Đời không trả cát xê, vì sao bạn vẫn diễn? |
Tạp chí TIME của Mỹ số ra tuần này có một cuộc khảo sát về sự hạnh phúc của người Mỹ. Trong đó có 2 câu hỏi thăm dò như thế này: “Bạn có tin rằng trên mạng xã hội, những người khác làm cho họ có vẻ hạnh phúc hơn, hấp dẫn hơn và thành công hơn chính họ trong thực tế hay không?”. Với câu này, phần lớn chọn “Có”, với 76%.
Câu thứ 2: “Bạn có tin rằng hình ảnh trên mạng xã hội của mình phản ánh đúng bản thân bạn?”.Lại cũng phần lớn chọn “Có” – với 78%.
Nghĩa là người khác hầu như ai cũng “diễn” để tỏ ra vui vẻ, hạnh phúc, thành đạt. Còn bản thân tôi thì không hề diễn tý nào, tôi chỉ sống đúng với bản thân. Thế là sao? Rốt cục thì ai là người diễn ở đây, bởi bạn chính là “người khác” trong mắt người khác chứ còn ai nữa? Hai câu trả lời tạo ra một mâu thuẫn: có nhiều người bị coi là đang diễn nhưng họ lại không nghĩ thế.
“Đời không trả cát xê nên không cần phải diễn”
Và mâu thuẫn ấy chỉ có thể lý giải bằng giả thiết: thật ra có rất nhiều người trong số chúng ta đang “diễn” mà không biết rằng mình đang diễn, vẫn nuôi niềm tin rằng mình là một người hoàn toàn trung thực và không có nhu cầu tô vẽ cuộc đời bản thân.
Facebook, Twitter hay đời sống mạng nói chung cho chúng ta cơ hội được thể hiện con người của mình một cách dễ dàng và rộng rãi hơn. Cũng vì thế mà nó tạo ra sự giả tạo của những kẻ bất lực không thể tạo ra giá trị trong đời sống thật nên phải tô vẽ đời sống ảo, thèm khát được người khác tôn trọng bằng việc “diễn”.
Nhưng cũng có người rơi vào trạng thái diễn một cách rất vô thức, vì áp lực của mạng xã hội. Những người đang dõi theo bạn, có người hiểu câu chuyện này, có người sẽ hiểu nó sang câu chuyện kia, có người xứng đáng để bạn chia sẻ những điều thật thà, có những người không, và tất nhiên là không phải ai cũng thông cảm hoặc là chia sẻ nếu bạn phô bày ra con người thật của mình.
Đời không trả cát xê nên không cần phải diễn, nhưng nhiều khi không diễn cũng rất khó sống. Nó nhiều khi không phải là kết quả của một sự ham thích thể hiện, tỏ vẻ ta đây một cách có chủ ý gì đâu, đơn giản là thay vì nội tâm phức tạp (tạo ra hệ lụy phức tạp) thì ta cứ vẽ đại lên một bức tranh lung linh, hiền hòa, đẹp đẽ để chiều thị hiếu của thiên hạ.
Cuộc sống trên facebook cũng phản ánh cả cuộc sống thật. Ra đời cũng thế thôi, rất nhiều người vô thức chọn mang một thứ tính cách “dĩ hòa vi quý” lúc nào cũng cười hiền hoặc cười hề hề, lúc nào cũng thể hiện ra rằng tôi đang hoàn toàn hài lòng với cuộc sống của mình để trốn tránh dư luận từ cơ quan, cấp trên, bạn bè hay là… gia đình nhà vợ. Mà đấy chỉ là ví dụ thôi nhé, việc “diễn” trong vô thức xảy ra rất thường xuyên, khi người ta nghĩ rằng mình đang sống một cuộc sống đúng đắn, hài hòa, phù hợp với ngoại cảnh mà không nghĩ rằng đó chẳng hề là con người thật của họ.
Câu hỏi của ngày hôm nay: bao nhiêu phần trăm cuộc sống của bạn là diễn, bạn có nhận ra điều đó không, và liệu có cách nào giảm tỷ lệ này xuống?
Đức Hoàng
(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả)./.