Sự phong phú đa dạng của Tiếng Việt.

Mình ơi! Tôi gọi là nhà
Nhà ơi! Tôi gọi mình là nhà tôi

(Bùi Giáng)
Nghĩ cho cùng, tiếng Việt là một ngôn-ngữ có thể nói là vô cùng phong phú nhưng cũng rất phức tạp.
Chỉ cần có một chữ nhà không thôi, chúng ta có thể biến nó thành cả trăm nghĩa khác nhau tùy theo chữ gì đi kèm theo trước nó hay sau nó!
Rồi còn hiểu theo nghĩa trắng, nghĩa đen, nghĩa lóng; còn nói lái, nói cà rỡn, vân vân.

Ngoài ra, cũng tùy theo địa-phương, Bắc, Trung, Nam, tùy theo hoàn-cảnh và cũng tùy theo giới nào nói nữa.
Nói vậy mà không phải hiểu vậy! Từ ngày định cư tại Canada năm 1980 đến nay, gia-đình tác giả cũng đã dọn nhà, thay đổi địa chỉ sơ sơ cũng là 5 lần rồi.Lý do phải theo việc làm job. Kỳ tới, chắc là chỉ còn dọn luôn vô một nhà già nào đó để chờ ngày…ra đi luôn mà thôi!
Dân nhà giàu thì ở nhà gạch, nhà lầu, nhà cao cửa rộng có nhà trước nhà sau, nhà khách, 2-3 nhà tắm, nhà xe đôi, tất cả đều rất rộng rãi và mát con mắt. Tại Montréal và vùng phụ cận, nhà nửa triệu trở lên được coi là nhà xịn.
Nhà lầu người mình ngày xưa thường nói đó là nhà Tây. Bởi vậy mới có câu nói lên niềm ước mơ thầm kín của đàn ông, đó là ăn cơm Tàu, ở nhà Tây lấy vợ Nhựt...
Còn nhà không có lầu được gọi là nhà trệt.
Nhà linh tinh
Trên thế giới chỉ có duy nhất mỗi một tòa Nhà Trắng (The White house) của TT Hoa-Kỳ mới là tòa nhà nổi tiếng nhất!
Tại vùng Tân Châu, Đa Phước Châu-đốc, những người sống ven sông rạch và những đồng bào sắc tộc miền núi đều phải cấtnhà sàn, nhà cao cẳng để tránh nước hay tránh thú dữ.
Ở các thành phố lớn trên thế giới, nhà phố, nhà cửa thường san sát bên nhau.
Nhà chọc trời hay nhà cao tầng là có những nét nổi bật nhứt!
Nhiều bà con tị nạn, khi mới đến định cư ở bên nầy, nghèo xơ nghèo xác, chữ nghĩa không rành, lúc đầu thì họ ở nhà rẻ tiền,nhà HLM (habitation à loyer modique), nhà housing (bên Mỹ) hoặc apt mướn, làm hai ba job, chịu cực chịu khổ, làm chui, làm lén ở nhà hàng, lau nhà quét rác nhà thương, gom góp tiền, lớp để dành, lớp gởi chút ít giúp gia đình hay thân nhân còn kẹt bên nhà.
Năm sáu năm sau nhờ biết góp gió thành bảo, họ có đủ tiền để down một căn nhà do chính họ làm chủ. Tùy theo nhà có bao nhiêu tầng mà có tên gọi khác nhau như duplex (có 2 logements), triplex hoặc quadriplex. Mỗi tầng là một đơn vị gia cư haylogement.
Thông thường chủ nhà ở tầng trệt phía dưới nhà. Các tầng nhà phía trên đều có thể cho mướn lấy tiền trả nợ nhà băng.
Cho mướn nhà, ăn được đồng tiền của ngưởi ta cũng phải chịu đựng cả trăm cay ngàn đắng. Gặp người mướn nhà biết điều thì mình đỡ khổ, còn ngược lại gặp dân trời ơi đất hởi cà chớn thì bị họ đày ải và hạch sách đủ thứ khiến cho chủ phát…khùng luôn.
Có khi họ ăn ở bừa bãi, làm hư căn nhà của chủ luôn. Chuyện người mướn nhà quịt tiền nhà rồi dọn nhà trốn mất luôn xảy ra cũng thường lắm!
Khi có được dư dả tiền bạc chút đỉnh, các chủ nhà bắt đầu mua sắm thêm cái nầy cái nọ trong nhà, thí dụ như mua xe nhà hiệu Lexus mới cáu cạnh chở vợ con đi chơi cho các bà ở các nhà hàng xóm lé mắt tức chơi.
Có người khi tậu nhà mới, họ cũng biết tổ chức làm lễ xông nhà (house shower) để trước là khoe của sau là nhận quà biếu. Hách xì xằng!
Có người còn chơi trội, mua nhà cũ, nhà xấu, nhà rệu, nhà hư về chịu thương chịu khó tu sửa, đắp vá lại thành…nhà mới coi cho được cho tươm tất hơn, để làm nhà cho mướn hay nhà bán.
Đâu cần phải học đại học, có bằng nầy cấp nọ mới thành công mới giàu.
Chỉ cần chịu khó, chịu cực biết tính toán, có quyết tâm đi tới là được.
Tại Canada cũng như tại Anh Quốc, một số dân anh chị người mình đang phát triển ngành kinh doanh trồng cỏ trong nhà, vốn một lời mười. Bởi vậy mới kéo theo những dịch vụ phụ thuộc như dọn rác trong nhà, hốt rác kín đáo, v.v…Họ mua nhà mới, nhưng không ở, lại biến nó thành nơi trồng cần sa dưới tầng hầm nhà basement…
Ở Việt Nam, người ta gọi họ là người Việt cỏ, và khi về bển du hí, họ xài tiền như nước, chi xộp lắm, có lẽ vì họ xem đồng tiền như…cỏ rác chăng?!
Được vài năm thì mọi việc cũng đổ bể, bị nhà chức trách, nhà đương cuộc tóm cổ...Ở Canada, thì dường như tội nầy không nặng lắm so với Hoa Kỳ. Thường thì nhà băng lấy nhà lại. Nhưng lúc đó thì căn nhà cũng bị hư mục và mốc meo hết trơn hết trọi rồi!
Rất nhiều người tị nạn lúc ban đầu tay trắng, nay trở thành chủ nhà, chủ apt trên đất nước tự do.
Tại Montréal cũng như ở bất cứ thành phố nào trên thế giới, cũng có khu nhà giàu và khu nhà nghèo. ..Nhà Tây thường cópiscine (hồ bơi), nhà Việt Nam và nhà Tàu hình như không thấy có cái mode có hồ tắm và spa.
Ở nhà Tây mà sống theo kiểu Việt, khi vô tới cửa thì biết mùi…liền!
Chuyện gì cũng vậy, làm ăn cũng phải có may mắn và có thời mới được. Mấy năm trước đây, vì tình hình kinh tế suy sụp, nhiềuchủ nhà bên Cali không đủ tiền trả nợ thế chấp mortgage mỗi tháng nên có lắm người bị nhà băng xiết nhà. Thế là đi đời nhà ma, tiêu tan sự nghiệp. Mất toi căn nhà! Hình như lúc rày thì tình hình đã ổn dịnh lại rồi phải không bà con bên đó?
Con cái đặt đâu thì cha mẹ phải ngồi chỗ đó
Nhiều bậc cha mẹ Việt Nam còn theo xưa nên coi trọng việc cưới hỏi của con cái.
Ngày nay, chuyện nhờ nhà mai mối đã lỗi thời rồi, nhưng thông thường thì cha mẹ nào cũng thích môn đăng hộ đối.
Tụi nhỏ thì « dồng ke » (don’t care). Đây là problem của người lớn chớ hổng phải của tụi nó.
Bên nầy con cái lớn lên tụi nó chỉ mong đợi ngày vọt ra khỏi nhà cha mẹ càng sớm càng tốt để khỏi bực bội và có được tự do hơn.
Chừng nào bị mất việc, rã đám với con ghệ hay với thằng kép, thì vác mặt về nhà cha mẹ xin tạm trú ăn uống miễn phí trong một thời gian! Bà mẹ tha hồ mà phục dịch, dọn dẹp, lo ăn lo uống cho quý tử hay cho công nương.
Khi nói chuyện với nhau
Bạn bè người Bắc trẻ tuổi đôi khi nói chuyện với nhau thường tự xưng mình là nhà cháu hay nhà tớ. Còn bạn bè người Nam thì kêu xưng bằng mầy mầy tao tao,tui tui cho thân mật, nhưng đối với những người thân cận trong nhà, thí dụ như vợ chồng mà nói mầy mầy tao tao với nhau một hồi là thế nào cũng…có chuyện, chén bay dĩa bay tứ tung, tiếng bấc tiếng chì một hồi dám bể nhà bể cửa lắm!
Giáo dục gia đình được người đời rất quan tâm. Con nhỏ đó là con gái nhà lành, nhà kín cổng cao tường và « có vẻ » ngoan hiền nết na lắm…Coi chừng, cha mẹ thì hiền từ, nề nếp nhưng chưa chắc là cô nàng còn lành lặn đâu. Cậu nào có gan thì cứ việc nhào vô thì biết liền.
Nhiều ông chồng ở với vợ nhà lâu ngày thì đâm ra sanh tật, sanh sự, thèm cơm nhà khác để đổi gu…Đôi khi trốn vợ nhà, đinhà ngủ, nhà thổ, nhà chứa, nhà lục xì tìm em út trẻ đẹp, mát xa mát gần từ A tới Z cho khỏe cho sướng cái tấm thân già. Đàn ông con trai thường thích của lạ mà.
Nói cho cùng, còn thèm cũng có nghĩa là còn « sức khỏe, đồng hồ còn xài được… ».
Lỡ vướng phải bệnh mà Mỹ xếp vào nhóm Sao Tui Dại (Sexually Transmitted Disease) thì phải vào nằm nhà thương. Bị bể ống khói hay bị Sida thì kêu Trời như bọng, trách sao nhà mình không có phước.
Rồi đến khi…thăng thì được đưa xuống nhà xác có máy lạnh. Người nhà được báo hung tin, vội vã đi tìm nhà quàn, nhàhòm, nhà mai táng để lo tang lễ.
Ngày đưa đám, nhà sư được mời đến đọc kinh vãng sanh bên cạnh xe nhà vàng (chuyện bên VN)...
Nhà táng được đốt đi để người quá cố xuống âm-ti có nơi mà ở. Đừng lầm lẫn nhà táng đám ma với cá nhà táng (sperm whale) là một loài cá voi lớn nhất thế giới.
Sau đó thì xây nhà mồ thật to, thật đẹp để khỏi tủi hổ vong linh và cũng để le, để nở mày nở mặt với xóm làng (chuyện có thiệtbên nhà hiện nay)!
Con cái đẻ ra mà có tài và giỏi dắn thì cha mẹ hãnh diện vô cùng, nở mày nở mũi và khoe rằng con nhà tông không giống lông thì cũng giống cánh!
Nhà lúc đổi đời
Nhà tan cửa nát. Hằng triệu người trong số đó có người gõ liều mạng bỏ lại nhà cửa, bỏ quê nhà ra đi vì tự-do. Nhà mình trở thành nhà người ta.
Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ mà lỵ!
Ai hó hé chống đối thì bị tống vô nhà giam, nhà tù, nhà mát, nhà đá, nhà lao, nhà cải tạo hay nhà trừng giới... Họ đượcnhà cầm quyền nuôi dưỡng đàng hoàng bữa đói bữa no và lại còn có người canh gác, giữ gìn an ninh cho họ ngủ nữa!
Ở bên nhà, ngày nay nhà trường hay thay đổi cách dạy lia chia…Phụ-huynh ở nhà lo lắng cho tương lai của mấy đứa con... Nên nhà nào nhà nấy ai cũng ước mơ gởi con đi Mỹ hoặc đi Tây ăn học hầu có được tương lai tươi sáng hơn, đồng thời cố làm đủ cách để được ở lại sinh sống hợp pháp và tạo một cơ sở vững chắc gì đó hầu tía má có thể vọt qua nếu cần...Tại Hoa-Kỳ và Canada tính đến năm nay cũng phải có vô số «du-sinh» đang theo học trung học, cao đẳng và đại học. Phần lớn là «cocc» và con cháu của những nhà tư-bản đỏ!
Có vô thì phải có ra
Ăn chơi đàng điếm nổi lên khắp nơi. Nhà hàng, nhà ăn, cùng quán nhậu đâu đâu cũng có nhưng cái lạ là không thấy có nhàcầu, nhà chồ, nhà xí, nhà ỉa (tiếng nghe được sau 75) hay nhà ị công cộng, nhà vệ sinh cho người ta nhờ (chuyện bên VN mà)… Mấy ông, mấy cậu bí quá thì xỉa đại vô bánh xe, vô gốc cây hay vách tường hoặc xả đại vào hàng rào của nhà người ta. Bị bắt gặp, bị chửi thì cứ giả đò làm ngơ!
Còn mấy cô, mấy bà thì sao?
Chắc là phải mau mau chạy vô nhà dân hay vô tiệm nước năn nỉ, xin phép họ cho đi nhờ, còn không thì đành nhăn nhó, ráng chịu, hoặc chạy núp sau buội cây, gốc chuối, lấy nón lá che phía sau lại…và khẩn trương giải quyết, còn chịu hổng nỗi…mắc quá thì cứ làm đại trong quần chớ biết sao bây giờ ...
Khi bị Tào Tháo rượt.
Nếu ờ Mỹ ở Canada thì cứ vô đại tiệm cà phê hay Mc Do mà giải quyết…Nhưng cũng có một số tiệm ăn có để ở cửa câu mất cảm tình: Toilet chỉ dành cho khách hàng mà thôi (Restrooms reserved for customers only)
Còn một nhà nữa. Cái nhà này rất quan trọng, ai cũng cần. Từ Vua chí dân, từ đẹp tới xấu, từ giàu tới nghèo, từ già chí trẻ. Không ai mà không cần. Không có nó là không xong dù nó xấu xí hôi hám. Đó là… Nhà Cầu. Cái Nhà này ly kỳ ở chỗ cùng một công dụng nhưng được gọi nhiều tên. Người Bắc gọi là Nhà Chồ, Nhà Xí, Nhà ỉa nam, Nhà ỉa nữ. Người Nam gọi đẹp hơn… Nhà Cầu hay Cầu Tiêu. Tây Ta gọi tắt là WC. Mỹ văn minh hơn gọi là … Phòng nghỉ Restroom”.” (Ngưng trích-Bến đời hiu quạnh 23–Khánh ly)
Các loại nhà khác
Cảnh đời càng khổ thì người ta càng có lòng tín-ngưỡng. Nhà thờ, nhà chùa, nhà nguyện, nhà dòng, nhà chung, nhà tĩnh tâm, nhà thiền, nhà chiêm tinh, nhà tướng số, nhà ngoại cảm đóng vai là những chỗ, những điểm tựa tinh thần của nhiều người.
Khách thập phương ở xa đến thì được vô nhà khách ngủ qua đêm!
Nhà tôi, nhà mình
Chiều chiều về tới cổng nhà,
Nhà tôi trông ngóng từ nhà ngó ra.
Nghỉ hưu lẩn quẩn quanh nhà,
Nhà sau nhà trước, buồn vui với bà.


(Bác sĩ Nguyễn Thượng Chánh)

Ngôn ngữ miền Bắc : xí xổm hay xí bệt
“Dù là người Việt nhưng có lẽ không ai có thể tự hào hiểu hết được tiếng Việt. Đó cũng là đều dễ lý giải vì tuy cùng sống trong một đất nước nhưng mỗi vùng, mỗi miền lại dùng những từ ngữ khác nhau, chưa kể từ ngữ giống nhau lại có cách phát âm khác nhau.
Nếu có bạn đọc nhíu mày không hiểu tựa đề của bài viết này dùng các từ ngữ “xí xổm” và “xí bệt” thì xin thưa “xí xổm” là ngồi chồm hổm, còn “xí bệt” l à ngồi bệt xuống.

«Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn. Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một cái, hỏi vài câu là thấy đủ rồi. Con tiêu tiền của cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền của con chẳng dễ chút nào. Nhà cha mẹ là nhà của con; nhàcủa con không phải là nhà cha mẹ. Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình».

( Ngưng trích Tâm sự tuổi già- Chu Dung Cơ)

Kết luận
Quả thật chữ nhà tượng trưng cho những gì gắn-bó và thân-thương nhất của chúng ta!
Đó cũng là lời tâm-tình của cố Giáo-sư Trần Văn Khê qua bài:
«Giá trị của chữ ‘Nhà’ trong đời sống người Việt»:
“Dù chúng ta là ai, làm gì, sống trong hoàn cảnh nào thì ngôi nhà vẫn là nơi chốn bình yên nhất, ấm áp nhất, hạnh phúc nhất để ta quay về.
Vậy chúng ta hãy yêu nó nhiều hơn và dành cho nó những điều tốt đẹp nhất”. 

(Ngưng trích cố Gs Trần V Khê-)


Bác sĩ Nguyễn Thượng Chánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét