Vào thập niên 70 của thế kỷ trước. Câu lạc bộ Roma gồm gần 100 thành viên trên khắp thế giới đã viết những báo cáo nói rằng sự tăng trưởng kinh tế không chú ý đến môi trường sẽ là thảm họa cho loài người. Trước đó, năm 1949, W. Voght là người đầu tiên nêu lên khái niệm cân bằng sinh thái trong cuốn Con đường sinh tồn. Bây giờ chính những nhà lãnh đạo chính trị, những người chậm thấy nhất, cũng phải ngồi lại họp về vấn nạn nóng lên của trái đất trước khi quá muộn.
Tại sao nền văn minh Tây phương đã đối xử với thiên nhiên như thế? Dĩ nhiên phải từ quan điểm từ cách nhìn (mà Phật giáo gọi là chánh kiến) của Tây phương đối với thiên nhiên. Nhưng chúng ta không đề cập đến thế giới quan Tây phương, tư tưởng triết học và tôn giáo Tây phương đã có cái nhìn coi thường thiên nhiên, và mục đích trong mấy trăm năm nay của văn minh Tây phương là “thực dân” đối với thiên nhiên, thống trị và khai thác không thương tiếc. Tinh thần bóc lột, tận dụng thiên nhiên để rút lấy những tiện nghi vật dụng cho mình, cái làm nên sức mạnh Tây phương cũng đã biến Đông phương thành thuộc địa và mặc cảm này khiến Đông phương từ bỏ quan điểm về thiên nhiên của mình để chạy đua theo cho kịp.
Nhưng cũng chính cái tinh thần đó cho thấy sự sai lầm của nó, rõ nhất là vào cuối thế kỷ XX. Bây giờ Tây phương đã thấy rõ sự thất trận của mình và với chính mình: thất bại trong việc đối xử với ngôi nhà chung là trái đất. Người vội vã đuổi cho kịp Tây phương về mặt vật chất là Trung Quốc năm nay đã phải thành lập siêu bộ môi trường. Còn Tây phương thì bắt đầu sửa chữa lại sai lầm của mình, bằng một nền kỹ nghệ sản xuất “thân thiện với môi trường”.
Thiên nhiên có ý nghĩa gì với đời sống con người?
1. Con người không thể tách lìa khỏi thiên nhiên
Hiện nay con người đang sống trong một thế giới do mình chế biến ra từ chất liệu thiên nhiên. Nó là chế biến vì khoa học không thể làm ra một nguyên tử từ hư không và không thể từ những nguyên tử làm ra một tế bào sống đơn giản nhất . Từ văn minh nông nghiệp, con người chế biến và sống trong văn minh công nghiệp rồi hậu công nghiệp, nhưng dầu nền văn minh nào cũng phải dựa vào thiên nhiên, như là nền tảng ban sơ của sự sống.
Đã có thời, những thập niên đầu của thế kỷ XX, các kiến trúc sư tiền phong của Tây phương chủ trương mỹ học cơ giới (machine acsthetic), quan niệm “những tòa nhà là những bộ máy để con người sinh sống trong đó” (Le Corbusier). Kết quả là hàng loạt nhà cao tầng, những khối bê tông như hộp diêm cao ngất ra đời. Ai cũng biết là sau đó, người ta lại phải đem thiên nhiên vào cuộc sống: trồng cây bên trong, hình thể bắt chước thiên nhiên, gắn kính phản chiếu trời mây, giếng trời… thậm chí bây giờ càng có thiên nhiên, càng giống thiên nhiên càng tốt.
Trong thi ca, nghệ thuật và trong cuộc sống hàng ngày, chẳng ai dám nói: em xinh như một chiếc điện thoại di động (mà có thể, em xinh như một con sóc), em sáng như một cái đồng hồ vàng (mà: em sáng như mặt trăng), em trắng và sạch như bột giặt (mà, em trắng sạch như sương, như tuyết), anh hùng ví như một đập thủy điện (mà, anh hùng ví như rừng, như núi), anh oai nghi như một chiếc Rolls Royce (mà, anh oai nghi như một vị thần, một ông vua). Tại sao trong tâm thức bình thường của con người, thiên nhiên vẫn quý giá, trang trọng hơn những vật phẩm do con người chế tạo ra? Có phải chăng, dù đã đi qua văn minh nông nghiệp để đến văn minh công nghiệp và bây giờ là văn minh tri thức, con người vẫn bị thiên nhiên ám ảnh, vẫn không thể tách lìa khỏi thiên nhiên? Có phải chăng, thân con người hẳn là không tách lìa được với thiên nhiên, với đất nước gió lửa mà tâm con người, những nội dung để nó tư duy cũng lấy thiên nhiên làm căn bản? Những lý thuyết khoa học mới như lý thuyết về hỗn độn, lý thuyết về phức hợp, toán học fractal, toán học về tai biến, tính toàn đồ… chẳng phải là những quan niệm lấy từ thiên nhiên sao?
Thiên nhiên là môi trường để con người sống, học tập và phát triển toàn diện. Thế mà trong bốn thế kỷ vừa qua, thế giới Tây phương bằng lòng tham lam, hiếu chiến và bạo động đã làm thay đổi toàn bộ thiên nhiên trái đất theo một chiều hướng xấu, để trái đất phải kêu cứu. Kinh tế và kỹ thuật công nghiệp không xấu, nhưng khi được sử dụng bằng lòng tham, hiếu chiến và bạo động thì đã trở thành xấu. Chính vì thế mà Hồng y Gianfranco Girotti của Vatican Thiên Chúa giáo, tác nhân quan trọng nhất của nền văn minh Tây phương, đã giới thiệu danh sách bảng tội lớn nhất trong thời hiện đại: ngoài những tội lỗi căn bản có từ xưa, (như trộm cắp, ngoại tình, lăng mạ người khác…) còn thêm vào các tội “lạm dụng hủy hoại môi trường, chủ nghĩa tiêu dùng không lành mạnh, biến đổi gen…” (TTCT, 23/3/08).
“Lần đầu tiên trong lịch sử, thế giới tự nhiên chúng ta để lại cho con cháu mình sẽ tệ hại hơn rất nhiều so với cái thế giới tự nhiên mà chúng ta thừa kế từ cha mẹ… Chúng ta đang sử dụng hành tinh này như thể không hề có ngày mai… Phí tổn vào thiên nhiên được tính bằng không” (Chủ nghĩa tư bản phiên bản 3.0 – Peter Burnes – 2006, Nguyễn Đình Huy dịch. NXB Trẻ).
Theo khảo sát thực hiện ở 16 nước châu Á, có đến 9/10 người Singapore thú nhận không hạnh phúc và chịu quá nhiều áp lực trong cuộc sống (TT,21/3/2008).
Mới đây theo một nhà kinh tế khảo sát ở Mỹ, cho thấy hạnh phúc tăng theo GDP, nhưng đến một mức hơn hai mươi mấy ngàn USD thì bắt đầu gây rắc rối, thậm chí có khi đến chỗ mất hạnh phúc. Xem thêm: Tại sao người Mỹ chưa được hạnh phúc? (Peter Burnes, trang 37).
2. Thiên nhiên là sự sống
Tại sao vào ngày nghỉ người ta thích đi chơi ở giữa thiên nhiên hơn là ở trong những thành phố? Nhật đã tạo ra những “cô” rôbốt đem bia, cà phê tới cho khách hàng, nhưng vài tuần đầu còn thấy thích vì lạ, sau đó người ta – có lẽ người ta ở mọi nước – lại muốn “cô cà phê” thật hơn.
Chúng ta thích thiên nhiên vì nó có sự sống, nghĩa là có đổi thay, bất ngờ và tiến hóa. Người ta có thể ngồi cả buổi chỉ để nhìn biển, nghe sóng biển, vì biển có sự sống, sự thay đổi, không lặp lại. Mandelbrot, nhà toán học tiên phong đã làm việc ở IBM cuối thập niên 1960 và thập niên 1970 nói: “Những áng mây không phải là khối cầu, ngọn núi không phải là khối nón, bờ biển không phải là đường cong, mặt gỗ, không trơn nhẳn, tia sét không đi theo đường thẳng”. (Tư duy chiến lược và khoa học mới, trang 97, Irène Sanders, Chu Tiến Ánh dịch, Tri thức 2006). Như vậy, toán học chỉ là những biểu tượng hóa cao độ – nhưng chỉ xấp xỉ – về các sự vật trong đời sống, chứ không phải là chính đời sống.
Với thiên nhiên bên trong, sự sống bên trong thân thể mình, chúng ta thường ít đồng cảm với nó. Chỉ khi nào đau ở đâu đó chúng ta mới chú ý đến nó. Chỉ khi nào ngọp thở, chúng ta mới để ý đến hơi thở và mới biết quý trọng từng hơi thở. Cái thiên nhiên bên trong làm gì, tự tổ chức ra sao, hài hòa với nhau như thế nào trong suốt cả cuộc đời, chúng ta không biết. Chúng ta rất thiếu hiểu biết và thương yêu. Chẳng hạn đến khi thiên nhiên bên ngoài kêu cứu, trái đất bị hư hoại sắp đến chỗ không thể cứu chữa, sự việc này trực tiếp đe dọa cuộc sống của thiên nhiên bên trong của chúng ta, sinh mạng chúng ta, chúng ta mới chịu dừng bớt cơn khát khao có cho thật nhiều, tiêu xài cho thật nhiều bằng cách bóc lột thiên nhiên không kể gì đến sự sống của nó.
Không những thân thể phát xuất từ thiên nhiên, thức ăn nuôi sống lấy từ thiên nhiên, mà cả tâm hồn chúng ta, nội dung của nó cũng bắt nguồn từ thiên nhiên: chúng ta biết hình tròn từ mặt trăng mặt trời, sự mát lạnh từ dòng sông, màu lục từ lá cây, biết sự sống từ mầm hạt, cây cối. Có lẽ thiên nhiên là một nguyên mẫu (archetype, chữ của Carl Jung) nào đó mà con người đã bỏ quên, đã đánh mất trong quá trình tham lam chiếm đoạt của mình.
Nếu ngày nay chúng ta có thể hãnh diện vì trí năng của loài người, trí quyển (noosphère) – hay theo Karl Popper, cái thế giới thứ ba (world 3 hay third world) – đang chuyển hóa và bao trùm toàn bộ trái đất, thì trí quyển đó vẫn phải dựa vào thiên nhiên (nghĩa là địa quyển và sinh quyển (geosphère và biosphere), vì chúng ta không thể nào tạo ra một nguyên tử từ hư không được, vì với những nguyên tử có sẵn chúng ta không thể tạo ra sự sống được. Ngược lại, chúng ta (nói theo Đông Á là Nhân) phải dựa vào thiên nhiên (Địa), từ nguyên tử, đến AND đến vũ trụ để tìm hiểu thế giới và chính con người chúng ta.
H.Rolston viết trong cuốn Triết học đi về miền hoang dã: “Thiên nhiên được coi là hệ thống sinh thái (ecosystem) thì không bao giờ gồm bất kỳ sự hoang dã với ý nghĩa không tốt nào, cũng không bao gồm trong đó sự thoái hóa và càng không thể bao gồm bất kỳ sự vô nghĩa nào. Ngược lại, nó bao gồm thể cộng đồng sinh mệnh đẹp đẽ, hoàn chỉnh và ổn định” (Tìm hiểu triết học tự nhiên, trang 73 – Nguyễn Đình Cửu biên soạn – NXB Hà Nội, 2006).
Như vậy thiên nhiên là một cộng đồng sinh mệnh tiến hóa bao gồm cả sinh mệnh và sự tiến hóa của loài người. Nói cách khác, thiên nhiên là dạng sự sống căn bản và phổ quát là nền tảng cho sự sống con người. Chúng ta thích thiên nhiên vì thế, nó và chúng ta cùng chung một nguồn gốc sự sống và tiến hóa.
Chúng ta cần cải tạo thiên nhiên, nhưng phải cải tạo theo hướng thêm sự sống cho con người và cả thiên nhiên – đó là hướng đi chung của toàn vũ trụ – chứ không phải làm cho thiên nhiên kém sự sống rồi chết. Bạo động và tàn sát thiên nhiên là bước đầu của lòng hiếu chiến, bước thứ hai là đối với đồng loại của mình. Từ ái và hài hòa với thiên nhiên là bước đầu để mở rộng hiểu biết và thương yêu, bước thứ hai là đối với người khác, anh em của mình.
Đánh mất và cắt đứt với thiên nhiên là đánh mất và cắt đứt với chính con người của mình. Văn học Tây phương thế kỷ XX với gam màu chủ đạo là cô đơn, phân mảnh, xa lạ, trơ nặng… đã nói lên điều đó.
3. Hạnh phúc là sống hài hòa với thiên nhiên
Arnold Toynbee là một sử gia hàng đầu Tây phương trong thế kỷ XX. Ông viết bộ A Study of History trong 38 năm (1934 – 1972) gồm 12 cuốn.
Trong cuốn cuối cùng có tính cách đúc kết và nhận định về các nền văn minh, ông viết:
“Chỉ đơn thuần mức độ công nghiệp hóa hay cơ khí hóa của một xã hội sẽ có ít ý nghĩa hơn là mức độ thành công của xã hội đó trong việc tìm ra giải pháp cho các vấn đề ô nhiễm, cạn kiệt các tài nguyên và căng thẳng xã hội, hiện nay đang là những vấn đề không thể giải quyết được của hệ thống công nghiệp. Có thể tương lai sẽ đưa ra câu trả lời không phải của phương Tây cho vấn đề mà ban đầu là do phương Tây đặt ra cho thế giới”. (trang 372)
Và ông vừa tiên kiến vừa hy vọng:
“Kiểu sống bùng nổ của phương Tây là động, kiểu sống làm hóa đá của Trung Hoa (nói chung là của cả Đông phương, nói thêm của người viết) là tĩnh. Nếu ưu thế hiện nay của phương Tây tiếp tục – có vẻ như vậy, dưới ánh sáng của các sự kiện tương tự đang diễn ra – thì trong sự tương đồng hóa và pha trộn văn hóa, có thể tưởng tượng rằng tính động của phương Tây có thể kết hợp với tính tĩnh của Trung Hoa theo một tỷ lệ, tỷ lệ đó sẽ sinh ra một lốo sống mới cho toàn thể nhân loại không chỉ cho phép nhân loại tồn tại mà còn bảo đảm cả hạnh phúc của nhân loại nữa (trang 400, bản tiếng Việt, NXB Thế giới, 2002).
Einstein đã từng nói: “Điều kỳ diệu nhất của thế giới là con người có thể hiểu biết thế giới”. Chúng ta có thể nói thêm: Điều kỳ diệu nhất của thế giới là con người có thể hiểu biết và thương yêu thế giới.
Hiểu biết và thương yêu thế giới, đó có phải là phẩm tính và sứ mạng cao cả nhất của con người? Hiểu biết và thương yêu thế giới, đó có phải là hạnh phúc lớn nhất và trường cửu nhất của con người?
Ai cũng dễ thấy là chừng nào con người còn đối kháng với thiên nhiên, xem thiên nhiên là một địch thủ hay một tên nô lệ vô tri vô giác, hoặc ngược lại, con người bị thiên nhiên áp bức làm nô lệ cho thiên nhiên, khi ấy không có hạnh phúc. Hạnh phúc là sống với và sống cùng, tức là sống hài hòa với thiên nhiên. Sự hài hòa này không phải là trở về với một thiên nhiên vô tri và hoang dã, mà là kết hợp với toàn thể sự sống trong đó thiên nhiên là một mặt căn bản và trọng yếu.
Chỉ trích hai câu của hai nhà hiền triết Trung Hoa cách đây 2.500 năm: “Vạn vật đều đầy đủ nơi ta, quay lại nơi bản thân mà thành tựu, không gì vui lớn hơn” (Mạnh Tử), và “Trời đất cùng với ta sanh ra, vạn vật với ta là Một” (Trang Tử). Đó là nguyên lý “Thiên, Địa, Nhân nhất thể” của văn minh Đông Á. Có điều quan niệm về Thiên, cái siêu việt, cái thực tại tối thượng và tối hậu của Trung Hoa vẫn còn chưa cao sâu và rộng lớn. Chẳng hạn, Thiên của Lão Tử là Đạo, mà Đạo thì “quy văn viết tĩnh” (chương 16). Chưa thoát khỏi cái tĩnh mà Toynbee đã nói có phần e ngại ở trên. Trong khi đó, Thiên với Đại thừa là tánh Không, mà tánh không thì vượt khỏi động – tĩnh, đồng thời có mặt ở trong cả động lẫn tĩnh.
Lăng Tự Đức ở Huế được người Pháp xem là “ một bài thơ của kiến trúc”. Chúng ta thấy ở đó có sự hài hòa và thông thương lẫn nhau giữa Địa Nhân Thiên. Sự hài hòa ở chỗ sâu thẳm của tâm hồn con người với toàn bộ thực tại - từ cái hữu hình đến cái vô hình, từ sự sống sơ khai đến sự sống cao nhất và trường cửu nhất – đây hẳn là hạnh phúp lớn nhất, chúng ta tìm thấy trong kinh nghiệm của Tuệ Trung Thương Sĩ đời Trần:
Tâm của vạn vật tức Phật tâm
Pật tâm bèn với tâm ta hiệp
Pháp vốn như nhiên suốt cổ kim
( Phật Tâm Ca)
Lý tưởng của Đông phương là vậy mà của Tây phương cũng vậy: tất cả triết học từ Hy Lạp cho đến khoa học ngày nay đều là tìm kiếm để hiểu biết cái chất thể căn bản nào đã sinh ra vũ trụ và qua tiến trình tìm hiểu ấy, phát triễn thái độ hài hòa với toàn thể vũ trụ. Nhân loại vẫn luôn lqà một trong khát vọng, trong hướng đi, trong sự tiến hóa của mình.
Đã qua rồi những hăm hở khai thác, xài phí và tàn phá trái đất. Họ đã thấy ra lỗi lầm của mình và bây giờ mở miệng ra và nói sinh thái, môi trường, thân thiện với môi trường. Trong khi đó những nưuớc còn kém phát triễn như Trung Quốc, Việt Nam… trong cơn khát làm giàu của mình đã không nương tay với thiên nhiên. Chỉ riêng tỉnh Khánh Hòa, VTV1 kêu ca về việc xây những khách sạn cao tầng chắn giữa bờ biển và thành phố; báo Tuổi Trẻ nói về làm nhà máy thép sẽ bị phá hư vịnh Vân Phong. Tại sao? Tại vì thiếu hiểu biết và thương yêu. Thiếu hiểu biết và thương yêu với then nhiên và trước mắt với con cháu đời sau. Hơn nữa thiếu cái tinh thần Đông phương.
Trở lại với tỷ lệ Tây phương và Đông phương, đó cũng là tỷ lệ của hạnh phúc như Toynbee nói ở trên. Hiện nay người Âu Mỹ đang thực hiện tỷ lệ đó bằng chính việc nghiên cứu và sống theo đạo Phật, một nguồn minh triết Đông phương còn sống động và phát triễn khắp thế giới. Còn chúng ta? Chúng ta sẽ chỉ thực hiện được tỷ lệ đó bằng cách sống được những tinh túy của đạo Phật vốn là văn hóa chủ lực đã tạo một đất nước Việt Nam. Và nếu chúng ta có đủ hiểu biết, đủ thương yêu, đủ phương tiện khéo léo, biết đâu cái tỷ lệ Tây phương và Đồng dương của chúng ta sẽ là mẫu mực cho một thế giới toàn cầu hóa? Bởi vì do hoàn cảnh lịch sử chúng ta chậm phát triển theo chiều hướng Tây phương hóa, và do đó chúng ta có quyền chọn lựa một tỷ lệ tốt nhất cho riêng mình, đồng thời tránh được những say mê quá đà mà Tây phương đã mắc phải và đang sửa sai.
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 55 | NGUYỄN THẾ ĐĂNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét