“Hơi thở của quỷ” đe dọa các "đệ tử" lẩu chay

Những ngày gần đây người dân tại Lâm Đồng tỏ ra vô cùng hoảng hốt hốt trước việc bốn tăng ni, phật tử tại tịnh xá Kỳ Quang (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) phải nhập viện trong tình trạng hết sức nguy kịch vì nghi vấn nhiễm độc loài cây được gọi là "Hơi thở của quỷ".
Ăn chưa dứt miệng đã nói lảm nhảm

Sự việc xảy ra tại Tịnh xá Kỳ Quangvào ngày 9/10 vừa qua. Theo đó, vào trưa cùng ngày, các tăng ni, phật tử trong tịnh xá Kỳ Quang tổ chức ăn lẩu chay, trong quá trình chuẩn bị bữa ăn, nhìn thấy cây dạng cây hoa loa kèn trồng trước cổng tịnh xá trổ bông vàng óng, trông rất bắt mắt, nên mọi người đã ra hái hơn 20 bông đem về rửa sạch rồi nhúng vào nổi lẩu cùng ăn.
Trong bữa ăn hôm đó có tất cả 6 người, nhưng chỉ có 4 người gồm nhà sư Lê Công Diễn (SN 1950), nhà sư Nguyễn Thành Công (SN 1991), phật tử Nguyễn Thành Phát (SN 1994) và phật tử Lê Văn Tây (SN 1950) mạnh dạn dám dùng thử, hai người còn lại thấy "hoa lạ" nên không ăn.
Thấy "hoa lạ" nhúng lẩu không những lạ miệng mà lại rất ngon nên 4 người đã ăn hết hơn 10 bông “hoa loa kèn”. Chỉ sau khi ăn được khoảng 10 phút, bốn tăng ni, phật tử bắt đầu loạng choạng và xuất hiện những triệu chứng mơ màng hoang tưởng.
Họ đứng lên, ngồi xuống một cách bất thường, nói năng lảm nhảm, không thể kiểm soát được các hành vi của mình. Hành động lạ của bốn người khiến các tăng ni, phật tử khác trong Tịnh xá Kỳ Quang hết sức hoảng sợ. 
Ngay lập tức những người “lỡ miệng” được đưa tới Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng cấp cứu, nhưng vẫn không có kết quả khả quan, mức độ ảo giác ngày càng trầm trọng hơn. Bốn người sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng trong tình trạng hết sức nguy kịch.
Bác sĩ Phan Thạch Khuê, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc cho biết, bốn bệnh nhân trên được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng vào khoảng 18h30 ngày 9/10 trong tình trạng hết sức nguy kịch. Khi nhập viện, tất cả đều trong tình trạng không kiểm soát được hành vi, la hét, nói năng lảm nhảm, khó tiểu, nhịp tim nhanh... do trúng một loại độc dược có khả năng gây ảo giác mạnh.



Một bệnh nhân bị ngộ độc hoa loa kèn
Trên khuôn mặt nhợt nhạt, vẫn chưa hết bàng hoàng, bệnh nhân Lê Công Diễn cho biết: "Ngay sau khi ăn xong bữa lẩu được ít phút, tôi cảm thấy mệt, khó thở, không tự chủ được và có cảm giác như đang bay bổng giữa không trung, đầu óc lâng lâng khó tả, nhưng sau đó thì không còn nhận biết được gì nữa".
“Trước đó tôi có ngắt cánh hoa nhai thử và thấy hơi ngăm ngăm đắng, nghĩ ăn được nên tôi mới hái làm thức ăn, thật tình tôi chỉ ăn vài bông cho vui, không ngờ lại trúng độc nặng đến vậy”, nhà sư Nguyễn Thành Công nói.
Từng có trường hợp chỉ ngửi “hoa lạ” cũng dính độc
Theo nhận định ban đầu của bác sỹ Phan Thạch Khuê, bốn tăng ni, phật tử có khả năng đã trúng phải một loại độc dược có trong “hoa loa kèn”.
Cách đây 2 năm bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng cũng đã cấp cứu một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mê sảng, ảo giác, không kiểm soát được hành vi. Trường hợp đó không ăn “hoa loa kèn”, mà chỉ thấy hoa đẹp nên ngửi. Do chỉ ngửi nên trúng độc nhẹ hơn bốn bệnh nhân lần này.
Đây không phải là các giống loa kèn đang trồng kinh tế trong các nhà vườn, mà là loại hoa loa kèn dại được mọc tự nhiên, nay trồng nhiều ở các tuyến đường trung tâm thành phố Đà Lạt.
Theo quan sát của phóng viên, loại hoa này được trồng khá nhiều tại vườn hoa Đà Lạt, dọc đường Trần Quốc Toản và phía sân golf Đà Lạt. Chủ yếu là Hoa loa kèn có màu vàng và trắng, cây hoa màu trắng có chiều cao khoảng 2 mét, cây hoa màu vàng thấp hơn, chiều cao từ 1 mét trở xuống.
Theo ông Lương Văn Dũng, Phó Trưởng khoa Sinh học, Đại học Đà Lạt, loại hoa loa kèn hiện đang được trồng phổ biến trên địa bàn TP. Đà Lạt và vùng phụ cận có đặc điểm rất giống với cây Borrachero (còn có tên gọi là “hơi thở của quỷ”) một loại cây dại mọc phổ biến ở Colombia, nhưng chưa thể khẳng định chúng là một.
“Hai cây có hình thức rất giống nhau nhưng vẫn chưa thể khẳng định được hợp chất trong cây hoa loa kèn ở Đà Lạt và cây Borrachero ở Colombia có tương đồng hay không. Bởi cùng một loài cây, ở hai môi trường tự nhiên khác nhau thì “chất” của chúng có thể sẽ khác nhau”, ông Dũng thận trọng nhận định.
Ở Colombia giới tội phạm đã dùng loại hoa được gọi là “hơi thở của quỷ” để chế ra một loại "độc dược đáng sợ nhất thế giới”.
Sự thật khủng khiếp về cây Borrachero bước đầu được hé lộ qua một cuốn phim tư liệu đã được nhiều hãng tin lớn trên thế giới như Reuters, CNN công bố vào năm 2012. Cuốn phim tiết lộ về loại thuốc thường dùng để xóa trí nhớ và làm mất ý thức tạm thời của nạn nhân được chiết xuất từ cây Borrachero.
Loại thuốc này có tên gọi là Scopolamine, được bào chế từ cây Borrachero hay còn gọi là “hơi thở của quỷ”, mọc phổ biến ở Bogota, Colombia.
Thứ dược liệu vô cùng nguy hiểm này không màu, không mùi và không vị nhưng lại có khả năng tạo ra “những giấc mơ kỳ lạ” cho con người khi hít phải. Người hít phải loại thuốc này có thể gây ra tình trạng hoang tưởng, ảo giác rất mạnh.

Theo: baophapluat.vn