Cái còn mãi

When all is lost, there is still a memory”
(Dejan Stojanovic)




Bãi biển vào cuối hạ, đông nghịt những người là người. Ánh nắng chói chang, trải những vệt dài lấp lánh trên mặt nước rộng. Những dấu chân người in trên mặt cát ướt. Những lâu đài được xây vội vã. Những dòng chữ và hình tượng được vẽ thật nhanh trước khi sóng phả vào bờ. Suốt bãi biển dài rộng, không ai mong đợi một cái gì trường cửu. Tất cả đều tạm bợ, có đó, rồi để cho sóng vô tình cuốn đi.
Từ đông sang tây, từ cổ chí kim, đã nhiều triết gia, văn hào, thi nhân, nhạc sĩ… có cùng ý tưởng rằng, mọi thứ đều sẽ phai nhạt, qua đi hoặc mất đi, chỉ có kỷ niệm, ký ức, là còn lại.
Thực ra ký ức chẳng chọn lựa sự tồn tại của nó: có việc chẳng đáng nhớ, lại nhớ; có việc không muốn quên, lại quên. Nó như thước phim vô tình ghi nhận tất cả những gì trình hiện trong đời sống. Chỉ có kỷ niệm thì dù cố ý hay vô tình, dù muốn hay không, vẫn lưu lại trong tâm khảm thật lâu dài; bởi vì, nó là dấu ấn thật đậm của niềm hạnh phúc hay nỗi khổ đau cùng tột mà con người kinh qua.
Người ta có thể đặt tên cho những dấu ấn ấy bằng các từ khác nhau: hạnh phúc, êm đẹp, thơ mộng thì gọi là kỷ niệm; khổ đau, hãi hùng, khiếp đảm thì gọi là nỗi ám ảnh, cơn ác mộng… Nhưng dù là tên gọi nào, bản chất của những ấn tượng là sự ghi nhớ, tích lũy.
Kiến thức và văn minh nhân loại được xây dựng từ cái nền ghi nhớ và tích lũy ấy. Đó là điều mà ai cũng có thể tự suy nghiệm để hiểu, hoặc được sách vở, học đường dạy như thế.
Suy ra, người ta tất hiểu rằng tiểu sử của một cá nhân hay lịch sử của tập thể, của dân tộc và nhân loại, cũng dựa trên sự tích lũy của ký ức mà viết nên. Nhưng sử sách chỉ ghi chép được các sự kiện và hiện tượng từ con người, từ thiên nhiên, xảy ra trong một khoảng không gian và thời gian ấn định, hoặc ước định, phỏng định. Một cách khoa học, khách quan, ký ức cá nhân hay tập thể được sử sách chép lại bằng những hình ảnh và câu chữ cô đọng, giản lược đến mức tối đa, giản lược đến mức vô tình, đánh rơi tất cả những cảm xúc thực sự của những con người được nhắc đến một cách chung chung trong từng thời đại.
Người ta có thể làm nên lịch sử bằng máu và nước mắt, nhưng sách sử thì chỉ có thể được viết bằng mực, từ một thiểu số (cá nhân hay tập thể), từ vài sử gia trung thực hay từ những nô bộc cầm bút thụ ân các bạo chúa và các nhà cầm quyền độc tài. Trung thực hay bóp méo lịch sử, vẫn không thể mô tả được dòng chảy của máu lệ.
Trở lại tiền đề mọi thứ đều qua đi, chỉ có kỷ niệm là còn mãi.
Sách của sử gia, tác phẩm của văn nhân thi sĩ, có thể là ký ức biểu trưng của tập thể, của thời đại, sẽ được ở lại lâu dài, hoặc còn mãi với thời gian tương đối nào đó.
Nhưng niềm hạnh phúc và nỗi thống khổ của chúng ta, tất cả những xúc cảm thực sự của từng thân phận lẻ loi, đã cùng thời trải nghiệm hay đơn độc trải nghiệm, thì không sách vở nào ghi chép được. Chúng đến rồi ở lại thật lâu trong tâm khảm mỗi người, và rồi sẽ thầm lặng theo chúng ta rời khỏi thế giới này.
Còn mãi, đến bao lâu, không làm sao biết được.
Còn mãi, để làm gì, mỗi người tự biết.
Thực ra, chẳng có gì bất tử. Chẳng có gì còn mãi, dù là ký ức, kỷ niệm có dấu ấn sâu đậm nhất. Bất tử chẳng phải nhờ ghi chép của các sử gia; cũng không phải nhờ ôm hoài những dấu ấn dĩ vãng, mong đợi chúng tồn tại mãi trong tương lai mơ hồ nào đó. Hoài niệm quá khứ, dự phóng tương lai, đều là ảo tưởng. Bởi vì, cái gì có thể ghi nhận và tích lũy được, cái đó không thể trường tồn, bất diệt.
Chỉ khi nào, trong từng phút giây hiện tại, buông bỏ mọi ký ức, ấn tượng, hình tượng, trở về với chính mình, trở về với tâm ban sơ—khi chưa có bất cứ một ý niệm nào khởi lên để ghi nhận, tích lũy—mới có thể bắt đầu cho hành trình hướng về cái vô hạn, bất biến.

VĨNH HẢO
Theo Thư Viện Hoa Sen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét