Sự thật về nước Úc

1. Kiến trúc nhà cửa: quá nguy hiểm

Nhà thiết kế không đâu vào đâu cả, đầy tính rủi ro. Nhìn đâu đâu cũng thấy những ngồi nhà vườn rộng, rào thưa và thấp, cửa kính thông thoáng. Thiết kế như vậy để mời trộm vào nhà.


2. Quan niệm về tình yêu và sex: ngược đời

Dạo này có đọc thông tin một bạn trẻ gì đó của Việt Nam tự tin, hiên ngang tuyên bố 27 tuổi tự hào vẹn tròn trinh tiết. Nếu ở Úc thì suỵt, bạn nói nhỏ chuyện này thôi, hoặc nếu nói thì bảo mình 18 đôi mươi thôi. Thanh niên Úc thiếu thực tế lắm, họ chẳng thèm cân đo vấn đề này đâu. Thậm chí sẽ tỏ ra rụt rè nếu biết thông tin này. Tôi từng hoảng hốt khi mấy anh bạn Úc bô bô cái mồm là trước khi trở thành bạn gái tao, nàng từng yêu 2-3 anh và anh nào cũng có màn ngủ thân mật.

3. Hệ thống giao thông thật nhức mắt

Một hệ thống giao thông thừa chữ đến mức chỗ nào cũng thấy biển nhắc nhở quy định về tốc độ cho phép từng đoạn, chỗ được phép đậu xe chi tiết từng mét một, thời gian đậu xe. Nhắc nhiều và chi tiết như vậy thì người ta học và nhớ luật làm gì nữa. Chưa kể, làm giảm ngân sách khi nơi nào có gắn camera bắn Tốc độ, phạt vượt đèn đỏ, rẽ trái phải đều gắn cảnh báo từ trước đó 100-200m. 




4. Thầy giáo: rất đáng quan ngại

Giáo sư, tiến sĩ sao lại nói với học sinh hồn nhiên đến vậy. Cứ để học sinh ăn mặc áo ba lỗ, thiếu vải, quần đùi đến lớp. Chưa kể lại hay ăn quà trong lớp, vừa ăn nhồm nhoàm vừa trả lời thầy. Thầy cũng chẳng vừa khi ngồi lên bàn, chân đưa lên ghế, đôi khí chấm phá bằng dáng người vừa bước vào lớp vừa ăn chuối.

5. Cuộc sống sinh viên

Cuộc sống sinh viên thật khổ hết đường nói. Ở nhà đang là cành vàng, lá ngọc, cơm bưng, nước rót. Ấy vậy mà sang đây việc gì cũng kinh qua từ làm nấm, dọn vệ sinh, rửa bát, phục vụ bàn, một thời gian thì tuyên bố không cần bố mẹ cho tiền ăn, tiền nhà nữa. Làm thế bố mẹ buồn chết.

6. Xăng xe: rất mất ổn định

Đây là nguồn hàng thiết yếu thì phải ổn định thì lại cứ sáng nắng, chiều mưa. Rất là gây ức chế. Vừa mua hôm qua với giá $152/100 lít thì đùng cái hôm nay nhảy xuống $138/100 lít; ngày kia lại xuống $135/100 lít. Chưa kể, vừa mua ở trạm xăng này với giá $155/100 lít, đi được mấy trăm mét thấy trạm xăng khác giá rẻ hơn. Nghĩ mà tiếc.


7. Lý tưởng: thiếu

Gia đình Úc không biết tạo lý tưởng cho con cái. Họ không làm được cái như cha mẹ Việt Nam là mong con mình trở thành ông A, bà B. Họ không bảo con họ là học đi không thì sau này về làm công nhân, làm ruộng bởi nếu làm mấy cái đấy thì họ cũng thừa sống rồi. Thanh niên Úc cũng không quá mơ mộng về chính trị, họ suy nghĩ giản đơn lắm.
Gần đây cũng thấy ý kiến quan ngại là Việt Nam đang hình thành một lớp người lớn chưa trưởng thành khi 30 tuổi vẫn phải xin tiền bố mẹ để nuôi con mình. Úc tệ hơn, lớp người lớn 30 hoặc trên 30 chưa trưởng thành nhiều hơn nhiều, họ vẫn phải xin tiền nhà nước hàng tháng để nuôi con và bản thân mình. Cứ vậy bao giờ mới lớn chứ.

8. Không còn câu chuyện cổ tích

Thỉnh thoảng thấy báo Việt Nam có bài giới thiệu về các bác đại gia Việt Nam thường biết vượt lên hoàn cảnh khi trước đây phải làm phục vụ trong nhà hàng, chạy xe ôm, nuôi lợn. Những cái này mà giật tít bên Úc thì chẳng ai để ý vì thực chất một lượng lớn thanh niên Úc khi còn học cấp III hoặc đại học đều phải tự lập và bắt đầu kiếm tiền từ việc đứng bàn, rửa bát, phục vụ tại các quán đồ ăn nhanh, đưa pizza... Những người này không biết xấu hổ khi suốt ngày huyênh hoang kể về các công việc này. Thỉnh thoảng lại cười sung sướng. Đến là chịu với suy nghĩ ngược đời.

9. Đất: hoang phí

Kiến trúc hiện đại thì nhà nhà phải mọc lên, nhà máy, xí nghiệp khắp nơi. Như vậy mới không thấy phí đất đai. Nhìn Úc xem, thật là lãng phí, một vùng rộng lớn toàn cây cối, cỏ và chăn nuôi gia súc. Nhìn mà tiếc, mình mà được quy hoạch thì biến hết thành đất ở, khu công nghiệp.


10. Trẻ nhỏ: quá mạo hiểm với sức khoẻ

Trẻ nhỏ vừa khi mới sinh hoặc còn nhỏ là cần được chăm sóc, giữ gìn cẩn thận khỏi nắng, gió và bụi bẩn. Ngược đời ở Úc khi tôi thường bắt gặp trong các chuyến đi chơi xa hình ảnh những ông bố, bà mẹ mang con còn đỏ hỏn nằm trên đồi gió, lang thang trên biển. Làm vậy các cháu bị cảm nắng, cảm gió thì sao. Tiếp, trẻ nhỏ cho đi nhà trẻ là vấn đề hết sức nguy hại khi thấy các trò toàn tiếp xúc với cát, đất, cây cối. Về đến nhà nhìn mặt mũi, quần áo bám bẩn thôi rồi.


11. Vai trò đàn ông: tệ hại

Ở Việt Nam đàn ông sướng, sang đây cứ cạnh tranh với hết cái này đến cái kia mới được lưu ý. Đàn ông xếp sau trẻ nhỏ, đàn bà và ... chú chó đốm. Chưa kể, tôi thường bắt gặp những ông bố túi trước, túi sau đi trên đường, đi chợ, trong mỗi túi là một bé. Nhìn thương lắm.





12. Động vật: tình yêu động vật biến mất

Tôi vẫn thường có thói quen ngắm những chú chim trong lồng, trong vườn, trên cây khi ở Việt Nam. Tuy nhiên, thỉnh thoảng mới thấy nên lúc trước cứ thấy chim là tôi ngắm lấy được, chỉ ước tóm được một chú làm của riêng. Cái cảm giác này không còn khi hàng ngày phải nhường đường, phải tránh bom rơi từ chim. Chim chỗ nào cũng thấy, nhiều lúc doạ để chúng bay đi mà vô tác dụng. Tự nhưng tình yêu chim biến mất nhẹ nhàng như thế.
Tiếp đến, tôi cũng có thói quen khi tức cái gì thì đá thụng, đụng nia. Nạn nhân thường là con chó. Bên này nhiều lúc ức chế muốn đá cho con chó một cái nhưng chỉ sợ đá xong ức chế không hết mà lại đóng thêm tiền phạt. Và nữa, anh nuôi chó anh có thể nhịn đói nhưng để chó nhịn đói thì...

13. Xe oto:

Oto không còn là cái thể hiện sang chảnh nữa. Vậy thì đầu tư xe siêu sang làm gì khi nhà nhà oto, không ai quá chú trọng người kia đi xe gì. Thị trường mua bán oto thì tệ hại vô cùng. Việc mua bán oto đơn giản như mua một mớ rau. Việc đặt biển số xe của Úc cũng buồn cười. Ai cũng có thể nghĩ ra biển số và đề nghị cơ quan chức năng cấp theo như vậy. Ví dụ như SKU, LOVE, hihi, hana xyz. Làm như vậy thì biển số đẹp còn gì có ý nghĩa nữa. Gu thẩm mỹ kém thật.


14. Xếp hàng

Từng nghe thời bao cấp của Việt Nam thì hình ảnh xếp hàng nhận phần của mình là phổ biến. Ở Úc chắc giống Việt Nam thời lạc hậu ấy, đâu đâu cũng thấy người ta xếp hàng. Ở đời có hai cái không nên cản đó đói và buồn đi vệ sinh. Nhưng Úc lại làm chận cái quyền đó khi đến việc đi vệ sinh hoặc uống cốc cà phê, ăn cái bánh mà cũng phải xếp hàng.



Còn nhiều điều nữa mà tôi cũng không nghĩ được ra hết trong một lúc như thế này. Cứ để bao giờ có thời gian thì lại bổ sung tiếp vậy.


Nguồn: Facebook Luật Sư Pham Duy Khuong ( Du học sinh tại Melbourne)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét