Trước hết xin cho con được kính lễ Thầy!
Khi ngồi chợt nghĩ lại những đau buồn đã qua, bất chợt con mỉm cười rồi thốt lên rằng, “Thì ra cuộc sống này vốn dĩ luôn tuyệt vời chứ không đau khổ như mình vẫn hằng lầm tưởng”, Thầy ạ!
Trước đây con vẫn thường cảm thấy bực mình và khó chịu khi trong đầu luôn xuất hiện những câu hỏi đại loại như: “tại sao anh ta/chị ta lại có thể cư xử với một thái độ như vậy; tại sao một người như vậy mà lại có thể thốt ra được những lời như thế, thiệt là khó nghe làm sao; tại sao mình chả có đụng chạm gì mà lại cứ vô cớ chửi mình hoài?… Nhưng thưa Thầy, tất cả những gì mà con cho là “nó phải như thế này” hay “nó phải như thế kia” hay “tại sao nó lại không như vậy” thì đều là những “ý niệm” do con tự vẽ lên để rồi cũng lại tự mình chuốc lấy đau khổ từ đó.
Nhìn tổng thể thì Vạn Pháp được sinh ra trong vũ trụ này đều phải có một cái “tên gọi” để nhằm phân biệt cái này với cái kia, người này với người nọ hầu tránh sự nhầm lẫn mà thôi còn chung quy thì những cái tên ấy cũng chỉ là những “khái niệm” mang tính chất giả định không hơn không kém.
Đơn giản như khi nhìn một trái mít và một trái xoài thì dễ dàng phân biệt rõ ràng được đâu là trái mít và đâu là trái xoài, vì trái mít thì có mùi vị đặc trưng riêng của nó và trái xoài cũng vậy. Vậy thì tại sao ta lại cứ ước muốn “trái mít phải giống trái xoài”? Cũng như chị A thì có những đặc điểm và tính cách riêng của chị A, còn chị B thì cũng có những đặc điểm và tính cách riêng của chị B. Vậy thì tại sao lại cứ muốn rằng "chị A phải giống chị B ở điểm này hay ở điểm kia?" Nhìn thật kỹ, thật sâu sẽ thấy rằng mỗi loài hoa, mỗi cái cây, mỗi cọng cỏ… đều có một vẻ đẹp đặc trưng riêng của nó và con người cũng vậy. Mỗi người đều có những tính cách, những đặc điểm riêng khác nhau không ai giống ai cả, mà nếu có giống nhau đi chăng nữa thì cũng chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi. Vậy tại sao lại cứ ước muốn viễn vông rằng “phải chi anh A hay chị B được như thế này thì sẽ tốt biết mấy?” mà không chịu thấy rằng, “anh A là anh A”, “chị B thì là chị B” thế thôi.
Nhìn xa hơn nữa, Vạn Pháp tồn tại trong vũ trụ này đều là tuỳ duyên biến hiện như một dòng chảy liên tục và bất tận. Khi đủ duyên nó xuất hiện còn khi hết duyên nó biến mất, cứ thế mà xoay vần liên tục mãi. Cái cây chỉ xuất hiện khi người ta có ý muốn trồng nó, còn không thì nó sẽ biến mất khi người ta có ý muốn chặt nó đi. Con người cũng vậy, khi đủ duyên thì được sinh ra còn khi hết duyên thì cũng lại chết đi, là thế. Có rồi lại Không, Không rồi lại Có. Ta không thật Có mà cũng không thật Không vì tất cả chỉ là trùng trùng Duyên khởi.
Vậy thì hãy luôn Tỉnh Thức để đừng sống trong những vọng tưởng hảo huyền để rồi tự mình phải chuốc lấy khổ đau mà hãy “sống thật sự Trọn Vẹn với Thực Tại như nó Đang Là” để rồi luôn Ung Dung, Tự Tại giữa dòng đời đầy thiên biến vạn hoá đến tuyệt vời và đó cũng chính là mục đích tìm cầu duy nhất và cuối cùng của chúng ta ở cuộc đời này vậy.
Con chỉ muốn kính gởi vài dòng cảm nghĩ đến Thầy và quý bạn đạo, như một bài thu hoạch kết quả tu học của con để Thầy chứng minh cho ạ.
Con kính chúc Thầy "Thân tâm thường lạc"!
Con Hương Tuệ.
Trả lời:
Sàdhu lành thay! Thầy cũng mong có nhiều người thu hoạch như vậy khi cuộc đời là mùa màng thật trù phú mà ít ai biết gặt!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét