Thiền tịnh song tu

1. Niệm Phật không còn mong cầu đạt được "cái phải là" hoặc "cái sẽ là"


Dạ thưa Thầy!
Trong lúc con niệm Phật thì vọng tưởng nổi lên, con nhớ lời Thầy đã dạy "nó đang là", con biết nó là vọng tưởng là được rồi. Con cố gắng nhiếp tâm để nhớ câu Phật hiệu, mặc cho vọng tưởng lúc ẩn lúc hiện. Vậy cái cố gắng nhiếp tâm đó có phải là mình đang tự ràng buộc mình phải không Thầy, đó có phải là bản ngã không? Mặt khác con lại nghĩ nếu như quan sát cái "nó đang là" thì lại lơ đễnh đi câu Phật hiệu. Là do con hiểu sai lời Thầy hay con phải làm như thế nào mới đúng, xin Thầy từ bi chỉ dạy cho con được tỏ tường.
Con cảm ơn Thầy! A Di Đà Phật!


Trả lời:

Thực ra niệm Phật mục đích trợ giúp tâm bớt lăng xăng tìm kiếm "cái phải là" và "cái sẽ là" để nó có thể trở về trọn vẹn soi sáng "cái đang là". Vậy khi nào niệm Phật không còn mong cầu đạt được "cái phải là" hoặc "cái sẽ là" thì tâm liền trở về trọn vẹn tỉnh thức với "cái đang là". Đây gọi là thiền tịnh song tu, lấy niệm Phật hỗ trợ cho thiền, hay lấy định hỗ trợ cho tuệ.
Nếu trong cố gắng niệm Phật để "nhiếp tâm" còn có mong cầu "phải là" hoặc "sẽ là" thì đã đi ngược lại với mục đích ban đầu của pháp môn niệm Phật, lúc đó phương tiện niệm Phật mới trở thành tự buộc. Nhưng khi trở về được với "cái đang là" thì chính là đã "tinh tấn nhiếp tâm" rồi nên có thể buông phương tiện niệm Phật đi để chỉ còn trọn vẹn tỉnh thức trên "cái đang là" thôi. Qua sông phải rời đò là vậy. 

2. Niệm Phật đúng hướng thì chính là gồm đủ định tuệ.

Kính thưa Thầy, có đạo hữu hỏi con về cách niệm Phật như thế nào, con thấy có nơi dạy tu Tịnh Độ cách niệm Phật như sau:
“Tâm và tiếng phải hiệp khắn nhau.
Lúc niệm Phật không quá nhanh không quá chậm,
tâm nhận biết rõ ràng từng câu Phật hiệu.
Ngang đó, tâm trụ nơi một chỗ, thì những tâm vọng tưởng lăng xăng dần dừng lặng. Nếu luôn luôn thực hành bền chí thì chánh niệm mạnh dần lên tâm an định sáng suốt, còn vọng tưởng phiền não sẽ yếu đi.
Như vậy, lúc niệm Phật vọng tưởng dừng lặng đó là Định; nhận biết rõ ràng câu Phật hiệu đó là Tuệ. Một pháp tu niệm Phật gồm đủ Định và Tuệ.” Kính mong Thầy hiệu đính cách trên và chỉ dạy thêm cách dụng tâm khi niệm Phật để ai có duyên với pháp niệm Phật mà ứng dụng cho đúng. Con xin cảm ơn Thầy.

Đáp:

Con nói như thế là đúng rồi. Niệm Phật là dẹp đi thất niệm, tạp niệm, vọng niệm để trở về với bản tâm thanh tịnh, tự tánh trong sáng nên nếu niệm Phật đúng hướng thì chính là gồm đủ định tuệ.

Định cao nhất là trở về với tâm thanh tịnh (Araham),
Tuệ cao nhất là trở về với tánh trong sáng (Sambuddho).

Nếu niệm Phật để cầu Phật gia hộ như cầu tha lực của thần linh thì hoàn toàn sai hướng, chỉ tăng thêm bản ngã tham sân si không thể nào thanh tịnh, sáng suốt được.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét