Tính chính trực trong giáo dục

Nói về sự chính trực trong giáo dục chính là nói về điều đối nghịch với tất cả những thái độ duy cảm và các trò bịp bợm trong giáo dục. Gồm vào sự chính trực trong giáo dục là tất cả những đối tượng cần nhắm đến trong hoạt động giáo dục: không chỉ là việc theo đuổi những thông tin chính xác và chân thực hay một kiến thức rộng rãi của một số những ngành chuyên môn thuộc lãnh vực giáo dục, mà còn là phương pháp rèn luyện chân chính trong việc sử dụng năng lực trí tuệ, cá tính thực sự có giá trị, cách cư xử đứng đắn, và nền học vấn tiến bộ.

Thái độ duy cảm hiện đại đang chinh phục một lãnh vực rộng lớn cho chính nó. Đó chính là một loại ký sinh trùng tồn tại trên nền văn minh tiên tiến. Sự hư hỏng bản chất của nó chính là sự rỗng tuếch, sự giả dối, và sự lừa mị của nó. Nó chỉ quan tâm đến sự khoa trương hào nhoáng, bay bướm, và vội vã lao tới trước. Nó chỉ tập trung vào hình thức chứ không quan tâm gì đến thực chất, vào diện mạo bên ngoài chứ chẳng để ý gì đến thực tại. Thái độ duy cảm ấy gợi nên sự ghê tởm bất cứ lúc nào nó bị nhận diện; nhưng điều tệ hại nhất của nó nằm ở chỗ những hình thái của nó quá đỗi khác nhau; sự biểu thị của nó thường khi quá đỗi tinh tế, và nó thường nằm quá sát với thực tế và thực tại. Cuộc sống xô đẩy chúng ta từ điều này qua điều khác quá nhanh chóng. Những điều đáng quan tâm đòi hỏi chúng ta phải chú ý thì quá nhiều và quá quan trọng. Chúng ta chẳng có thì giờ để xem xét tỉ mỉ tất cả những điều đó. Lại nữa, ngày nay nghệ thuật quảng cáo về tất cả mọi thứ khiến cho việc về hưu một cách khiêm tốn chẳng còn là dấu hiệu của một phẩm chất đáng được khen tặng. Người ta dựa vào nguyên lý cho rằng nếu có điều gì tốt thì điều đó thuộc về công chúng. Hoạt động quảng cáo được vinh danh và được công nhận đúng mức, nhưng những người có trách nhiệm về những tiếng gào thét về mình nơi công cộng đó lại chẳng hề có đủ thời gian, nếu như họ có khả năng, để phân biệt hay bình phẩm một cách thận trọng.
Những nhận xét đó đủ để giải thích cho sự tăng trưởng của thái độ duy cảm nói chung. Có lẽ mỗi người đều thấy được những tác hại của nó một cách rõ ràng hơn trong môi trường sinh hoạt và làm việc của mình so với ở những nơi khác. Là nhà giáo, chắc chắn tôi đã bị choáng bởi những ảnh hưởng của nó trong lãnh vực giáo dục. Tôi đã thấy được điều đó trong những trường học phổ thông cũng như ở những trường đại học. Nó gắn liền với những phương pháp và những chủ đề. Nó triển khai một thứ chủ nghĩa giáo điều của chính nó. Những người chẳng hề có kiến thức hoặc kinh nghiệm như những thầy giáo thường nắm lấy vai trò vớ vẩn của một tầng lớp khác được gọi là “các nhà giáo dục.” Họ bắt đầu bằng một hai ý nghĩ bất chợt nào đó mà họ dựng lên thành những lý thuyết giáo dục. Những điều đó được họ nêu ra với sự nghiêm trọng tột cùng trong những bài diễn thuyết hay bài tiểu luận; họ tạo ra những cuộc tranh luận ồn ào về những thứ gọi là kế hoạch và phương pháp. Họ cũng tiếp tục tìm kiếm những bằng sáng chế về phương pháp giảng dạy hay cách thức vương giả của việc học tập, trong khi, thực sự là chỉ có một cách để học là nhờ vào sự lao động của tâm trí trong việc quan sát, so sánh, và tổng quát hóa; và bất kỳ bằng sáng chế về phương pháp nào bỏ qua sự lao động tẻ nhạt như vậy đều chỉ mang lại những kết quả đáng xấu hổ và thất bại trong việc tạo ra năng lực trí tuệ cũng như tính kỷ luật mà sự giáo dục vốn có.
Những nhân vật thuộc tầng lớp “nhà giáo dục” này thường sốt ruột đến khi họ có được một vài cơ hội đưa những ý niệm của họ vào thực hành; và thế là điều đó xảy ra ở khắp nơi với bất kỳ định chế nào trở thành đối tượng cho chủ nghĩa thực nghiệm cuồng nhiệt của họ.
Tất nhiên, những kết quả đáng buồn nhất của tiến trình ấy được nhìn thấy nơi đám học trò. Điều tác hại thật sự là những con người được tạo ra chẳng có được bao nhiêu kiến thức nào mà chỉ hưởng một sự đào tạo sai lầm trong việc biết cách trình bày những vẻ ngoài hào nhoáng và có vẻ đáng tin. Nền giáo dục như thế trùng hợp với những hiện tượng bên ngoài của một kỷ nguyên duy cảm và củng cố những cảm tưởng, mà những quan sát viên trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm gặt hái được từ xã hội hiện đại của chúng ta, rằng sự táo bạo là điều quan trọng nhất của tài năng, rằng thành công hay thất bại chỉ là sự đo lường về đúng hay sai, rằng con người đáng được hâm mộ chính là người phát minh ra những trò bịp bợm thông minh để lừa gạt kẻ cạnh tranh hay các đối thủ, hoặc để qua mặt những nguyên tắc rắc rối phiền hà. Người trẻ rất bén nhạy trong những quan sát của họ, và họ rút ra được những kết luận rồi hình thành những điều khái quát một cách hợp lý hơn và chặt chẽ hơn thế hệ cha anh của họ. Tuy nhiên, họ chưa học được sự kính trọng các học thuyết, những truyền thống, và những quy ước, và nền giáo dục mà họ dựa vào, một cách thầm lặng nhưng chắc chắn, việc phát triển một triết lý sống về kiểu này hay kiểu khác. Cho nên, nếu người ta có một hệ thống giáo dục chứa đựng sự nhồi sọ chính thức cho việc học thuộc lòng như vẹt hoặc cho sự thi cử, nếu ở đó chỉ có sự đọc lướt qua những tài liệu giáo khoa, một sự thủ đắc hời hợt nội dung các khóa học, một sự ghi nhớ chỉ những kết quả mà thôi, người ta có thể theo đuổi việc học tập mang tính cách khoa trương và “bao gồm rất nhiều lãnh vực,” người ta có thể có một giáo trình tỉ mỉ và có thể huênh hoang về sự thành thạo về nhiều ngành học khó khăn, nhưng họ sẽ không có sự giáo dục. Như thế, người ta có thể tạo ra những con người suốt đời chỉ biết lêu lổng với những vấn đề vô bổ, hoặc những kẻ chỉ biết làm tán loạn năng lực của mình khi cố gắng suy nghĩ về một vấn đề gì, nhưng chẳng bao giờ người ta có thể có được những con người thông minh có tâm trí hoạt động theo một kỷ luật vững chãi được kiểm soát một cách chặt chẽ, có khả năng sử dụng toàn bộ sức mạnh của mình trước mọi tình trạng khẩn cấp bất ngờ, trước mọi vấn đề mới, để nắm bắt và chế ngự chúng.

Sự sai lầm ấy ở đây đã đủ rõ rồi. Người ta quên, hoặc không nhận biết, rằng sự đơn giản và khiêm tốn là những yêu cầu đầu tiên trong việc theo đuổi sự nghiệp khoa học. Người ta phải khởi sự một cách nhún nhường và với những bước đầu nhỏ bé nếu người ta muốn tiến xa. Sự huênh hoang và thái độ giả vờ chỉ dẫn tới chỗ phù phiếm và hời hợt chứ không đưa đến những hành động mạnh mẽ và có kết quả. Nếu cứ hăm hở tiến tới trước, người ta chỉ tự lừa dối mình bởi ý niệm rằng mình đang tiến những bước tiến dài. Người ta sẽ bỏ quên những việc chưa được thực hiện mà sau đó họ phải quay lại để điều chỉnh. Ngược lại, nếu người ta tiến hành công việc một cách từ tốn với sự chịu khó, mỗi bước tiến đều chắc chắn và xác thực. Mỗi bước tiến ấy đều tạo lợi thế cho những bước tiến tiếp theo. Điều đó tăng cường và khẳng định năng lực trí tuệ. Chúng trở thành hành động với sự chắc chắn bởi những tiến bộ mang tính khoa học, không chỉ bởi sự đoán mò; và chính cái kỷ luật tinh thần ấy cho phép người ta sử dụng năng lực của họ vào bất cứ nơi nào họ cần. Một nhiệm vụ mới chẳng phải là một bức tường khô cứng chẳng thể nào vượt qua chỉ vì ta chưa từng trông thấy một nhiệm vụ nào tương tự trước đó. Nó chỉ là một trường hợp mới để áp dụng những tiến trình quen thuộc và cổ điển. Chẳng có điều gì đáng thương hơn là trông thấy một người trẻ hụp lặn một cách vô vọng trong một chủ đề mới vượt quá xa nền tảng kiến thức của mình, một người trẻ chưa bao giờ học được cách sử dụng tâm trí của chính mình.
Nói đến việc hình thành một triết lý sống ở giới trẻ trong quá trình giáo dục là muốn nói rằng giáo dục phải có một tác động cụ thể trong việc hình thành nhân cách giới trẻ. Thường có những điều quyết đoán cho rằng giáo dục phải có trách nhiệm trong việc hình thành nhân cách – phải nêu việc hình thành nhân cách thành một chủ đề của giáo dục và phải hành động hướng về đấy, một mục đích định trước. Những điều này không có gì để phủ nhận, nhưng hãy thử quan sát để thấy rằng lập luận ấy đã che lấp sự thật. Sự thật là giáo dục không thể tránh được việc hình thành nhân cách con người theo cách này hay cách khác. Điều sai lầm là việc phát biểu như thể việc dạy dỗ những vấn đề học thuật có thể được thực hiện mà chẳng liên quan gì đến việc rèn luyện nhân cách, trừ khi mục đích rèn luyện nhân cách phải được nêu rõ ra. Người ta có thể đọc nhiều sách về toán học và khoa học chẳng hề chứa đựng bất kỳ một nội dung văn hóa đạo đức trực tiếp nào, nhưng bất kỳ điều gì mà chúng ta học được về cái thế giới mà chúng ta đang sống trong đó đều tác động theo một nguyên lý nào đó trong việc điều chỉnh hành vi của chúng ta tại đấy. Tuy nhiên, đấy không phải là điều quan trọng nhất. Trường học là một xã hội thu hẹp. Chẳng lẽ chúng ta không thấy rằng mỗi trường học đều hình thành một bầu khí riêng cho chính nó, các thành viên thuộc mỗi trường học đều tự thiết lập một bộ luật và một hệ thống dư luận cho chính mình như thế nào hay sao? Và rồi, chao ôi là cái vị trí của ông thầy trong cộng đồng nhỏ bé ấy. Chao ôi là cái địa vị cao trọng đầy trách nhiệm và nguy hiểm mà ông thầy nắm giữ. Chao ôi là những điều chỉ trích mà ông thầy phải chịu đựng. Chao ôi là cái quyền lực mà tấm gương của ông thầy tác động. Trong cái xã hội nhỏ bé ấy, những ý niệm tổng quát về hạnh kiểm được hình thành, những nguyên lý được chấp nhận, và thói quen tăng trưởng. Ở vị trí của mình, mỗi thành viên đều đóng góp vào và tiếp thu từ cuộc sống chung đó. Người ta có thể ngờ vực rằng chẳng biết có thể có một hình thức sinh hoạt cộng đồng nào của cuộc đời lại có ảnh hưởng đến cá tính con người mạnh mẽ hơn cuộc sống ở trường học hay không; không những thế, ảnh hưởng ấy xuất hiện vào thời kỳ hình thành nhân cách, khi mà những ấn tượng dễ được tiếp nhận và đễ được khắc sâu nhất.
Và cũng vậy, đó là nơi mà thái độ duy cảm phát huy nhiều ảnh hưởng xấu nhất, nhưng cũng là nơi mà tính chính trực về phương pháp có tầm quan trọng lớn lao nhất. Ở đấy, sự giả dối của thái độ duy cảm trở thành nguyên lý mầm, sẽ phát triển thành những hình thức đa dạng của tính giả dối trong nhân cách. Giới trẻ chẳng thể rèn luyện sự khoe khoang và sự giả vờ, và cũng chưa được dạy cho để tin rằng điều quan trọng duy nhất nằm ở chỗ ta là cái gì chứ không phải ở chỗ cái gì mà người ta nghĩ về mình. Họ không thể rèn luyện những công cụ cho cảm tưởng giống như việc học tập, và cũng chưa được dạy cho để tin rằng những điều giả trá là đáng hổ thẹn cũng như sự lương thiện một cách bộc trực vốn sở hữu điều tệ hại nhất lại là một đặc điểm cao quý. Họ có thể học để biết ngượng khi bị bắt gặp trong một lúc khoe khoang khoác lác nhưng họ sẽ không học được sự hổ thẹn đang lúc lừa gạt. Điều này không hàm ý là họ sẽ dối trá hay trộm cắp, nhưng quả thật là đáng khinh nếu một bộ luật chỉ định nghĩa lương thiện là không chiếm hữu tài sản của người khác. Lương thiện là một đức tính bao quát hơn nhiều so với việc không trộm cắp; nó bao gồm cả tính chính trực trong động cơ và mục đích, sự trọn vẹn và nhất quán về nguyên tắc, và sự tế nhị của tinh thần trách nhiệm. Sự thật thà chính là nền tảng của cá tính, và bản năng ghét bỏ bất kể những gì giả trá hay hào nhoáng là một trong những tình cảm mà mọi nền giáo dục lành mạnh phải khắc họa được. Tuy nhiên, điều đó không thể thực hiện được trừ khi những công chức của nền giáo dục và các phương pháp giáo dục đều được cổ vũ bởi một thái độ chính trực không do dự.
Trong số những điều hàm chứa trong việc giáo dục mà nguyên tắc chính trực cần được áp dụng là cách cư xử đứng đắn. Có những người cố ý phô bày thái độ coi thường cách hành xử đứng đắn. Họ nghĩ rằng để tỏ ra dân chủ, để thể hiện dấu hiệu của một tình thân hữu, phải biết coi thường khía cạnh này. Họ nghĩ có điều gì đó nên được kiêu hãnh rằng họ là kẻ không có giáo dục. Những người khác thể hiện thái độ từ bỏ giáo dục, việc rèn luyện, và cá tính ôn hòa. Đây chính là sự sai lầm sau cùng đang lan tỏa nhiều nhất trong phạm vi hoạt động giáo dục. Điều này rất quen thuộc với mọi người. Nó cho phép người ta đánh đồng anh chàng hào hoa rởm ở phòng khách với tên du côn ở quán rượu. Khi hệ thống này chiến thắng, nó đem lại cho giới trẻ của chúng ta những lối nói thời thượng, vốn đủ cho những trò đùa cợt ở phòng khách, khi những chủ đề liên quan đến khoa học tình cờ có mặt. Những chàng trai cô gái nhặt nhạnh được ở đâu đó những câu nói linh tinh vốn đang lưu hành giữa những người có học sẵn sàng phát biểu một cách tròn trịa quan điểm của họ về những vấn đề nghiêm trọng nhất thuộc lãnh vực triết học hay khoa học. Những phát biểu ăn sâu vào đầu họ nhất chính là những câu nói mang tính cách dí dỏm hoặc nghịch lý, bất kể đúng hay sai. Thực tế, họ chẳng thể phân tích hay phê bình cái kho lưu trữ về tinh thần của mình nếu họ muốn. Họ chẳng bao giờ học để xem xét nghiêm túc một vấn đề và hình thành rõ rệt một quan điểm.
Tuy nhiên, điều đó không dẫn đến kết luận rằng sự quê mùa thô kệch là sự uyên bác, hoặc giáo dục không cần phải dạy về cách hành xử đúng đắn chỉ vì chúng là những biểu thị nhất thời của một tâm hồn lành mạnh và một tâm thức được huấn luyện kỹ càng. Sự ghen ghét, tính hiểm độc, tính ích kỷ là căn nguyên thông thường của thói cư xử tệ bạc. Chúng thuộc về những con người không được rèn luyện và ngu đần; và việc tiêu diệt những thói xấu ấy chính là trách nhiệm của nền giáo dục.
Cho nên, ở nơi nào vắng mặt nền giáo dục chân chính, nơi đó người ta có nhiều cơ hội bắt gặp những cách hành xử tệ bạc nhất với những kinh nghiệm xã hội lớn lao nhất. Ngược lại, thái độ lịch sự chân thật nhất xuất hiện ở nơi có sẵn một nền kỷ luật chân chính, nhưng lại chỉ có những hiểu biết sơ sài về những hình thái xã hội.
William Graham Sumner (1840-1910) là một học giả nổi tiếng uyên bác người Mỹ, người ngồi ghế giáo sư xã hội học đầu tiên tại Đại học Yale. Trong nhiều năm, ông được biết đến là một nhà giáo có nhiều ảnh hưởng đối với xã hội. Ông có nhiều tác phẩm nghiên cứu về nhiều lãnh vực như lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội, và nhân loại học. Ông cũng là một nhà phê bình của chủ nghĩa quyền tự nhiên, cho rằng, “… trước tòa án tự nhiên, quyền sống của con người cũng chỉ ngang với quyền sống của con rắn rung chuông…”


WIlliam Graham Summer | Hiểu Đán trích dịch
Nguồn: Integrity in Education, trích trong The Forgotten Man and Other Essays. •

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét