Một người bạn vừa kể cho tôi nghe có một dạo anh ấy bị tai biến mạch máu não. Sau khi bình phục thì chỉ có một điều không bình thường, ấy là anh rất dễ bị xúc động, hở một chút là không kềm được nước mắt. Nghe một câu chuyện buồn là khóc. Đến nỗi anh tự thấy mắc cỡ sợ người khác cho mình là giả dối. Mà giả dối thật, vì nước mắt của anh đâu phải chảy tự trong thâm tâm mà ra.
Chuyện đó làm tôi nghĩ đến những huyệt đạo trên cơ thể con người trong chuyện kiếm hiệp: bị điểm trúng huyệt đạo nào đó có thể bị tê cứng bất động và bị sẽ khống chế bởi đối thủ. Khắp cơ thể con người có vô số huyệt, nào là “á huyệt,” tiếu huyệt,”“khấp huyệt”… Bị điểm nhằm á huyệt sẽ bị câm không nói được, bị điểm trúng khấp huyệt sẽ khóc hoài, và nếu bị điểm trúng tiếu huyệt sẽ phải cười hoài
Anh bạn tôi, sau cơn tai biến, có lẽ thần kinh bị chạm vào “khấp huyệt” làm anh cứ bị xúc động một chút là khóc. Giá như anh bị ảnh hưởng đến “tiếu huyệt” thì chắc khá hơn, vì nếu động một chút là cười thì vẫn dễ chịu hơn là khóc, dù cười nhiều quá đôi khi cũng có vẻ vô duyên.
Thảng như đã có huyệt cười huyệt khóc thì chắc cũng phải có những huyệt đạo khác, như“yêu huyệt” của nhà văn Chu Tử trước đây đã phát giác ra: Điểm trúng huyệt yêu, chắc chắn là sẽ được yêu. Và không chỉ huyệt yêu mà còn có thể còn rất nhiều huyệt ghét, huyệt khen, huyệt chê… thậm chí có thể có huyệt nịnh, huyệt nói xấu, huyệt “nổ” (người Huế gọi là phách tấu, nghĩa là nói dóc) và nhiều huyệt linh tinh khác. Có những người bị chạm phải huyệt khen, nghe ai nói gì cũng khen nức nở, làm người chung quanh nghe phát ngượng. Huyệt khen và huyệt nịnh chắc cũng nằm rất gần nhau. Nhưng như thế cũng vẫn còn tốt, vì ít nhất người được khen cũng không phàn nàn gì, mà có thể lại hãnh diện nếu họ không hiểu rõ chính bản thân họ lắm, nhất là gặp người thích nghe nịnh thì lại được lòng. Nhưng nếu gặp người bị chạm phải cái huyệt chê thì thật lôi thôi. Ai nói ra điều gì cũng chê, cứ như là ganh ghét mới là phiền. Thực trong lòng không phải như vậy, nhưng mở miệng là cứ chê người khác. Thấy người ta nghèo, ăn mặc không chưng diện cũng chê; thấy người ta giàu có, ăn mặc chải chuốt cũng chê. Tóm lại cái gì của người khác không giống mình là chê tuốt.
Mới đây báo chí đăng tải chuyện một ông già làm những điều rất đáng hổ thẹn. Các bác sĩ khám nghiệm cho biết ông cụ bị chạm phải một dây thần kinh mà họ gọi là thần kinh “trân”. Trân nghĩa là trâng tráo, không biết hổ thẹn. Chẳng phải là một huyệt đạo thì là gì?
Cái huyệt nói xấu lại còn tệ hại hơn. Không thích một người nào đó là đặt điều nói xấu người ta một cách vô tội vạ, chuyện này đẻ ra chuyện kia vô căn cứ.
Có những người trong thâm tâm họ không phải như thế, nhưng lúc phát ngôn thì lại không kiểm soát được lời nói, nói không đúng với sự thật, vì họ cũng bị chạm huyệt, một loại huyệt đạo nào đó. Người khác nghe xong, lại cũng cùng một bịnh, câu chuyện bỗng trở thành tam sao thất bổn mới là chuyện phiền. Có thể gọi đó là bệnh, là tật hay là bất cứ chi chi, cũng đều gây ra những phiền muộn cho người khác. Nhưng khi được hỏi lại tại sao lại nói như thế thì người đó trả lời một cách rất ngạc nhiên: “Tôi đâu có nói gì?”.
Trong ca khúc Tự tình khúc, Trịnh Công Sơn có câu: “Đôi khi một người dường như chờ đợi, thực ra đang ngồi thảnh thơi”. Thấy một người có vẻ buồn bã, khoan nghĩ họ đang có tâm sự. Thấy một người đang cười, cũng chưa chắc là họ đang vui. Hiện tượng chưa hẳn đã chính xác. Vậy thì nghe một người kể cho mình một câu chuyện, cũng nên dè dặt để nghĩ rằng chưa hẳn sự thật đã hoàn toàn đúng như thế…
Nghe một người nói về một người khác, nhất là chê bai, nói xấu hoặc ngay cả quá khen, cũng cần cân nhắc suy nghĩ. Dùng cảm nhận của mình với đối tượng đang được nói đến để nhận xét có thể khỏi đánh giá sai câu chuyện.
Những huyệt nói trên, dù sao cũng là những huyệt đạo ít nhiều không phải là trầm trọng lắm. Cái huyệt có thể làm cho không những bản thân mình bị hại mà còn làm hại người khác. Đấy là huyệt gian. Trên thế giới, không thiếu gì người đã từng bị cảnh sát bắt vì tội ăn cắp trong cửa hàng. Không phải là người nghèo khó mà trái lại là những người giàu có, nổi tiếng. Có khi là một ngài bộ trưởng, có khi là một minh tinh màn bạc, có khi là một người rất học thức. Thực ra bản chất những người này không phải là trộm cắp.
Nghĩ cho cùng, con người chỉ là một cỗ máy của ông Trời. Ông Trời quyền biến vạn hóa, đã cài không biết bao nhiêu là phần mềm huyệt đạo trên cơ thể con người, và dĩ nhiên là không có một thứ tình cảm nào của con người không do ông Trời cài vào. Người xưa nói: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Lại cũng thường nghe “Giàu nghèo có số”. Cái số ấy chính là ông Trời đấy. Chỉ kẹt một điều là có huyệt đạo được cài vào con người tùy vào vị trí để có thể dễ hay khó bị chạm, có thể “delete” được hay không. Có huyệt nằm dưới da, có huyệt nằm sâu hơn, có huyệt được cài trên hệ thần kinh. Riêng huyệt gian thì lại được cài vào trong máu, thường gọi là máu gian. Gian như là một bản chất, khó mà làm cho biến mất được.
Tuy vậy, thường cũng có câu “Ngọc bất trác bất thành khí”. Viên đá quý có đẹp là nhờ được gọt dũa. Con người nếu biết tu tập cũng có thể hủy diệt được phần nào những cái phần mềm tai hại mà ông Trời đã cài vào mình để khỏi vô tình làm hại đến người khác. Nói thế cũng có nghĩa là khi biết một người mang đầy những huyệt đạo lúc nào cũng có thể làm phiền mình, cũng không nên buồn nhiều, vì dù sao, đó cũng là cái nghiệp của mình một phần. Phần khác là lỗi của ông Trời. Chỉ nên trách là ông Trời oái oăm kia đã cài những phần mềm độc địa đó vào những người mà mình không bao giờ ngờ đến, nhất là những người đã từng là bạn bè của mình mới là đau đớn.
Có phần mềm mình tự hủy được, có thứ không dễ dàng gì. Lại có những huyệt đạo hầu như không thể nào giải được, như cái huyệt gian vừa nói trên, có thể gọi là huyệt nan y vậy. Ô hô, Ai tai!
Thôi thì đổ tất cả mọi chuyện vào ông Trời vậy.
Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 149 | Hoàng Tá Thích
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét