Video clip: Chân dung người phụ nữ Việt Nam: Kỹ sư Lê Duy Loan

Lê Duy Loan - Nữ kỹ sư tài năng và sứ mệnh Hoa Hướng Dương
"Mẹ ơi con là người Việt Nam. Con da vàng với dòng máu hiên ngang".
Mọi người (đặc biệt là học sinh, sinh viên) hãy xem video clip này mà suy ngẫm thế nào là người Việt Nam!




Kỹ sư Lê Duy Loan - Ảnh: SMU

Thuộc ban lãnh đạo của tập đoàn danh tiếng Texas Instrusment, trong suốt lịch sử 80 năm của TI, bà Lê Duy Loan là người Mỹ gốc Á đầu tiên và là phụ nữ đầu tiên nằm trong Hội đồng quản trị tập đoàn này.
Kỹ sư Nguyễn Duy Loan sinh ra tại Việt Nam và đến Mỹ vào năm 1975 khi tròn 12 tuổi. Mặc dù gặp vô vàn khó khăn để thích nghi cuộc sống mới nơi xứ người, nhưng cô nữ sinh gốc Việt này nhanh chóng đạt thành tích ấn tượng trong học tập. 
Năm 1979, Duy Loan trở thành thủ khoa của nhóm 335 học sinh tốt nghiệp trung học tại trường Alief Hastings ở Texas, theo Tổ chức Khoa học danh dự quốc gia Mỹ. Năm 1982, khi đang 19 tuổi, Duy Loan tốt nghiệp hạng ưu của Đại học Texas. Cùng năm, cô chính thức trở thành kỹ sư thiết kế bộ nhớ của Texas Instruments (TI), hàng đầu thế giới về công nghệ và nằm trong danh sách 100 công ty lớn nhất toàn cầu do tạp chí Fortune bình chọn.
Năm 1989, cô được thăng cấp làm quản lý thiết kế các dự án của TI và nhận bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Houston, Texas. Năm 1993, Duy Loan trở thành thành viên cấp cao trong Hội đồng kỹ thuật của Tập đoàn TI. Nữ kỹ sư này liên tục có nhiều đóng góp trong các thành tựu công nghệ của TI với hơn 20 bằng sáng chế. Cô cũng đóng vai trò lãnh đạo trong chương trình phát triển công nghệ 3G giúp TI giữ vững vị thế hàng đầu trong công nghệ xử lý tín hiệu kỹ thuật số.
Năm 2002, kỹ sư Duy Loan chính thức được bổ nhiệm vào Hội đồng quản trị của TI và giữ chức Phó chủ tịch phụ trách công nghệ. Trong suốt lịch sử 80 năm của TI, kỹ sư Duy Loan là người Mỹ gốc Á đầu tiên và cũng là phụ nữ đầu tiên nằm trong Hội đồng quản trị tập đoàn này. Nữ kỹ sư cũng được vinh danh với nhiều giải thưởng như giải thưởng Tầm nhìn lãnh đạo của Viện Anita Borg. Không những thế, cô còn là thành viên sáng lập của Quỹ tầm nhìn hoa hướng dương chuyên viện trợ giáo dục cho Việt Nam. Bên cạnh sự nghiệp hanh thông, cô kết hôn năm 1983, đang sống hạnh phúc cùng chồng và 2 con trai tại Mỹ.
Đối với tôi, thành công là hạnh phúc mà mình cảm nhận được và những gì tốt nhất bản thân có thể làm. Tôi không cho rằng thành công đơn thuần là những tiêu chí chung chung như chức vị, tiền bạc và quyền lực
Tuy đạt nhiều thành công trong ngành công nghệ nhưng ít ai ngờ rằng đó không phải là giấc mơ sự nghiệp của cô trong quá khứ. Duy Loan từng có những chia sẻ thú vị trong cuộc trả lời phỏng vấn của Tổ chức phi lợi nhuận The Sloan Career Cornerstone chuyên định hướng nghề nghiệp. Sau đây là các trích đoạn của cuộc phỏng vấn.


Cô bắt đầu muốn trở thành kỹ sư từ khi nào?


Tôi theo đuổi sự nghiệp kỹ sư vì muốn thực hiện nguyện vọng của bố mình. Tuy nhiên, thực ra tôi muốn trở thành bác sĩ nhưng không đủ tiền và thời gian để thực hiện điều đó. Khi theo ngành kỹ thuật, tôi đã cố gắng nhanh chóng tốt nghiệp để có được công việc tốt nhằm phụ giúp gia đình và bản thân mình. Thật may mắn, tôi đã làm được điều này khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng hạng ưu vào năm 19 tuổi.


Cô có thể chia sẻ một số thành tích đạt được từ khi trở thành kỹ sư?


Tôi có 23 bằng sáng chế và 5 trong số đó được Texas Instruments đánh giá là “sáng chế tiên phong”. Các sáng chế này giúp tạo ra nhiều loại chíp được ứng dụng vào các sản phẩm giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thành công như thế, nhưng hiện tại cô có cảm thấy cân bằng giữa công việc xã hội và gia đình không?

Tôi không thực sự cân bằng nhưng luôn nắm bắt cuộc sống mỗi ngày. Ngoài ra, tôi có một triết lý sống và nguyên tắc riêng mà không bao giờ thỏa hiệp. Triết lý sống đó là cuộc sống chẳng đầy đủ nếu không hội tụ cả 3 yếu tố: gia đình, công việc và cộng đồng. Tôi sẽ chẳng bao giờ theo đuổi một công việc mà không đem đến 3 điều trên. Thêm vào đó, nguyên tắc của tôi nỗ lực và đạt được thành công dựa trên điều kiện bản thân. Đối với tôi, thành công là hạnh phúc mà mình cảm nhận được và những gì tốt nhất bản thân có thể làm. Tôi không cho rằng thành công đơn thuần là những tiêu chí chung chung như chức vị, tiền bạc và quyền lực.


Như vậy, nếu được chọn lại một lần nữa, cô có theo đuổi công việc hiện tại không?


Đây là một câu hỏi khó vì trước kia tôi không mơ ước trở thành kỹ sư. Thế nhưng, theo định nghĩa thành công của bản thân mà tôi vừa nói ở trên, tôi hài lòng với những gì mình có được tại Texas Instrument. Vì thế, nếu lựa chọn một lần nữa thì tôi vẫn theo đuổi công việc hiện tại, mặc dù tôi muốn vừa là một kỹ sư vừa là một bác sĩ.


Cô nghĩ các học sinh trung học nên chuẩn bị gì để theo đuổi các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học và y khoa?


Đó là hiểu rõ hơn về các ngành nghề trên. Chúng không hề khô cứng như nhiều người vẫn nghĩ mà ngược lại rất hấp dẫn. Đó cũng là những công việc hứa hẹn thu nhập cao, rất tuyệt vời vì giúp giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống.
Các bạn trẻ cần trang bị sự tự tin để vượt qua thách thức trong những ngành này. Bạn chăm chỉ nhưng đừng biến thành con mọt sống, hãy ra ngoài và hòa nhập cùng mọi người, tận hưởng cuộc sống bằng cách thư giãn. Những kỹ năng mềm cũng luôn cần thiết. Ngoài ra, bạn đừng ngại yêu cầu giúp đỡ, không hiểu thì cứ hỏi, cố gắng thực hành càng nhiều càng tốt.


Theo Hoàng Đình
Thanh Niên






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét