10 điều thú vị ít biết về tiền giấy

Nữ hoàng Elizabeth II xuất hiện trên nhiều tờ tiền nhất, sở mật vụ Mỹ là cơ quan chống tiền giả là 2 trong số những điều thú vị về tiền giấy.
Hôm 21/4 vừa qua, chính phủ Mỹ chính thức cho ra mắt đồng 100 USD mới - một đồng tiền được thiết kế nhằm chống lại mọi hành vi sao chép kỹ thuật số hay làm giả. Đây có thể coi là một trong những bước tiến chưa từng có trong lịch sử tiền giấy của nhân loại.

Tuy nhiên, khi nhắc tới lịch sử của tiền giấy, từ đồng tiền cổ đầu tiên của Trung Quốc cho đến thời hiện đại, có rất nhiều điều thú vị về loại tiền đặc biệt này mà không phải ai cũng biết. Mới đây, tờ TIME đã cho công bố một loạt những sự thật về tiền giấy.
Dưới đây là 10 điều thú vị nhất về loại tiền được lưu hành rộng rãi nhất trong lịch sử loài có thể làm bạn ngạc nhiên.

1. Tiền giấy có kích thước lớn nhất

Xét về kích thước, đồng 100.000 peso được chính phủ Philippines phát hành trong năm 1998 được coi là đồng tiền lớn nhất so với tất cả các đồng tiền giấy hợp pháp được lưu hành cho đến nay. Với kích thước to bằng 1 tờ giấy A4, đồng tiền được phát hành để kỷ niệm 100 năm ngày Philippines thoát khỏi ách thống trị của thực dân Tây Ban Nha. Đồng tiền chỉ phát hành với số lượng hạn chế cho một số nhà sưu tập. Để mua được nó, người ta phải trả tới 180.000 peso, tương đương 3.700 USD.

2. Tờ tiền giấy hiếm nhất



Tờ tiền hiếm nhất từng được phát hành là đồng 1 triệu bảng Anh của Ngân hàng trung ương Anh (BOE), ra mắt vào năm 1948 với tư cách là biện pháp tạm thời cho quá trình tái thiết đất nước sau chiến tranh. Đồng tiền được thiết kế dành riêng cho chính phủ Mỹ, song chúng bị hủy bỏ sau khi đưa vào sử dụng được vài tháng, do đó rất ít người được tận mắt nhìn cũng như có cơ hội sở hữu nó.
Mặc dù không còn được sử dụng song điều đó không có nghĩa là nó hoàn toàn vô giá trị. Trong năm 2008, 2 bản lưu cuối cùng của tờ tiền nổi tiếng được bán lại với giá 120.000 USD trong một phiên đấu giá.

3. Máy rút tiền tự động (ATM) đầu tiên



Sẽ thực sự vô cùng ngạc nhiên với nhiều người khi biết rằng máy rút tiền tự động (ATM) là ý tưởng tuyệt vời nhất từng xuất hiện trong bồn tắm tương tự Ácsimét.
Lịch sử ra đời của cỗ máy diễn ra như sau, trong một lần ngâm mình trong bồn tắm, nhà phát minh John Shepherd-Barron bất ngờ nghĩ ra ý tưởng về một cỗ máy giúp con người có thể rút tiền ở mọi lúc, mọi nơi và ở bất cứ nơi đâu, dù việc liệu ông có phải là người đầu tiên nghĩ ra ý tưởng này hay không thì vẫn còn vấp phải nhiều tranh cãi.
Sau đó, ông Barron bán thiết bị này cho ngân hàng Barclays của Anh. Cỗ máy nhanh chóng được chấp nhận và mẫu đầu tiên được sản xuất và lắp đặt ở thành phố London năm 1967.
Mặc dù chiếc máy này cũng sử dụng mã PIN (hay còn gọi là số nhận dạng cá nhân) - đây cũng là một ý tưởng mà Barron tuyên bố do chính ông sáng tạo ra - như những chiếc máy ngày nay, song nó lại chứa một nhược điểm, đó là: Để rút được tiền, bạn phải sử dụng một tấm séc được ngâm tẩm trong đồng vị phóng xạ carbon 14, bởi vào thời điểm đó các loại thẻ từ ATM vẫn chưa được phát triển. Một khác biệt nữa của chiếc máy này đó là: Nó không bao giờ tính phí rút tiền của bạn.

4. Nguồn gốc ký hiệu đồng USD



Không ai biết nguồn gốc của ký hiệu USD ($), song Văn phòng khắc và in ấn Mỹ - cơ quan chính phủ liên bang phụ trách việc thiết kế và in ấn tất cả đồng USD - đưa ra một giả thuyết khá thuyết phục. Theo đó, ký hiệu $ xuất phát từ ký hiệu biểu thị cho đồng peso của Tây Ban Nha và Mexico "PS". Theo thời gian, khi viết láu, nhiều người đã xếp chồng 2 ký hiệu này (ký hiệu S bên trên ký hiệu P) lên nhau và ký hiệu $ cũng ra đời từ đó.
Biểu tượng này được sử dụng rộng rãi trước khi đồng USD đầu tiên được phát hành vào năm 1875. Thêm một điều khá thú vị nữa đó là, nếu tinh ý, bạn có thể nhận thấy ký hiệu $ chưa bao giờ thực sự xuất hiện trên đồng USD.

5. Vòng đời của mỗi đồng tiền không giống nhau



Bất cứ đồng tiền nào rồi cũng sẽ bị hao mòn và cũ đi. Tờ tiền giá trị càng nhỏ, càng bị tiêu nhanh và tuổi thọ của nó cũng ngắn hơn. Đồng 1 USD chỉ tồn tại được có 21 tháng, trong khi đồng 100 USD in hình Benjamin Franklin thì có tuổi thọ tới 7 năm. Tất nhiên, trong thời gian đó, do lạm phát, giá trị tờ tiền sẽ giảm - và đó cũng là lý do hoàn hảo để bạn nên tiêu nó một cách nhanh chóng.

6. Chống tiền giả kiêm luôn bảo vệ tổng thống





Sau nội chiến, tiền giả trở thành vấn đề nhức nhối nhất của Mỹ - thời điểm đó có tới 1/3 số tiền đươc lưu hành bị cho là tiền giả. Điều này buộc chính phủ Mỹ phải bắt tay hành động.
Năm 1865, một ban đặc biệt thuộc bộ tài chính Mỹ được tách ra để đối phó với nạn tiền giả tràn lan đang làm suy yếu hệ thống kinh tế. Cơ quan này vẫn còn tồn tại đến ngày nay và vẫn kiêm luôn hoạt động chống tiền giả, song ít ai biết cơ quan đó cũng kiêm luôn công việc bảo vệ tổng thống và các nhà lãnh đạo cấp cao Mỹ và được biết đến với cái tên đáng sợ hơn - Mật vụ Mỹ.
Vì sao mật vụ Mỹ lại kiêm luôn 2 công việc cùng lúc? Đó là do vào ngày 14/4/1865, tổng thống Abraham Lincoln chính thức nắm quyền kiểm soát cơ quan mật vụ trên (trớ trêu thay, đó cũng là ngày ông bị ám sát ở nhà hát Ford's), do đó các nhà chức trách Mỹ quyết định cơ quan này sẽ kiêm luôn cả bảo vệ tổng thống. Sứ mệnh bảo vệ tổng thống được giao hoàn toàn cho Mật vụ Mỹ sau vụ ám sát tổng thống William McKinley vào năm 1901. Năm 2002, mật vụ Mỹ chính thức trở thành bộ an ninh nội địa với 6.500 nhân viên.

7. Nhân vật xuất hiện nhiều nhất trên tiền giấy



Nữ hoàng Elizabeth II của Anh chính là người xuất hiện nhiều nhất trên các tờ tiền. Ước tính, chân dung của bà có mặt trên các loại tiền của 33 quốc gia khác nhau, từ Australia cho tới Trinidad và Tobago - nhiều hơn bất kỳ nguyên thủ nào khác trên thế giới.
Canada lần đầu tiên sử dụng của hình ảnh người trị vì nước Anh trên tờ tiền vào năm 1935, khi đó bà Elizabeth mới 9 tuổi và được in lên tờ 20 USD. Theo thời gian, 26 chân dung của nữ hoàng Elizabeth được sử dụng trên các đồng tiền của Anh và các thuộc địa vũ, hiện tại, lãnh địa và vùng lãnh thổ của Anh.
Trên các tờ tiền thường in hình nữ hoàng đội vương miện và mặc trang phục giản dị, cá biệt có Canada và Australia sử dụng cả hình ảnh bà mặc trang phục giản dị và đeo ngọc trai.
Trong khi nhiều quốc gia thường xuyên in tiền mới để phù hợp với độ tuổi của nữ hoàng, một số khác vẫn kiên quyết giữ hình ảnh trẻ trung của bà.

8. Tiền bẩn




Tất cả các loại tiền, dù tốt tới đâu, đều có thể bị nhiễm bẩn. Các nghiên cứu cho thấy phần lớn các đồng USD dính cocaine. Những kẻ buôn ma túy thường cầm tiền mặt bằng bàn tay dính đầy cocaine, một số khác thì dùng tiền cuộn tròn lại thành ống hút để hít ma túy, số khác thì bị lăn lộn trong những máy ATM, một số thậm chí còn dính những thứ không thể bẩn hơn.
Một báo cáo trong năm 2002 do tạp chí Y học miền Nam phát hành tìm thấy các mầm bệnh - bao gồm cả vi trùng tụ huyết cầu - trên 94% tờ tiền được thử nghiệm. Một số tờ tiền khác thậm chí còn dính cả phân.
Các nhà khoa học cũng kết luận tiền giấy mang nhiều mầm bệnh còn hơn cả nhà vệ sinh gia đình. Đối với các bề mặt khác, vi khuẩn chỉ sống được khoảng 48 giờ, nhưng riêng tiền giấy vi khuẩn có thể sống bám tới 17 ngày.

9. Đồng tiền mệnh giá khủng khiếp nhất
Tiền giấy 9

Để đối phó với lạm phát phi mã lên tới mức lố bịch 231%, khiến 1 ổ bánh mỳ có giá tới 300 tỷ đôla Zimbabwe (ZWD), chính phủ Zimbabwe đã cho phát hành tờ tiền 100 nghìn tỷ ZWD. Đây cũng là đồng tiền mệnh giá lớn nhất từng được phát hành.
Tuy nhiên, chỉ 1 tuần sau đó, tờ tiền này nhanh chóng không trụ nổi trước cơn bão mất giá khiến chính quyền Zimbabwe bắt buộc phải cho phép người dân dùng các đồng tiền khác trong kinh doanh.

10. Tiền giấy đầu tiên




Tiền giấy đầu tiên được phát hành ở Trung Quốc, và người Trung Quốc bắt đầu mang tiền giấy trong người từ thời nhà Đường (năm 618-907 sau Công Nguyên). Loại tiền này chủ yếu dưới dạng các hóa đơn tín dụng hoặc thương phiếu tư nhân. Người Trung Quốc sử dụng nó trong suốt 500 năm trước khi tiền giấy bắt đầu xuất hiện ở châu Âu trong thế kỷ 17.
Trong khi phải mất thêm gần 2 thế kỷ nữa để tiền giấy lan rộng sang phần còn lại của thế giới, Trung Quốc phải trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính khá lớn, đó là tiền giấy bị mất giá trị, khiến lạm phát tăng vọt.
Năm 1455, Trung Quốc buộc phải bỏ hoàn toàn tiền giấy và không sử dụng chúng trong hàng thế tiếp theo. Có một sự thật đáng ngạc nhiên khác ở Trung Quốc là từ "tiền mặt" thường được dùng để mô tả loại tiền xu có lỗ vuông ở đời nhà Đường.

Sưu tầm