Khi thuyền trưởng bỏ tàu



Không ai muốn một thuyền trưởng phải chết theo con
tàu đắm, tuy nhiên thuyền trưởng có trách nhiệm lo
cho sự an toàn của tất cả mọi người trên con tàu đó.
(Cade Courtley, cựu thuyền trưởng Hải Quân Hoa Kỳ)


Chủ tướng chết theo thành trì bị tan vỡ, thuyền trưởng chết theo con tàu bị chìm xuống đại dương, đó hình như là một truyền thống của người quân tử có trách nhiệm, và tinh thần mã thượng. Luật pháp Ý, Nam Hàn và một số quốc gia khác quy định thuyền trưởng bỏ tàu khi tai nạn là một tội phạm hình sự. Ðối với nước Mỹ luật pháp không xem chuyện từ bỏ con tàu khi gặp nạn là phạm tội, nhưng thuyền trưởng rời tàu cuối cùng khi nó bị chìm đã trở thành một truyền thống lâu đời đáng ca ngợi.


Nhân viên cấp cứu Nam Hàn khiêng xác hành khách chiếc phà Sewol mà thuyền trưởng đã thoát khi vẫn còn người trên phà.

Ðã có những quy ước hàng hải quốc tế về việc thuyền trưởng phải chịu trách nhiệm đối với an toàn của tất cả những người trên tàu, nhưng lại không quy định họ phải ở lại trên con tàu trong suốt cuộc khủng hoảng.
Năm 1852 khi chiếc tàu HMS Birkenhead chở quân của Anh bắt đầu chìm ngoài khơi bờ biển Nam Phi, thuyền trưởng và các sĩ quan quân đội tập trung đưa phụ nữ và trẻ em xuống các xuồng cứu sinh đầu tiên.
Thuyền trưởng và nhiều thủy thủ ở lại trên con tàu cho đến khi nó chìm xuống đáy đại dương và những phụ nữ, trẻ em kia đã được cứu sống.
Năm 1949, khi tàu Cochino của Hải Quân Mỹ trong thời Chiến Tranh Lạnh bốc cháy và sắp chìm tại khu vực biển gần Liên Xô, trong khi những thuyền viên khác đều thoát khỏi tàu sang một chiến hạm khác hoạt động gần đó, thuyền trưởng Rafael Benitez đã từ chối rời khỏi con tàu. Benitez hy vọng có thể cứu Cochino, tàu ngầm gián điệp đầu tiên của nước này trong Chiến Tranh Lạnh, chỉ đến khi con tàu đang chìm, thuyền trưởng này mới chịu rời tàu.
Năm 1812, Thuyền Trưởng Edward J. Smith của con tàu huyền thoại Titanic đã cùng chết theo con tàu đã chìm xuống Ðại Tây Dương, được người đời ca tụng như một người hùng có phong cách. Các nhân chứng nói rằng ông đã được nhìn thấy lần cuối vào buồng lái trên tàu, và chìm dần xuống biển cùng con tàu Titanic.
Nhưng không phải thuyền trưởng nào cũng cư xử được như vậy!
Trong hai vụ chìm tàu mới đây, với thuyền trưởng đã tham sinh, hèn nhát đã bỏ tàu khi tàu chưa chìm hẳn.
Francesco Schettino là thuyền trưởng chỉ huy tàu du lịch Costa Concordia bị đắm ngoài khơi bờ biển Ý năm 2012 làm 32 người thiệt mạng. Người ta cho rằng ông đã lái tàu quá sát bờ để quan sát một người đẹp, và khi con tàu bị lật nghiêng sắp đắm, Schettino đã nhảy xuống xuồng cứu sinh để chạy trốn khỏi con tàu, bỏ lại hàng trăm hành khách vẫn còn mắc kẹt trong tàu chưa thoát ra được.
Còn mới đây, thuyền trưởng Nam Hàn Lee Joon-seok, 69 tuổi, của chiếc phà Sewol Lee chở 476 người, bị nạn ngoài khơi đảo Jindo, đã cùng một số thành viên thủy thủ đoàn tháo chạy xuống thuyền cứu cấp để mặc hơn 400 hành khách vẫn đang mắc kẹt dưới phà.
Quy định của Hải Quân Mỹ còn nghiêm ngặt hơn so với tàu thương mại. Từ năm 1814, hải quân đã quy định thuyền trưởng ở lại trên thuyền bị nạn lâu nhất có thể và dốc toàn lực bảo vệ tàu. Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng trên biển lần đầu được thông qua sau sự kiện chìm tàu Titanic. Theo đó, thuyền trưởng phải chịu trách nhiệm trước sự an toàn của tàu thuyền và hành khách. Văn bản sửa đổi của công ước trên còn quy định hành khách cần được sơ tán khỏi tàu trong 30 phút đầu tiên sau hồi còi báo động.
Chúng ta có thể xem một thành trì, một chiến lũy như một con thuyền hay không? Người ta thường vì quốc gia như một con thuyền, hay nhiệm sở như một con thuyền.
Trong sách sử Việt Nam, năm 1801, khi đại quân chúa Nguyễn rút về Gia Ðịnh, thành Bình Ðịnh được giao cho Võ Tánh và lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu trấn giữ. Thành Bình Ðịnh ngay sau đó bị đại quân Tây Sơn, dưới quyền chỉ huy của Thái Phó Trần Quang Diệu và tướng Võ Văn Dũng, đến bao vây kéo dài trong vòng 14 tháng. Trong thành lúc ấy hết cả lương thực, quân sĩ phải giết voi, ngựa mà ăn. Võ Tánh sợ rằng thành bị vây lâu ngày, tướng sĩ chết hại nhiều, bèn đưa thư ra hàng quân Tây Sơn: “Phận sự ta làm chủ tướng, thì đều liều chết theo thành. Còn như các tướng sĩ không có tội gì, không nên giết hại.” Hiệp Trấn Ngô Tùng Châu sau khi biết được ý định tự thiêu của Võ Tánh, lui về dinh, uống thuốc độc mà chết. Sau khi Võ Tánh liệm táng cho Ngô Tùng Châu tử tế, mặc triều phục lên lầu khuyên bảo tướng sĩ rồi tự châm lửa đốt lầu mà tự thiêu. Thống Binh Nguyễn Tấn Huyện cũng nhảy vào lửa mà chết theo chủ tướng.
Tướng Trần Quang Diệu vào thành, trông thấy cũng chảy nước mắt, sai làm lễ niệm táng tử tế. Còn các tướng sĩ trong thành, không ai bị giết hại, trả thù.
Ðời sau tư lệnh quân đoàn như Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, sư đoàn như Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ, Lê Văn Hưng cũng noi gương tuẫn tiết chết theo thành, Thủ Tướng Sirik Matak của Cambodia cũng là một thuyền trưởng chịu chết theo con tàu, nhưng đối phương không có được cái tinh thần mã thượng như Trần Quang Diệu!
Bốn giờ sáng ngày 30 Tháng Tư, 1975, ông Martin, đại sứ Mỹ tại Việt Nam, mới chịu lên trực thăng rời Sài Gòn trong chuyến bay cuối cùng, khi cuộc triệt thoái của nhân viên dưới quyền đã hoàn tất.
Ðất nước chúng ta, trong biến cố 30 Tháng Tư, 1975, cũng có những nhân vật thuyền trưởng bỏ tàu quá sớm, hoặc giao quyền lái tàu lại cho một người khác không đủ kinh nghiệm như Lee Joon-seok đã trao tay lái cho nữ thuyền phó Park Han-gyeol, 26 tuổi, lần đầu tiên điều khiển chiếc phà đi qua biển.
Trường hợp các em học sinh trên chiếc phà Sewol Lee đã được lệnh ngồi yên không được hoảng loạn tìm cách thoát thân, không khác gì đơn vị quân đội của chúng tôi ngày trước, cấp dưới được lệnh phải “ở nguyên tại chỗ” để các cấp chỉ huy lên trực thăng đi mất!
Nói như Cade Courtley, cựu thuyền trưởng Hải Quân Hoa Kỳ, là “không ai muốn một thuyền trưởng phải chết theo con tàu đắm...” nhưng không thể như lời tuyên bố của một vị cựu tổng thống “bỏ tàu,” rằng ông không có trách nhiệm gì với thảm trạng vượt biển, vượt biên đầy chết chóc của đồng bào ông sau ngày 30 Tháng Tư, 1975.
Cuối Tháng Tư, 39 năm về trước, chúng tôi cũng ở trên một con tàu. Cấp chỉ huy trực tiếp dặn dò tôi phải ở với đơn vị, chờ ông trở về, nhưng đó chỉ là một cái cớ để ông thoát thân ra đi. Không nói một lời với ban tham mưu, ông tướng chỉ huy trưởng sáng 29 Tháng Tư cũng lên trực thăng bay về Cần Thơ. Tôi không trách hai ông bỏ đơn vị, nếu như hai ông tập họp anh em lần chót, trình bày tình hình, tuyên bố “tan hàng” để chúng tôi lo lấy thân mình. Ðằng này chúng tôi vẫn giữ nguyên kỷ luật “cố thủ” trong khi xe tăng địch vào tận nơi, binh sĩ không còn trở tay kịp, nhiều người phải chạy thoát thân, bỏ lại xe cộ, tài sản. Không tướng, không tá, chỉ với những tân binh thôi, anh em đã can trường đối đầu với địch, bắn cháy ba xe tăng T.54, mới chịu tan hàng. Vậy thì ai đã dũng cảm, can trường hơn ai?
Tôi biết nếu tình hình thay đổi, như có một chính phủ liên hiệp, các ông còn đường trở lại, biết đâu mỗi người lại được thăng một cấp. Sang đây, các ông chưa bao giờ dám nhìn thẳng vào mặt chúng tôi. Các ông như Thuyền Trưởng Lee Joon-seok, hèn nhát bỏ tàu trong khi ra lệnh cho đám học sinh ngồi yên, không được náo loạn, không được tìm cách thoát thân, để các ông ra đi được trót lọt, bình yên!


Tạp ghi Huy Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét