Thưa thầy, vấn đề ái dục thường là một khó khăn rất lớn cho người mới tu tập, còn trẻ hay kể cả đứng tuổi khi bước vào cuộc sống xuất gia. Vậy làm sao con có thể nhìn nó với một cái nhìn trong sáng, hồn nhiên và lặng lẽ để không khởi cái tâm tham dục lên ạ? Bởi chỉ khi nhìn một cô gái từ xa, tất cả ý nghĩ đã nảy sinh lên rồi, Thầy hiểu ý con không ạ?
Hay những mối tình trước đây của mình, rồi những lúc mặn nồng nữa ạ, dù rằng không tác ý tới nó, nhưng vô tình nó vẫn sẽ sinh lên ạ, con biết rằng có sinh rồi sẽ có diệt, nhưng bình thường khi nó sinh lên, nó sẽ cuốn mình đi theo nó, bởi sức mạnh vô địch của nó, và rồi, nếu lầm lỗi mình sẽ sa ngã, không giữ được giới hạnh, và đôi khi sẽ xả y áo trở về thế tục. Và phải chăng nó lại là bài học của mình để thấy ra ạ?
Đạo Phật là nơi có đích đến, mà người tu hành không được buông lung phóng dật trên con đường đi đó. Vậy con mong Thầy chỉ dạy cho con cũng như mọi người những người đang tu, những người sẽ đi tu một con đường để đến với đích đoạn diệt được tham ái với sự trải nghiệm riêng của Thầy ạ.
Con thành kính tri ân Thầy, Người soi sáng cho con đường con đang đi.
Con thành kính cám ơn Thầy.
Trả lời:
Đức Phật đã dạy muốn thoát khỏi điều gì thì phải thực chứng sự thật của nó, tức là thực thấy sự sinh, sự diệt, vị ngọt và sự nguy hại của nó, chứ không phải chỉ nghĩ về nó mà lo sợ. Vậy thì chỉ khi nào thấy, biết, hiện quán và thực chứng bản chất thật của sự khổ (trong điều gì) thì con mới thoát được tham ái (trong điều đó). Người ta thường nói chưa thấy quan tài chưa đổ lệ chính là với nghĩa này. Sở dĩ con phân vân chọn lựa là vì con vẫn muốn chọn một giải pháp an toàn, nói trắng ra là con sợ khổ và muốn tránh khổ trong khi sự thật là phải thân chứng chân lý này (khổ đế) mới thoát được tham ái.
Thầy thấy tất cả chọn lựa đều giống nhau, cụ thể như nếu con lấy vợ thì sẽ khổ vì tham ái, mà con xuất gia cũng đụng phải cái khổ vì tham ái giống nhau mà thôi. Trừ phi trong cả hai cái khổ con đều thấy, biết, hiện quán và thực chứng để thực thấy sự sinh, sự diệt, vị ngọt và sự nguy hại của nó thì con mới có thể thoát khỏi tham ái, còn dù con chọn bên nào chỉ vì muốn tránh khổ cho an toàn thì tuyệt đối không thể nào thoát khỏi khổ được. Giống như người nghiện rượu, nếu chưa thấy cái khổ sớm để bỏ thì chừng nào bị xơ gan mới chịu bỏ rượu. Người ta thường sợ khổ hơn là thấy ra bản chất thật của khổ nên muốn tránh khổ để tìm lạc, nhưng thực ra tránh cái khổ này thì gặp cái khổ khác mà thôi.