TIN KHOA HỌC NÊN BIẾT: NGƯỜI CHẾT THEO MÙA ĐÔNG

LTG: Tôi viết bài này vào đầu tháng 11 năm 2011, để đăng tải trên Phương Đông News và một số báo Việt ngữ ở nhiều nơi. Dù vậy, không phải ai cũng có dịp đọc bài này, cho nên tôi tin rằng nó không mất thời gian tính khi đăng tải trở lại.
Ngày 26-12-2013, báo điện tử ABC News, vừa mới công bố trong bản tin có tiêu đề: “Bão tuyết làm mất điện, khiến cho nhiều người chết vì khí độc Carbon Monoxide…” (Ice Storm Power Outages Lead to Carbon Monoxide Deaths”. Và cũng tuyên bố rằng: “Hằng năm tại Hoa Kỳ, có hơn 400 người chết vì sự rủi ro bởi khí độc carbon monoxide” (More than 400 people a year die in the U.S. from accidental carbon monoxide poisoning)Trong đời sống hằng ngày, không có điều bất trắc nào giống nhau, và cũng không có cái “dại” nào giống cái “dại” nào. Do đó người viết quảng bá bài viết này mỗi năm để nếu quý độc giả nào thấy nó có ích cho người khác, xin tiếp tay quảng bá đến mọi người. Chân thành cảm ơn quý vị. (HQB)

***
Tiêu đề bài viết nầy không dính dấp gì đến nhạc phẩm “Tình chết theo mùa đông” của Nhạc Sĩ Lam Phương, nhưng là những điều mà người viết xin được nêu ra để chúng ta cùng nhớ vào mỗi mùa đông, hầu cho hằng năm số “người chết theo mùa đông” được giảm đi.
Ít ai ngờ, tại quốc gia văn minh như Hoa Kỳ, có đầy đủ tin tức, vậy mà mùa đông nào cũng có hằng trăm người chết vì sự bất cẩn hay do thiếu hiểu biết về một loại khí độc, giết người một cách nhẹ nhàng. Khí độc nầy có tên gọi “Carbon Monoxide” mà người Mỹ cho đó là “The Silent Killer”, tạm dịch: “sát thủ thầm lặng”
Khí “Carbon Monoxide” hay “The Silent Killer là gì?: Khí Carbon monoxide rất độc, không màu sắc, không có mùi. Cho nên mắt người không thấy được và mũi người không ngửi được. Ai hít khí nầy vào buồng phổi trong vài phút, có thể chết một cách nhẹ nhàng. Khí Carbon monoxide được tạo ra từ các khí đốt như ga, xăng, dầu nhớt, dầu lửa, củi, hoặc than đá khi được đốt lên. Lò ga trong nhà bếp được chế biến đúng tiêu chuẩn, nên số lượng khí carbon monoxide thường không nguy hiểm. (1)
Người chết vì khí Carbon Monoxide: Hằng năm tại Hoa Kỳ đã có hằng trăm người bị chết đột ngột bởi khí carbon monoxide. Khí nầy được thả ra từ các loại máy chạy bằng nhiên liệu bị hư, hoặc sử dụng than đá nướng thịt (BBQ) không đúng cách, đúng nơi. Số người chết và suýt chế nhiều nhất từ ống khói của các loại xe hơi và than đá trong các trường hợp sau đây:
- Vào mùa đông để trong nhà xe (garage) và cho máy chạy để tạo độ ấm trong nhà khi bị cúp điện hoặc, hoặc làm nóng máy xe trước khi lái.
- Lái xe đường dài, ngừng xe nghỉ mệt, cho máy xe chạy để giữ độ ấm trong xe vì ngoài trời nhiệt độ lạnh. Khí độc Carbon Monoxide lẻn vào xe từ đầu máy xe hay phía sau xe (car’s trunk). Trường hợp nầy mở hí cửa kính cũng không xong mà đóng kín lại cũng tai hại.
- Lúc lái xe để hệ thống thông hơi (vent) ở vị trí tắt (off), nhưng cửa xe đóng kín, khí độc từ máy xe lẻn vào bên trong mà không thoát được. Người lái xe hít khói độc rồi từ từ lịm đi và xe trở nên “không người lái” và…
- Trời lạnh, nướng thịt trong nhà, hoặc nướng thịt ngoài trời còn dư than hồng, vì tiếc nên mang vào nhà sưởi ấm cho đỡ tốn điện; sử dụng lò sưởi (fireplace) để đốt củi, hoặc đốt than đá luộc bánh tét, hoặc sử dụng lò sưởi loại chỉ dành cho ngoài trời (outdoor)…
Những vụ suýt chết và những cái chết thương tâm: Nhiều tài liệu chứng minh là khí carbon monoxide có thể tích tụ nhanh đến mức các nạn nhân bị ngất đi trước khi họ có thể kêu cứu.
- Năm 1993, tại San Jose- California vào ngày Tết, người viết bài nầy giúp gia đình ngồi canh nồi thức ăn lớn được nấu bằng lò ga (propane) đặt trong nhà xe. Cửa nhà xe được mở toang 100%, nhưng chỉ 3 phút sau, tôi thấy đầu óc choáng váng. Cũng may vì tôi có chút hiểu biết về khí độc carbon monoxide nên vội chạy nhanh ra ngoài và vài phút sau đó trở vào tắt lò.
- Năm 1986, tại Seattle WA, một gia đình quen thân với tôi. Cuối tuần họ nướng thịt ngoài trời bằng lò BBQ nhỏ. Các con ăn xong có chuyện đi ra ngoài. Ông Bà Ngoại và các con cháu nhỏ ở nhà. Ông ngoại thấy than hồng còn dư, ông tiếc và mang cả lò BBQ vào để giữa nhà sưởi ấm cho đỡ tốn điện. Cũng may các con lớn về kịp và phát giác cả nhà đều trong tình trạng hôn mê. Nếu họ về trễ chừng vài phút, chắc chắn cả nhà sẽ chết hết.
- Khoảng năm 1988 một tàu đánh cá của người Việt tại thành phố Monterey- California, gồm tất cả bốn người. Vì khí hậu bên ngoài quá lạnh nên họ đóng kín các cửa sổ trên tàu và cho chạy một máy sưởi bằng nhiên liệu để sưởi ấm lúc nghỉ đêm. Một chiếc tàu khác phát giác tàu nầy trôi lênh đênh trên biển và chỉ duy nhất một người sống sót, nhưng trong tình trạng hôn mê, đầu nạn nhân ở vị trí nửa phần ngoài của sổ.
- Năm 2006, có trận bão tuyết trước ngày lễ Giáng Sinh tại Tiểu Bang Washington. Nhật báo Seattle Times ngày 19-12-2006, loan tin, một gia đình Việt Nam sinh sống tại vùng Burien, phía Nam thành phố Seattle, Washington. Cả bốn người gồm vợ chồng và 2 con trai đều chết bởi khí carbon monoxide từ máy phát điện loại xách tay chạy bằng xăng, được cẩn thận đặt trong nhà xe. Ba người chết trong tư thế đang ngủ. Người cha chết ngay cầu thang gần máy phát điện. Cảnh sát đoán, có lẽ ông định xuống tắt máy nhưng chưa đến nơi thì đã ngã gục…
Ngay trong thời điểm nầy và cũng ngay tại tiểu bang nầy, hai người thuộc các sắc dân khác cũng bị chết vì khí carbon monoxide. Một người đặt máy phát điện trong phòng khách, người kia sử dụng một lò đốt than ngay trong phòng ngủ. Cũng có những trường hợp tương tự, có ít nhất 100 người khác cũng có các triệu chứng hôn mê bởi khí độc carbon monoxide, nhưng được cứu chữa kịp thời.
Triệu chứng khi hít khói độc carbon monoxide: Nếu ở mức ngộ độc trung bình, nạn nhân có thể cảm thấy đau đầu dữ dội, chóng mặt, thần kinh rối loạn, muốn nôn mửa, hoặc ngất xỉu.
Khi phát giác các triệu chứng trên: Việc cần phải làm là lập tức mở các cửa chính và cửa sổ, tắt các lò ga, lò sưởi, hoặc đồ dùng đang đốt bằng nhiên liệu. Chính mình hay người trong gia đình phải nhanh chóng ra khỏi nhà và gọi xe cấp cứu do dù chưa ai tắt thở. Thà tốn tiền cho xe cứu thương còn hơn tốn nhiều tiền sau đó.
Sơ đồ từ những nguồn có thể sinh ra khí độc carbon monoxide
Để giảm thiểu thiệt hại về nhân mạng, chúng ta cần tuyệt đối lưu ý ít nhất 6 KHÔNG sau đây:
• Không bao giờ để xe hơi nổ máy trong nhà xe (garage) cho dù cửa được mở 100%.
• Không bao giờ chạy máy phát điện trong nhà, trong nhà xe hay tầng hầm (basement).
• Khi chạy máy phát điện ngoài trời, cần để cách xa cửa sổ và cửa chính, khi các của đang mở.
• Không bao giờ đốt than trong nhà, trong lều, trong xe hoặc trong nhà xe.
• Không bao giờ dùng khí đốt, lò nướng hoặc máy sấy để sưởi ấm.
• Không bao giờ ngủ trong xe trong lúc để máy chạy với mục đích cho máy sưởi hay máy lạnh hoạt động, nhất là để trẻ con ngủ trên car seat, dù có người lớn canh giữ.
Làm sao để phát hiện khí độc carbon monoxide?:
Có những chiếc máy phát hiện trong không khí có khí độc “carbon monoxide “ với vài tên gọi như “Carbon Monoxide Alarm”, “ hoặc “Carbon Monoxide Detector”… Mỗi tư gia, văn phòng làm việc nên có ít nhất một cái, hoặc vài cái. Có những chiếc máy chỉ cần cắm vào ổ điện trong nhà là xong. Mỗi chiếc máy khoảng 20-30 Mỹ kim. Nếu mua chừng vài cái hầu đề phòng chuyện rủi ro thì giá tiền của nó rẻ hơn giá mua một chai rượu Tây, hay một vé vào cửa cho một dạ tiệc, khiêu vũ… nhưng nó lại cứu được sinh mạng nhiều người.
Hình chiếc máy báo động có khí độc “Carbon Monoxide”
Mua máy báo động có khí độc “Carbon Monoxide” ở đâu?: Các tiệm bán dụng cụ kim loại và điện (Hardware) như: Home Depot, Lowe’s…
Kết luận: Chúng ta đừng nên để “mất trâu rồi mới làm chuồng”. Hãy mua ngay vài chiếc máy nêu trên để chuẩn bị cho mùa đông và trọn năm. Hãy làm ngay trước khi quên. Hãy xem mạng sống của mình và người thân mình quý hơn vật chất đời nầy. Có nhiều tiền trong nhà băng, tư gia sang trọng bậc nhất, xe đẹp hay loại luxury đắc tiền, nữ trang đắc giá, quần áo toàn là đồ hiệu, bóp da vài ngàn một cái… Không cứu được mạng sống chúng ta trên cõi đời nầy chứ đừng nói là linh hồn chúng ta được vào Thiên Đàng hay Niết Bàn.

Huỳnh Quốc Bình

e-mail: doisonganbinh@yahoo.com
http://www.danvietniemtin.com/Ghi chú: 1. Tôi viết bài nầy dựa trên tài liệu của “Washington State Department of Health” (http://www.doh.wa.gov/); và một số dữ kiện từ những cơ quan có thẩm quyền bảo đảm sự an toàn cho công chúng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét