"...trong cơn giông tố của tâm, mẹ đã tìm cầu từ mọi nguồn để tìm sự giải thoát. Mẹ thiền theo Phật giáo vipassana, mẹ hỏi và đọc sách của Thầy Viên Minh, mẹ nói chuyện với một số bạn đạo, rồi mẹ đọc về Krishnamurti, kể cả nghe nhạc Trịnh Công Sơn... Nhưng nghĩ nhiều đến lúc đau đầu. Buông lơi một chút, mẹ hiểu, có cái gì đó rất chung giữa các đường lối giải thoát: Đó là tâm không và an vui trong giây phút hiện tại..."
Ngày 06 – 11 -11
Thưa Thầy.
Con có duyên lành được học giáo Pháp. Và một trong những người "bạn đạo" gần gũi nhất của con là mẹ con. Mẹ con luôn thảo luận với con về cách giải thoát khỏi những bế tắc, lạc lối của con trong cuộc sống. Con đã tranh luận với mẹ con rất nhiều và mẹ con đã có thêm một bức thư gửi con. Con thực sự phân vân. Xin Thầy cho con ý kiến để giúp con và mẹ con học đạo tốt hơn:
"Ngọc Tâm, trong cơn giông tố của tâm, mẹ đã tìm cầu từ mọi nguồn để tìm sự giải thoát. Mẹ thiền theo Phật giáo vipassana, mẹ hỏi và đọc sách của Thầy Viên Minh, mẹ nói chuyện với một số bạn đạo, rồi mẹ đọc về Krishnamurti, kể cả nghe nhạc Trịnh Công Sơn... Nhưng nghĩ nhiều đến lúc đau đầu. Buông lơi một chút, mẹ hiểu, có cái gì đó rất chung giữa các đường lối giải thoát: Đó là tâm không và an vui trong giây phút hiện tại.
Vì vậy, mẹ đã hứa sẽ không tự mình rơi vào - và cũng không để người khác làm mình rơi vào những lý luận, tranh biện theo cái tri kiến, định kiến và kinh nghiệm thủ cựu về đạo đức, luân lý, triết lý... mà chứa đựng sau đó đầy tham lam, si mê của bản ngã. Từ bỏ mọi tri kiến để đến với tâm không và sự an vui trong từng giây phút hiện tại. Tận hưởng những cái đẹp trong sáng và thánh thiện của cuộc sống, đó có thể là nói chuyện với con, là công việc nội trợ tầm thường, là một bản nhạc mẹ nghe vu vơ, là cảnh thiên nhiên như vẽ, là một món ăn tinh tế nào đó... tất cả là niềm vui ngọt ngào mà cuộc sống luôn mang đến cho mẹ từng giây phút cuộc đời. Cớ sao lại lạc lầm hả con?
Bất cứ sự vật, hiện tượng gì cũng có hai mặt của nó. Mẹ đã phải tập nhìn thấy cả hai mặt để thấy được sự cân bằng và toàn vẹn của cuộc sống. Đó là "cái thấy thật của Pháp" theo cách nói nhà Phật hay cái "liên hệ trật tự cuộc sống" của Krishtamurni.
Trong cơn bất hạnh, mẹ đi tìm những cái phao sống để xem họ đã vượt cơn nguy nan ra sao. Rồi con sẽ thấy ở các vĩ nhân, cứu cánh cho những đau khổ trần tục của họ trên hết là cái mà họ mang đến cho cuộc đời. Vậy đời người, ngoài việc học lấy những bài học, cần phải mang đến và đền đáp cho cuộc sống điều gì đó. Đó cũng chính là điểm tựa nội tại tạo nên sức mạnh của mỗi người.
Nhưng mang đến cuộc đời cái gì đây? Các vĩ nhân vừa có tài năng, vừa có niềm say mê trong lĩnh vực của họ, tất yếu họ sẽ mang đến cho cuộc đời những quà tặng của riêng mình. Vậy mình mang đến cho cuộc đời này cái gì? Mình có tài năng và lòng say mê gì?. Đôi khi câu hỏi dẫn mẹ đến bế tắc, yếu đuối và dường như xa rời giáo pháp. Vậy mà trong lúc buồn nản nhất mẹ mới chợt nhận ra, món quà đó chính là NIỀM VUI.
Như vậy, tài năng và nỗ lực chưa đủ để tạo ra quà tặng của cuộc sống, vì thế mới có chiến tranh, thù hận và đau khổ - trong tất cả những cái đó đều có tài năng và nỗ lực. Phải có niềm vui - niềm vui là thứ duy nhất cuộc sống cần đến, trong đó có bản thân mình.
Mẹ thấy rõ hơn, đến gần với giáo pháp hơn, bởi niềm vui thì quá đỗi phong phú, nó luôn có sẵn ở mọi nơi, trong mọi vật và mọi lúc. Nó không hẳn chỉ là những kinh điển lý luận cao siêu, các công trình nghiên cứu nhân bản, các bản nhạc thánh thiện hay là những món ăn công phu... Nó là tất cả, là những nụ cười từ những điều đơn giản nhất! Vì vậy, ai cũng có thể đền đáp cuộc sống - thông qua niềm vui.
Nỗ lực đền đáp cuộc sống, nỗ lực tạo nên sức mạnh nội tại của bản thân, nỗ lực tìm đến hạnh phúc chính là nỗ lực tạo ra niềm vui - mà chính là niềm vui trong giây phút hiện tại. Niềm vui ấy dành cho bản thân mình, cho người tiếp xúc với mình và lợi lạc chung cho cả chúng sinh. Ấy chính là mối liên hệ giữa mình với cõi đời này.
Như vậy, hãy xa rời những lý luận, luân lý dùng để tranh biện, hãy ngừng nói về lẽ phải trái, kể cả niềm vui ngay khi chưa biết tận hưởng và mang đến niềm vui, hãy thực sự thấy niềm vui ẩn chứa trong từng việc làm, từng hành động, từng giây phút hiện tại.
Thế còn nỗi buồn thì sao? Đã có vui ắt phải có buồn! Vậy thì hãy tận hưởng nỗi buồn đó một mình như một sự cân bằng cần thiết cho tâm trí, rồi nỗi buồn đó sẽ nở hoa và niềm vui lại đến. Đừng mang nỗi buồn đó ra ngoài cuộc sống. Đừng tước đoạt đi cái quyền được hiến dâng cuộc sống của mình.
Hãy hát lên nếu con muốn, hãy nấu ăn đi nếu con thích, hãy lao vào làm việc đi nếu con thấy thú vị, thậm chí con có thể nhảy theo điệu nhạc bốc lửa khi cảm xúc đang trào dâng. Hãy cười lên và mọi người xung quanh con sẽ cười theo. Đó chính là quà tặng cho cuộc sống.
Vậy thì đừng làm hai việc cùng một lúc, đừng để tâm trí xao nhãng khỏi thực tại. Và chớ lầm lạc giữa niềm vui với khoái lạc tham mê. Hãy dùng thiền để nhận diện điều đó. Đừng bao giờ xa rời thiền - đạo trong con phải luôn hiển lộ để giúp con tìm thấy niềm vui đích thực.
Từ những niềm vui giản dị ấy, rồi con sẽ thấy, tình yêu lớn lên, vượt ra khỏi bất kỳ một cá nhân hay không gian nào. Từ những niềm vui ấy, con sẽ thấy ân cần với buồn đau. Từ những niềm vui ấy, con sẽ tìm thấy Đạo."
Con xin đa tạ Thầy.
Con Ngọc Tâm
Ngọc Tâm con,
Con có người mẹ mà cũng là “người bạn” tuyệt vời như vậy thì còn tranh luận gì nữa? Mẹ con nói những điều người đang thực sự sống và chiêm nghiệm, đó không phải là thuần lý thuyết nên không phải là đề tài để tranh luận. Và vấn đề không phải là mẹ con đúng hay con đúng mà là mẹ con hay con có sống trung thực với những gì mỗi người thấy biết trong không gian, thời gian và căn cơ trình độ riêng để học ra bài học giác ngộ giải thoát cho chính mình hay không.
Tất nhiên thời gian, vị trí và tính cách của mẹ con khác với thời, vị và tính của con, do đó mới có sự không đồng nhất trong cách nhận thức và xử lý những vấn đề cuộc sống. Những điều mẹ con nói là đúng với mẹ con, và những điều con nói cũng đúng với con. Ở đây thầy chưa nói đến cái đúng tuyệt đối của chân lý, mà là đúng với mỗi người như họ đang là. Nếu con có cùng nhận thức và điều kiện nhân duyên như mẹ thì con cũng sẽ có thái độ ứng xử như mẹ, và ngược lại.
Với tình yêu thương của một người mẹ, mẹ con có quyền chia sẻ tâm không và an vui với con để con cảm nhận được sự an lạc thanh thoát của mẹ, nhưng nếu con chưa cùng “tần số” như mẹ thì con vẫn có quyền ứng xử theo cách nhận thức và điều kiện nhân duyên của con. Khoan tranh luận về giá trị đúng sai tuyệt đối, mà hãy xem mỗi người chiêm nghiệm và học ra được gì từ cái đúng cái sai đó trong điều kiện nhân duyên của mình. Con chỉ có thể học cái đúng từ cái sai của chính con chứ không thể bắt chước cái đúng của mẹ. Có thể con phải trải qua những sai lầm và đau khổ nhiều lần mới học ra bài học như mẹ bây giờ, nhưng có ai không trải nghiệm đời mình với những va vấp và đau khổ ê chề mà có thể thấy ra ý nghĩa đích thực và vẻ đẹp của cuộc sống được đâu. Hoa sen cũng nở từ bùn mà, phải không con?
Vậy con đừng tranh luận với mẹ, hãy lắng nghe, chiêm ngưỡng và cảm nhận tình thương yêu, sự an lạc và minh triết của người, nhưng con phải trở về với chính mình để học ra bài học giác ngộ của con, dù đó là hạnh phúc hay đau khổ, đúng đắn hay sai lầm. Hãy học hỏi và chiêm nghiệm những điều mẹ sống và chia sẻ với con, nhưng nhớ là đừng bài xích cũng đừng bắt chước mẹ, vì mỗi người là bài học giác ngộ duy nhất của chính mình. Chúc con luôn tự tại.
Thầy Viên Minh
Thư Thầy trò (33)
Tác giả: Viên Minh - Ngọc Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét