Ông đã bỏ công sức và tâm huyết cả một đời mình để biên soạn bộ sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh, gồm 28 tập, 66 quyển, tổng kết tinh hoa của y học Trung Quốc và y học dân tộc Việt Nam. Bộ sách này gồm đủ các môn: Lý, pháp, phương, dược, nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, sản khoa, nhi khoa, đậu sởi, nhãn khoa, thương khoa, cấp cứu, tạp bệnh, dưỡng sinh… cho đến cách nấu nướng để bảo vệ sức khoẻ (Nữ công thắng lãm), sự vận hành của thời tiết, sự biến đổi của khí hậu (Vận khí bí điển)...
HTLO đã thừa kế học thuật của danh y Tuệ Tĩnh Nguyễn Bá Tĩnh, sưu tầm và phát hiện 300 vị thuốc nam (Lĩnh Nam bản thảo), đồng thời tổng hợp thêm 2.854 phương thuốc kinh nghiệm phổ biến cho nhân dân áp dụng (Hành giản trân nhu và Bách gia trân tàng).
Ông cũng đã có nhiều sáng tạo trong việc vận dụng lý luận y học cổ truyền Trung Quốc vào thực tiễn Việt Nam.
Điều đáng trân trọng ở HTLO là ông đặc biệt chú trọng đến y đức của người thầy thuốc. Ông cho rằng: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công”.
Hải Thượng Lãn Ông nêu ra 8 tội mà người thầy thuốc cần tránh:
1/ Có bệnh xem xét đã rồi mới cho thuốc, vì ngại đêm mưa vất vả không chịu thǎm mà đã cho phương, đó là tội lười.
2/ Có bệnh cần dùng thứ thuốc nào đó mới cứu được nhưng sợ con bệnh nghèo túng không trả được vốn nên chỉ cho thuốc rẻ tiền, đó là tội bủn xỉn.
3/ Khi thấy bệnh chết đã rõ, không bảo thực lại nói lơ mơ để làm tiền, đó là tội tham lam.
4/ Thấy bệnh dễ chữa nói dối là khó chữa, dọa người ta sợ để lấy nhiều tiền, đó là tội lừa dối.
5/ Thấy bệnh khó đáng lẽ nói thực rồi hết lòng cứu chữa nhưng lại sợ mang tiếng không biết thuốc, vả lại chưa chắc chắn đã thành công, không được hậu tạ, nên không chịu chữa, đến nỗi người ta bó tay chịu chết, đó là tội bất nhân.
6/ Có trường hợp người bệnh ngày thường có bất bình với mình khi mắc bệnh phải nhờ đến mình liền nghĩ ra ý nghĩ oán thù không chịu chữa hết lòng, đó là tội hẹp hòi.
7/ Thấy kẻ mồ côi goá bụa, người hiền, con hiếm mà nghèo đói ốm đau cho là chữa mất công vô ích không chịu hết lòng, đó là tội thất đức.
8/ Lại như xét bệnh còn lơ mơ, sức học còn non đã cho thuốc chữa bệnh, đó là tội dốt nát.
Trong sách Y huấn cách ngôn, HTLO đã đề ra những điều để khuyên răn người thầy thuốc, mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị:
- Khi có nhiều người mời đi thǎm bệnh, nên tùy bệnh cấp hay không mà sắp xếp tới thǎm trước hay sau. Chớ nên vì giàu sang hay nghèo hèn mà nơi đến trước, chỗ tới sau; hoặc trong lúc bốc thuốc lại còn phân biệt kẻ hơn người kém. Nêu lòng không thành thực, thì khó có công hiệu của sự cảm ứng.
- Khi đến thăm bệnh cho người nghéo túng hay những người mồ côi, góa bụa, cô quạnh, càng nên chǎm sóc đặc biệt. Bởi vì những người giàu sang thì lo gì không có người chăm sóc, chữa trị; còn người nghèo hèn thì không đủ sức đón được danh y, vậy thì ta chẳng ngại đem chút lòng thành để giúp người giành lại cuộc sống. Còn như những người con thảo, vợ hiền, vì quá nghèo mà mắc bệnh, thì ngoài việc cho thuốc rồi, còn tùy khả năng của mình mà giúp đỡ thêm. Bởi lẽ nếu có thuốc mà không có ǎn, thì họ cũng sẽ đi đến chỗ chết. Mình nên lưu tâm một chút, giúp cho họ được sống trọn vẹn một đời, mới là nhân thuật.
- Khi chữa bệnh cho ai khỏi rồi, chớ có mưu cầu lễ hậu. Bởi vì khi nhận quà biếu của người khác, thường hay sinh ra nể nang; huống hồ những kẻ giàu sang, tính khí mừng giận thất thường, mà mình cầu cạnh thường hay bị khinh rẻ. Còn việc lấy lòng người ta để cầu lợi, thường hay sinh chuyện không lành. Cho nên đã tự nguyện theo nghề thuốc, là nghề thanh cao, ta càng phải giữ khí tiết cho trong sạch.
- Khi thăm bệnh cho phụ nữ hoặc người nữ tu, phụ nữ góa chồng, cần phải có người khác kèm bên cạnh, rồi mới vào buồng xem bệnh, để tránh điều ngờ vực. Đối với những người kỹ nữ, cũng phải giữ lòng cho ngay thẳng, coi họ cũng như con em trong những gia đình khác, không được cợt nhã, để phải mang lấy tiếng bất chính và mắc phải quả báo của sự tà dâm.
“Nghĩ thật sâu xa, tôi hiểu rằng thầy thuốc là người bảo vệ sinh mạng con người. Sống chết trong tay mình nắm, họa phúc trong tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành động không thận trọng mà làm liều lĩnh học đòi cái nghề cao quí đó chǎng".
Hải Thượng Lãn Ông Đã làm thầy thuốc, nên nghĩ tới lợi ích của người là trên hết, không nên vì mãi ham vui chơi mà phụ lòng trông mong của người bệnh. Cần phải có trách nhiệm của mình trong công việc. Phải cố gắng nâng cao trình độ chuyên môn của mình bằng cách học tập thật nhiều, để thấu hiểu được một cách sâu xa các môn lý luận, pháp trị, phương thang, thuốc trị, cùng cách chế biến thuốc cho phù hợp với bệnh tình. Chớ nên cẩu thả tùy tiện phối hợp những phương thuốc lạ, dùng để thử người.
Đối với người đồng nghiệp, phải biết khiêm cung, hòa nhã, thận trọng trong cách cư xử. Giữ lòng đức hậu như vậy, mới mong tạo ra điều phúc.
Trong tác phẩm Hải Thượng y tông tâm lĩnh, chúng ta thường gặp những lời nói phát xuất từ tấm lòng thương người của vị thầy thuốc này như sau:
- “Thường thấy kẻ làm thuốc, hoặc nhân bệnh cha mẹ người ta ngặt nghèo, hoặc bắt bí người ta lúc đêm tối, trời mưa, có bệnh nguy cấp; bệnh dễ chữa bảo là khó chữa, bệnh khó chữa bảo là không chữa được, giở lối quỉ quyệt ấy nhằm thoả mãn yêu cầu, rắp tâm như thế là bất lương. Chữa cho nhà giàu sang, thì tỏ tính sốt sắng, mong được lợi nhiều, chữa cho nhà nghèo hèn thì ra ý lạnh nhạt, sống chết mặc bay. Than ôi, đem nhân thuật làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng buôn bán. Như thế thì người sống trách móc, người chết oán hờn không thể tha thứ được...”.
- “Nghề làm thuốc là nhân thuật, thầy thuốc hẳn phải lấy việc giúp người làm điều hay. Cứu được một người thì khoa chân, múa tay (cho mọi người biết) nhỡ có thất bại thì giấu đi. Thường người ta hay giấu các điều xấu của mình mà không đem sự thực nói với người khác. Riêng tôi dám nói là thoát khỏi những thói đó chǎng, là vì tôi không theo con đường khoa cử nối dõi nghiệp nhà, chuyển hướng ra làm thuốc nên chỉ muốn hết sức làm những việc đáng làm, may ra khỏi hổ thẹn với đất trời, đâu dám e ngại sự chê khen, để phải hối hận với bổn phận...”.
- “Nghĩ thật sâu xa, tôi hiểu rằng thầy thuốc là người bảo vệ sinh mạng con người. Sống chết trong tay mình nắm, họa phúc trong tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành động không thận trọng mà làm liều lĩnh học đòi cái nghề cao quí đó chǎng".
Thế mà người đó vẫn tự nhận mình là một kẻ lười biếng - Lãn Ông.
Không lười sao được, khi xuất thân trong một gia đình danh gia vọng tộc, lại quay lưng với vòng danh lợi, tìm về nơi núi rừng xanh thẳm để vừa phụng dưỡng mẹ già, vừa ra sức nghiên cứu, học hỏi ngày đêm để trở thành người thầy thuốc có ích cho dân.
Không lười sao được, khi được chúa yêu quan quý mà vẫn tìm cách thoát khỏi chốn kinh thành đầy vinh hoa lợi lộc và cũng đầy hiểm nguy, bất trắc.
Con người đó không bao giờ quên gốc tích nguồn cội của mình: Hải Thượng Lãn Ông (Hải Thượng là hai chữ đầu của tỉnh Hải Dương và phủ Thượng Hồng, quê cha, và cũng là xã Bầu Thượng, quê mẹ).
“Thuở thiếu thời mài gươm đọc sách, mười lăm năm trôi dạt chốn giang hồ, chẳng nên một việc gì. Khi đã gạt bỏ công danh rồi, làm nhà ở Hương Sơn, nuôi mẹ, đọc sách,chuyên chú vào các sách Hiên-Kỳ, gìn giữ sức khoẻ, cứu giúp kẻ khác, tự lấy làm đắc sách…”.
Đó là người thầy thuốc với tâm nguyện :
Trường nguyện thế nhân giai vô bệnh
Ngâm thi chước tửu dã y nhàn.
(Mong sao người đời không ai mắc bệnh tật gì, để người thầy thuốc được thảnh thơi ngâm thơ uống rượu với tri âm tri kỷ).
Bước vào nghề thuốc phải chăng từ một cơ duyên? Khi quyết tâm giã từ quân ngũ, trở về gánh vác việc nhà, lao tâm khổ tứ, miệt mài đèn sách đến phải lâm trọng bệnh.
“…Trên nhà thì mẹ già đã thất tuần, dưới gối có vài ba cháu côi cút. Tuy đã mãi miết lo toan ngược xuôi nhưng không một phút rảnh rang, việc mài gươm đọc sách, khí hồng nghê muôn trượng khó bề thực hiện… - Việc đời dang dở dở dang. Vào Tần về Hán đôi đường không xong. Bấy lâu hồ hải vẫy vùng. Đời người tráng sĩ cõi lòng như điên – Ngờ đâu trăm điều ràng buộc, tâm lực ngày một hao mòn, bị nhiễm bệnh nặng, kéo dài vài năm…”
Nếu không gặp được danh y Trần Độc, một bậc lão nho uyên bác, tận tình cứu chữa suốt một năm dài, thì biết đâu nhân tài rồi cũng như ngọn lá úa của mùa thu, bay vào trong vô định.
Nếu không phải là cơ duyên, thì làm sao lão y sư có tấm lòng nhân ái, ưu thời mẫn thế kia lại đem hết những hiểu biết sở đắc bao nhiêu năm trong nghề y dược, truyền lại cho một bệnh nhân đang lưu lạc trong thời binh loạn, trôi dạt lên miền thâm sơn cùng cốc.
Việc học cứ thế mà xuôi theo ngày tháng. Nhưng rừng y biển dược quá mênh mông, biết đến khi nào mới thoả lòng cầu học của kẻ hiền tài? “ Tìm kiếm sách của mọi nhà y, ngày đêm dùi mài, không lở phí từng tấc bóng…Mùa thu năm Bính Tý (1754), lên kinh tìm thầy. Nhưng giận rằng, không có duyên để gặp được thầy giỏi, tôi lại trở về chốn cũ, tạ tuyệt chuyện vui chơi, đóng cửa đọc sách. Ngày tháng dầm thấm, tích luỹ thời gian vào việc học tập. Việc chẩn trị có nhiều người khỏi bệnh, được trong quận gọi là thầy thuốc. Tôi đã nguyện gửi gắm vào nghề y, thường muốn dồn hết khả năng trước thuật rộng rãi để dựng lên ngọn cờ đỏ giữa chốn y trường…”
“Cổ vân dụng dược như dụng binh
Sinh sát quan đầu hệ mị khinh
Quốc thủ do đa khuy phạp xứ
Tàm dư cô lậu lý nan minh”.
(Người xưa cho rằng người thầy thuốc cũng như vị tướng dùng binh. Sự sống chết của người ở trong tay mình, chớ có coi thường. Những bậc quốc thủ, tức những thầy thuốc giỏi nhất nước, mà vẫn còn nhiều điều thiếu sót. Lãn Ông này còn quê mùa, hạn hẹp, khó lòng mà hiểu biết tường tận về y lý).
Người thầy thuốc đó đã quyết chí tiến lên, không lùi bước trước những trở ngại, khó khăn, thách thức, và vượt qua cả những điều cám dỗ :
Thiện diệc lãn vi hà huống ác
Phú phi sở nguyện khởi ư bần
(Việc thiện mà còn lười biếng chẳng muốn làm, thì làm sao mà làm việc ác cho được! Giàu có cao sang chẳng phải là điều ta mong cầu, thì ngại chi cảnh nghèo - mà thanh bạch).
Phải chăng đó cũng là cách nói của kẻ ngược đời?
"Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công".
Rồi một buổi sáng mùa xuân của năm Nhâm Dần (1782), có kẻ dịch mục của quan thự trấn bản xứ mang thư đến :
“Bức thư thứ nhất là bản sao tờ chỉ, truyền rằng nội- san binh-phiên Trạch trung hầu vâng chỉ truyền cho quan thự-trấn Nghệ An là Côn lĩnh hầu hãy tìm hỏi tính danh người con của tiền thượng thư họ Lê ở huyện Đường Hào, xã Liêu Xá; người con đó tên Lê Hữu Trác, tục gọi Chiêu Bảy, hiện ngụ quê mẹ ở Hương Sơn, xã Tình Diễm. Chỉ còn truyền cho trấn binh tức khắc đón về kinh đợi mệnh…”.
Thế là kẻ hiền sĩ ẩn cư nơi rừng xanh núi thẩm lại một phen vướng vào chốn đô hội phù hoa! Từ chối thì chắc chắn là không được rồi, mà nhận lời thì biết tính sao đây?
“Cây vì hoa đẹp mà bị cắt xén, người vì hư danh mà mang lụy vào thân”.
Thôi thì cũng tùy duyên mà trôi nổi : “Ắt có một phen ta phải nhọc nhằn vào kinh, lăn lộn trong cái phồn hoa đất đô hội, phụ tình hoa cỏ chốn non xưa”.
Rồi có cả cánh nhạn tiễn đưa, cá sông bịn rịn, bóng chiều mây núi trông theo từ buổi lên đường :
Lưu thủy hà thái cấp
Hành nhân ý dục trì
Quần sơn phân ngạn tẩu
Nhất trạo phích yên phi
Sa nhạn thân như tống
Du ngư cấp dục truy
Vân gian hương lĩnh thụ
Thái bán dĩ tà huy
(Nước chảy sao nhanh quá. Người đi có ý chần chừ. Dãy núi hai bên bờ như đang chạy. Mái chèo rạch khói bay. Con nhạn trên bãi cát ở gần như đưa tiễn. Cá lội nhanh như muốn đuổi theo. Cây núi Hương Sơn ở trong mây. Quá nửa đã nhuộm bóng chiều tà).
Chính vì có một chuyến về kinh mà Ông Lười đã để lại cho đời một Thượng kinh ký sự, một tác phẩm tiêu biểu nhất thuộc loại hình ký, lục (ghi việc, kể chuyện) vào thế kỷ XVIII. Trong đó, hiện diện những bài thơ chất chứa bao nổi cảm hoài, thấp thoáng lưu thuỷ hành vân, phong hoa tuyết nguyệt, cùng những ngỡ ngàng trước cảnh đời dâu bể đa đoan.
Từ khi khởi hành đi Thăng Long, đến lúc trở về Hương Sơn, chỉ có một năm trời, mà cũng đủ chuyện, đủ điều để cho kẻ lười biếng quyết tâm hơn vào lý tưởng của mình. Tiếng tơ lòng của một trái tim thi nhân đa cảm cũng đã tuỳ theo vận số mà rung ngân.
Về lại chốn xưa, cảnh cũ không còn, cố nhân biền biệt. Thế mà đã ba mươi năm trôi qua cuộc đời :
Lạc phách giang hồ tam thập niên
Như kim phục thướng Nhị hà thuyền
Thiên lưu hợp phái hoành trung thổ
Tam đảo kinh vân lập viễn thiên
(Phiêu bạt giang hồ ba mươi năm. Nay lại được lên thuyền trên sông Nhị. Nghìn dòng nước cùng hợp về nơi trung thổ. Núi Tam Đảo vờn mây đứng ở phía trời xa)
Tây Hồ nhất biệt tam thập xuân
Phục khóa khinh chu quá lãng tần
Cách ngạn lâu đài sơn thượng lập
Thượng phương tiếu ngữ thủy trung văn
(Xa cách Tây Hồ đã ba mươi năm. Nay lại được cưỡi thuyền lướt qua ngọn sóng. Ở bờ bên kia là những lâu đài xây trên núi. Tiếng cười nói trong chùa vọng xuống dòng sông).
Thôi thì từ giã “chốn lao xao” với những kẻ siêng năng quá mực, khôn khéo ngất trời; để về “nơi vắng vẻ”, làm kẻ biếng lười, khờ dại, vui với nước chảy đầu nguồn, cỏ hoa bên suối, trăng sáng non xanh.
Như trước đó, Bạch Vân cư sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng sảng khoái viết bài thơ Nhắp rượu:
“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quý tợ chiêm bao”.
Vào ngày rằm tháng giêng năm Tân Hợi (1791), trái tim nhân hậu của người thầy thuốc dầy lòng nhân ái, đa tình, đa cảm đó đã không còn rung ngân những vần thơ đầy cảm hoài và tao nhã nữa.
Tại Bầu Thượng, (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), những người nông dân hiền hoà chất phác, những vị tiều phu một nắng hai sương, cùng với bao người từng là bệnh nhân, thương tiếc tiễn đưa Lãn Ông vào cõi vĩnh hằng. Thắp những nén tâm hương lên ngôi mộ nằm cạnh khe suối cạn, dưới chân núi Minh Từ.
Chỉ có 71 năm đi qua cõi hồng trần, nhưng người thầy thuốc, nhà thơ đó đã để lại một công trình hết sức to lớn, vừa ý nghĩa sâu xa về nội dung, lại vừa đồ sộ về hình thức (toàn bộ bản dịch Hải Thượng y tông tâm lĩnh đã được Nhà xuất bản Y học-Hà Nội in vào năm 1995 với hơn 2300 trang khổ lớn-19x27cm).
Cuộc đời của con người cao quý đó là một bài học vô giá cho muôn đời. Và cuộc đời của Hải Thượng Lãn Ông cũng đã làm rung cảm tấm lòng của người nữ sĩ Yveline Féray ở tận trời Tây. Nhà văn nữ người Pháp này đã bỏ ra nhiều công sức sưu tầm nhiều tài liệu để chuyển tải cuộc đời đầy phong ba nhưng cũng rất nhân hậu, tài hoa, hào sảng và đa cảm đó vào trong tác phẩm Lãn Ông (Monsieur le Paresseux, NXB Robert Laffont, Paris 2000).
Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam (27-2) và 225 năm ngày giỗ của ông, xin được thắp nén hương tưởng nhớ đến Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, người thầy thuốc, nhà thơ của lòng nhân ái.
Lương y ĐINH CÔNG BẢY Tổng Thư ký Hội Dược liệu TPHCM
*Tài liệu tham khảo:
- Hải Thượng y tông tâm lĩnh. NXB Y Học - Hà Nội 1995.
- Thượng kinh ký sự. Bản dịch: Ứng Nhạc Vũ Văn Đình. NXB Văn Học 1993.
- Monsieur le Paresseux. Yveline Féray. NXB Robert Laffont, Paris 2000.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét