NGHÌN XƯA ĐỂ LẠI NGHÌN SAU DẤU GIÀY

Kỷ niệm 80 năm ngày Sư Ông trở về từ Tây Tạng, tôi viết một bài thơ với bốn câu mở đầu:

Người đã in những dấu chân trên tuyết
Để gió cuốn đi và tuyết xóa đi
Núi Hy Mã nghìn năm lung linh ánh nguyệt
Và dấu chân Người thành giấc mộng uy nghi…



Vâng. Sư Ông là giấc mộng. Bồ Đề Đạt Ma là giấc mộng. Thời gian là giấc mộng. Xuân, Hạ, Thu, Đông là giấc mộng. Tết cũng là giấc mộng…
Có cái gì không là mộng khi một hôm có người đến nhờ nhà Sư đốt vàng mã. Nhà Sư lặng lẽ ngồi đốt. Một vị Phật tử đến hỏi: “Thầy tin cái nầy sao Thầy?” Nhà Sư chỉ ngôi chùa mới xây, trả lời: “Bộ ông tưởng ngôi chùa nầy là thật hay sao?” Vâng. Chẳng những vàng mã là chuyện không thực, mà ngôi chùa mới xây, người đang ngồi đốt vàng mã…, và mọi thứ trên thế gian cũng đều là chuyện trong cõi mộng.
Đời sống của chúng ta không thể tách rời thời gian, không thể tách rời cõi mộng, thời gian là cõi mộng.
“Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc” (Kinh Kim Cang) thì thời gian là gì nếu không phải là cõi mộng?
“Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian nầy cũng không
Kìa xem bóng nguyệt dòng sông
Ai hay không có, có không là gì?”
(Từ Đạo Hạnh – Phan Kế Bính dịch)

Sự hiện hữu như vậy là gì nếu không phải là một cõi mộng?
Đề cập đến thời gian, Ngài Đạo Nguyên (Dogen) nói: Thời gian có màu sắc. Đỉnh núi là thời gian, hố thẳm là thời gian. Tất cả mọi thứ trên thế gian nầy là thời gian, là sự biểu hiện của thời gian.
Chẳng những những bậc giác ngộ như ngài Đạo Nguyên mới thấy thời gian có màu sắc. Thi sĩ Đoàn Phú Tứ của thế kỷ trước cũng thấy màu sắc của thời gian theo cái thấy của riêng mình:

Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
(Màu Thời Gian)

Và nhiều thi sĩ, văn sĩ khác cũng thấy đươc màu thời gian. Và mỗi chúng ta cũng đều có thể thấy được màu của thời gian.
Có điều màu thời gian mà chúng ta thấy là màu thời gian chủ quan, màu sắc đó tùy theo tâm trạng của chúng ta và cũng ảnh hưởng đến tâm trạng của chúng ta.
Có lần Thầy tôi nói với một người trong anh em chúng tôi: “Người nhiều kỹ niệm thì hay buồn.” Vâng, đó là thời gian của đa số chúng ta. Thời gian của chúng ta là thời gian của kỹ niệm và chờ đợi.
Như trường hợp một bài thơ của một vị Thiền sư đơi Lý về thời gian được nhiều thì sĩ dịch qua tiếng Việt: bài Cáo tật Thị Chúng của Thiền sư Mãn Giác. Bốn câu đầu của bài thơ như sau:

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai…

Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở
Sự việc xô nhau qua trước mắt
Tuổi già đến trên đầu.

Đó là một đoan thơ tả chân rất chân, thế mà khi dịch bài thơ trên, những thi sĩ, dịch giã tài tình nhất của chúng ta cũng không tránh phản ảnh vào đó tâm trạng của mình.

Thời gian trong bài thơ đó được Ngô Tất Tố dịch:

Xuân ruổi trăm hoa rụng
Xuân tới, trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi

Những chữ “đi mãi”, “già đến rồi” làm cho chúng ta liên tưởng đến một lời than thở.

Toàn bài thơ được thi sĩ Tản Đà dịch:

Xuân đi muôn vạn hoa tàn
Xuân về thắm lại ngập tràn những hoa
Việc đời thế sự đi qua
Trên đầu tuyết điểm một vài cọng sương
Chờ cho xuân hết hoa tàn
Đêm qua sân trước nở vàng cành mai

Rõ ràng bài dịch nầy hoàn toàn là tâm trạng của Tản Đà.

Thời gian trong đạo Phật được ngài Đạo Nguyên gọi là thời gian như thị, hay như thị chính là thời gian, hiện-thể-thời gian(?) (uji).
Và thời gian đó được ngài nói rõ: “Thời gian không tách lìa khỏi bạn, khi bạn có mặt, thời gian không rời đi. Khi thời gian không bị đánh dấu bằng sự đến hay đi, phút giây bạn leo lên những ngon núi là hiện-thể-thời-gian. Nếu thời gian tiếp tục đến và đi, bạn là hiện-thể-thời-gian.”
“Nếu thời gian bị hủy diệt, núi non và biển cả bị hủy diệt. Khi thời gian không bị hủy diệt, núi non và biển cả vẫn có đó.”
Chúng ta là thời gian. Màu sắc, âm thanh, núi, sông, đại địa, biển cả là thời gian. Xuân, Hạ, Thu, Đông là thời gian. Mộng huyễn bào anh trong thế gian nầy là thời gian, là biến hiện của thời gian.
Dù mục đích của đạo Phật là đưa chúng sanh đến với thời gian mùa Xuân vĩnh cữu như nhiều vị đã nói, nhưng không phải chỉ có loại thời gian đó mới là thời gian có giá trị đối với con đường đạo Phật.
Nụ cười của Đức Di Lặc chắc chắn là nụ cười nở ra từ mộng huyễn bào ảnh. và cũng chắc chắn rằng nụ cười đó cũng chỉ là mộng huyễn bào ảnh. Đức Phật nào mà lại không từ mộng huyễn bào ảnh sinh ra? Sinh ra từ mộng huyễn bào ảnh, đi trong mộng huyễn bào ảnh để giải thoát cho những chúng sanh mộng huyễn bào ảnh. Và đó cũng là sự thể hiện lớn từ ánh sáng, từ Tánh Không, Đại Bi mà nếu không có thì chúng ta không hiện hữu. Tất cả mộng huyễn bào ảnh là từ Tánh Không cũng như sóng hiện ra từ nước. Và cũng chính qua sóng mà chúng ta thấy được nước.
Hình ảnh đức Quán Thế Âm nhỏ lệ xuống thế gian vẫn rất gần gũi với chúng ta so với hình ảnh của đức Quán Thế Âm từ trên cao nhìn xuống nói Bát Nhã Tâm Kinh, dù biết rằng những giọt lệ kia nếu có cũng là những giọt lệ hóa hiện từ Bát Nhã. Quan Âm là nền tảng của thời gian, là hố thẳm, là đỉnh cao, ngài nhỏ giọt nước mắt vào thế gian nầy, vào dòng thời gian ba thời nầy để cứu độ chúng sanh.
Nhận chân được mộng huyễn bào ảnh không phải để từ bõ đời sống mà là để đi sát, đi trong cái mộng huyễn bào ảnh đó để có đời sống của một vị Bồ tát, một con người thật sự, đúng nghĩa.
Với tinh thần đó của đạo Phật Đại Thừa mà chúng ta có những vị Bồ tát như Trần Nhân Tông, Thích Quảng Đức…

Trở về với Tết.
Tết là thời gian.

Tết là dấu giày để lại của tiền nhân. Trong dấu giày đó có bóng dáng của quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc, của đất nước.
Và Tết cũng là chỗ để cho thời gian hiện hình thành không gian, hay nói cách khác: Tết là chỗ để lịch sử đã thấm vào máu thịt hiện lại ra trong đời sống.
Nhìn vào dấu giày đó, nhìn vào cõi thời gian đó, chúng ta thấy quá khứ và tương lai của chúng ta. Trên cái nền thấp thoáng của thời gian đó, Tết cho chúng ta thấy cái lịch sử nhiều biển dâu của đất nước nầy. Thấy để thương đất nước, thương lịch sử của đất nước nầy nhiều hơn.
Đã có những thời kỳ đất nước thanh bình và con người thật sự sống với mùa Xuân, sống gắn liền vời thời gian, với mạch sống thật sự của đất trời. Và đạo Phật muốn điều đó: sống thật sự với thời gian. Chỉ có sống được với thời gian con người mới thật sự sống trong hạnh phúc, mới có thể thấy được đêm qua sân trước một cành mai.
Vẫn biết đời sống vốn là biển dâu. Nhưng cái biển dâu đó chỉ rõ nét với những con người, với những cộng đồng chấp nhận cái biển dâu để đi tới. Đó là những con người, cộng đồng Phật Giáo Đại Thừa. Cũng như sóng làm nên sự sống động của biển, cuộc biển dâu làm cho đời sống sống động, làm cho tình thương và sự hiểu biết thấm vào máu thịt của con người.
Dường như thời gian có ba trạng thái: Thời gian rượt đuổi theo thời gian, thời gian nhìn ngắm thời gian, và thời gian của không gian vô tận, sắc vô tận.
Thời gian ruợt đuổi theo thời gian không có màu sắc, đó là thời gian lãng quên. Thời gian nhìn ngắm thời gian là thời gian của tâm thức, thời gian của sắc hữu hạn. Và thời gian của không gian vô tận là Tâm, là thời gian mà trong Kinh gọi là tam thế bình đẳng.
Tết là dịp để chúng ta dừng lại chuổi thời gian rượt đuổi để sống với thời gian ngắm nhìn thời gian, và hướng về thời gian của không gian vô tận, để sống được với màu sắc của thời gian. Khi đó, chúng ta sẽ chạm được vào khuôn mặt thật của bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, thấy rõ mai vàng, đào thắm, thấy rõ hơn khuôn mặt thật của đời sống.
Sáng mồng Một Tết năm rồi (đầu năm 2016) tôi ra ngồi ngoài sân trước chùa. Trong màn khói hương buối sáng của khách thập phương đến đốt, tôi thấy thấp thoáng đời sống của người Việt mình, một đời sống nhiều gắn bó với “ngôi chùa”. Ngôi chùa là cánh cửa cho niềm hy vọng hướng về tương lai, ngôi chùa cũng là cánh cứa tiếp nối với cái vô cùng của đời sống.
Tôi cảm nhận được đời sống của đất nước tôi qua những con người vội vàng đến, vội vàng thắp hương, vội vàng lẽ Phật, rồi vội vàng ra đi…
Đất nước mà ông bà, bác chú, anh em … tôi đang sống trên đó đang là một đất nước vội vàng. Vội vàng với những chuyện đã qua, vồi vàng hướng về tương lai, và vội vàng không có lý do…. Con người trên đất nước đó đang sống trong một loại thời gian đứt khúc, chia chẻ. Đứt khúc, chia chẻ thì ngăn cách, phân ly, là không dừng lại để sống, để thấy ngôi chùa là ngôi chùa, đức Phật là đức Phật, bằng hữu là bằng hữu và mình là mình.
(Chẳng những đất nước tôi như thế. Trong lúc viết bài này, những tranh chấp giữa những quốc gia, những phe nhóm, những tôn giáo trên thế giới, những tàn phá về môi trường… cũng đang đe doa sự sống còn của hành tình nầy, bao nhiêu người không còn nhà cửa, quê hương…)
Và Tết vẫn là Tết. Bên sau cái bề ngoài đó, tôi cũng thấy thấp thoáng một cái gì không biết có thật hơn hay không. Đó là thời gian. Mọi hiện hữu đều là thời gian. Mọi không gian là thời gian. Mọi sự vật trở thành Tết.
Tết, cũng như thời gian, rồi sẽ trôi qua. Từng phút giây ngắn ngủi rồi sẽ thấm chìm vào thời gian và không gian, vào lòng người. Nó chìm đi và thấm vào và trở thành lịch sử, trở thành lòng người.
Bầu trời vẫn trong xanh. Ngoài sân và trong chánh điện, khói hương nghi ngút. Phật tử lễ bái từng đoàn đến rồi đi. Trên điện, đức Phật lặng yên.
Tôi vào ngồi bên Thầy. Thầy nhướng mắt mĩm cười. Bốn mười năm trước với bây giờ không có thời gian ngăn cách.
Quá khứ không thật, tương lai không thật, hiên tại không thật. Chúng ta đang sống trong cái hoàn toàn không thật đó. Và khi chấp nhận sự thật đó thì quá khứ, hiện tại và tương lai lại hiện ra trọn vẹn cho chúng ta. Khi đó chúng ta là người khách đi giữa thế gian nầy mà cũng yêu thương đậm đà thế gian nầy, yêu thương đậm đà đời sống của con người ở thế gian nầy. Như Thầy tôi có lần nói: “Thầy như người đi đường, không nhớ tới ai, ai hỏi thăm thì trả lời, xong rồi thì thôi.” Trong khi đó, cũng với Thầy: “Người thấy Tánh thì nhìn một chiếc lá rụng cũng thấy vui tràn bờ.”
Đó là cái đạo tràng như huyễn của Thầy, như bước chân trần tụi đi giữa thời gian và không gian của Thầy.
Đó là 104 năm của Thầy, 104 năm “không làm gì hết” như có lần một vị Sư hỏi: “Thầy dụng công như thế nào? Khi nào tụng Kinh, khi nào ngủ?” Thầy trả lời: “Tôi ngủ cả ngày. Tụng Kinh cũng ngủ, ăn cũng ngủ, đi cũng ngủ, ngồi cũng ngủ, ngủ cũng ngủ.”
Nhưng 104 năm đó là đời sống của anh em chúng tôi, hay nói cách khác: 104 năm đó là 104 năm tạo nên đời sống của anh em chúng tôi.

Thị Giới.

(*) Một câu thơ trong bài “Chân Dung” của Thiếu Khanh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét