Người học Phật và tu theo lời Phật phải để ý đều này, khi ta học thì phải có căn bản; nguồn giáo lý Phật có thứ đệ tùy theo căn cơ mà hóa độ khác nhau. Tánh Giác thì ai cũng như ai, nhưng nhận thức thì có khác biệt. Người có chủng tử Phật pháp căn lành trồng sâu thì hành động nói năng rất nhẹ nhàng, mọi cử chỉ hành động đều là thuyết pháp giáo hóa. Người đó biết mà như không biết gì hết, nhìn xem họ là bình thường và phàm tục. Họ có thể ngồi lắng nghe những điều rất phàm tục, họ có thể hòa quyện với mọi người một cách không có gì là bực bội… Và cũng chính họ là ánh sáng cho mọi người phải tự lắng yên sau những giờ phút hý luận.
Vì sao vậy, vì tâm họ đạt đến an tịnh một cách hoàn toàn, nội lực của từ tâm và tuệ giác họ cao rộng. Tuy nhiên tai hại cho bước đường tiến hóa là Thế trí biện thông, ta chỉ nghe một vài vấn đề Phật pháp lại tự ngộ nhận mình đã ngộ; thật chất ta chưa rời một mảy trần. Khi nào ta đạt đến tu một cách hoàn hảo thì mới nói vô tu, khi ta thật chứng ngộ thì ta mới nói chổ vô chứng, khi thực hành hết tất cả thì ta mới nói chổ vô hành. Có nghĩa là: Xong hết mới nói khỏi làm, khỏi tu, khỏi chứng. Tu hết rồi thì liễu đạt, chứng hết mới thấy nó là thuyền bè, ngộ hết rồi thì mới thấy giáo lý là ngón tay chỉ trăng.
Nói đến đây thì nghĩ lại một điều là tại sau trải qua thời gian dài 49 năm Phật mới nói lý nhất thừa. Tánh giác thì vốn có sẵn nơi mọi người nhưng màn vô minh dày đặc bám từ lâu, đủ thứ phiền não ô nhiễm, tham lam dục vọng, hiếu chiến, sân hận, oán thù đồng hành với mỗi chúng ta nhiều quá. Cho nên Phật phải hóa độ chỉ cho họ cách lau chùi, gội rửa, dần hiển lộ tánh Phật, lúc bấy giờ Thế Tôn nói lý Nhất Thừa.
Như kim loại quý giá Vàng từ lâu bị lấp vùi trong phân, rác, bùn người đãi vàng đem về phân chất nấu nung mới thành ra những món đồ trang sức. Vì vậy tất cả chúng ta dè dặt khi ta học đạo. Thời gian gần đây, tôi được tiếp xúc một số người tự ngộ nhận mình thông hiểu lý tánh không, cho là vạn pháp giả huyễn. Thật ra chỉ là quan niệm khi chưa thật chứng ngộ một cách tuyệt đối thì đó là nguy hiểm vô cùng. Tuy nhiên, những người đó vốn có tánh thông minh thì có thể đủ duyên hóa độ và ngược lại “Thông minh thì thông minh hại”.
Cho nên! Người thông minh thì dể thành Phật, nhưng cũng dể rơi vào bạn lữ của ác ma. Tại sao? Vì sự hiểu biết của Ma và Phật đồng nhau, hơn kém nhau ở chổ Từ Bi. Ma thì mờ mờ ảo ảo, chúng khôn nhưng lại thiếu lòng Từ… Phật thì lòng Từ rộng mở, không hề ưu phiền vì tánh giác không chứa những gì bợn nhơ. Ví như biển cả bao la không dung nạp thây chết, như nước và dầu không trộn lẫn.
Cho nên ngài Phú Lâu Na đạt lý tánh Không và từng thuyết pháp đệ nhất, nhưng chính bản thân Ông không hề biết việc đó. Vì Ông chỉ làm hết vai trò bổn phận trách nhiệm của mình, chỉ âm thầm gần gủi làm việc Phật, nói lời Phật, và ý thực hành theo con đường Bồ tát (Đại đạo tâm thành tựu chúng sanh).
Được như thế Ông là người thực chứng Pháp không, hôm nay trong hàng đại chúng Phật đã nêu gương phẩm hạnh. Mỗi đời trôi qua tích lủy chút duyên lành, nhờ túc duyên đó qua vô lượng kiếp sau sẽ thành Phật hiệu là Phổ Minh Như lai đủ mười đức hiệu. Nghĩa là ánh sáng trí huệ phải gieo rắc đến mọi người, nói như thế là nói Nhân Quả. Có Quả thì phải từ Nhân và chăm bón vun bồi liên tục Nhân đó. Cõi nước của Phật Phổ Minh (Phú Lâu Na) đó lấy hằng hà sa tam thiên đại thiên thế giới làm thành, đất bằng bảy thứ báu. Cõi nước bằng phẳng không có các hang núi, khe, rảnh, cung điện đầy thất bảo. Trời người giao tiếp nhau, không có ba ác đạo, không có người nữ, không có dâm dục, được thần thông bay đi tự tại, trí nguyện vững vàng, tinh tấn trí huệ.
Trên bước đường tu của chúng ta phải nhận định là cõi Phật không có ranh giới. Giác ngộ đến đâu thì ranh giới cõi nước đến đó. Cái Nhân mà thành Phật Phổ Minh là nhờ chứng pháp Không, pháp Không đạt lý pháp giới vô ngại. Khi tâm đạt vô ngại thì không có hang núi, khe rảnh, gò nỗng; tất cả đều bằng phẳng. Đất bằng bảy báu, thế gian thì lấy bảy món (vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, mã nảo, hổ phách) làm quý. Chuyển Luân Thánh Vương có bảy món báu (Luân bảo, tượng bảo, mã bảo, ma ni châu bảo, nữ bảo, chủ tạng thần, chủ binh thần). Phật lấy bảy món báu (Giới, văn, tàm, tín, tấn, huệ, xả). Bảy món Thánh Tài ấy Thế gian và Chuyển luân thánh vương không thể sánh kịp.
Những thuật ngữ và danh số Phật học xin quý Phật tử phải thông thạo thì học Pháp Đại Thừa rất dể tiếp thu. Mong quý vị nhiều thuận duyên tinh tấn tư duy tu học.
Yếu giải: Phẩm Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký
Bất Dị Pháp Sư
Theo: http://www.ngocbao.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét