốc an dân trong những trường hợp thiên tai như bão lụt, động đất, cháy rừng, sóng thần, bịnh dịch, thập tử nhất sinh v.v...
PHÁP HỘ TRÌ NGƯỜI TRÌ PHÁP
Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Dù trong động thẳm hang sâu, trong những bảo điện kiên cố với tường sắt vây quanh, giữa hư không bao la, sâu thẳm, giữa đáy đại dương hoặc trong lòng muôn trượng của quả đất – chẳng có nơi nào thoát khỏi lưỡi hái của tử thần!”
Ngài dạy nghiệp quả không thể tránh được, tuy nhiên phải hiểu rõ tự mình độ mình bằng những phương pháp như trong kinh Na Tiên thì chúng ta sẽ hiểu rõ mà không bị mâu thuẫn :
…
“ Cũng vậy là một người sanh mạng chưa chấm dứt, sự sống vẫn còn, nhưng do tiều tụy héo mòn bởi phiền não, bởi nhiều sự tai hại, não hại mà ảnh hưởng đến thân và tâm. Nếu kẻ ấy không có đức tin, hoàn toàn đổ sụp tinh thần, hoàn toàn tuyệt vọng – thì tử thần có dễ dàng lê bánh xe của thần chết đến để nghiền nát sinh mệnh của người kia không, hở đại vương?
• Chắc chắn là vậy rồi!
• Nhưng trái lại, nếu người ấy có quy y, tinh thần được khởi động để có niềm tin nơi Tam bảo, tin vào oai lực kinh Paritta có thể ngăn ngừa được thần chết, nên không mỏi mệt tụng kinh Paritta – thì thần chết có làm được gì kẻ kia không, nếu thọ mạng và sự sống ông ta hãy còn?
• Lúc ấy thì có thể thoát khỏi lưỡi hái của diêm chúa.
• Thế kinh Paritta lúc ấy có thật sự lợi ích không hở đại vương!
• Thật sự có lợi ích! …”
…
• Vâng! Nếu có người bệnh, bệnh không nặng lắm – nếu uống đúng thuốc, đúng liều lượng, biết kiêng cử thì bệnh sẽ lành chứ, đại vương?
• Vâng,
• Và khi ấy, thuốc ấy thật sự lợi ích chứ?
• Vâng!
• Một người khi có bệnh chút ít, tuổi thọ chưa chấm dứt, nếu người ấy có quy y Tam bảo, có đức tin vững chắc mà tụng kinh Paritta – thì có ngăn được tử thần không, đại vương?
• Có thể được! Vì có lòng tin nên kinh Paritta sẽ phát sanh năng lực!
• Thế là đại vương đã cùng chấp nhận quan điểm, là tụng kinh Paritta phát sanh năng lực rồi!
HIỂU ĐÚNG TÁC DỤNG CỦA BẢN KINH
Cho nên kinh Paritta có nghĩa là “kinh hộ trì an lành”! Hộ trì nghĩa là bảo vệ, che chở! Bảo vệ và che chở những người có đức tin, những người còn thọ mạng, nên ngăn chặn được tử thần không cho đến sớm! Chứ không phải kinh Paritta có năng lực bảo vệ và che chở những người không có đức tin, những người thọ mạng đã chấm dứt !
Những người có đức tin nơi Tam bảo, có đức tin vào năng lực kinh Paritta, tin về những đức lành của kinh Paritta; dốc lòng trì tụng kinh Paritta thì có thể tiêu trừ tất cả bệnh tật, tai ương, hoạn nạn; lại có công năng hộ trì an lành, ngăn ngừa được lưỡi hái của tử thần là điều chắc thật!
Kinh Paritta có người hộ trì được, có người không. Những người mà kinh Paritta không thể hộ trì được có ba lý do sau:
- Một là, do năng lực nghiệp ác cản trở.
- Hai là, do nhiều phiền não phát sanh ở trong tâm.
- Ba là, do người đọc tụng mà không có đức tin, không trì chí, không quyết tâm, chỉ tụng đọc vẹt nơi miệng!
Đây là truyền thống qua hàng ngàn năm của các nước Phật Giáo Nam Truyền, Khi đất nước hoặc một vùng nào đó có biến động như dịch bệnh, đói kém, thì phật tử sẽ thỉnh chư tăng tụng liên tục trong nhiều ngày, hoặc tự mình đọc tụng trong gia đình liên tục, hay mình có thể mở nghe kinh bằng các thiết bị phát thanh để chống lại các nạn thiên tai xảy đến cho mình và gia đình.
Theo Tạng Luận Adhidhamma thì khi niềm tin được củng cố, Đại Thiện Tâm sẽ phát triển, khi đó những Ác Nghiệp khó có cơ hội trổ sanh . Nên mới gọi là tự mình độ mình gọi là Pháp Hộ Trì Người Trì Pháp vậy !
HT Hộ Pháp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét