Đầu năm rước lộc về nhà

Từ ngàn xưa, bất cứ người dân Việt Nam nào cũng chú trọng tục mua muối, mua lửa đầu năm mới để rước lộc vào nhà.
Ở Hà Nội, từ sáng mùng Một Tết, nhiều người đi bán muối dạo qua khắp các con phố hoặc mang thúng muối ra bán ngay trước cổng chùa.
Để thu hút khách, nhiều người còn khéo léo đóng muối vào các túi vải màu đỏ rồi gắn ông thần tài loại nhỏ lên. Nhà nhà, người người đều háo hức mua một vài đồng muối lấy may cả năm, tuy nhiên, không ai kỳ kèo mặc cả bao giờ.
Tục mua muối được người xưa nhắc nhở trong câu tục ngữ: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Theo quan niệm của người xưa, muối là thứ mặn, chống xú uế, có thể xua đuổi tà ma, đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Tục mua muối đầu năm còn có ý nghĩa cầu mong sự đậm đà trong tình cảm gia đình, sự hòa thuận, gắn bó keo sơn giữa vợ chồng, con cái.
Hơn thế nữa là sự mặn mà, tình thân thiết quanh năm trong các quan hệ ứng xử, quan hệ làm ăn. Theo cụ Phùng Lộc, 84 tuổi, ở Phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội, đây là một phong tục hay, có tính chất dân gian và cần được lưu giữ bởi trong xã hội hiện đại không phải ai cũng biết được tập tục này: “Ngày tôi còn nhỏ, khi còn đi học, đến kỳ nghỉ Tết về quê thì thường thấy gia đình nào cũng mua muối đầu năm và vôi cuối năm thành phong tục, dân gian. Thường thường buổi sáng mùng 1 có hàng rong bán muối thì nhiều nhà mua để cho mặn mà, gia đình ấm cúng, hạnh phúc trong năm. Bỏ đi cái bạc bẽo của năm cũ để vào năm mới hạnh phúc hơn”.
Cụ Phùng Lộc cũng lưu ý, nên mua muối vào sáng mùng Một Tết. Khi mua nên chú ý mua một bát đầy có ngọn và trả tiền tương ứng một hai cân để cầu may. Điều đặc biệt ở đây là muối bao giờ cũng đong có ngọn, chứ không gạt miệng sợ về sẽ mất lộc, mất mặn mà.
Tục mua lửa, là bật lửa hay diêm cũng được nhiều người chú trọng. Theo quan niệm của người xưa, mua lửa là mang may mắn, mang lộc đầu năm về nhà. Vì thế nếu đầu năm ai mua được lửa thì người đó hy vọng vào một năm mới nhiều điềm lành, nhiều may mắn và nhiều tài, lộc.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, ở phường Chương Dương, Hà Nội đã 20 năm bán lửa vào đầu năm mới ở khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm cho biết, vào đêm 30 mọi người tập trung rất đông tại đây để xem pháo hoa, và cũng là để đợi thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ. Trước khi trở về nhà để xông đất nhà mình, ai cũng muốn mua cho mình một chiếc bật lửa, hoặc một bao diêm hay một cành lộc… để mang may mắn về nhà.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: “Chuẩn bị giao thừa là tôi bán diêm. Các cô các cậu hay mua diêm. Bởi vì đầu xuân năm mới ai cũng dùng tới lửa, có lửa thì đầu xuân năm mới mới sáng sủa. Từ trước tới nay, cha ông ta để lại đầu xuân năm mới bao giờ cũng phải đỏ, lộc lá tốt về đầu năm, cho cả năm. Đỏ cả năm, cho nên bao giờ lửa cũng phải đi đầu tiên. Cành hoa lá lộc. Ví dụ mình đi giao thừa, khi về có cành lộc mang về nhà hoặc lửa, mua muối mặn mà, lửa đỏ cả năm sẽ làm ăn phát tài từ đầu năm đến cuối năm”.
Ngày xưa, các cụ ta còn có tục gánh nước đến các gia đình trong làng để bán vào ngày đầu năm. Tục lệ này tượng trưng cho việc gánh tài lộc đến nhà với lời chúc: "Tiền vô như nước". Đặc biệt là ở nông thôn, trước khi bước sang năm mới, nhà nào cũng đổ đầy nước vào bể, chum, vại. Người ta tin rằng trong năm mới, của cải sẽ nhiều như nước.
Các cụ dạy “có kiêng có lành”. Cùng với những tập tục được nhiều người chú trọng, giữ gìn, tục kiêng kỵ đầu năm cũng được lưu truyền ở khắp vùng miền đất nước, sẽ tạo nên gam màu đa dạng cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc./.

ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét