BÀN VỀ CHỮ XẢ

Trong đạo Phật, Tứ Vô Lượng Tâm, tức Từ Bi Hỷ Xả, là bốn tâm hạnh đặc thù cao thượng nhất, là yếu tố căn bản để cải thiện con người và cuộc đời, đưa đến một thế giới an lạc, giải thoát. Trong bốn tâm này tâm Từ Bi thường hay được nhắc đến nhiều nhất, tuy nhiên, tâm Hỷ và Xả cũng không kém quan trọng, nhất là Xả, bởi vì có thể nói là nếu không có Xả, thì cũng khó mà có Từ, Bi và Hỷ.
Thế nào là ý nghĩa chữ Xả?Xả có nghĩa là buông bỏ, thường là buông bỏ một điều gì mình đã quen có xưa nay, ví dụ như một đồ vật, một sở thích, hay một thói quen, một lề lối suy nghĩ nào đó, ngay cả một mối quan hệ giữa người và người. Xả bỏ những gì không cần thiết đối với nhiều người đã là khó, huống chi là những gì quen thuộc và ưa thích xưa nay, thật không phải là điều dễ dàng.
Trong Phật giáo thường hay nói đến chữ Chấp, như trong danh từ “cố chấp”. Chấp đối nghĩa với xả, tức là nắm giữ. Cố chấp là cố nắm giữ lấy. Thường thường người ta hay cố chấp vào những quan niệm, những điều hay làm, những thói quen, sở thích v.v.. Nhưng sống trên đời rất ít khi gặp những người giống mình, mà phần lớn con người không ít thì nhiều đều có những khác biệt với nhau, nên dễ có những mâu thuẫn, xung đột với nhau. Muốn làm như ý của mình mà không được, nếu không biết xả mà cứ cố chấp theo ý mình thì sẽ chuốc lấy phiền não, đau khổ. Trong một bài nói về những lời giảng của một đại sư Thái Lan tên là Luangpor Teean, có người hỏi sư cái gì gây ra phiền não, sư lấy một vật nắm chặt vào tay rồi thả ra cho nó rơi xuống, rồi nói: “đó là phiền não!”. Ý nói phiền não có là do những gì chúng ta cố nắm chặt lấy trong tay, nếu chúng ta buông nó ra, thì phiền não cũng không còn. Như vậy để thấy muốn dứt đoạn phiền não thì phải tập Xả.
Như vậy, chúng ta cần phải xả những gì?
Trước hết đối với bản thân, vế phương diện thể chất: Xả những gì làm vướng bận, gây trở ngại hay thậm chí làm tổn hại đến bản thân. Ví dụ như những gì có thể làm tổn hại đến sức khỏe, như hút thuốc lá, uống rượu v.v.. , hoặc những thức ăn ngon miệng nhưng lại làm hại thân thì buông bỏ bớt đi.
Về tinh thần: xả bỏ những gì trong tâm có thể gây đau khổ cho mình, tạo nghiệp ác như tham sân si, mạn nghi ác kiến, tức là tham lam, giận dữ, si mê, kiêu mạn, đa nghi, ác ý v.v… Cho tâm rộng mở, xả bỏ những quan niệm, những thành kiến chủ quan. Thế giới này có rất nhiều phiền não chỉ vì con người ta chấp theo những thành kiến mà đối xử với nhau. Bao nhiêu chiến tranh giết hại hàng triệu sinh linh trong nhân loại đều cũng khởi từ những chấp thủ nơi quan niệm, thành kiến phân biệt mà ra.
Nói đến tham sân si, ba trạng thái tâm này còn được gọi là tam độc, tức là ba thứ làm đầu độc tâm, là nhân chính khiến tâm trở nên đau khổ, bất an, và làm cho con người tạo nên những nghiệp ác. Nhưng chúng cũng rất khó buông bỏ, bởi vì chúng khởi lên từ lòng Ái Ngã, tức là lòng tự thương yêu và chấp thủ vào con người của mình, xem những gì liên hệ và thuộc về cái Tôi của mình là quan trọng nhất trên đời . Muốn bỏ được sự chấp thủ vào cái Tôi ấy của mình phải đi vào tận gốc, tức là phải tập quán chiếu đến sự vô thường giả tạm trong sự hiện hữu của mình cũng như của mọi người mọi vật, thấy tất cả đều vốn là Không, không có thực thể thường hằng, lúc đó mới có được trí tuệ để buông bỏ.
Nhựng để có được trí tuệ buông bỏ không phải là điều dễ dàng. Hiểu biết về giáo lý Đức Phật không chưa đủ, còn phải thực hành để áp dụng vào cuộc sống. Trí tuệ của Pháp Phật không phải do những kiến thức từ bên ngoài, mà do sự hiểu biết bản thân mình trước hết, thấy rõ thực chất bản tánh con người của mình, và từ đó có cái nhìn bao quát và khách quan đối với những hiện tượng và hoàn cảnh xảy ra. Thực hành đạo Phật có nhiều pháp tu tùy theo căn cơ và trình độ mỗi người, nhưng hầu hết đều đặt trên căn bản Giới, Định, Tuệ. Giới Định Tuệ có nghĩa là: hành trì giới luật để tâm được an định, và tâm an định rồi thì phát sinh trí tuệ. Tất cả đều là những phương tiện để đối trị và điều ngự tâm. Tâm con người như con trâu hoang, nếu không kiểm soát và chế ngự sẽ dễ dàng bị những vọng động cảm xúc lôi cuốn vào những hành động tạo tác gây phiền não khổ đau. Nhưng những vọng tưởng tự chúng cũng vốn là vô thường, huyễn ảo, nên theo kinh, Tham Sân Si bản chất cũng vốn là Không. Vì vậy, khi tâm tam độc chuyển hóa từ u mê ám chướng thành trong sáng thanh tịnh, thì tham sân si sẽ trở thành giới định tuệ, và phiền não sẽ trở thành sự an lạc của Bồ Đề Tâm.
Trong cuôc sống đời thường, có rất nhiều liên hệ ràng buộc cũng như những hoạt động hàng ngày để đáp ứng nhu cầu của bản thân cũng như gia đình. Chúng ta phải tập xả bỏ những ý kiến chủ quan của mình, biết lắng nghe người khác để có một cái nhìn toàn diện hơn trong nhiều vấn đề. Xã hội càng văn minh, con người càng trở nên bận rộn hơn, nhiều khi cảm thấy không có được một giây phút nào nhàn hạ. Nhưng người xưa có câu: “Biết đủ tức là đủ, biết nhàn tức là nhàn”. Biết đủ, biết nhàn không có nghĩa là bỏ hết mọi việc, mà là có cái tâm “biết đủ, biết nhàn” ngay trong những công việc phải làm - điều đó có nghĩa là phải có một tâm buông xả ngay trong những hoạt động. Tâm buông xả ấy có được là do sự bồi dưỡng tâm linh. Xã hội ngày nay có quá nhiều nhu cầu vật chất, quá nhiều những hoạt động ngoại vi. Người ta bị cuốn hút theo những hoạt động không ngừng của công việc, để rồi lại chạy theo những hoạt động giải trí để làm cho tâm hồn bớt căng thẳng, nhưng những thú vui trong giây lát đó không làm dứt được phiền não trong tâm, và đôi khi lại càng làm cho thêm mệt mỏi. Thay vì cứ miên man chạy theo những hoạt động, nếu biết bỏ một ít thì giờ trong ngày để tịnh dưỡng tâm hồn, xả bỏ mọi toan tính, mọi âu lo để trở về với chính mình, thì chỉ một ít thời giờ trong ngày đó cũng đủ để cho có một nguồn năng lượng tích cực, và sẽ có sự sáng suốt để thấy những gì cần phải làm, cái gì cần phải xả bỏ đi. Ngay cả những quan hệ không cần thiết và có thể đem lại sự phiền toái cũng nên xả bỏ. Người Mỹ với tinh thần thực tế đã nghiên cứu đủ mọi vấn đề, gần đây có một quyển sách mới ra có tựa đề “Bỏ chúng đi” (Dump ‘em), chỉ cách buông bỏ những quan hệ có thể gây phiền não, dù chỉ là những quan hệ lặt vặt như là quan hệ với người làm tóc, với mẹ của bạn v.v…
Trong những quan hệ gần gũi như vợ chồng, như cha mẹ với con v.v.. lại cần phải tập xả rất nhiều, vì càng thân cận lại càng có những ý tưởng sở hữu, coi người kia là của mình và muốn người ấy phải theo như ý mình muốn. Nhưng con người đến với nhau vì duyên nghiệp, không có ai là thuộc về ai cả. Tất cả đều như những nguời đồng hành đi trên một chuyến tầu, và đến một lúc nào đó, mọi người sẽ lần lượt rời đi và chuyến tầu đó sẽ không còn lại ai. Những gì do duyên hợp đều sẽ do duyên tan, không có gì có thể nắm giữ được. Phật nói đến 12 nhân duyên đưa đến luân hồi sinh tử, trong đó khởi đầu là vô minh, rồi đến những yếu tố tạo thành con người như hành thức, danh sắc, cảm thọ v.v. và khi có Ái thì cũng có Thủ, cho nên càng luyến ái lại càng muốn nắm giữ, và càng nắm giữ lại càng là nhân cho phiền não. Thường người ta hay bám víu lấy hạnh phúc, hay niềm vui, vì thế khi niềm vui hay hạnh phúc ấy bay đi thì cảm thấy đau khổ vô cùng. Vì vậy phải biết buông xả sự chấp chặt vào niềm vui hay hạnh phúc trong hiện tại cũng như quá khứ. William Blake đã nói rất hay về sự buông xả những ràng buộc trong niềm vui và hạnh phúc như sau:
Kẻ đem niềm vui trói buộc
Sẽ gục ngã với đôi cánh đời
Hôn niềm vui, cho nó nhẹ bay xa
Đời sẽ là một bình minh vô tận
Nói về Ái , Ái có nghĩa là yêu, nhưng cũng có nghĩa là ghét, vì yêu và ghét thường đi đôi với nhau. Yêu và ghét đều ám ảnh, ràng buộc tâm mình với đối tượng. Cho nên khi yêu không nên nắm giữ, mà khi ghét lại càng phải xả sự ràng buộc trong tâm với những gì mình ghét hay không ưa thích, vì mọi phiền não đều phát xuất từ đó. Dù hoàn cảnh đến thế nào, cũng không nên ôm chặt lấy những nỗi buồn, nỗi đau mà phải biết xả bỏ chúng đi. Kinh Pháp Cú nói: “Không đau khổ giữa những người đang đau khổ”, tức là dù ở giữa hoàn cảnh đau khổ thế nào cũng phải có một tâm bất động, xa lìa sự đau khổ đó qua sự buông xả và gạt bỏ những tư tưởng bi quan, tiêu cực trong tâm. Cầu nguyện hay niệm Phật cũng là một cách để buông xả và thanh lọc tâm, do đó chuyển được nghiệp xấu. Một cách xả bỏ tích cực khác là làm những việc có ý nghĩa, quên mình đi để nghĩ đến người khác. Lúc đó lòng từ bi đóng một vai trò quan trọng để xả bỏ những hận thù, đem lại một sự chuyển hóa tích cực trong tâm. Ở Mỹ, có những người đã từng là nạn nhân hay có người thân là nạn nhân của những tội ác khủng khiếp đã tìm cách xả bỏ hận thù của mình qua việc tích cực hoạt động trong những hội tương trợ để giúp ngăn ngừa những tội ác đó tái phạm, đó là một thái độ đem ích lợi cho bản thân và cho người khác, tự lợi và lợi tha.
Đối với những người tu, Xả lại càng đóng vai trò quan trọng, có thể nói, Tu chính là tập buông xả.
Trong kinh Pháp Cú, câu đầu tiên là: “Trong tất cả mọi sự, tâm dẫn đầu, tâm là chủ, tâm tạo tác tất cả. “ Hay nói đúng hơn, những ý tưởng khởi lên trong tâm là tác nhân chính cho mọi nghiệp thiện, nghiệp ác xẩy ra với chúng ta. Cho nên khi được hỏi về đại ý của Phật Pháp, tổ A Nan đã nói như sau:
Buông mọi niệm ác
Năng giữ niệm lành.
Giữ thân tâm thanh tịnh
Đó là lời Phật dạy
.
Như thế, người tu phải luôn luôn quán sát những ý tưởng, khởi niệm trong tâm mà buông bỏ, đầu tiên là buông bỏ những niệm ác, tiêu cực, rồi lần lần buông hết mọi niệm, đi đến chỗ nhất niệm như khi niệm Phật, hoặc vô niệm như khi thiền định. Vô niệm không có nghĩa là trống không, mà là không trụ vào đâu cả, nên không bị vướng mắc, không còn thấy phiền não. Tâm đạt đến nhất niệm hay vô niệm sẽ trở nên thanh tịnh, có được sự an định và do đó trí tuệ sẽ phát sinh.
Trong kinh Phật có kể câu chuyện một vị thiên nhân muốn đi gặp Phật để hỏi về Phật Pháp, trên đường đi ông thấy không có gì đem cúng dường, bèn nhổ hai cây ngô đồng đang trổ hoa thật đẹp đem theo. Khi gặp Phật, Đức Phật bảo ông : « Bỏ xuống ! » Ông bèn bỏ một cây ngô đồng xuống. Phật lại nói : « Bỏ xuống ! », ông bỏ nốt cây ngô đồng còn lại. Phật vẫn nói : « Bỏ xuống ! » Vị thiên nhân ngạc nhiên hỏi : « Nhưng con đã bỏ hết hai cây ngô đồng xuống rồi ! » Phật bảo : « Tôi không bảo ông bỏ hai cây ngô đồng, mà bảo ông bỏ cái tâm chấp trước đi ! »
Có những người có ít nhiều kiến thức Phật Pháp thường hay bị một căn bệnh gọi là sở tri chướng, tức là bị chướng ngại bởi chính kiến thức của mình. Càng biết nhiều, học nhiều lại càng dễ lạc vào đám mây mù của kiến chấp, quên đi rằng sự đoạn trừ phiền não, thoát ly sinh tử, tức cứu cánh của Phật đạo, là không thể đạt được qua kiến thức, mà chỉ có thể đạt được qua sự giác ngộ chân tánh hay Phật tánh nơi bản thân. Phật tánh hay Bản Lai Diện Mục chỉ có thể hiển lộ nơi sự không rỗng, không lặng của một tâm buông xả. Có một câu chuyện Thiền được kể như sau :
Một học giả nghiên cứu về Phật Pháp nghe tiếng một vị thiền sư nọ, bèn đến yết kiến để xin học đạo. Thiền sư đưa chén trà, rồi rót trà vào đó cho đến đầy tràn, mà vẫn tiếp tục rót. Học giả kêu lên :
- Chén đã đầy, sao Thầy còn rót mãi làm gì ?
Thiền sư nói :
- Thì cũng như kiến thức đã đầy trong tâm ông, nếu không biết buông đi thì làm sao tiếp nhận được cái mới ?
Như Tổ Bồ Đề Đạt Ma nói trong “Ngộ Tánh Luận” : “không biết buông xả trí tuệ là ngu si”, nếu còn chấp vào trí tuệ của mình, còn thấy mình thông thái, thì trí tuệ đạt được vẫn còn có sự chấp ngã, vẫn còn có tâm phân biệt. Cho nên khi buông xả không những là phải xả thân, tức là xả những chấp thủ, những nắm giữ vào thân vô thường huyễn ảo của mình, mà còn xả luôn cả tâm nữa, tức là xả bỏ mọi ý niệm, mọi ý thức phân biệt trong ngoài. Xả bỏ toàn diện được là có sự thấy biết không rỗng, vô tâm, vô tướng của hàng Bồ Tát. Cho nên theo như kinh Kim Cang, Bồ Tát bố thí mà không thấy có bố thí, độ ngưòi mà không thấy có độ người. Và từ sự buông xả toàn diện đó, mới khởi phát lòng Đại Từ, Đại Bi, Đại Hỷ, Đại Xả để cứu độ muôn loài.
Phải chăng, đó cũng là một lý do để Xả (Bố Thí) đứng đầu tiên trong Lục Độ Ba Ma Mật (Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ), sáu hạnh chính người tu phải hành trì để siêu vượt từ bờ mê qua bến giác ngộ giải thoát?

Ngọc Bảo
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét