Trước hết, yếu tố bên trong ảnh hưởng tới bên ngoài. Chẳng hạn khi buồn, ta có cảm tưởng như môi trường chung quanh cũng ảm đạm và tê tái như muốn chia sớt nỗi buồn đang đầy ứ trong cõi lòng của ta. Vì thế, Nguyễn Du đã viết :
- Cảnh nào, cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ.
Tiếp đến, yếu tố bên ngoài ảnh hưởng tới bên trong. Chẳng hạn vừa mới ngủ dậy mà bỗng trời đổ mưa, ta liền cảm thấy một chút lười biếng, chả muốn bắt tay làm bất cứ công việc gì, mà chỉ muốn nằm ngủ nướng trong chăn cho đẫy con mắt. Chẳng hạn đang đi thất tha thất thểu ngoài phố, bỗng nghe thấy một khúc quân hành, ta liền cảm thấy phấn chấn hẳn lên, bước đều bước theo điệu nhạc đong đưa.
Một trong những yếu tố bên ngoài khá quan trọng đó là địa dư, hay nói một cách nôm na là nơi ăn chốn ở. Yếu tố này cũng đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành con người chúng ta. Thực vậy, nhìn vào bản đồ, gã thấy có bốn hướng : đông tây nam bắc. Như thế, người bắc khác với người nam và người phương đông khác với người phương tây.
Thực vậy, tuy cùng là dân Việt mình với nhau, nhưng người bắc có một số đặc điểm khác với người nam. Gã chỉ xin đưa ra một thí dụ nho nhỏ mà thôi.
Chẳng hạn tại miền bắc đất đại thì ít, còn sông Hồng Hà như bà già khó tính hay như cô gái đỏng đảnh, gây nên lụt lội thất thường. Chính vì phải đương đầu với một hoàn cảnh nghiệt ngã như vậy, nên người bắc thường chí thú làm ăn, tích lũy tiền của phòng khi tai ương hoạn nạn xảy ra.
Trong khi đó, tại miền nam, ruộng đất thẳng cánh cò bay, còn sông Cửu Long, như người mẹ hiền hay như cô gái dịu dàng, lụt lội cứ đúng hẹn lại lên, không có sức tàn phá dữ tợn, nhưng mang lại phù sa cùng mọi thứ tôm cá. Đứng trước môi trường được thiên nhiên ưu đãi như thế, người miền nam thường sống một cách nhàn hạ, chả cần phải ky cóp, nhưng làm ngày nào xào ngày ấy.
Vào năm 1954, cả triệu người miền bắc di cư xuống miền nam. Sau năm mươi năm chung sống, những người bắc 54 cũng đã mang lấy không nhiều thì ít những đặc tính của người miền nam. Thành thử bây giờ họ không còn cần cù siêng năng mấy so với những người bắc 75, tức là những người vào nam sau ngày thống nhất đất nước.
Bây giờ gã xin so sánh người tây với ta. Người tây dĩ nhiên là sống ở phương tây, còn ta thì dĩ nhiên sống ở phương đông. Vị trí đông và tây này cũng đã ảnh hưởng trên con người và tạo nên những khác biệt.
Vì sống ở bắc bán cầu với khí hậu lạnh, người tây thường to con, trắng trẻo và râu tóc rậm rạp. Còn ta vì sống gần đường xích đạo, nên có vóc dáng nhỏ hơn, da vàng và râu tóc cũng thưa thớt hơn. Người tây dùng màu đen để chỉ sự tang tóc, còn ta thì lại dùng màu trắng. Người tây gọt từ dưới gọt lên, còn ta thì gọt từ trên gọt xuống. Người tây khi gọi thì ngửa tay ra mà vẫy, còn ta khi gọi thì úp tay xuống mà vẫy. Người tây không ăn thịt chó, còn ta thì lại coi thịt chó là một món…khoái khẩu. Thành thử trong những năm gần đây các thứ quán “cờ tây”, “nó kìa”, “sống trên đời”…mọc lên như nấm, có mặt trên khắp nẻo đường đất nước, từ thành thị cho đến thôn quê.
Đó mới chỉ là những khác biệt lẻ tẻ, mà nếu kể ra thì sẽ chẳng bao giờ cùng. Trong khuôn khổ bài viết này, gã chỉ xin tập trung vào mấy điểm khác biệt chính yếu mà thôi.
Trước hết là về phép tính ngày tháng năm. Người tây căn cứ theo dương lịch. Còn ta căn cứ theo âm lịch. Vậy thế nào là dương lịch và thế nào là âm lịch ?
Dương lịch hay lịch tây là lịch tính theo mặt trời. Thực vậy, trái đất xoay quanh mặt trời cứ 365 ngày 6 giờ thì được một vòng. Vì thế, cứ bốn năm lại có một năm nhuận. Và năm nhuận được tính thêm một ngày vào tháng hai. Người tây chắc hẳn là phải ăn tết tây, tức là mừng ngày 1 tháng 1, ngày đầu năm dương lịch.
Còn âm lịch, lịch ta hay lịch tàu là lịch căn cứ vào sự vận hành của mặt trăng chung quanh trái đất. Đối với âm lịch, năm nhuận là năm có thêm hẳn một tháng. Theo Trung Quốc, âm lịch có từ thời nhà Hạ và lấy tên mười hai chi mà đặt cho mười hai tháng.
Ta chắc hẳn là phải ăn tết ta, hay còn được gọi là tết Nguyên đán, mừng ngày 1 tháng 1, ngày đầu năm âm lịch. Theo tác giả “Toan Ánh” trong “Tín ngưỡng Việt Nam” thì “Nguyên là bắt đầu, đán là buổi sớm mai. Tết Nguyên đán là tết đầu năm, mở màn cho một năm mới với mọi cảnh vật đều mới mẻ đón xuân sang”.
Ngày nay, qua sự giao lưu văn hóa, đông và tây không còn cách biệt ngàn trùng nữa. Vì thế, ta vẫn giữ lại một số lễ tết chính, chẳng hạn tết Nguyên đán và tết Trung thu, đồng thời cũng mở rộng cửa đón nhận một số lễ tết của người phương tây, chẳng hạn tết Dương lịch. Và trong những năm gần đây giới trẻ, nhất là tại các thành phố lớn, cũng đã bắt đầu mừng những ngày lễ khác, như ngày tình nhân, ngày mẹ hiền, ngày phụ nữ, ngày quỷ dữ Halloween…Chẳng khác gì một anh chàng, vừa có họ với cô dâu lại vừa có họ với chú dể, nên khi được mời dự đám cưới, đã hăng hái phát ngôn vung vít :
- Giai hay gái, tớ đều…xơi tuốt!
Nếu đưa mắt quan sát, gã ghi nhận được hai đặc tính về con người và về xã hội. Hai đặc tính này đã tạo nên những sự khác biệt giữa ta và tây.
Trước hết là về con người. Nếu so sánh, gã thấy người tây vốn thường suy nghĩ bằng cái đầu, còn ta vốn thường suy nghĩ bằng trái tim. Nói cách khác, người tây sống bằng lý trí hơn sống bằng tình cảm, còn ta thì sống bằng tình cảm hơn sống bằng lý trí. Đối với người tây, ngang bằng xổ thẳng, hai với hai phải là bốn, chứ không được nghiêng bên nọ, ngả bên kia. Còn ta thì khác, lắm khi nói vậy mà chẳng phải đâu và trong cách cư xử thường uyển chuyển và du di, bởi vì :
- Một trăm cái lý không bằng một tí cái tình.
Tiếp đến là về xã hội. Người tây vốn phát triển về khoa học kỹ thuật nên đòi hỏi sự chính xác. Còn ta vốn phát triển về nghề nông, nên cứ thủng thẳng mà đi. Có thể nói được rằng từ thời ông “Bành Tổ” và cho đến ngày hôm nay, xã hội ta vốn dĩ đã là một xã hội nông nghiệp :
- Nhất sĩ nhì nông,
Hết gạo chạy rông,
Nhất nông nhì sĩ.
Người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa. Mà đã trồng lúa, thì đòi hỏi nhiều lao động, nhiều công sức, nhất là vào thời buổi “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, chưa được hiện đại hóa bằng những thứ máy móc lỉnh kỉnh. Vì thế, cần phải đông con nhiều cháu, để cùng nhau chia sẻ và gánh vác những công việc nặng nhọc trên ruộng đồng.
Từ hai đặc điểm này, gã xin đưa ra hai điểm nổi bật, khiến cho ta hoàn toàn khác biệt với tây.
Điểm nổi bật thứ nhất, đó là đời sống tình cảm.
Như trên gã vừa mới trình bày : người tây vốn suy nghĩ bằng cái đầu, lấy lý trí làm tiêu chuẩn hướng dẫn cho mọi hành động, nên phàm bất cứ sự việc gì cũng phải hợp lý, cũng phải có cái “lô gích” của nó. Chẳng phải chỉ người Anh mới có thái độ “phớt tỉnh Ăng Lê”, mà phần đông dân tây đều có thái độ ấy. Thí dụ như dân Đức máu còn lạnh và phớt tỉnh còn bạo hơn cả dân Ăng lê nữa.
Cũng từ đó, cá nhân chủ nghĩa được liên tục phát triển nơi người tây, đặc biệt trong phạm vi gia đình. Thực vậy, một gia đình của người tây thường chỉ gồm có cha mẹ và con cái. Con cái vừa mở mắt chào đời đã được đặt ngủ trong nôi, chứ không được nằm ngủ chung với mẹ. Lớn lên một tí thì ở trong phòng riêng, một vùng cấm địa mà ngay cả cha mẹ cũng phải tôn trọng. Còn cha mẹ khi đã về già, thường được gửi vào những viện dưỡng lão, thỉnh thoảng trong những ngày lễ hay những ngày nghỉ cuối tuần, con cháu mới tới thăm viếng.
Còn ta thì khác. Ta suy nghĩ bằng trái tim, lấy tình cảm làm tiêu chuẩn hướng dẫn cho mọi hành động. Và trái tim thì có những lý lẽ riêng của nó. Thành thử ở mọi nơi và trong mọi lúc, tình nghĩa lúc nào cũng lai láng và tràn đầy, nhất là trong phạm vi gia đình.
Thực vậy, gia đình ta ngày xưa, nếu đi từ người chủ, thì sẽ thấy hàng trên của người chủ là cha mẹ, ông bà, cụ kỵ. Nhưng thường chỉ có cha mẹ và ông bà, còn cụ kỵ nếu sống được thì cũng rất hiếm. Hàng ngang của người chủ là anh chị em. Còn hàng dưới của người chủ là vợ con. Tất cả cụ kỵ, ông bà, cha mẹ, con cái, anh chị em đều là những người trong gia đình và thuộc về họ nội. Riêng ông bà, cha mẹ, anh chị em của người mẹ thì thuộc về họ ngoại, tuy không ở chung cùng một gia đình, nhưng vẫn là những người trong thân quyến, có liên hệ mật thiết với nhau.
Gia đình ta ngày xưa thường quy tụ tất cả những thành phần kể trên và có thể được gọi là một đại gia đình. Nếu năm đời ở cùng một nhà với nhau, thì được gọi là ngũ đại đồng đường. Đây là một trường hợp rất họa hiếm và dường như không có, bởi vì tuổi thọ của các cụ ta ngày xưa không được cao lắm. Bốn đời ở cùng một nhà với nhau, thì được gọi là tứ đại đồng đường. Trường hợp này cũng có, nhưng rất ít. Ba đời ở cùng một nhà với nhau, thì được gọi là tam đại đồng đường. Đây là trường hợp bình thường vì chỉ gồm có ông bà, cha mẹ và con cháu. Nhiều khi những thành phần của đại gia đình này quây quần bên nhau trên một mảnh đất và làm thành như một trại gia binh.
Tình cảm mặn nồng ấy không phải chỉ gắn bó những người trong cùng một nhà, mà còn gắn bó những người trong cùng một dòng tộc. Vì thế, mỗi khi có việc hệ trọng như cưới hỏi, ta thường “nhóm họ” để bàn bạc, trao đổi ý kiến và phân chia công tác.
Tình cảm mặn nồng ấy cũng không phải chỉ gắn bó những người còn sống với nhau, mà còn gắn bó cả với những người đã khuất. Ta vốn có truyền thống biết ơn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây và uống nước phải nhớ đến nguồn, nên ta đã dành cho ông bà tổ tiên một chỗ đứng quan trọng trong đời sống. Ta có một cái đạo rất phổ thông được gọi là “đạo ông bà”, coi việc thảo kính ông bà và cha mẹ khi còn sống cũng như khi đã qua đời là một bổn phận thiêng liêng và hầu như gia đình nào cũng có một bàn thờ tổ tiên đặt ngay giữa nhà.
Điểm nổi bật thứ hai, đó là lòng quí trọng sự sống.
Người tây vốn sống theo cá nhân chủ nghĩa, lấy sự hưởng thụ của mình làm gốc, vì thế con cái nhiều khi trở thành một gánh nặng, một thứ kỳ đà cản mũi, nên cần phải loại trừ, hay ít nữa cũng phải hạn chế, “sì tốp” bớt đi cho vừa. Đồng thời trước viễn tượng một tương lai đen tối, người tăng nhưng đất đai lại chẳng tăng và như vậy một mai sẽ lấy gì mà ăn, nên người ta đã quảng bá cho mọi thứ phương pháp tránh thai, ngừa thai và phá thai.
Còn ta thì khác. Câu chuyện Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ, sinh được một trăm trái trứng, nở thành một trăm người con. Năm mươi người theo cha lên núi. Năm mươi người theo mẹ xuống biển, phải chăng đã trở thành một huyền sử dựng nước, mang tính cách tượng trưng cho một nền văn hóa quí trọng và phát triển sự sống.
Hơn thế nữa, xã hội ta vốn là một xã hội nông nghiệp, vì thế rất cần phải đông con nhiều cháu, để cùng nhau san sẻ những công việc đồng áng nặng nhọc. Đúng thế, ta ước mong có nhiều con, nhiều cháu. Ước mong ấy được biểu lộ bằng cách chào hỏi lẫn nhau mỗi khi gặp gỡ :
- Thế nào, được mấy cháu rồi.
Và trong dịp tết, ta thường cầu chúc cho nhau :
- Đa tử, đa tôn, đa phú quí, có nghĩa là đông con, nhiều cháu lắm tiền nhiều của.
Riêng với những anh chị mới lập gia đình thì :
- Đầu năm sinh con trai và cuối năm sinh con gái!!!
Như vậy, gia đình ta là một chiếc nôi luôn mở rộng đón nhận sự sống. Cha mẹ nào cũng mong sớm có con có cháu để bồng ẵm cho vui cửa vui nhà, cũng như để nối dõi tông đường.
Sinh con là một chuyện, còn dạy con lại là một chuyện khác. Trong việc dạy con, ta có một quan niệm rất tinh tế và chính xác, khiến cho bàn dân thiên hạ phải “tâm phục khẩu phục”.
Thực vậy, người tây tính tuổi từ ngày đứa con mở mắt chào đời, còn ta thì khác, ta tính tuổi đứa con ngay từ khi nó còn là một bào thai trong lòng mẹ. Vì thế, tuổi ta luôn trội hơn tuổi tây một năm.
Cũng vì quan niệm đứa con đã là người, kể từ lúc nó còn là một bào thai, nên ta chia việc dạy con làm hai thời kỳ.
Thời kỳ thứ nhất được gọi là thai giáo, nghĩa là phải dạy con ngay từ lúc còn trong bụng mẹ. Theo Toan Ánh :
“Vấn đề thai giáo cũng rất quan trọng một phần vì sức khỏe của người mẹ, một phần vì mọi tư tưởng và hành động của người mẹ trong lúc mang thai đều có thể ảnh hưởng tới bào thai trong bụng. Chính vì vậy, trong lúc mang thai, người đàn bà phải bó buộc làm nhiều việc xưa nay không làm, và phải kiêng nhiều điều xưa nay không cần kiêng. Mọi người cho rằng sự ăn không ngồi rồi hại cho sức khỏe của người mang thai và do đó ảnh hưởng tới cả bào thai. Trong lúc có thai, người đàn bà nên hoạt động tay chân, bằng việc làm. Nhiều gia đình khá giả, xưa nay người đàn bà không phải làm lụng nhiều, thế nhưng trong lúc có thai cũng phải bày đặt ra công việc để cho tay chân cử động. Việc kiêng cữ trong lúc mang thai rất nhiều :
Đầu tiên trong sự ăn uống phải tránh những đồ quá bổ béo, e cái thai quá lớn khó sinh. Ngoài ra, theo sự mê tín trong dân gian, phải kiêng không được ăn cua để tránh sinh ngang, không được ăn ngao sò ốc hến để tránh con nhiều dãi dớt, không được ăn thịt thỏ để tránh sinh con sứt môi, không được ăn những quả sinh đôi để tránh sự đẻ song thai…Thường người đàn bà có thai nên ăn nhiều trứng gà để sinh con có da dẻ hồng hào. Trong vấn đề thai giáo, người đàn bà có thai còn phải tránh mọi cảnh tượng hãi hùng hay đau đớn, mọi ngôn ngữ thô bỉ, mọi sự giận dữ, mọi tranh ảnh bất chính…Đồng thời còn phải nói năng dịu dàng, cử chỉ khoan thai, luôn tươi cười giữ cho tâm hồn ngay thẳng, nhìn ngắm tranh ảnh các vị anh hùng, những phong cảnh thanh khiết để gây ảnh hưởng tốt đẹp cho đứa con sau này”.
Tuy nhiên, đời không như là mơ, nên đôi khi đã xảy ra những chuyện chéo cẳng ngỗng. Một người mẹ trẻ trong thời kỳ mang thai đã mong ước con mình sinh ra sẽ đẹp như hoa hậu, hay ít nữa cũng đẹp như những người mẫu chân dài và sẽ thông minh như Einstein hay ít nữa cũng thông minh như một nhà bác học nào đó. Vì thế, chị ta luôn ngắm nhìn hình ảnh của những cô hoa hậu và những nhà bác học. Thế nhưng, khi được sinh ra, đứa bé lại có khuôn mặt xấu xí của Einstein và bộ óc đần độn của những cô người mẫu!!!
Thời kỳ thứ hai là được gọi là giáo nhi, tức là dạy trẻ. Cũng theo Toan Ánh :
“Kể từ khi đứa trẻ bắt đầu hiểu biết, thì cha mẹ đã phải chăm sóc tới để nó tập giữ tính thành. Dạy con từ thuở còn thơ, có nghĩa là ngay từ lúc còn nhỏ, đã phải tập cho nó những điều hay, những điều tốt. Nhân chi sơ tính bản thiện. Mỗi người sinh ra tính vốn tốt, cha mẹ phải răn dạy con để giữ lấy tính tốt đó. Tục ngữ có câu bé không vin cả gẫy ngành, có ý sánh ví đứa trẻ như một cành cây, phải uốn ngay từ lúc còn non, kẻo khi lớn lên, như một cành cây già, uốn sẽ gẫy”.
Thế nhưng, ngày nay, với những phương tiện thông tin hiện đại, đồng thời với xu hướng toàn cầu hóa, ta và tây đang xích lại gần nhau bằng những bước chân khổng lồ. Gã không hiểu ta đã tạo được ảnh hưởng gì đối với tây, chứ tây thì đã để lại những dấu ấn sâu đậm trên ta, khiến ta mất dần những nét đẹp truyền thống của mình. Gã xin đưa ra những thí dụ cụ thể :
Chẳng hạn về lòng quí trọng sự sống. Theo một bài viết trên Ephata thì :
Vấn đề nạo phá thai của thanh thiếu niên tại Việt Nam đang có khuynh hướng ngày một tăng cao, con số nạo phá thai hàng năm xấp xỉ với tổng số các cháu bé được sanh ra trên toàn quốc. Năm 1997, tổng số sanh trên toàn quốc là 1.138.607 ca, thì con số nạo phá thai là 934.302 ca. Năm 1998, số sanh là 1.101.791 ca, thì nạo phá thai là 861.353 ca. Riêng bệnh viện Từ Dũ mỗi năm có trên 40.000 ca nạo phá thai. Các nhà xã hội học ước tính số người nạo phá thai trong cả nước hàng năm có thể từ 2 đến 3 triệu người. Liên Hiệp Quốc cũng đã báo động và xếp nước ta vào một trong năm nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới.
Chẳng hạn về sự chung thuy trong tình nghĩa vợ chồng. Theo một bài viết của Nữ tu Phạm Thị Oanh thì :
Trong xã hội Việt Nam ở mọi thời đại đều thấy cảnh : lầu xanh, đa thê, tảo hôn, bán trinh để báo hiếu cha mẹ, loạn luân, đồng tính ái, đặc biệt là tệ nạn mãi dâm ngày nay đang xuất hiện dưới nhiều dạng thức: nhà hàng, cà-phê, Karaoke, xông hơi, xoa bóp, vũ trường, chat group trên Internet...
Ngoài ra nhiều hình thức văn hóa phẩm đen đã khiến nhiều bạn trẻ ngộ nhận cho rằng tình yêu chỉ là sự cuốn hút của cảm xúc, chiếm hữu, tình dục, tiền tài, thương hại. Tình trạng yêu sớm, yêu thử, yêu ào ào theo phong trào, yêu như điên, yêu hết mình xẩy ra nơi học sinh cấp 2, 3, và trong giới sinh viên ngày một tăng. Đó phải chăng là những nhân tố làm nên một dòng nhạc “vô cảm” và “não tình” mà dư luận quần chúng trên báo chí gần đây đã đề cập đến khá nhiều:
- Tình yêu đến em không mong đợi gì.
Tình yêu đi em không hề nuối tiếc.”
Tiếp đến là nhiều cặp sống chung không đăng ký kết hôn, không muốn có con để tránh trách nhiệm. Nhiều gia đình được hình thành trong một cam kết hời hợt lợi dụng lẫn nhau. Tất cả những vấn đề đó đã dẫn đến tỉ lệ ly dị ngày một tăng. Theo thống kê của Tòa An Nhân Dân Thành Phố Sài-gòn năm 2000, thì mỗi ngày trung bình có 32 vụ ly hôn, vị chi một năm là 11680 chỉ nguyên tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn tình trạng bạo hành trong gia đình về mặt thể chất, tinh thần và tình dục cũng rất phổ biến trong nhiều gia đình ở thành phố cũng như ở thôn quê.
Chẳng hạn về tình nghĩa của những thành viên trong gia đình. Theo một bài viết trên báo Phụ nữ Chủ nhật số ra ngày 29.6.2003 thì tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra một vụ án đau lòng :
Một người mẹ nhẫn tâm đổ dầu sôi vào mặt con gái, người mẫu Võ Thị Thu Tâm, trước ngày cô lên đường tham dự cuộc thi “Hoa hậu liên lục địa” tại Đức. Lý do người mẹ ấy đưa ra sau khi sát hại con, đó là bà đã có hai mươi năm mua bán ve chai, vất vả nuôi con khôn lớn, để rồi khi bắt đầu nổi tiếng, cô đã mặc cảm về thân phận người mẹ, lẩn tránh sự kiểm soát của bà và đối xử tệ bạc.
Bài báo còn đưa ra những trường hợp điển hình khác nữa. Chẳng hạn mấy ngày trước, một phụ nữ ở huyện Bình Chánh trong khi cãi cọ với chồng, đã bị chồng đạp cho vỡ lá lách phải cấp cứu ở bệnh viện. Tòa án tỉnh Vĩnh phú vừa tuyên án tử hình Trần Văn Nam, do ham chơi và đua đòi đã giết bà nội để lấy năm chỉ vàng và bảy trăm ngàn đồng. Một đứa con trai trong những cơn say triền miên thường hay quậy phá, gây sự với cha mẹ già và đã ra tay giết người cha 74 tuổi bằng bốn nhát dao.
Bài báo kết luận : Từ những vụ việc trên, không ít ý kiến cho rằng phải chăng những giá trị gia đình, đạo lý làm người đang bị sút giảm nghiêm trọng ? Tuy những vụ việc trên là cá biệt, nhưng đó là những báo động đỏ, là những bài học cảnh tỉnh sâu sắc cho những bậc cha mẹ, cũng như cho những người con, đánh động và thúc đẩy xã hội hướng sự quan tâm đến vấn đề giáo dục trong gia đình, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Cách đây ít bữa, gã đọc được một mẩu tin như sau : Tại Hà Nội, có người đã bỏ ra bạc tỷ để xây dựng một viện dưỡng lão, đầy đủ tiện nghi và được phục vụ như ở một khách sạn năm sao. Những “đại gia” và những người giàu sang có thể gửi cha mẹ già của mình vào đó. Tuy nhiên, người ta còn đang phân vân chưa biết đặt tên cho dịch vụ này là gì ? Là báo hiếu thuê, báo hiếu mướn hay là báo hiếu thay.
Không khéo thì ta chỉ hấp thụ được những cái xấu, những cái cặn bã của người tây, để rồi trắng tay, mất cả chì lẫn chài, mất cả vốn lẫn lãi. Truyền thống cũ thì chẳng còn, mà cái mới thì lại khập khà khập khiễng. Tây chẳng ra tây, ta cũng chẳng ra ta. Đầu annamít, đít phăngxe mà thôi!!!
Theo Chuyện phiếm của Gã Siêu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét