Người ta thường nói “ Lời nói gió bay”, chỉ mới nói nhưng chưa làm, chưa thể hiện ra hành động. Vậy phải chăng khẩu nghiệp nhẹ hơn thân nghiệp?
Chúng ta hãy đưa ra đây một vài dẫn chứng cụ thể để từ đó chúng ta có thể suy ra mức độ quan trọng của lời nói như thế nào theo quan điểm nghiệp báo, theo tinh thần Phật giáo.
Ví dụ thứ nhất, trong năm ngũ nghịch đại tội, tức là giết cha, giết mẹ, giết A-La-Hán, làm cho thân Phật cháy máu và chia rẽ Tăng. Chia rẽ Tăng là một trong năm ngũ nghịch đại tội, ác nghiệp nặng nhất. Nghiệp chia rẽ Tăng thường đến từ khẩu nghiệp. Do vậy, trong trường hợp này, chúng ta không thể nói rằng khẩu nghiệp là nhẹ căn cứ theo lý nghiệp báo đạo Phật.
Trong Bát chánh đạo, Chánh ngữ là một chi phần trong Bát chánh đạo. Nói cách khác từ bỏ tà ngữ là một điều cực kỳ quan trọng để đưa chúng sanh đến giác ngộ giải thoát. Đó là ví dụ thứ hai. Trong mười cái nghiệp, thân nghiệp có ba, khẩu ngiệp có bốn, ý nghiệp có ba. Khẩu nghiệp có bốn, theo sự phân loại này, chắc hẵn chúng ta không thể nói rằng khẩu nghiệp là như mây bay gió thoảng được.
Sống trong thời đại ngày nay, chúng ta ai cũng thấy rất rõ ảnh hưởng quan trọng của lời nói, ngôn từ trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Mà không phải chỉ riêng ngày hôm nay, Đông-Tây Kim-Cổ cũng cho thấy rất nhiều biến cố nằm trong những khúc quanh lịch sử thường là kết quả của những đầu óc đã khéo vẽ vời, thêu dệt nên những lời nói có sức thuyết phục hoặc công phá lớn. Lời nói do vậy có ảnh hưởng rất quan trọng. Nếu nói những lời cao đẹp, những lời xây dựng và lời nói có tầm ảnh hưởng quan trọng thì chúng thay đổi cục diện lịch sử theo chiều hướng tốt hơn. Nhưng cũng đã có rất nhiều bi kịch xảy ra bởi cũng do lời nói, và con người đã tự tạo ra bao nhiêu thảm hoạ cho mình và cho người khác.
Vì vậy, chúng ta là những Phật tử chân chánh, hiểu đạo, ý thức rất rõ về tầm quan trọng của lời nói chúng ta phải luôn cẩn ngôn. Trong trường hợp nếu cảm thấy rằng mình không thể nói được những lời nói tốt đẹp, tốt hơn chúng ta hãy giữ im lặng. Thậm chí Đức Phật còn ca ngợi nếu chúng ta có thể giữ im lặng như cái chuông bể.
Để từ bỏ ác ngữ, chúng ta phải luôn nhớ rằng, do tác động của tham và sân, con người thường có khuynh hướng sử dụng lời nói, hay nói cách khác là dùng phương tiện truyền thông của chính mình, để tạo nên bao nhiêu bi kịch trong đời sống.
Thử ngồi ngồi nhìn lại những chuyện đã xảy ra trong đời, chúng ta có thể thấy rằng lắm khi có rất nhiều chuyện, thực chất chẳng có gì, nhưng do những lời nói đi nói lại - vì chúng ta đem chuyện của người này nói cho những người khác, do vô tình hoặc cố ý - mà đã tạo ra bao nhiêu hố sâu, bao nhiêu khoảng cách, bao nhiêu đổ vỡ, gây ra biết bao đau khổ cho chính chúng ta và những người chung quanh. Vì vậy Phật tử chúng ta phải học giữ chánh niệm trước và trong khi nói.
Tóm lại, đứng trên trên phương diện nghiệp báo, khẩu nghiệp không thể nói là nhẹ được nếu chúng ta học để thực hành theo Thập thiện và tránh xa Thập ác. Đứng trên phương diện tu tập chúng ta cũng không nói khẩu nghiệp nhẹ được, nếu chúng ta nói về chánh ngữ trong Bát chánh đạo.
Chúng ta không nên cho rằng khẩu nghiệp là nhẹ mà thật ra chúng ta phải hết sức cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, nhất là trong thời đại hiện nay với các phương tiện truyền thông vô cùng hiện đại như internet, điện thoại cầm tay và vô số các phương tiện truyền thông khác rất tiện lợi và dễ sử dụng, chúng có thể loan những gì chúng ta nói đi rất nhanh, rất xa và có thể tạo nên sức công phá rất lớn. Phải cẩn thận trong lời ăn tiếng nói, chỉ nói lời xây dựng,nói lời hàn gắn. Không nói những lời thô ác, hai lưỡi …gây chia rẽ, đau khổ, tạo nên các bi kịch, đưa đến các hoàn cảnh bi đát cho những người chung quanh mình.
Tỳ Kheo Giác Đẳng
Chuyển biên: Chánh Hạnh
Biên tập: Tuệ Đăng
Nguồn: dieuphap.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét