Chữ hiếu: nền tảng làm người

Con người yêu con là lẽ tự nhiên, song yêu cha mẹ là do văn hóa.
(A natural man loves his children, but a cultured man loves his parents.)
–Lâm Ngữ Đường (The Art of Living)[1]


☆▪☆▪☆

Người Á Đông luôn cho rằng trong trăm nết thì chữ Hiếu đứng đầu. Bách hạnh hiếu vi tiên! Hiếu đứng đầu trăm nết, như Bát nhã Ba la mật đứng đầu lục độ. Đứng đầu ở đây có nghĩa là làm nền tảng. Không có nền tảng thì tất cả đều sụp đổ.

Trong lục Ba-la-mật, nhờ có Bát nhã Ba-la-mật mà năm Ba-la-mật kia (trì giới, bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn và thiền định) mới tựu thành được tinh thể vô biên của chúng. Cũng vậy, nếu một người sống không có chữ Hiếu thì mọi cái gọi là đức hạnh hay hy sinh của người đó, nếu có, đều chỉ là con số không rỗng tuếch, hay chỉ để lòe đời. Không phải ngẫu nhiên mà trong Nho giáo, kinh Hiếu lại được đặt ngang lên tầm một cuốn kinh, để được sánh ngang với kinh Dịch, kinh Lễ, kinh Thi, kinh Nhạc v.v… Cùng đích là của Khổng giáo là đạo Nhân, xem vạn vật hồn nhiên nhất thể, rộng yêu thương tất cả mọi người; nhưng đức Khổng biết con người khó có thể trực tiếp đến đạo Nhân nên Ngài phải dạy cho con người hiếu để, từ đó làm nền tảng đi đến đạo Nhân. Không Hiếu mà đòi đạt Nhân là vọng tưởng.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà trong một tôn giáo tìm cầu giải thoát, tưởng chừng như siêu việt cả thế gian như đạo Phật, sự tích đức Mục Kiền Liên vào địa ngục cứu mẹ lại trở thành một huyển thoại sống mãi trong lòng những ai xem chữ Hiếu là chuẩn mực của đạo đức làm người. Một người không sống hiếu thảo được với cha mẹ mà nghĩ rằng mình là người có thể yêu nhân dân hay phục vụ nhân loại, thì đó là chỉ là tự lừa mình và dối đời. Yêu nhân loại, yêu nhân dân dễ lắm vì chẳng có gì là cụ thể cả. Nói như người phương Tây thì “Everything means nothing” (Tất cả có nghĩa là không có gì cả). Yêu cái gì mang tính chung chung thì vô cùng dễ, yêu cái cụ thể mới khó. Trong đạo làm người, cái cụ thể đó nằm một cách cụ thể trong chữ Hiếu.
Yêu con cái là lẽ tự nhiên thường tình vì “nước mắt chảy xuống”, theo cách nói bình dị của dân gian. Điều đó thì ai cũng biết nhưng không phải ai cũng có thể hiểu! Chỉ khi “hiểu” được điều đó thì ta mới có thể để “nước mắt chảy ngược” mà sống hiếu thảo với mẹ cha. Bởi vậy, nên yêu cha, yêu mẹ là nền tảng thực sự của một người văn hóa.
Nhân thân nan đắc. Được mang hình hài của con người giữa nhân gian là một điều vô cùng may mắn, vì thân người khó có được, giữa dòng trầm luân sinh tử luân hồi. Cho nên những ai cư xử vô đạo với cha mẹ là đã đánh mất điều may mắn đó, vì họ tự đưa mình xuống thấp hơn cõi người. Đạo lý phương Đông không bao giờ cho phép người con trực tiếp lên án cha mẹ, đừng nói chi đến chuyện đối xử vô đạo hay nhẫn tâm tàn hại, cho dẫu đó là những người mang trọng tội. Đạo lý, nếu cần phải duy trì để giữ giềng mối cho sự vận động của guồng máy xã hội, sẽ được thực hiện bởi Trời, bởi phép nước hoặc bởi một người nào khác.
Trong sách Mạnh Tử, ông Đào Ứng đã giả định một vấn đề nan giải để đề nghị Mạnh Tử đưa ra được giải pháp. Ông Cổ Tẩu –cha vua Thuấn- là người cực ác, giết người phải tội chết, ông Cao Dao là người chấp pháp muốn bắt ông Cổ Tẩu để xử tử theo luật pháp, thì vua Thuấn phải xử lý thế nào? Vua Thuấn là con, xét về tình thì dĩ nhiên phải bảo vệ cho cha là đạo trời; nhưng vua Thuấn lại là vua, nên xét về lý thì theo luật phải xử tội cha để duy trì trật tự xã hội là đạo người. Mạnh Tử đã đề xuất một giải pháp mang tính điều hòa âu xa, đượm đầy ý nghĩa nhân văn cao viễn, mà mãi đến ngày nay vẫn còn là bài học kinh điển về đạo lý làm người :

“Thuấn sẽ xem việc bỏ thiên hạ như bỏ một đôi dép rách, lén đưa cha đi trốn, lần theo bờ biển mà ở, suốt đời vui vẻ, vui mà quên đi thiên hạ” [2]

Trong mọi nền văn học, triết học nhân loại có lẽ khó có một giải pháp nào hay hơn được nữa. Tìm được sự hòa điệu cho mâu thuẫn giữa lý và tình, giữa hiếu và tình, giữa hạnh phúc và trách nhiệm … vẫn luôn là vấn đề nan giải muôn thuở của con người. Lắm khi bước được ra khỏi vòng tranh chấp, con người đã thấy đời đổ tan hoang với những nỗi lòng thê thiết. Nếu vua Thuấn cứ căn cứ theo luật pháp cho phép ông Cao Dao xử tử cha mình, cho đúng với nghĩa “pháp bất vị thân” thì trước mắt có thể duy trì được giềng mối xã hội, nhưng chắc chắn sẽ để lại một vết thương trầm trọng không gì cứu vãn được trong nền đạo lý làm người cho muôn ngàn thế hệ mai sau.
Tấm lòng của cha mẹ đối với con cái là vô bờ bến, mà lắm khi cuộc sống xô bồ trong thực tế nghiệt ngã đã khiến chúng ta không nhận ra điều đó, để đến khi nhận ra được thì có khi chỉ còn ôm một mối hận trong đời. Trong bộ phim The Edge of Heaven của nhà văn Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ Fatik Akin, nhân vật chính Nejat – một giáo sư văn học, do một ngộ nhận mà giận cha mình không muốn nhìn mặt. Cho đến khi vào ngày lễ Eid Al-Adha của những người Thổ để tưởng nhớ sự tích Ibrahim tuân theo lệnh của Thượng Đế, hiến tế con trai độc nhất của mình là Ishmael cho Ngài (tức câu chuyện Abraham hiến tế con mình là Isaac trong kinh Cựu ước), anh nhớ lại thuở bé, khi nghe câu chuyện đó, Nejat đã hỏi cha anh sẽ làm gì nếu Thượng đế bắt ông phải làm như vậy, thì người cha trả lời: “Cha thà làm kẻ thù của Thượng Đế chứ không bao giờ làm tổn thương đến con của cha” (I’d rather make an enemy of God than harm my child)[3]. Chỉ một hồi tưởng đó đủ để Nejat tìm được sự hòa giải với cha mình, khi ngồi trên bãi biển để đợi cha về. Câu trả lời đó nói lên được tất cả tấm lòng của những người làm mẹ, làm cha trong khắp thiên hạ. Liệu có một lý tưởng nào cao cả hơn, có tấm lòng nào lớn lao hơn câu nói đó?
Khi còn học lớp đệ ngũ (lớp 8 bây giờ), cô giáo dạy văn cho chúng tôi làm một bài văn nghị luận về một câu nói của cụ Tú dặn con lúc lâm chung, trong tác phẩm “Nửa chừng xuân” của nhà văn Khái Hưng :

Ở đời không có gì xấu hơn sự quên ơn. Cừu nhân, ta không sợ bằng ân nhân. Ta chỉ lo sẽ xảy ra sự gì khiến ta không thể trả được ơn, chứ đối với kẻ thù thì không có khí giới nào mạnh bằng lòng hữu ái. Lòng hữu ái ấy, nếu ta đem ra đối đãi với ân nhân thì chẳng hóa ra ta đặt ân nhân ta ngang hàng với kẻ địch của ta ư?”

Từ những lời cô giảng, lớn lên tôi mới thấm thía thêm rằng, đối với một cừu nhân ta có thể quên đi như quên một thứ gì đó xấu xa, nhơ bẩn trong đời, chẳng có gì đáng phải bận tâm thêm nữa; nhưng đối với ân nhân mà không báo đền được thì buồn và ray rức lắm. Mà sống trong đời, có mấy ai lại không chịu ơn người khác? Sống, có nghĩa là ta đang mang ơn cuộc đời. Chừng nào ta còn tồn tại trong “cõi người ta” thì ta cứ mãi mang ơn về tất cả những gì ta đang hưởng thụ được. Ta phải lao động để sống, cũng chính là để trả ơn đời. Con người sẽ sống tốt đẹp hơn nếu luôn nhớ rằng mình đang nhận nhiều ân huệ, và trân trọng những ân huệ đó.
Nhưng trước hết và trên hết, có một mối ân sâu mà ta nhận ngay khi vừa mở mắt chào đời, và cả đời ta không thể nào báo đáp được, dù chỉ trong muôn một : đó là công ơn Cha Mẹ. Phật giáo đã ảnh hưởng sâu xa đến nền đạo lý Việt Nam qua bài ca dao tuyệt diệu:

Cha già là Phật Thích Ca
Mẹ già như thể Phật Bà Quan Âm
Nhớ ngày xá tội vong nhân
Lên chùa lễ Phật, đền ơn sinh thành.


Trong tác phẩm Cổ học tinh hoa, cụ Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc cũng có ghi lại một câu chuyện rất giản dị mà vô cùng cảm động:

Dương Phủ, lúc nhỏ nhà nghèo nhưng hết sức cày cấy để phụng dưỡng song thân.
Một hôm, ông nghe bên đất Thục có ông Vô Tế đại sĩ, ông bèn nói với song thân xin từ biệt ít lâu để đến hầu bậc Vô Tế.
Đi được nửa đường, ông gặp một vị lão tăng bảo ông rằng:
-Được gặp bậc Vô Tế chẳng bằng được gặp Phật.
Ông hỏi:
- Phật ở đâu?
Lão tăng nói:
- Nhà ngươi cứ quay trở về, gặp người nào mặc cái áo sắc như thế này, đi đôi dép kiểu như thế này, thì chính là Phật đấy.
Dương Phủ nghe lời quay về, đi đường chẳng gặp ai như thế cả. Khi ông tới nhà, đêm khuya, trời tối, ông gọi cửa, mẹ ông nghe tiếng mừng quá, tức thì vội khoác chăn, đi dép ngược ra mở cửa cho ông. Bây giờ ông trông ra, thì hình dáng Phật mà lão tăng đã nói chuyện cho nghe.
Từ đấy, ông biết cha mẹ trong nhà tức là Phật, chẳng phải cầu kỳ đi mộ Phật đâu xa nữa.


Báo hiếu cha mẹ là bài học vỡ lòng cho mọi sự tri ân. Nền tảng để con người sống cho ra một con người, để góp phần xây dựng nên một xã hội bình ổn chỉ có thể là chữ Hiếu. Chỉ khi chúng ta biết trân trọng công ơn cha mẹ theo tinh thần bài ca dao đó và câu chuyện trên thì ta mới cảm nhận được vẻ đẹp của sự tri ân, rồi ta mới cảm nhận được ân huệ của cuộc đời để sống tốt đẹp hơn. Chúng ta đừng tự lừa gạt mình và đừng để bị lừa gạt bởi những danh từ kêu to nhưng sáo rỗng về lý tưởng, về tình yêu dành cho nhân loại, một khi chúng ta sống chưa xứng đáng là một người con. Chỉ khi nào ta sống xứng đáng là một Người Con thì ta mới có nền tảng đạo lý để tập sống xứng đáng như một Con Người.

Huỳnh Ngọc Chiến
Sài Gòn, Vu Lan 2012


Chú thích:

[1] http://www.mskousen.com/2008/03/me-and-william-f-buckley-a-true-story/

[2] Thuấn thị khí thiên hạ, do khí tệ sỉ dã; thiết phụ nhi đào, tuân hải tân nhi xử, chung thân hân nhiên, lạc nhi vong thiên hạ. (Mạnh Tử, Tận Tâm thượng, 35).

[3] http://www.nbrmp.org/features/ TheEdgeofHeaven.cfm

Theo tạp chí da màu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét