TẠI SAO NAM TẢ - NỮ HỮU ?
“nam tả, nữ hữu” được nhiều người biết và vận dụng vào cuộc sống, nghi lễ, vào thờ phụng như sắp đặt di ảnh thờ,... nhưng ít người hiểu vì sao lại có quy tắc đó, ai đó nêu lên rồi mọi người theo mà trở thành cách nói truyền thống. ở mỗi lĩnh vực đó có cách giải thích khác nhau. Trong bài viết này, tôi chỉ đề cập việc áp dụng quy tắc này trong quan hệ vợ - chồng.
Để phân tích cơ sở khoa học của quy tắc “nam tả - nữ hữu”, tôi nêu một quy tắc khác để so sánh. Dưới chế độ phong kiến có một quy tắc đạo đức là “phu xướng - phụ tùy” nghĩa là chồng nói thì vợ phải tuân theo. Nhưng khi chế độ phong kiến không còn nữa thì quy tắc này cũng không tồn tại vì nó thuộc phạm trù đạo đức giai cấp; còn quy tắc “nam tả, nữ hữu” thì tồn tại mãi, vì nó thuộc phạm trù khoa học.
Cơ sở khoa học của quy tắc này trước hết dựa vào lý thuyết âm dương trong triết học Trung Quốc cổ đại. Theo thuyết này thì âm dương là hai mặt, hai thế lực đối lập nhau nhưng lại thống nhất với nhau trong vạn vật, là khởi đầu của mọi sinh thành biến hóa. Âm dương không loại trừ nhau mà tạo điều kiện tồn tại cho nhau, là động lực của mọi vận động và phát triển. Quy luật âm dương chỉ rõ mọi sự vật đều có âm dương, trong dương có âm, trong âm có dương, âm thăng dương giáng, âm dương cân bằng thì sự vật tồn tại. Quy luật âm dương được vận dụng nhiều trong cuộc sống, ví dụ trong y học nếu một vùng nào đó bị đau thì y học Trung Quốc coi vùng đó bị mất cân bằng âm dương, nếu âm suy thì dùng thuốc bổ âm để kích âm lên, nếu dương suy thì dùng thuốc bổ dương để kích dương lên. Hoặc khi xoa xát, ấn huyệt, thầy thuốc đông y hướng dẫn phải xoa xát bên tay trái trước, tức là phải tác động bên dương trước. Khi xoa vuốt cánh tay thì phải tuân theo “dương giáng âm thăng” nghĩa là phải vuốt phía ngoài cánh tay (mặt dương), từ bả vai xuống bàn tay - dương giáng, rồi đến phía trong cánh tay (mặt âm) từ lòng bàn tay đến vùng nách - âm thăng.
Cũng theo thuyết âm dương thì đàn ông là dương (chính), đàn bà là âm (chính); trong một con người thì phía trên là dương phía dưới là âm, phía sau lưng là dương phía trước bụng là âm, phía tay trái là dương phía tay phải là âm. Vận dụng quan niệm này thì khi một người nam và một người nữ nằm cạnh nhau thì nam (dương) phải ở vị trí bên trái (tả), nữ (âm) ở vị trí bên phải (hữu). Mặt khác, bên phải của nam là âm cần hợp với bên trái của nữ là dương. Vậy nam nằm bên trái (tả) nữ nằm bên phải (hữu) nam là hợp quy luật âm dương.
Ngoài quy luật âm dương đã được giải thích trên thì việc người chồng nằm bên trái người vợ và ngược lại còn được lý giải ở một số cơ sở khoa học sau đây.
Để tìm hiểu về vấn đề này, tôi đã hỏi nhiều cặp vợ chồng tuổi cao niên, tuổi trung niên và cả thanh niên rằng: “Khi lấy nhau cha mẹ có bày cho các vị cách nằm bên nhau thế nào cho hợp lý không?” Tất cả đều nói: “Cha mẹ không ai bày điều đó.” Tôi hỏi tiếp: “Thế khi nằm bên nhau các ông các bà nằm với nhau theo hướng nào?” Nhiều người trả lời: “Bà gối đầu lên tay phải ông hoặc ông gối đầu lên tay trái bà”. Tôi lại hỏi: “Tại sao lại nằm như vậy?” Họ trả lời: “Do thói quen thôi”. Họ nói theo thói quen nhưng thực ra không phải do thói quen vì thói quen phải có quá trình rèn luyện. Theo tôi, họ nằm như vậy vì họ thấy thuận tiện, họ đã làm theo lẽ tự nhiên. Họ đã nằm phù hợp với “quy luật âm dương” một cách tự phát.
Ở khía cạnh khác, khi người vợ nằm ngửa gối đầu lên tay phải người chồng, người chồng nằm nghiêng gác tay gác chân lên thân mình người vợ, thì người vợ cảm thấy tự tin, hạnh phúc là được người chồng che chở bảo vệ. Còn khi người chồng trong tư thế đó cũng cảm thấy tự hào, hãnh diện mình là người bảo vệ vợ tốt nhất. Cảm giác tự tin vui sướng đó đưa họ vào giấc ngủ sâu hơn, dài hơn. Mặt khác, trong tư thế đó người chồng cảm thấy mình là người chủ động, còn trong tư thế nằm ngửa người vợ ở trạng thái thụ động. Điều này đúng với “quy luật tâm lý giới tính”.
Ngoài ra việc người chồng ở bên tay trái vợ để nằm nghiêng về bên phải mình thì hô hấp dễ thông suốt, đồng thời làm cho thức ăn trong dạ dày đi vào ruột non được thuận lợi; nên về mặt sinh lý, ở tư thế này người chồng nằm được lâu hơn. Ngược lại, nếu người chồng nằm bên phải vợ do tính chủ động của người đàn ông buộc anh ta phải nằm nghiêng bên trái mình để ôm vợ thì ở tư thế này không nằm lâu được vì tim bị chèn ép, do đó không có cặp vợ chồng nào nằm ở tư thế này thường xuyên. Như vậy, việc nam nằm bên trái nữ (nam tả), nữ nằm bên phải nam (nữ hữu) là hợp “quy luật sinh lý”.
Đó là ba quy luật làm cơ sở khoa học cho quy tắc “nam tả, nữ hữu”. Khi đang sống nằm bên nhau ta đã vô tình làm theo quy tắc đó, vậy khi chụp ảnh chung, treo ảnh ông bà trên bàn thờ, khi quy tập hài cốt ông bà vào một chỗ, tại sao nhiều người lại không có ý thức làm đúng như vậy? Tôi không rõ về mặt tâm linh các cụ có thắc mắc gì khi con cháu đặt không đúng vị trí của mình “ông bên trái bà bên phải”. Còn những ai có hiểu nghĩa đen của cụm từ “nam tả, nữ hữu” đã được truyền tụng từ xưa đến nay thì việc làm tùy tiện như thế là sai. Bây giờ khi ta hiểu ý nghĩa của quy tắc đó thì ta cần làm đúng như vậy trong bất kì trường hợp nào.
Theo: ngheandost.gov.vn ( Lê Trần Điền )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét