Lành thay, bây giờ, vào lúc này của con đường, hình thức thù thắng của công đức và điều kỳ diệu là cúng dường về tập hội-tiệc sâu xa ở mức độ bao la. Vì vậy, tôi sẽ giải thích:
- Tinh túy của tập hội-tiệc
- Nghĩa đen của tập hội-tiệc
- Phân loại tập hội-tiệc
- Phương pháp cử hành tập hội-tiệc
- Những lợi lạc của việc cử hành tập hội-tiệc
1. TINH TÚY CỦA TẬP HỘI-TIỆC:
Tinh túy là sự hoàn thiện hai tích lũy và sự đa dạng của các vật phẩm làm hài lòng và đem đến sự hoàn thành cho chư Tôn, đạo sư cùng với các anh chị em kim cương.
2. NGHĨA ĐEN CỦA TẬP HỘI-TIỆC:
Từ Gana trong Phạn ngữ được dịch sang Tạng ngữ là Tsok (tshogs) [và sang Việt ngữ là tập hội][2]. Nó được gọi là một tập hội bởi nó bao gồm những phẩm vật của phương tiện thiện xảo và trí tuệ được sắp xếp như là một tập hội phong phú về đồ ăn, thức uống và những thứ làm hài lòng giác quan.
3. PHÂN LOẠI TẬP HỘI-TIỆC:
Nếu phân chia thì có tiệc:
a) bên ngoài,
b) bên trong,
c) bí mật và
d) chân như.
a) Tiệc Bên Ngoài:
Bên ngoài, mặt đất vàng vĩ đại và bốn lục địa, Núi Tu Di và các hồ nước của sự thích thú[3] được sắp xếp một cách tự nhiên thành chỗ chứa tiệc và những vật phẩm tiệc. Từ vô thủy, mọi hữu tình chúng sinh sống trong vũ trụ này[4] vốn đã tự nhiên hiện hữu là những món trang hoàng tiệc. Đây là cúng dường tiệc bên ngoài tuyệt vời của vũ trụ tự nhiên tồn tại, cả hữu tình và vô tình. Nó được dâng cúng trong sự tự nhiên không giả tạo vĩ đại lên tập hội chư đạo sư, Bổn tôn và Không Hành Nữ và nó tạo thành tiệc bên ngoài.
b) Tiệc Bên Trong:
Ở cấp độ bên trong, trong nhiều vật phẩm hiện hữu, những thứ thuộc về phương tiện thiện xảo là thức ăn rắn; những thứ thuộc về trí tuệ là đồ uống lỏng; những thứ bất nhị là cả đồ ăn và thức uống cùng nhau và v.v. Về tinh túy, tiệc bên trong là sự gia trì của bất cứ điều làm hài lòng giác quan nào được tập hợp để chúng trở thành những món cúng dường.
c) Tiệc Bí Mật:
Về bí mật, sử dụng thân của chính mình, trong chỗ chứa tiệc – [tức] da – sự kết hợp của thịt, máu, các giác quan và mọi cơ quan khác (tức mọi thứ khác) được thánh hóa để trở thành cam lồ của trí tuệ nguyên sơ. Được gia trì như vậy, (cam lồ của trí tuệ nguyên sơ) này được cúng dường như là tiệc bí mật.
d) Tiệc Chân Như:
Ở cấp độ chân như, chỗ chứa tiệc là cõi bao la của giác tính tự nhiên, không tạo tác, không bờ bến, không hạn chế và bao trùm khắp. Trong đó có sự hiển bày mãnh liệt không thể nghĩ bàn của các quan niệm – suy nghĩ, thức, tâm, nhận thức giác quan, những vận động vi tế và thô lậu của ý nghĩ tốt và xấu. Chúng được gia trì để trở thành tiệc của giác tính tự nhiên, trí tuệ tự nhiên và giải thoát tự nhiên. Trong trạng thái nguyên sơ tự nhiên này, thoát khỏi bất cứ thứ gì được cúng dường và bất kỳ ai dâng cúng, sự nhận ra vạn pháp như chúng là tạo thành cúng dường tiệc chân như rốt ráo chân chính.
Tóm lại, con cần hiểu một cách đúng đắn rằng mọi thứ không ngoại lệ – sự xuất hiện và tồn tại, bên ngoài và bên trong, vật chứa và [thứ] được chứa đựng – về bản chất chính là tiệc.
4. PHƯƠNG PHÁP CỬ HÀNH TẬP HỘI-TIỆC:
Với những khác biệt này trong tâm, sau đây là phương pháp tiến hành thực hành thực sự về cúng dường tiệc bên trong. Nhìn chung, trong tất cả những điều làm hài lòng giác quan – hình ảnh, âm thanh, mùi vị, hương vị và v.v. – không có gì không thể là một vật phẩm tiệc. Đặc biệt, hãy sắp xếp bất cứ thứ gì con có thể tập hợp được về những vật phẩm tiệc, chẳng hạn thức ăn mà bản tính là phương tiện thiện xảo và đồ uống mà bản tính là trí tuệ. Nhờ sự hiển bày trí tuệ của lửa, nước và gió (ba chủng tự Ram, Kham và Yam), mọi thứ bất tịnh – tập hội của những thiếu sót, tức là những hình tướng mê lầm ở cấp độ tương đối – được tịnh hóa. Nhờ ánh sáng phóng ra từ các chủng tự gốc của sự hiển bày trí tuệ của tam thân (Om, Ah và Hum), những vật phẩm tiệc được gia trì trở thành cam lồ của đại lạc vô cấu nhiễm, một kho tàng hoàn thành mọi mong ước và ham muốn. Sau đấy, hãy cúng dường (chính cam lồ) này lên tập hội chư Tôn của đàn tràng trong hư không phía trên, dưới dạng của những vật phẩm cúng dường[5]; hãy hiến dâng nó cho chư Hộ Pháp và những vị bảo vệ như là sự cúng dường viên thành của bất cứ điều gì chư vị mong muốn; hãy thọ dụng nó cùng với tất cả các anh chị em kim cương như là phẩm vật của sự thành tựu và thệ nguyện (Samaya); và trao nó, như là phần thừa của mệnh lệnh[6], cho tập hội những vị bảo vệ địa phương và Không Hành Nữ và v.v.[7]. Như thế, hãy cúng dường và/hoặc trao bất cứ điều gì thích hợp cho những vị khách ở mỗi một cấp độ[8]. Khi dâng cúng dường lên những cấp độ khác nhau này, từ trong trạng thái định của sự hiển bày trí tuệ nguyên sơ, thứ chẳng bị vấy bẩn bởi các ý nghĩ kiêu ngạo, thanh thế, mong mỏi, keo kiệt, hy vọng và sợ hãi, con cần cúng dường một cách thanh tịnh – với nhận thức thanh tịnh, lòng sùng mộ, bi mẫn và ý định cao cấp nhất.
Về các vật phẩm tiệc, đôi lúc, khi con sở hữu thứ gì đó để dâng cúng, hãy sắp xếp tiệc gồm bất cứ thứ gì làm hài lòng các giác quan có thể được tận hưởng, không có bất kỳ sự keo kiệt hay tham luyến nào. Đôi lúc, khi con chẳng có gì để cúng dường, chỉ sử dụng nước thôi cũng được. Nếu con biết cách chuyển hóa những vật phẩm nhờ sức mạnh của động cơ cao nhất và nhờ sức mạnh của định thì – bởi không có dù chỉ một hạt vi trần nào mà không thể tạo thành cúng dường tiệc – bất cứ thứ gì xuất hiện có thể được cúng dường từ trong trạng thái của sự hiển bày trí tuệ vĩ đại của Pháp tính. Trong lúc thọ dụng bất kỳ kiểu thức ăn hay đồ uống nào, bất kể đó là gì, hãy quán tưởng nó như một tập hội tiệc của các thành tựu[9] và thấy rằng các uẩn, giới và căn của con[10] được tự nhiên viên thành như là đàn tràng của những Đấng Chiến Thắng. Các hình tướng và bản tính của những kinh mạch tĩnh, khí chuyển động và tinh túy được sắp xếp[11], từ nguyên sơ và một cách tự nhiên, hiện hữu như là các địa điểm, địa điểm cao hơn, cõi, cõi cao hơn và v.v.[12]. Hai mươi tư thánh địa bên ngoài cũng hiện hữu bên trong, trong thân kim cương, trên trán và v.v. Chư Không Hành và những vị phối ngẫu cư ngụ tại các thánh địa bên ngoài, chẳng hạn Kim Cương Tịnh Quang[13], cũng tự nhiên hiện hữu bên trong là các kinh mạch, nội khí và tinh túy[14] của kinh mạch của sự trưởng dưỡng[15] và v.v. Mọi Mật điển cũng tuyên bố rằng: Nếu, chỉ trong một khoảnh khắc, trong lúc giữ định của các du già[16], bên trong, con dâng cúng tiệc lên thân mình[17], con sẽ đồng thời đạt được công đức của việc cử hành tập hội-tiệc cho tất cả tập hội chư Không Hành nam và nữ của hai mươi tư thánh địa bên ngoài.
Hơn thế nữa, theo Tối Thượng Thừa, Đại Viên Mãn: Trong cõi của phạm vi ánh sáng trong tim có ba mươi sáu vị Phật an bình; trong cung điện của sọ trên đầu là năm mươi tám Heruka phẫn nộ; trong mạng lưới của luân xa (cakra) khẩu là tập hội chư Tôn của Không Hành Nữ trì giữ-giác tính; và trong các luân xa chính yếu tại sáu trung tâm là những Thế Tôn của sáu cõi v.v. Như thế, tất cả tập hội chư Tôn an bình và phẫn nộ chính là đàn tràng của những Đấng Chiến Thắng tại các điểm trọng yếu trên thân. Hơn thế nữa, người ta nói rằng thậm chí những lỗ chân lông của thân cũng là các cung điện mà trong đó vô số Không Hành Nữ cư ngụ. Bởi vậy, điều quan trọng là hiểu điểm then chốt rằng mọi thức ăn và đồ uống về bản chất là tập hội-tiệc.
Nói ngắn gọn, tập hội-tiệc gồm các vật phẩm được sắp xếp được cúng dường lên chư đạo sư, Bổn tôn, Không Hành Nữ, Hộ Pháp và anh chị em kim cương nói chung. Bằng cách giữ những điểm then chốt về định, tập hội-tiệc các uẩn của huyễn thân được trao tặng đặc biệt cho chư thiên và ma quỷ của thế giới hữu tình và vô tình, bởi nó trở thành đối tượng trao tặng cho [chư thiên] phía trên, [chúng sinh] ở giữa và [tinh linh] phía dưới[18]. Tập hội-tiệc thông thường của thức ăn và đồ uống, thứ không có được nhờ sinh kế sai lầm hay quản lý sai ngân quỹ tâm linh[19], được cúng dường đặc biệt cho thân vật lý, đàn tràng của những Đấng Chiến Thắng. Ở cấp độ rốt ráo, trong khi mọi thứ tự nhiên khởi lên và được tự nhiên giải thoát, tiệc Pháp tính của bất cứ thứ gì xuất hiện được cúng dường từ trong sự thanh tịnh nguyên sơ của bản tính tâm, thoát khỏi mê lầm và ám ảnh nhị nguyên, và vượt khỏi mọi phủ định và khẳng định, chấp nhận và từ bỏ. Nói ngắn gọn, điều này tạo thành tập hội-tiệc chân chính.
5. NHỮNG LỢI LẠC CỦA VIỆC CỬ HÀNH TẬP HỘI-TIỆC:
Sau đây là mục đích và lợi lạc của việc cử hành tập hội-tiệc: Mật điển Viên Mãn Tự Sinh[20] của Thượng Thừa tuyên bố rằng:
‘Sau đây là những phẩm tính của việc cử hành tập hội-tiệc:
Các che chướng của vô số đời quá khứ và tương lai
Sẽ đều được tịnh hóa chỉ trong một khoảnh khắc trước sự hiện diện của chư Tôn an – nộ.
Bất kể con sinh ra ở đâu trong các đời tương lai
Con sẽ không bao giờ thiếu những nhu yếu phẩm,
Pháp luân sẽ không bao giờ ngừng xoay chuyển [vì con]
Và con sẽ luôn luôn có được của cải [dồi dào], niềm thích thú,
Chất bổ dưỡng và đồ dùng cá nhân.
Đây là những lợi lạc tạm thời.
Cũng có các phẩm tính cao hơn mà con sẽ nhận được:
Trong trung ấm, con sẽ nhận ra nhận thức là trí tuệ[21].
Được giải thoát ở đó, con sẽ duy trì trên nền tảng bất biến,
Gửi những hóa hiện khắp tam thiên đại thiên thế giới,
Để làm lợi lạc chúng sinh.
Các phẩm tính như vậy, con sẽ đều đạt được!’
Vì vậy, về tinh túy, các phẩm tính của việc cử hành tập hội-tiệc là vô lượng. Nhờ đó, con sẽ hoàn thiện những hoạt động tức tai, tăng ích, kính ái và điều phục. Con sẽ phục hồi mọi suy yếu và phá vỡ thệ nguyện (samaya). Con sẽ làm hài lòng và thỏa mãn chư Bổn tôn, đạo sư, những vị bảo vệ bị trói buộc bởi lời thề cũng như các anh chị em kim cương. Mọi hoàn cảnh bất lợi và không mong muốn sẽ được tiêu trừ. Con sẽ hoàn thiện hai sự tích lũy công đức và trí tuệ. Con sẽ đồng thời hoàn thành các thành tựu (siddhi) thù thắng và thông thường. Nhờ đó, con sẽ đạt được những lợi lạc bao la đến mức chẳng thể miêu tả. Bởi đây là nghi lễ đặc biệt, sâu xa, điều kiện và phương pháp của Chân ngôn Bí mật, Kim Cương thừa vô song, Ta thúc giục các con nỗ lực liên tục với sự tinh tấn!
Sự giải thích cô đọng này về tập hội-tiệc được biên soạn theo thỉnh cầu của vị trì giữ giác tính và Chân ngôn, Rabdze Kure Gochang (Karpowa Kunga Tendzin)[22]. Cầu mong tác phẩm này làm lợi lạc chúng sinh! Có thể tìm được những giáo lý chi tiết hơn nhiều trong các Mật điển liên quan đến sự sắp xếp tập hội-tiệc và cách tiến hành thực hành và khi mà có thể nói thêm về chúng, trong thời đại suy đồi hiện nay, hiếm khi tìm được ai đó có khả năng tận dụng chúng. Thậm chí nếu những giải thích như vậy được ban, đó đơn giản là một sự lãng phí nỗ lực và vì lý do này, Ta nghĩ rằng điều Ta giải thích ở đây là đủ. Thiện lành, thiện lành, thiện lành!
Lhasey Lotsawa chuyển dịch Tạng-Anh năm 2016 (Stefan Mang dịch; Libby Hogg hiệu đính). Vô cùng tri ân Khenpo Lodro Rabsel, Lama Rigdzin Zangpo, Drupchen Dorje và Han Kop vì đã từ bi cung cấp những gợi ý và làm sáng tỏ.
Nguồn Anh ngữ: https://www.lotsawahouse.org/tibetan-masters/tsele-natsok-rangdrol/tsok-explanation.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
[1] Theo Rigpawiki, Tsele Natsok Rangdrol (sinh năm 1608) chào đời ở gần biên giới các tỉnh Kongpo và Dakpo của Tây Tạng. Ngài được công nhận là vị tái sinh trực tiếp của Đức Tenzin Dorje (1535-1605?) và cũng là tái sinh của Tổ Gotsangpa, một đạo sư vĩ đại của truyền thừa Drukpa Kagyu, hóa hiện của Đức Milarepa. Thời trẻ, Ngài đã tu học với Pawo Rinpoche thứ ba và Terton Jatson Nyingpo nổi tiếng cũng như nhiều đạo sư vĩ đại khác của truyền thừa Kagyu và Nyingma.
Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro và Dilgo Khyentse Rinpoche khuyến khích việc nghiên cứu các trước tác của Ngài, bởi chúng đặc biệt thích hợp với chúng sinh thời nay.
[2] Từ tshogs trong tiếng Tạng nghĩa đen là tập hợp/tập hội và có thể được dùng như là danh từ và động từ trong Tạng ngữ. Do đó, nó có thể nghĩa là một tập hội hay tập hợp [lại]. Ở đây, tác giả chơi chữ ý nghĩa của từ này: Nhờ tập hợp và cúng dường các vật phẩm tiệc, chúng ta tập hợp và hoàn thiện hai sự tích lũy. Hơn thế nữa, trong những giáo lý về tập hội-tiệc có đề cập đến bốn tập hội của (1) hành giả, (2) vật phẩm cúng dường; (3) chư Tôn và (4) công đức và trí tuệ. Thuật ngữ tiếng Tạng cũng ám chỉ đến sự cúng dường các vật phẩm được tập hợp và do đó, có lẽ tốt nhất được dịch thành tiệc. Vì thế, tùy thuộc vào hoàn cảnh, bản dịch Anh ngữ/Việt ngữ dịch từ tshogs thành tập hội, tiệc hay tập hội-tiệc.
[3] Đây là miêu tả mang tính truyền thống về vũ trụ, trong đó, Núi Tu Di khổng lồ nằm ở trung tâm của vũ trụ trên đế vàng, vây quanh là bảy hồ của những niềm hỷ lạc và các lục địa khác nhau.
[4] Tức là thế giới vừa được miêu tả phía trên.
[5] Bởi những vị khách được mời – chư đạo sư, Bổn tôn và Không Hành Nữ – là các đối tượng của sự thờ cúng và kính trọng, người ta quán tưởng chư vị trong không gian trước mặt và phía trên.
[6] Chư vị bảo vệ trước kia bị trói buộc bởi lời thề và được ra lệnh phụng sự những hành giả Giáo Pháp. Đạo sư giác ngộ, vị trói buộc họ, hứa rằng nếu tuân theo mệnh lệnh này, họ sẽ nhận được phần thừa của tiệc. Bây giờ, mỗi lần cử hành tập hội-tiệc, chúng ta hoàn thành lời hứa đó: Nếu chư vị bảo vệ tuân theo mệnh lệnh và hành xử đúng theo Giáo Pháp, họ sẽ luôn luôn nhận được phần thừa.
[7] Trong những dòng phía trên, Đức Tsele Natsok Rangdrol đưa ra danh sách về cách mà những sự cúng dường được dâng lên. Danh sách kết thúc bằng “và v.v.” – điều chỉ ra rằng, trong nhiều hoạt động có thể, chỉ một số được nhắc đến ở đây.
[8] “Ở mỗi một cấp độ” ám chỉ rằng, tùy thuộc vào tập hội tương ứng, tiệc hoặc được cúng dường (như với những vị khách phía trên, được thỉnh mời vì sự kính trọng) hay được trao cho (như với những vị bảo vệ địa phương và Không Hành Nữ). Ở mỗi cấp độ liên quan đến bốn kiểu khách mời, Ngài Dodrupchen Jigme Tenpe Nyima giải thích rằng:
“1. Chư vị hiếm có và thù thắng, những ‘Bảo’, các vị khách được thỉnh mời vì sự kính trọng, bao gồm chư Phật Pháp thân, Báo thân và Hóa thân, cũng như Giáo Pháp, Tăng đoàn và tất cả chư đạo sư, Bổn tôn, Không Hành Nữ và v.v. Tất cả đều xuất hiện sống động phía trên, giống như những chòm sao trên bầu trời.
2. Chư vị bảo vệ, những vị khách được thỉnh mời vì các phẩm tính, là tám Mahadeva, tám đại Naga, tám đại Rahu, bốn đại vương, chín vị đáng kinh sợ vĩ đại, mười vị bảo vệ của các phương, hai mươi tám tinh tú và bảy mươi lăm vị bảo vệ vinh quang của các chốn thanh tịnh, cùng với đoàn tùy tùng, những vị phục vụ, phục vụ của phục vụ và gia đình, cùng mọi thế lực tiêu cực, chư thần và các vị bảo vệ bản địa. Tất cả vân tập như những đám mây cuồn cuộn trên bầu trời.
3. Sáu loài chúng sinh, những vị khách được thỉnh mời vì lòng bi, bao gồm chư thiên, con người, bán thiên [A-tu-la], súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục và v.v. tất cả vân tập cùng nhau như sương mù dày đặc trong không gian.
4. Các thế lực gây chướng, những khách mời mà chúng ta mang món nợ nghiệp, bao gồm mọi chủ nợ nghiệp, chẳng hạn 80.000 kiểu thế lực gây chướng, dẫn đầu là Vinayaka [Tỳ-na-dạ-ca], vua của những kẻ gây chướng ngại, cũng như mười lăm đại Don – những kẻ tấn công trẻ con và Hariti với năm trăm đứa con của bà ấy. Tất cả vân tập trên mặt đất, như thể một đám đông con người và chư thiên vân tập ở đó”.
[9] Tức là tập trung vào tập hội-tiệc, như được giải thích ở trên, là cam lồ trí tuệ bất tử vĩ đại (theo sự làm sáng tỏ bằng lời nói của Khenpo Lodro Rabsel).
[10] Tức skandha, dhatu và ayatana.
[11] Tức là nadi, prana di chuyển và bindu chưa được tịnh hóa (theo sự làm sáng tỏ bằng lời nói của Khenpo Lodro Rabsel).
[12] Ở đây, Đức Tsele Natsok Rangdrol liệt kê những loại mà hai mươi tư thánh địa được phân thành: các địa điểm (pitha), địa điểm cao hơn (upapitha), cõi (ksetra), cõi cao hơn (upaksetra), v.v.
[13] Tịnh Quang Kim Cương (Tạng: rdo rje ‘od ldan) là tên của một trong những bộ Không Hành nam và nữ an trú trong thân (theo sự làm sáng tỏ bằng lời nói của Khenpo Lodro Rabsel).
[14] Tức là nadi, prana và bindu được tịnh hóa.
[15] Kinh mạch của sự trưởng dưỡng (Tạng: rtsa sgom pa) là tên được trao cho một trong những kinh mạch chính trong thân (theo sự làm sáng tỏ bằng lời nói của Khenpo Lodro Rabsel).
[16] Điều này liên quan đến những du già của giai đoạn phát triển (Tạng: bskyed rim) và giai đoạn hoàn thiện (Tạng: rdzogs rim) (theo sự làm sáng tỏ bằng lời nói của Khenpo Lodro Rabsel).
[17] Tức là các địa điểm linh thiêng trong thân chúng ta và chư Tôn an trú trong đó (theo sự làm sáng tỏ bằng lời nói của Khenpo Lodro Rabsel).
[18] Tức là bằng cách nhận ra thân giống như ảo ảnh, hành giả chuyển hóa thân thành món cúng dường, thứ được trao cho chư thiên và ma quỷ. Điều này tương tự với thực hành Chod (Tạng: gcod). Không giống Tam Bảo, chư thiên và ma quỷ không phải là đối tượng của sự thờ cúng và kính trọng và vì thế, thân hành giả được trao như là ‘sự quyên tặng’ hay quà tặng, thay vì được cúng dường cho họ (theo sự làm sáng tỏ bằng lời nói của Khenpo Lodro Rabsel).
[19] Thức ăn hay đồ uống, thứ đạt được nhờ bất cứ kiểu hành động tiêu cực nào, không nên được cúng dường hay thọ dụng (theo sự làm sáng tỏ bằng lời nói của Khenpo Lodro Rabsel).
[20] Tạng: rdzogs pa rang byung gi rgyud. Mật điển với tựa đề Viên Mãn Tự Sinh là một trong mười tám Mật điển trong Phần Chỉ Dẫn Cốt Tủy (Tạng: man ngag sde) của giáo lý Đại Viên Mãn.
[21] Điều này liên quan đến năm khía cạnh của trí tuệ nguyên sơ: (1) Pháp Giới Thể Tính Trí, (2) Đại Viên Cảnh Trí; (3) Bình Đẳng Tính Trí; (4) Diệu Quan Sát Trí và (5) Thành Sở Tác Trí.
[22] Tạng: dkar po ba kun dga’ bstan ‘dzin. Thường được biết đến là Ngawang Kunga Tenzin (Tạng: ngag dbang kun dga’ bstan ‘dzin), Ngài là vị Khamtrul Rinpoche thứ ba (1680-1728).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét