Nghệ thuật thư pháp thiền Thích Nhất Hạnh

GNO – Hãy an trú vào chánh niệm trong tất cả mọi việc chúng ta làm ngay cả những hành vi đơn giản nhất, là thông điệp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh chia sẻ trong chương trình triển lãm thư pháp – đề tài “Nghệ thuật sống chánh niệm” vào chiều 3-4 tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Bangkok (Bangkok Art and Culture Center).
Thầy khuyên chúng ta hãy chú tâm từ thời điểm chúng ta thức dậy, trong khi rửa tay, đánh răng và khi chúng ta đang ngồi đằng sau tay lái.




Thiền sư Nhất Hạnh tại triển lãm thư pháp ở Thái Lan, ngày 3-4-2013

Qua triển lãm nghệ thuật thư pháp tại Bangkok, bậc thầy của đời sống chánh niệm nhắc nhở chúng ta một lần nữa hãy sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc và mang chánh niệm vào các tác phẩm nghệ thuật của mình.
“Tôi luôn luôn bắt đầu viết thư pháp bằng một tách trà. Tôi pha một ít trà vào mực. Trong truyền thống Thiền, trà giúp bạn tỉnh táo và giúp bạn thiền định”, vị Thiền sư 87 tuổi nói. Trong khi vẽ nửa đầu của một vòng tròn, thầy hít vào và khi ngài kết thúc nửa cuối của vòng tròn, thầy lại thở ra. “Thư pháp của tôi có cả chánh niệm và trà”, thầy mỉm cười.
Tác phẩm có thể là một công cụ để suy niệm về vô ngã hay, thầy giải thích. “Trong khi viết, tôi hình dung được bàn tay của cha, mẹ và tổ tiên của tôi, để họ cũng vẽ vòng tròn cùng với tôi. Tôi biết rằng tôi không thể nào loại bỏ cha tôi, mẹ tôi, tổ tiên của tôi, thầy tôi và Đức Phật khỏi đôi tay mình. Không có một tự ngã riêng biệt nào”.
Mỗi tác phẩm thư pháp của thiền sư tự nó là một chủ đề của sự hòa giải, truyền đạt những thông điệp “Thiền hành thực tiễn” của mình cho người chiêm ngưỡng.
“Khi tôi viết ‘Hãy tươi đẹp, hãy là chính mình’, tôi muốn chia sẻ cái nhìn của tôi là để xinh đẹp thực sự bạn không cần phải là một người khác. Giống như một hoa sen, bạn không cần phải chuyển đổi thành một bông hồng. Bạn không cần tô điểm mỹ phẩm để được đẹp. Nếu bạn cho phép chính mình là người bạn thực sự là, thì bạn là một bông hoa trong vườn hoa của nhân loại”.
“Khi tôi viết ‘Hạnh phúc là ngay bây giờ hoặc không bao giờ’, tôi muốn chia sẻ cái nhìn sâu sắc của tôi rằng hạnh phúc có thể đến ngay lúc này. Chỉ cần buông đi đau khổ, giận dữ, sợ hãi hay thậm chí khái niệm hạnh phúc. Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta cần điều này điều nọ để được hạnh phúc nhưng ý tưởng này là một trở ngại cho hạnh phúc. Nếu bạn có can đảm buông bỏ ý niệm về hạnh phúc, bạn sẽ thấy rằng hạnh phúc là ở đây và ngay bây giờ”.
“Khi tôi viết ‘Một đám mây không bao giờ chết’, tôi muốn chia sẻ cái nhìn của tôi rằng không có sinh, không có tử. Khi bạn chạm vào Mẹ Thiên nhiên, bạn sẽ chạm được vào Niết-bàn không sinh không tử”.
Thiền sư cũng đưa ra lời khuyên về cách để cảm thông được với các tác phẩm của mình. “Cách tốt nhất để xem triển lãm này là hãy hít thở trong chánh niệm. Bạn chỉ cần một vài giây để có mặt đầy đủ ở hiện tại. Trong sự hiểu biết, có những hạt giống của niềm vui, hạt giống của cái nhìn sâu sắc và hạt giống của sự giác ngộ. Nếu bạn cho phép các bức thư pháp chạm vào những hạt giống bên trong, bạn có thể được đánh thức”.
Thầy gợi ý nên đi chậm xung quanh triển lãm. “Nửa giờ trong phòng triển lãm này là nửa giờ thiền định. Bạn có thể sẽ rời khỏi hội trường như là một người mới”.
Tác phẩm của thầy được viết trên một loại giấy có nguồn gốc ở Hồng Kông và Việt Nam là sự kết hợp giữa Đông và Tây, được viết bằng ký tự La Mã theo bản chất đông phương. Theo truyền thống, vòng tròn Thiền đại diện cho “Vĩnh Cửu” hoặc “Tánh Không”. Vòng tròn Thích Nhất Hạnh đại diện cho “Tiếp Hiện”, từ tiếng Anh mà thầy đã phát minh ra để thể hiện giáo lý cốt lõi của đạo Phật.



Chư tôn thiền đức, Phật tử thưởng thức thư pháp của Thiền sư tại triển lãm

Thầy bắt đầu viết thư pháp vào năm 1994 với mục đích thưởng thức, sư cô Đình Nghiêm từ Làng Mai, cho biết. “Tác phẩm của thầy được đặt trên các bức tường và bên cạnh cầu thang để nhắc nhở thiền sinh thực hành. Ví dụ, thông điệp ‘An lạc từng bước chân’ nhắc nhở chúng ta đi lên và đi xuống chánh niệm”.
“Thiền sinh áp dụng thư pháp của thầy trong cuộc sống hàng ngày bằng nhiều cách, chẳng hạn như thông qua những miếng nhãn dán được in và với các thông điệp được làm thủ công trên muỗng”, thầy Pháp Niệm nói. “Tôi đặt miếng nhãn ‘Tôi đi vì bạn’ trên lưng của đôi giày để nhắc nhở tôi khi đi bộ. Một số đệ tử đã chế tác những thông điệp như ‘Hãy làm tất cả mọi thứ 100 phần trăm’ trên thìa của họ để nhắc họ phải lưu tâm trong khi ăn”.
Năm 2000, thư pháp của thầy bắt đầu xuất hiện trong tiêu đề của những cuốn sách, bài hát và các bài báo in. Các bức như “This is it”, “Con đã về, con đã tới” và “Being peace” đã được đóng khung và treo trên các bức tường của trung tâm thực hành của thầy sáng lập ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á.
Nhiều bức ngày nay là những tác phẩm được sưu tầm và được bán với giá hàng trăm đô la mỗi năm với số tiền thu được sẽ dành cho các dự án nhân đạo tại các nước đang phát triển. Vốn huy động từ triển lãm Bangkok sẽ hỗ trợ cho việc xây dựng một thiền đường lớn tại Trung tâm Thực hành Làng Mai Quốc tế Thái Lan ở Pak Chong, Nakhon Ratchasima.
“Nếu hành động bằng nhận thức và tính toàn vẹn, nghệ thuật của chúng ta sẽ nở hoa. Biểu hiện nghệ thuật sẽ diễn ra bằng cách này hay cách khác, nhưng sự sống là điều cần thiết. Vì vậy, chúng ta phải quay trở lại với chính mình, và khi chúng ta có niềm vui và sự bình an, việc sáng tạo nghệ thuật của chúng ta sẽ được hoàn toàn tự nhiên, và chúng sẽ phục vụ thế giới theo cách tích cực”, thầy nói.

Văn Công Hưng (Theo The Nation, Thái Lan)

Nguồn: Giacngoonline

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét