Người Mỹ sẵn lòng mở hầu bao cho tiền những tổ chức từ thiện, như những tổ chức chữa bệnh hiểm nghèo, cứu giúp người nghèo, cứu trợ thương phế binh, và cưú trợ nạn nhân thiên tai. Nhưng trong thực tế nhiều kẻ gian đã dựng ra những tổ chức từ thiện “ma” để thu hút tiền đóng góp của ngườii hảo tâm. Mời bạn đọc xem qua một số trường hợp từ thiện ma dưới đây.
NGƯỜI MỸ RẤT TỐT BỤNG TRONG VIỆC CHO TIỀN NGƯỜI NGHÈO KHÓ, GẶP HOẠN NẠN.
Năm ngoái, chúng ta cho các tổ chức từ thiện hơn $358 tỉ đô la. Đa số tổ chức từ thiện Mỹ đều là những cơ quan có trách nhiệm, làm việc tốt, và làm nhiều công tác phục vụ nhân loại. Nhưng đôi khi, số tiền đóng góp của chúng ta bị sử dụng phí phạm, hay bị lạm dụng để dùng vào việc riêng của ban quản trị.
Khi chuyện lạm dụng xảy ra, mọi người đều bị thiệt thòi. Người nghèo khó không được hưởng phúc lợi của quỹ từ thiện. Chính phủ bị thiệt thòi vì chính phủ không thể lấy tiền thuế trên số tiền này, nhiều tổ chức từ thiện chính đáng khác bị mất ưu đãi này, không nhận được tiền đóng góp, và nhiều người tốt bụng trở nên dè dặt, ngần ngại không muốn cho tiền.
Hầu hết những tổ chức từ thiện nêu ra trong bài báo này không nhắm mục đích lợi dụng tấm lòng tử tế của cơ quan từ thiện. Nhưng có một tổ chức, hoạt động của họ khiến phải đặt nghi vấn về cách thức điều hành của những tổ chức này. Chúng tôi viết ra dưới đây bốn điều mà những tổ chức từ thiện cần phải tránh, đừng làm những việc gian trá, phí phạm:
CANCER FUND OF AMERICA: Lấy Tiền Công Chúng Đóng Góp Để Ăn Chơi Phúng Phí.
Cho đến lúc gần đây, hẳn là qúi vị độc giả từng nhận được điện thoại xin tiền nhân danh Quỹ Ngăn Ngừa Bệnh Ung Thư, hay Cancer Fund of America - một tổ chức từ thiện đặt trụ sở ở Knoxville, Tennessee. Tổ chức này có ba chi nhánh phụ mang tên Cancer Support Service, The Breast Cancer Society và Children’s Cancer Fund of America. Họ khoe rằng đây là tổ chức hoạt động hữu hiệu nhất, lớn nhất nuớc Mỹ trong mặt trận phòng chống bệnh ung thư.
Cơ quan từ thiện hứa trợ giúp trực tiếp cho bất cứ ai sống trên lãnh thổ Hoa Kỳ đang phải chịu đựng một trong 240 loại ung thư. Bản đề cương của tổ chức qui định hoạt động bao gồm việc đưa bệnh nhân đi chữa hóa trị, cho tiền bệnh nhân mua thực phẩm, và cung cấp thuốc giảm đau cho trẻ em bị đau đớn vì ung thư.
Nhưng bạn không ngờ rằng tất cả số tiền bạn cho tổ chức từ thiện này chỉ có 3% là đến tay bệnh nhân bị ung thư. Cơ quan Federal Trade Commission (FTC) mở cuộc điều tra và tìm ra sự thực đau lòng kể trên. Cơ quan này kiện tổ chức từ thiện về tội gian trá bởi vì những dịch vụ như chở người bệnh đi chữa hóa trị, hay cho uống thuốc giảm đau không hề xảy ra.
Thay vào đó, cơ quan từ thiện mệnh danh là Cancer Fund of America chỉ cung cấp những gói quà nhỏ gồm vài cái bánh bích qui cho trẻ em, vài lọ dầu gội đầu cỡ nhỏ như ở trong khách sạn, và vài cục pin để dùng cho đèn bấm. Loại thuốc duy nhất họ cung cấp cho người bệnh là những gói thuốc mẫu do các công ty dược phẩm tặng, và họ đem gửi cho những nước chậm tiến. Thậm chí có thuốc người bị bệnh ung thư không nên dùng.
97% phần tiền còn lại của những khoản đóng góp đem đi đâu? Theo cơ quan Điều Tra Liên Bang Federal Trade Commission (FTC), số tiền lớn đó được dùng để trả lương hậu hĩ cho ban điều hành quỹ từ thiện. Người lãnh lương nhiều nhất là ông James T. Reynolds Sr., sáng lập viên ra tổ chức, và bà con, bạn bè trong gia đình của ông. Họ dùng tiền quỹ đi chơi Disney World, mang theo người hầu, vú em có trả lương. Họ rủ nhau đi chơi Las Vegas.
Trả tiền học đại học cho vài nhân viên làm việc cho quỹ. Mua 10 xe hơi. Trả tiền lệ phí gia nhập hội tìm bạn tình trên mạng. Tổ chức đi chơi dài ngày bằng tầu thủy (cruise). Ngoài những mục chi tiêu phung phí kể trên, họ dùng gấp đôi số tiền chữa bệnh ung thư cho trẻ em để trả lương cho con cái của gia đình Reynolds, con dâu, con rể, và những người trong hội thánh, bạn bè họ mướn vào làm trong quỹ.
Ví dụ con trai của ông Reynolds lãnh lương $371,000 trong năm 2010, với chức vụ Chủ tịch tổ chức Breast Cancer Services.
Theo cơ quan FTC, tổ chức từ thiện của gia đình Reynolds hoạt động rất cẩu thả, lạm quyền, không sổ sách, thù đáp người trong tổ chức bằng những số tiền to lớn. Họ sử dụng tiền đóng góp của người hảo tâm một cách phí phạm, vô lý. Trong bốn năm từ 2008 đến 2012, họ quyên góp được $187 triệu đô la của những nhà hảo tâm không hoài nghi việc làm của họ. Câu hỏi đặt ra là làm cách nào những tổ chức từ thiện lưu manh này có thể né tránh được sự kiểm soát của chính phủ.
Bà Tracy Thorleifson, luật sư của cơ quan FTC trong vụ này nói rằng chính phủ liên bang bị trói tay khi muốn điều tra những gian lận của tổ chức từ thiện. Bà nói: “Không có luật liên bang nào ngăn cấm tổ chức từ thiện nói láo đối với người cho họ tiền.”. Việc truy tầm, khám phá sự gian dối, lừa gạt của những tổ chức từ thiện hoàn toàn tùy thuộc vào luật tiểu bang ở điạ phương, và những đạo luật vá víu, không thống nhất.
Chính vì thiếu thẩm quyền tài phán đối với tổ chức từ thiện, cơ quan FTC phải tìm cách chứng minh cho được tổ chức Cancer Fund of America và các chi nhánh phụ không hề là một tổ chức từ thiện. Họ chỉ là những công ty hoạt động với mục đích làm giầu cho người lãnh đạo công ty. Hồi tháng Sáu năm ngoái, hai tổ chức phụ thuộc của Cancer Fund of America từ chối nhận tội làm sai trái, song đồng ý thu xếp bồi thường ngoài tòa án:
Theo đó, hai tổ chức sẽ phải đóng cửa, và bồi hoàn tiền quyên góp. (Ông Reynolds từ chối bình luận về việc ra tòa của tổ chức Cancer Fund of America. Riêng ông vẫn tiếp tục điều hành hoạt động của Quỹ này.). Nhưng chưa chắc tay chân của gia đình Reynolds đã chịu thua, ngưng làm việc phi pháp. Bà Sandra Miniutti, Chủ tịch tổ chức Charity Navigator, chuyên theo dõi việc làm xấu xa của tổ chức từ thiện, nói rằng: “Họ gian hùng lắm. Họ sẽ đẻ ra ra tổ chức mới, sau khi bị đóng cửa.”.
Thực vậy, vào năm 2011, cô con dâu của bà vợ đầu tiên của ông Reynolds, tên là Jula Connatser, trước đây từng làm việc cho Cancer Fund of America đứng ra lập một tổ chức từ thiện riêng, lấy tên là American Association for Cancer Support. Tổ chức này không có tên trong danh sách bị cơ quan FTC kiện, nhưng đang bị tiểu bang Tennessee điều tra. Hiện nay tổ chức này chưa làm điều gì sai phạm, và vẫn tiếp tục tự do hoạt động ở Knoxville.
THE AMERICAN RED CROSS Hỏi đến số tiền lạc quyên để ở đâu, làm gì, không ai trả lời được
Ngay cả những tổ chức từ thiện nổi tiếng, có uy tín cũng làm cho công chúng thất vọng vì họ không công khai nói rõ cho mọi người biết sẽ dùng tiền lạc quyên để làm gì.
Khi trận động đất rất mạnh, ở mức độ 7.0 đánh vào đảo Haiti năm 2010, giết chết 100,000 người và khiến cho hơn một triệu người mất nhà cửa, người Mỹ hảo tâm mau chóng rút hầu bao đóng góp tiền cứu trợ. Họ gửi rất nhiều tiền đến Hội Hồng Thập Tự Mỹ- American Red Cross.
Sau một thời gian lạc quyên, một số tổ chức từ thiện ngưng xin tiền cứu trợ động đất, vì đã đầy ngân qũi. Riêng tổ chức Red Cross America vẫn tiếp tục hăng hái vận động để xin tiền cứu trợ. Kết quả là họ nhận được $448 triệu đô la, nhiều hớn bất cứ một tổ chức từ thiện nào khác. Một năm sau ngày thiên tai xảy ra, tổ chức American Red Cross tuyên bố họ sẽ bỏ ra $100 triệu để xây cất những căn nhà vững chắc cho dân Haiti ở, và xây dựng những cộng đồng dân cư mới.
Bốn năm sau hai hãng truyển thông NPR và ProPublica đưa ra lời tố cáo nặng nề: Mặc dù đã chi tiêu ra gần nửa tỉ đô la, nhưng tổ chức American Red Cross chỉ xây được có sáu căn nhà mới ở Haiti. Tổ chức Red Cross gỉai thích rằng đó chỉ là sáu căn nhà tiên phong, làm thử. Nhưng rồi nhiều chuyện xảy ra ở Haiti như bệnh dịch tiêu chảy, hệ thống bằng khoán nhà đất gặp rắc rối, tham nhũng và mất an ninh, nên chương trình xây nhà phải tạm ngưng. Lối giải thích của American Red Cross không làm cho người phản đối hài lòng.
Thay vì công khai đưa trình giấy tờ sổ sách, tổ chức này chỉ phân loại chi tiêu vào những hạng mục tổng quát. Phát ngôn viên của tổ chức nói rằng công chúng không muốn đọc những con số chi tiết.
Đa số khoản chi tiêu về xây nhà cho nạn nhân động đất ở Haiti được phân phát cho gần 50 nhóm công tác cứu trợ, chẳng hạn như Habitat for Humanity và Save the Children. Mỗi nhóm xớt đi một số tiền khá lớn để dùng vào chi phí điều hành
Nhóm truyền thông NPR và ProPublica nêu ra một trường hợp điển hình, đó là trường hợp American Red Cross trao cho tổ chức International Federation of the Red Cross (IFRC) số tiền $6 triệu đô la, nhưng tổ chức IFRC dùng ngay 26% số tiền nhận được để dành cho chi phí điều hành. Lẽ ra mọi tổ chức từ thiện chỉ được dùng tối đa 9% tiền quyên góp cho việc thực hiện chương trình cứu trợ.
Trong một trường hợp khác, chính tổ chức American Red Cross lấy ra 24% tiền được chia để dùng cho chi phí điều hành.
Như vậy tiền quyên góp có được dùng một cách chính đáng cho việc cứu trợ nạn nhân động đất hay không? Rõ ràng là họ đã chi tiêu phung phí, không chính đáng. Thượng Nghị Sĩ Charles Grassley đặt câu hỏi muốn xem hồ sơ giấy tờ chi tiết về việc chi tiêu. Họ đồng ý trình bầy trong cuộc điều trần, nhưng yêu cầu đừng công bố cho công chúng biết bởi vì họ đã có những mặc ước với những công ty, nhóm công tác hợp tác với họ. TNS Grassley kết luận như sau: “ Khó mà biết được Red Cross đã phân phối tiền cứu trợ như thế nào.”. Thực vậy, mọi người đều chịu thua không thể biết rõ việc làm của Red Cross trong vụ này.
Bà Eileen Heisman, Chủ tịch tổ chức National Philanthropic Trust nhận xét như sau: “Một trong những điều mà công chúng mong tổ chức từ thiện phải làm cho được là tính chất minh bạch. Theo tôi nghĩ trong vụ này, mặc dù tổ chức Red Cross là một cơ quan từ thiện tốt, nhưng họ phải trả lời nhiều câu hỏi nghi vấn liên quan đến việc chi tiêu của họ.”.
COMMUNITY CHARITY ADVANCEMENT: Sổ sách về tiền bạc rối tung như một bãi sình lầy.
Chi phí điều hành là khoản chi tiêu sinh tử của các tổ chức từ thiện. Nhưng nhiều tổ chức tìm cách dùng khoản chi phí này để che dấu những khoản chi khác.
Tổ chức Community Charity Advancement có trụ sở ở Pompano Beach, tiểu bang Florida. Công tác họ phục vụ là “cung cấp dịch vụ y tế, sản phảm y khoa và những giúp đỡ cần thiết cho các nước nghèo khó ở Trung và Nam Mỹ, đồng thời giúp đỡ nghiên cứu bệnh ung thư vú, trợ giúp nạn nhân hoả hoạn”.
Tổ chức này hoạt động dưới nhiều danh nghĩa khác nhau để hoàn thành sứ mạng của họ. Hồ sơ khai thuế năm 2013 của tổ chức này khiến mọi người kinh ngạc: 91% tiền chi tiêu dùng vào chi phí điều hành hoạt động của tổ chức. Theo tổ chức Charity Watch, chi phí điều hành không được quá 9%.
Ít ra thì tổ chức Community Charity Advancement cũng tỏ ra công khai về việc làm thiếu hiệu quả của mình. Nhiều tổ chức khác gian dối khéo léo hơn. Nguyên tắc kế toán cho phép họ gộp chung những chi phí xin tiền vào chi phí điều hành chương trình. Nếu chi phí xin tiền lớn, thì tiền điều hành cũng tốn kém nhiều.
Ông Daniel Borochoff, chủ tịch tổ chức Charity Watch kể lại rằng nguyên tắc trên đưa đến tình huống ngộ nghĩnh như sau:”Một tổ chức từ thiện gọi điện thoại đến nhà bạn trong giờ ăn bữa tối để xin tiền bạn cứ trợ nạn nhân ở Sudan, hay yêu cầu bạn treo cờ trước cửa nhà để tỏ lòng yêu nước. Sau đó họ phù phép biến việc gọi điện thoại xin tiền thành chi phí điều hành.”.
Kỹ thuật biến hoá về kế toán kể trên gây ảnh hưởng rất lớn về bản chất thực sự của tổ chức từ thiện. Tổ chức từ thiện Police Protective Fund nói rằng họ dùng 48% tiền quyên góp vào chi phí điều hành, để thực hiện công tác. Nhưng khi tổ chức Charity Watch điều tra sổ sách thì thấy rằng thực ra chỉ có 7% chi phí đáng gọi là thuộc chi phí điều hành mà thôi.
Chỉ riêng việc nghiên cứu tiền chi phí điều hành, hay còn gọi là “overhead expenses” cũng giúp chúng ta đánh giá chất lượng làm việc của tổ chức từ thiện. Đã gọi là từ thiện, phải là non-profit, vậy mà chi phí điều hành còn hao tốn hơn cả những tổ chức “for-profit” nhằm kiếm lời, như thế thì làm từ thiện để làm gì? Để trục lợi hay chăng?. Ông Tim Delaney, chủ tịch tổ chức National Council of Nonprofits nhận xét: tiền overhead là cái gì đó rất “bí hiểm”, nhiều tổ chức cứ liệt kê vào khoảng từ 25% đến 35%. Như vậy thì còn gì là làm từ thiện nữa.
OPTIMAL MEDICAL FOUNDATION Tiền quyên góp bị kẻ trung gian lấy gần hết
Khi người gọi điện thoại đến nhà bạn vào vào giờ ăn tối, và xin tiền bạn cho hội từ thiện, người đó sẽ thao thao bất tuyệt nói về những việc làm tốt đẹp của tổ chức.Họ nói một cách tự tin như: “việc làm của chúng tôi…”, và “sứ mạng của chúng tôi là…”. Nhưng trong thực tế bạn có thể ngờ rằng đương sự không hề biết một ai trong hội từ thiện đó, và họ cứ khơi khơi nói như là người làm việc trong hội. Người gọi đến xin tiền bạn thực ra đang làm việc cho một hãng tư chuyên đi xin tiền cho các hội từ thiện.
Hàng ngàn hội từ thiện sử dụng “công ty trung gian”, gọi là “telemarketing” để lo việc xin tiền, và họ lấy tiền hoa hồng. Tiền hoa hồng này rất cao, thường từ 65% đến 95% số tiền quyên góp. Do đó, hội từ thiện chỉ còn một số tiền rất nhỏ để lo việc từ thiện.
Lấy ví dụ trường hợp Hội Tương Trợ Lính Cứu Hỏa và Cán Sự Y Tế- Association for Firefighters and Paramedics, năm 2012, họ trả cho công ty phụ trách xin tiền đến 90% số tiền quyên góp.
Một trường hợp khác là hội từ thiện Optimal Medical Foundation, tổ chức này cũng phụ trách việc làm của Breast Cancer Research và Childhood Disease Research Foundation.
Theo cuộc điều tra của báo Tampa Bay Times và tổ chức Center for Investigative Reporting, hội từ thiện kể trên có trụ sở ở tiểu bang Michigan quyên góp được $7.6 triệu đô la trong thời gian từ 2003 đến 2012 qua hình thức muớn công ty điện thoại xin tiền khắp mọi nơi. Hậu quả là chỉ có 3% số tiền lạc quyên được dùng cho sứ mạng cao cả của hội đề ra: Nghiên cứu bệnh ung thư và những căn bệnh của trẻ em.
Thậm chí tổ chức National Rifle Association- Hiệp Hội Súng Trường, một tổ chức vận động hành lang rất mạnh, cũng dùng bọn chuyên môn đứng ra xin tiền. Văn phòng Bộ Tư Pháp tiểu bang New York cho biết trong năm 2013, NRA thuê công ty InfoCision đứng ra xin tiền giúp. Cứ $100 xin được, NRA cho công ty này $59 đô la.
Thuê muớn trung gian thứ ba đứng ra xin tiền giúp là việc làm hợp pháp, và chính đáng. Bởi vì nhiều khi hội từ thiện không có đủ nhân viên làm việc xin tiền, và muớn tổ chức trung gian it tốn kém hơn là thuê nhân viên làm việc toàn thời gian. Nhưng đa số người cho tiền đều ngần ngại khi thấy tiền mình cho bị đem chia sẻ cho những tổ chức làm việc vì kiếm lợi.
Trong việc thuê mướn công ty xin tiền qua điện thoại, có tiểu bang buộc phải báo cáo số tiền xin được, và chi phí trả cho người xin tiền dùm. Nhưng cũng có tiểu bang không đòi hỏi việc báo cáo. Đa số công ty telemarketing, xin tiền bằng điện thoại, đều nói láo.
Rốt cuộc tất cả tùy thuộc vào sổ sách kế toán của hội từ thiện có kê khai rõ hay không. Về điểm này, sổ sách giấy tờ phức tạo vô cùng, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao mới hiểu rõ ngọn ngành. Chính vì vậy, bà Miniutti của tổ chức Charity Navigator cho rằng: “Phần lớn số tiền quyên góp rơi vào tay kẻ trung gian, tức là các công ty telemarketing.”
CHO TIỀN CÁC HỘI TỪ THIỆN không nhất thiết phải lâm vào hoàn cảnh bị lừa gạt nặng đến như vậy. Song nếu chúng ta chấm dứt không cho tiền hội từ thiện chỉ vì một vài con sâu làm rầu nồi canh, là thái độ vô trách nhiệm. Đúng như ông Delaney của tổ chức National Council of Nonprofit từng nói: “Những người đầu tiên sẵn lòng đứng ra tiếp cứu thiên tai, hoạn nạn của đất nước, của xã hội chính là các hội từ thiện.”.
Như vậy chúng ta nên tiếp tục giúp tiền cho các hội từ thiện...nhưng cần phải thận trọng.
NÊN CHO TIỀN MỘT CÁCH KHÔN NGOAN
● Nên chọn lựa kỹ càng mục tiêu bạn muốn tặng tiền
● Nên cho vài hội từ thiện lớn, chớ nên cắt nhỏ ra làm nhiều hội khác nhau.
● Không bao giờ cho tiền qua điện thoại
● Theo dõi việc chi tiêu của hội từ thiện
● Nên lắng nghe tin tức của các tổ chức theo dõi việc làm các hội từ thiện
Nguyễn Minh Tâm dịch theo Reader’s Digest tháng 1/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét