12 phát minh khoa học y như phép thần thông của năm 2015

Mỗi ngày trôi qua, thế giới lại xuất hiện thêm nhiều khám phá khoa học thú vị và quan trọng đối với cuộc sống con người. Bài viết sau sẽ cùng các bạn điểm qua một số phát minh độc đáo và quan trọng nhất trong năm 2015.
1. Loại gel đặc biệt giúp cầm máu chỉ với 12 giây

VetiGel là một loại gel đặc biệt được chiết xuất từ tảo, có tác dụng cầm máu nhanh chỉ với 12 giây.



Gel được cấu tạo từ những sợi nhỏ, sẽ lắp ghép vào nhau như những miếng xếp hình để che kín miệng vết thương.
Tấm gel phủ lên miệng vết thương sẽ được tích hợp theo các mô bị tổn thương, do đó người dùng không phải bận tâm về việc lau rửa hay loại bỏ nó.
Theo dự tính, cuối năm 2015 loại gel này sẽ được thử nghiệm trong ngành thú y và nếu đạt kết quả tốt sẽ sớm được áp dụng trên người.

2. Bê tông “háo nước” hấp thụ được hơn 3.000 lít nước mỗi phút

Đầu năm nay, một công ty tại Anh đã cho ra mắt sản phẩm bê tông có tác dụng rất tốt trong việc hút nước. Cụ thể, loại bê tông đặc biệt này có thể thấm được 880 gallons (khoảng 3.300 lít nước) chỉ trong vòng 1 phút.


Phát minh này hứa hẹn là một bước đột phá để khắc phục hậu quả do ngập lụt. Các bạn có thấy cái viễn cảnh mưa to đến mấy cũng không phải lội nước thực sự rất... "kích thích" không?

3. Tìm ra vaccine chống Ebola

Vaccine chống Ebola có tên gọi rVSV-ZEBOV đã được thử nghiệm trên 4.000 người Guinea và đã đem lại hiệu quả gần như tuyệt đối 100%.


Vaccine này được phát triển bởi công ty dược phẩm Merck với sự tài trợ của Tổ chức Y tế Thế giới với hy vọng giúp loài người thoát khỏi đại dịch nguy hiểm.

4. Xây dựng nhà chọc trời chỉ trong … 18 ngày

Mới đây một công ty xây dựng của Trung Quốc đã xây dựng thành công một tòa nhà 57 tầng chỉ trong vỏn vẹn 18 ngày. Tòa nhà được xây dựng theo phương thức lắp ráp - thực hiện từng phần nhỏ rồi ráp lại với nhau.



Công ty đang có tham vọng tiếp tục xây thêm một tòa nhà chọc trời khác cao hơn, khoảng... 220 tầng. Những tòa nhà này đều đạt tiêu chuẩn giống như các tòa nhà chọc trời thông thường.

5. Dự báo thời tiết chính xác hơn với công nghệ vệ tinh mới



Theo những thông báo mới nhất, công ty vệ tinh của Mỹ dự kiến sẽ tung ra loại vệ tinh mới thiết kế nhỏ gọn hơn nhưng sẽ dự báo chính xác hơn, với năng suất cao hơn gấp 5 lần những vệ tinh dự báo thời tiết hiện tại.
Điều này cho phép thông tin thu được sẽ chính xác và cụ thể hơn.

6. Muỗi biến đổi gene để chiến đấu chống lại dịch bệnh



Công ty sinh học Oxitec (Anh ) mới bắt đầu triển khai một dự án mới: biến đổi gene cho loài muỗi gây bệnh sốt xuất huyết và bệnh chikungunya (một bệnh do virus gây nên tương tự với sốt xuất huyết) nhằm hạn chế dịch bệnh.
Những con muỗi đực bị biến đổi gene sẽ được thả ra tự nhiên để giao phối với các con cái. Thế hệ sau của những con muỗi này mang gene đột biến và sẽ chết trước khi đủ khả năng sinh sản.

7. Du lịch dễ dàng hơn nhờ... Google dịch




Vào tháng 7, Google đã chính thức cập nhật ứng dụng Google Translate và thêm vào đó tính năng dịch 20 ngôn ngữ tức thì ngay trên camera.
Điều này sẽ cho phép việc du lịch trở nên dễ dàng hơn khi bạn chỉ cần giơ điện thoại lên là có thể hiểu được nội dung trên những tấm bảng chỉ dẫn.

8. Vaccine sốt xuất huyết mới hứa hẹn giảm đáng kể tỷ lệ tử vong


Công ty dược phẩm Pháp - Sanofi Pasteur sẽ được cấp phép phát hành loại vaccine mới chống sốt xuất huyết tại 20 quốc gia vào cuối năm nay.



Loại vaccine này được đánh giá là một cột mốc quan trọng giúp giảm tỷ lệ người chết do căn bệnh này tới 50% vào năm 2020.

9. Người mù màu sẽ sớm... nhìn thấy màu



Những người mắc chứng mù màu đã có thể cảm nhận được màu sắc nhờ loại kính râm đặc biệt do công ty EnChroma phát minh.
Cụ thể, mắt kính sẽ chặn một số phổ ánh sáng một cách có chọn lọc, đưa dải ánh sáng trở lại quang phổ "có thể nhìn được" đối với người mù màu.
Tuy nhiên số lượng người sử dụng loại kính này còn rất hạn chế, bởi giá của mỗi chiếc kính được dao động từ 329 đến 699 USD (khoảng 7,3 đến 15,5 triệu VND).

10. Thuốc được “in” 3D - đột phá mới trong ngành sản xuất dược phẩm

Mùa hè vừa qua, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ đã cho phép “in” những viên thuốc đầu tiên với công nghệ in 3D.



Những viên thuốc đặc biệt này có hình dạng và chất lượng không kém gì những viên thuốc bình thường. Thậm chí công nghệ in 3D còn cho phép việc điều chỉnh thành phần hay lượng nguyên liệu được dễ dàng hơn.

11. Kiểm tra “sức khỏe” cho biển cả

Công ty hóa học Sunburst Sensors (Mỹ) mới đây đã công bố một phương pháp mới giúp kiểm tra “sức khỏe” cho nước biển.



Cụ thể, phương pháp này sẽ đo lượng axit có trong nước biển. Lượng axit này đến từ khí CO2 trong không khí, khi đi vào nước biển đã chuyển thành axit.
Việc đo được lượng axit trong nước biển sẽ cung cấp thêm cho các khoa học gia thông tin môi trường sống dưới đại dương. Sau khi đưa ra kết luận tình trạng nước biển, chúng ta có thể tìm ra những phương pháp bảo vệ đại dương hiệu quả hơn.

12. Chế tạo thành công sừng tê giác nhân tạo

Một công ty công nghệ sinh học tại Mỹ đã thực hiện được một bước đột phá: chế tạo thử nghiệm thành công sừng tê giác nhân tạo trong phòng thí nghiệm.




Các nhà khoa học đã sử dụng nấm men để tạo ra chất sừng keratin, nguyên liệu chính cấu tạo nên sừng tê giác, rồi lấy đó làm “mực” để đem đi in bằng công nghệ in 3D.
Việc tự tổng hợp sừng tê giác được xem như một bước đột phá quan trọng giúp bảo vệ loài tê giác khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Nguồn: Tech Insider

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét