Nơi đâu là nhà?

Nếu như có người hỏi bạn từ đâu đến, bạn sẽ trả lời như thế nào? Nơi ấy có phải là chỗ ta sinh ra, nơi ta đang sống, hay là xứ sở mà mình có quốc tịch? Thật ra câu hỏi ấy cũng không đơn giản như ta nghĩ phải không bạn?


Nhà văn Pico Iyer, chuyên viết về đề tài du lịch, ông đã từng đi khắp nơi trên thế giới để tìm hiểu các nền văn hóa khác nhau. Ông có một câu trả lời rất thú vị cho câu hỏi này, “Ta từ đâu đến?” Và ông cũng nói đến một cảm giác bình yên mà ta cảm thấy khi trở về lại ngôi nhà của mình. Nhưng quê nhà của ta thật sự ở đâu bạn hả?
Tôi nhớ đến mấy câu thơ của Thôi Hiệu

Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu?
Trên sông khói tỏa, sóng gợn, khiến buồn lòng người!
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai

(Tản Đà dịch)

Thật ra quê nhà ấy cũng không xa xôi lắm đâu. Tôi nhớ các vị thiền sư cũng thường nhắc, dù ta có đang đứng ở một chốn xa xôi nào đó nhìn khói tỏa trên sông, hay nghe tiếng mưa rơi, hoặc đi giữa trời thu, ngồi yên với ánh trăng khuya bên khung cửa sổ, hay bước ra đường phố mỗi sáng… ta đều có thể thấy được là mình đang về nhà. Vì quê nhà không phải là một nơi nào ta trở về, mà là bất cứ nơi nào ta đang thật sự có mặt một cách trọn vẹn.
Xin mời bạn lắng nghe những chia sẻ sau đây của nhà văn Pico Iyer về câu hỏi Nơi đâu là nhà?

Bạn từ đâu đến?

“Bạn từ đâu đến? Đó là một câu hỏi rất đơn giản. Nhưng ngày nay, những câu hỏi đơn giản lại dẫn đến những câu trả lời rất là phức tạp.

Khi người ta hỏi tôi từ đâu đến, thì họ nghĩ rằng tôi sẽ đáp là “Ấn độ.” Và họ đoán cũng đúng, vì 100% dòng máu và tổ tiên của tôi đến từ Ấn độ. Nhưng chỉ có điều là tôi chưa từng sống ở Ấn một ngày nào trong đời mình. Tôi cũng không biết nói một chữ nào trong số 22,000 thổ ngữ của xứ Ấn. Và vì vậy, tôi không có thể dám nhận mình là người Ấn độ được.
Nếu như “Bạn từ đâu đến” có nghĩa là “Bạn sinh ra và được giáo dục ở đâu?” thì tôi được sinh ra và lớn lên ở Anh. Nhưng chỉ có điều là tôi không hề giống với những đứa trẻ cùng lớp, cũng như rất khác với hình ảnh của những nhân vật anh hùng trong các sách giáo khoa, biểu tượng cho xứ Anh. Và khi học xong bốn năm đại học thì tôi cũng rời Anh quốc.
Nếu như “Bạn từ đâu đến” có nghĩa là “Bạn đóng thuế nơi nao? Bác sĩ của bạn ở đâu? Bạn đi khám răng chỗ nào?” thì tôi là người Hoa kỳ, cũng đã hơn 48 năm nay rồi, từ khi mình còn là một đứa bé. Nhưng chỉ có một điều là trong một thời gian dài, đi đâu tôi cũng mang theo mình một tấm thẻ xanh, chứng minh rằng tôi chỉ là một người dân thường trú.
Và nếu như “Bạn từ đâu đến” có nghĩa là “Nơi nào mà bạn có một cảm xúc sâu đậm nhất, và nơi nào mà bạn muốn ở lại lâu nhất?” thì tôi là người Nhật, vì tôi đã cố gắng ở lại nơi này trong suốt 25 năm qua. Nhưng chỉ có điều là trong suốt thời gian ấy, tôi sống với một hộ chiếu du lịch, và tôi cũng tin chắc rằng đa số người Nhật cũng không cho rằng tôi là người của họ.

Nơi đâu là nhà?

Và có lẽ đối với đa số chúng ta, thật ra “nhà”, hay quê hương, của mình không hề liên quan đến một mảnh đất nào đó, mà nó là một mảnh của tâm hồn. Nếu như có ai bất ngờ hỏi tôi, “Nhà của anh ở đâu?” Tôi sẽ liên tưởng đến một người thương, hay những người bạn thân, hay những bản nhạc nào đó đang theo cùng với tôi bất cứ nơi nào mà tôi đang có mặt.
Và lúc nào tôi cũng vẫn cảm thấy như vậy. Nhưng có một lần tôi đã thật sự cảm nhận được điều này rất sâu đậm, khi bước lên những bậc thang trong nhà ba mẹ của tôi ở California. Tôi nhìn qua cửa sổ phòng khách, và thấy rằng chúng tôi đang bị bao vây bởi một bức tường lửa cao 70 bộ, một trong những vụ cháy rừng xảy ra rất thường, và chúng xé xuyên qua các khu đồi núi California.
Và chỉ ba giờ sau đó, ngọn lửa ấy đã biến ngôi nhà của tôi và tất cả những gì trong đó, ngoại trừ tôi, ra thành tro bụi. Buổi sáng hôm sau thức dậy, tôi ngủ trên sàn nhà của một người bạn, tài sản duy nhất của tôi trên cuộc đời này là một chiếc bàn chãi đánh răng, mà tôi vừa mua ở một siêu thị mở suốt đêm. Và nếu như có ai đó hỏi tôi rằng “Nhà của anh ở đâu?” Tôi không thể chỉ đến một cấu trúc vật chất nào được. Nhà của tôi chỉ là những gì mà tôi đang mang theo bên trong mình.
Ta đến từ nơi nào, việc ấy không quan trọng bằng bây giờ chúng ta đang đi về đâu. Và chúng ta biết rằng, ngôi nhà không hẳn là nơi mình sinh ra. Nó là nơi chốn mà ta trở về được với chính mình.

Một bầu trời đầy sao

Và tôi cũng thật sự tin rằng, sự hoạt động chỉ có thể tốt đẹp bằng với sự tĩnh lặng mà ta có thể đem hòa nhập vào với nó.
Khoảng tám tháng sau khi căn nhà tôi bị cháy tiêu, tôi gặp một người bạn, anh ta nói, “Tôi có một nơi này tôi nghĩ rất thích hợp với anh. Nó chỉ cách đây 3 tiếng lái xe, không đắt lắm, và cũng không giống với những nơi nào mà anh đã từng ở.” Thấy tôi có vẽ nghi ngờ, anh dè dặt nói tiếp “Thật ra, nơi đó là một tu viện của các vị ẩn tu.”
Nghe nói đến tu viện thì tôi không thích lắm, nhưng với sự bảo đảm của người bạn rằng nó sẽ mang lại lợi ích cho tôi, tôi bằng lòng.
Tôi lái xe ba tiếng về hướng bắc dọc theo bờ biển. Con đường đi càng lúc trở nên nhỏ hơn và vắng vẻ hơn. Và rồi tôi rẽ vào một con đường đất lại càng nhỏ hẹp hơn, quanh co khoảng hai dậm leo lên đỉnh một ngọn núi. Khi tôi bước xuống xe, không khí thật sinh động. Không gian nơi đây hoàn toàn thinh lặng, nhưng sự thinh lặng ấy không phải là một sự vắng mặt của tiếng động. Nó là sự có mặt của một năng lượng, của sự sống. Dưới chân tôi là một mặt phẳng tĩnh lặng bao la xanh biếc của biển Thái Bình Dương. Tất cả chung quanh tôi là một rừng cỏ khô rộng 800 mẫu Anh.
Tôi mang đồ xuống phòng mình sẽ nghỉ. Căn phòng nhỏ nhưng rất tiện nghi, có một chiếc giường, một chiếc ghế đu (rocking chair), một bàn viết dài, và một khung cửa sổ dài hơn thế nhìn ra một khu vườn riêng, có tường bao quanh, và trải dài ra xa là một cánh đồng cỏ vàng chạy tít xuống tận biển. Tôi ngồi xuống và bắt đầu viết, viết và viết, mặc dù mục đích của tôi đến đây là để lánh xa chiếc bàn viết của mình.
Khi tôi đứng dậy, bốn giờ đồng hồ đã trôi qua. Bên ngoài màn đêm đã buông xuống. Tôi bước ra ngoài dưới một bầu trời lấp lánh vụn vỡ ngàn ánh sao. Tôi có thể nhìn thấy đóm đèn đỏ xa xa của những chiếc xe khuất sau vịnh biển cách đây 12 dậm về phía nam. Đứng đấy, tôi thật sự cảm thấy những muộn phiền, lo âu của ngày hôm trước hoàn toàn tan biến.
Dừng lại mới thấy mình đi đâu
Sáng hôm sau tôi thức dậy, thiếu sự có mặt của điện thoại, TV và laptops, một ngày dường như kéo dài ra đến cả ngàn giờ. Đó là một sự tự do mà mình có được khi ta đi xa khỏi những bận rộn, nhưng tôi cũng có một cảm nhận rất sâu đậm như là mình đang trở về nhà.
Tôi không phải là một người có đạo, nên tôi không đi lễ. Tôi cũng không tham vấn với các vị tu sĩ. Tôi chỉ đi dạo theo những con đường nhỏ trong tu viện, và viết bưu thiếp gửi người thân. Tôi ngắm những áng mây trôi, và làm một việc mà bao giờ cũng khó khăn nhất đối với mình, là không làm gì cả.
Quay về lại nơi ấy, tôi nhận ra rằng ở đó mình đã làm một công việc quan trọng nhất, một cách vô hình, chỉ bằng sự ngồi yên. Và chắc chắn nó cũng dẫn đến những quyết định sáng suốt, mà tôi đã không thể nào có được, khi cứ bận rộn chạy từ một email này cho đến một buổi hẹn kia.
Tôi chợt ý thức rằng, trong tôi cũng đã từng kêu gào đòi hỏi một sự tĩnh lặng. Nhưng lẽ dĩ nhiên làm sao tôi có thể nghe thấy, khi mình quá bận rộn chạy loanh quanh khắp nơi. Tôi cũng giống như một kẻ điên, tự bịt mắt lại rồi phàn nàn là tại sao mình không thấy gì được hết. Nó làm tôi nhớ đến câu nói của triết gia Seneca mà tôi đã được học từ nhỏ, “Một người nghèo, không phải vì anh ta có ít, mà là vì anh khao khát quá nhiều.”
Là nơi ta đứng yên lại
Lẽ dĩ nhiên là tôi không khuyên các bạn nên tìm vào một tu viện nào đó. Đó không phải là điều tôi muốn nói. Nhưng tôi nghĩ, chỉ khi nào ta dừng lại ta mới thật sự thấy được mình đi đâu. Và chỉ khi nào ta bước ra khỏi cuộc đời mình và của thế giới, ta mới thật sự thấy được những gì mình trân quý nhất, và tìm lại được ngôi nhà của mình.
Và ngày nay, tôi để ý cũng thấy có nhiều người chọn ngồi yên 30 phút mỗi sáng trong một góc nhỏ nào đó để được tĩnh lặng, hoặc đi dạo mỗi buổi chiều, hoặc tắt máy điện thoại khi ngồi nghe người bạn mình tâm sự.
Hoạt động, đi đây đó khắp nơi, là một đặc quyền tuyệt vời. Nó cho phép chúng ta hoàn tất và làm được biết bao nhiêu công việc mà ông cha ta ngày xưa không hề mơ tưởng đến. Nhưng những chuyến đi, cuối cùng thì chỉ có ý nghĩa nếu như ta có một nơi chốn, một ngôi nhà để trở về. Và nhà, lẽ dĩ nhiên, không phải chỉ là một nơi để ta ngủ. Nó là một nơi mà ta đứng yên lại.”
Nguyễn Duy Nhiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét