Cô đơn đích thực

"Một bát cơm ngàn nhà
Thân chơi muôn dặm xa
Mắt xanh xem người thế
Mây trắng hỏi đường qua"




Kính bạch Thầy, Con thường vào mục "Hỏi Đáp Phật Pháp" để học hỏi vì rất sinh động và gần gũi, dễ hiểu. Con có đọc được câu hỏi của một quý đạo hữu hôm 23/8/2014 về vấn đề "cô đơn" và đề nghị Thầy giảng bài pháp về sự “Cô Đơn” cũng như đề cập đến ý định viết cuốn sách về “xây dựng môi trường tu học”. Thầy đã trả lời về nguyên lý rất rõ ràng, khúc chiết cho "hai loại cô đơn: Cô đơn hữu ngã và cô đơn vô ngã". Con cũng có cơ duyên đọc được một cuốn sách về vấn đề mà quý đạo hữu đã hỏi nên mạn phép đóng góp ở đây. Đó là cuốn "Sống chung an lạc – phương cách xây dựng tăng thân", con mua đã lâu ở ngoài nhà sách. Trong đó nêu lên tầm quan trọng của Tăng thân (Sangha) và có đề cập đến vấn đề "cô đơn" trong tăng đoàn của Phật thông qua Kinh Tư Lượng có trong tạng Pali lẫn trong Hán tạng. Trong tạng Pali, kinh nằm ở trong Trung Bộ (Majjhimanikaya, 15) mang tên là Kinh Anumana, kinh tương đương ở Hán tạng là kinh Tỳ Khưu Thỉnh. Việc xây dựng tăng thân dựa trên Luật Tạng và những nguyên tắc sống chung an lạc trong tăng đoàn của Phật ngày xưa. Sách cũng đề xuất cách xây dựng "tăng thân" ở gia đình để có được sự an lạc. Hiện con có bản in trên giấy cũng như bản bằng tập tin PDF của cuốn sách này, vì thế nếu quý đạo hữu cần con có thể cho mượn hay gửi bản PDF (bản này có thể tìm trên mạng). Con xin đảnh lễ Thầy.


Trả lời:

Cảm ơn con đã chia sẻ ý hay về mối quan hệ tốt đẹp. Nhưng nếu ai hiểu những gì thầy nói thì sẽ thấy rằng đó chỉ là khai mở những nguyên lý sống "tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha" để mỗi người tự biết vận dụng sáng tạo trong hoàn cảnh cô đơn đích thực ngay nơi sát-na thực tại thân tâm cảnh duy nhất "đặc thù, độc đáo, độc lập" không có sự thỏa hiệp nào với bất kỳ ai mà đức Phật gọi là "không tham ưu, không nương tựa, không bám víu hay lệ thuộc vào bất kỳ điều gì ở đời". Đó cũng chính là nguyên lý "ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm" mà kinh Kim Cang nói đến. Con nói về sự an lạc còn thầy đang nói đến sự giác ngộ.

Cô đơn đích thực (vô ngã) là đang ở trong sự tương giao hài hòa và bất nhị của vạn pháp nên ở đó mọi nỗ lực thiết lập mối quan hệ hay thỏa hiệp giữa ta với người đều trở thành vô nghĩa và đáng thương! Như muốn vào "Nước Chúa" thì duy chỉ một mình đơn thân bước qua "khung cửa hẹp". Thế nhưng, Niết-bàn lại còn không có khung cửa hẹp nào để bước vào nữa kia, chỉ có thể cô đơn trở về trọn vẹn với sát-na thực tại phi không thời - không có bề dày không gian và thời gian nào cả - thì ở đó mới chợt nhận ra cái không hạn lượng: không còn đối đãi ngã nhân. Hãy thử một lần buông xuống, hoàn toàn trọn vẹn cô đơn trong cái không là gì cả thì con liền nhận ra cái tất cả đích thực là gì.

"Một bát cơm ngàn nhà
Thân chơi muôn dặm xa
Mắt xanh xem người thế
Mây trắng hỏi đường qua"


Theo Hỏi Đáp Trung Tâm Hộ Tông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét