Có người nói rằng, nếu bạn muốn xem một cá nhân có ưu tú hay không, hãy cứ nhìn họ làm gì trong lúc nhàn rỗi. Thật ra câu nói này hoàn toàn có căn cứ.
Trên đời này có những người thật sự luôn bận rộn, họ thường tận dụng khoảng thời gian rảnh của mình để đọc sách, nghiên cứu hoặc sáng tác. Nhưng cũng có người cả ngày không làm gì cả, và thật ra họ đang lãng phí thời gian của chính mình.
Nhàn rỗi không phải phúc khí của một người. Mà ngược lại, phương thức nhanh nhất để hủy hoại một người chính là để họ nhàn rỗi.
Tiểu thuyết gia Roman Rowland từng nói: “Gánh nặng lớn nhất trong cuộc sống không phải là công việc, mà là sự buồn chán”.
Nhàn rỗi biến chúng ta trở thành người vô dụng
Có một cô gái sau khi tốt nghiệp đại học xong, xin vào làm cho một công ty lớn với trình độ học vấn khá cao. Người này cứ nghĩ rằng, cuộc sống như vậy là yên ổn. Sau khi hoàn thành xong công tác của mình, cô về nhà chỉ thong thả xem phim truyền hình.
Trong khi đó, một đồng nghiệp khác bên cạnh cô ấy vẫn rất bận bịu nghiên cứu và học tập sau giờ làm việc, cô ấy thường cười chế nhạo người đó, cho rằng trình độ học vấn của người khác không bằng mình, dù có nỗ lực đến đâu cũng chẳng có ích gì.
Nhưng dù công việc của họ đều như nhau, đều phải đi làm đúng giờ mỗi ngày, giải quyết công việc cũng tương tự nhau, nhưng chỉ khi đến cuối ngày, mới có thể phát hiện tài năng của ai là biểu lộ rõ.
Thế là sau 5 năm, dưới sức ảnh hưởng của hoàn cảnh nghề nghiệp, công ty đang phải đối mặt với những cải cách và cần sa thải nhân viên. Cô ấy mặc dù có trình độ học vấn cao nhưng lại bất ngờ nằm trong danh sách đó.
Lúc ấy mới phát hiện rằng, đối mặt với lớp thế hệ trẻ, thể lực và trí lực của mình thôi chưa đủ, mà kinh nghiệm tích lũy qua hàng mấy năm mới là cốt lõi.
Mặc dù đã tốt nghiệp xong 8 năm, nhưng cô ấy vẫn không có gì tiến bộ hơn so với khi mới tốt nghiệp, trong khi đó thế hệ trẻ ngày càng có rất nhiều nhân tài mới nổi lên. Do đó cô cũng gặp phải không ít những thử thách và trắc trở khi cạnh tranh với họ.
Thực ra cuộc sống cũng giống như đang chèo thuyền ngược dòng, nếu bạn không tiến lên thì ắt sẽ thụt lùi. Trong thế giới của những người tài giỏi và xuất chúng, bạn phải không ngừng nâng cao giá trị của chính mình.
Cảm giác ấm áp khi nằm trên giường sẽ không ấm áp bằng tương lai mai sau, câu chuyện trong sách luôn có những bài học cuộc sống mà bạn sẽ được học. Sự dễ dãi và tham lam chỉ khiến cho cuộc sống trở nên chai sạn.
Mọi người thường than thở rằng khủng hoảng tuổi trung niên đã khiến họ mất đi cảnh giác, nhưng trên thực tế, trước khi nó đột ngột xảy đến, bạn đã có vô số cơ hội để khủng hoảng không tìm đến bạn, nhưng có lẽ, chính vì bạn đã chọn lựa sự dễ dàng nên đã tạo cho nó cơ hội tấn công bạn.
Nhàn rỗi là điều đáng sợ nhất trong cuộc đời
Con người sống cần cố gắng để bản thân đạt đến trình độ cao nhất, sau đó lại càng không được để bản thân mình nhàn rỗi.
Nhà văn nổi tiếng Trung Quốc, Thẩm Tòng Văn từng nói: “Tôi sợ nhất cuộc đời là để mình nhàn rỗi và đánh mất ý nghĩa cuộc sống”.
Học trò của ông là Uông Tăng Kỳ từng mô tả Thẩm Tòng Văn trong một bài báo như sau: “Mùa đông trong nhà không có lửa để sưởi ấm nên ông đã quấn chăn bông quanh người và vẫn tiếp tục viết”.
Trong những năm cuối đời, ông cũng không muốn dành thời gian để nghỉ ngơi, mà đã biên soạn ra cuốn “Nghiên cứu về phục sức Trung Quốc cổ đại” do ông tham khảo từ một lượng lớn tài liệu và nghiên cứu nó.
Ông đã luôn viết trong khi những người khác đang hưởng thụ, và ông vẫn viết khi có ai đó chất vấn và chỉ trích ông.
Hãy để sự bận rộn trở thành trạng thái bình thường của cuộc sống, đó là cách duy nhất để bạn nhận ra giá trị của nó.
Người nhàn rỗi thì nhiều buồn bã, người lười biếng thì nhiều bệnh tật
“Không để mình nhàn rỗi” không phải là điều xấu như người ta vẫn thường nói, mà đó là một phần thưởng đến từ Trời cao.
Leo lên 10 bậc thang mà không tốn một hơi là điều khó làm được ngay cả với một thanh niên, nhưng cụ Lý Thiệu Lỗ 91 tuổi lại làm được điều đó. Bí quyết để ông giữ gìn sức khỏe cường tráng như thế chính là: đừng để mình nhàn rỗi.
Sáng nào ông cũng dậy từ 7 giờ, sau đó tập thể dục 1 tiếng, ăn sáng lúc 8 giờ, đi dạo và quay về đọc báo lúc 9h30, nghe nhạc vào buổi chiều, luyện thư pháp, tiếp tục tập thể dục trong 1 giờ nữa, và sau đó là dành thời gian để giúp vợ việc nhà.
Có câu: “Người nhàn rỗi nhiều buồn bã, người lười biếng nhiều bệnh tật, người bận rộn thế mới vui!”.
Thực sự là như vậy, khi một người nhàn rỗi, tinh thần và thể chất của người đó sẽ như bị tra tấn và dày vò. Con người trong lúc nhàn rỗi có thể dễ dàng suy nghĩ tiêu cực và đổ lỗi cho bản thân; còn sự lười biếng về thể chất cũng sẽ khiến sức khỏe chúng ta ngày càng sa sút và tự dằn vặt chính mình.
Ngược lại, bận rộn lại là một liều thuốc quý trên thế gian, từ trước tới nay bận rộn luôn là khởi đầu cho một cuộc sống năng động.
Nhà văn Nhật Bản Kazuo Ishiguro từng nói: “Khi tôi nhìn lại cuộc đời mình khi tuổi già và thấy rằng, mình đã dành cả đời để ghi lại những vẻ đẹp độc đáo của thế giới, tôi tin rằng mình hài lòng với nó và không ai có thể khiến tôi nghĩ rằng mình đã lãng phí khoảng thời gian đó”.
Còn có câu chuyện về một nhóm cụ già ở Đài Loan với độ tuổi trung bình là 81 tuổi, đi xe máy vòng quanh Đài Loan đã khiến nhiều người xúc động.
Họ đã khởi hành cùng nhau từ bắc tới nam, từ sáng đến tối, vòng quanh hòn đảo trong 13 ngày. Hai người trong số họ bị ung thư, bốn người cần máy trợ thính, tám người bị bệnh tim và mỗi người đều bị thoái hóa khớp.
Thực ra những gì họ làm đều không hề liên quan đến tuổi tác, họ có thể chọn cách sống khi cuối đời là ở yên trong bệnh viện, hay dũng cảm bước ra ngoài cũng là một cách.
Cuộc sống vốn dĩ luôn bộn bề khó khăn, nhưng dù vất vả thế nào thì nếu có kiếp sau, nhiều người vẫn sẽ chọn cách sống tràn trề năng lượng như vậy, vì chỉ có thế bạn mới nhận ra giá trị thật sự của cuộc sống.
Cuộc sống quá nhàn rỗi thực sự là một thảm họa
Nhà văn người Áo, Stefan Zweig từng nói: “Mỗi một món quà do số phận trao tặng đều có giá trị ẩn giấu sau nó”.
Có một người đàn ông ở Anh, anh ta từ một người công nhân đổ rác nghèo bỗng trở thành một triệu phú, bởi anh ta may mắn trúng một giải thưởng.
Sau đó anh ta đã bỏ việc, tiêu xài hoang phí để mua xe sang, sử dụng ma túy, mại dâm và cờ bạc.
Chỉ trong vòng 7 năm, anh ta tiêu mất 9,7 triệu bảng Anh và trở thành một kẻ bần cùng, cả vợ và con gái cũng đều bỏ rơi anh ta.
Rõ ràng vật chất chỉ có thể thỏa mãn niềm hạnh phúc nhất thời của một người, khi con người sống trong những lạc thú và buông thả, sẽ rất khó để họ nhận ra niềm hạnh phúc chân thật từ con tim.
Bởi khi nhàn rỗi, bạn có thể sẽ cảm nhận được niềm vui trong một khoảng thời gian, nhưng sự trống trải này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, đến một ngày nào đó nó sẽ khiến bạn cảm thấy nhàm chán.
Bận rộn có thể rất mệt mỏi. Nhưng nếu bạn biết cách sắp xếp và chia thời gian thành nhiều phần nhỏ, điều đó có thể sẽ cho phép bạn đạt được nhiều thứ, chẳng hạn như sự giàu có, hạnh phúc và viên mãn bên trong tâm hồn.
Trong hàng chục năm cuộc đời, chúng ta nên để lại một cái gì đó cho thế giới này. Đừng bao giờ coi “sự nhàn rỗi” như một món quà trời cho, những thứ khiến bạn thích thú, vui sướng một ngày nào đó nó sẽ hủy hoại bạn.
Tất nhiên, quá bận hoặc quá nhàn rỗi đều không nên, trong bận có được sự nhàn rỗi, trong nhàn rỗi có được sự bận rộn, có việc gì đó để làm, có người để yêu thương, có điều gì đó để mong đợi, ấy chính là trạng thái trọn vẹn nhất của cuộc đời.
Khi bạn bắt đầu hiểu được cách trân trọng thời gian, biết tận dụng thời gian và sắp xếp thời gian một cách hợp lý, nghĩa là bạn đang kéo dài tuổi thọ của chính mình, nâng cao giá trị của cuộc sống.
Cái gọi là sống hết mình đó chính là chúng ta không bao giờ buông xuôi mọi giai đoạn của cuộc đời.
Chúc Di (Theo zhuanlan)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét