1- Bẩy điều dạy cho sự thịnh vượng của một đất nước:
- Thứ nhất, những người trong chính quyền phải hội họp thường xuyên để bàn thảo các việc chính trị và quốc phòng.
- Thứ hai, tất cả mọi người từ các tầng lớp trong xã hội đều phải đồng lòng họp lại với nhau để thảo luận việc nước.
- Thứ ba, phải tôn trọng những phong tục xưa và không thay đổi chúng một cách bất hợp lý, cũng như phải duy trì những lễ nghi phép tắc và bảo vệ công lý.
- Thứ tư, phải thừa nhận những khác biệt trong giới tính và tuổi tác, và giữ cho gia đình và cộng đồng được trong sạch.
- Thứ năm, phải hiếu đối với cha mẹ và trung với các bậc thầy cũng như các vị trưởng thượng.
- Thứ sáu, phải tôn trọng những đền thờ tổ tiên và duy trì cúng lễ hàng năm.
- Thứ bẩy, phải đề cao đạo đức xã hội, tán dương những hạnh kiểm tốt, nghe theo lời dạy của những bậc thầy đáng kính và cúng dường cho họ.
Nếu một quốc gia làm theo những điều dạy này, chắc chắn quốc gia ấy sẽ thịnh vượng và được các nước khác kính nể.
2- Xưa có một vị Hoàng đế nổi tiếng về việc trị nước thật thành công. Sự thông thái của ông khiến ông được gọi là Đại Quang Vương. Ông giải thích những nguyên tắc trong việc trị nước như sau:
Cách tốt nhất để trị quốc là trước hết phải biết trị chính mình. Nhà trị quốc phải đến trước dân với một trái tim từ bi, và phải dạy dỗ, hướng dẫn họ trừ bỏ tất cả những bất thiện trong tâm. Hạnh phúc đến từ những giáo lý tốt đẹp vượt xa bất cứ sự thụ hưởng vật chất nào mà thế giới này có thể đem lại. Vì thế, nhà trị quốc nên dạy dân chúng những điều tốt đẹp và giữ cho thân tâm họ được an lạc.
Khi có người nghèo đến, ông phải mở kho ra và cho họ lấy những gì họ muốn, rồi sẽ nhân cơ hội này dạy cho họ phát triển trí tuệ, loại trừ tất cả tham, sân, si.
Mỗi người có một cái nhìn khác nhau tùy theo tâm thức của họ. Có người thấy thành phố họ đang sống thật tốt và đẹp đẽ, người khác lại thấy nó dơ bẩn và tồi tàn. Tất cả đều là dựa vào tâm.
Người biết kính trọng những giáo lý tốt đẹp thấy trong cây cỏ, đất đá tầm thường cũng có ánh sáng đẹp đẽ, mầu sắc như ngọc lưu ly, trong khi những kẻ tham lam không biết điều phục tâm thì như người mù, đứng trước cả một tòa lâu đài lộng lẫy bằng vàng cũng vẫn không thấy.
Tất cả những gì trong đời sống hàng ngày của một quốc gia cũng như thế. Tâm là gốc của mọi vấn đề, và như thế, nhà trị quốc phải trước hết tìm cách làm cho người dân có thể luyện tâm của họ.
3- Nguyên tắc đầu tiên trong việc trị nước thông thái là như nguyên tắc của Đại Quang Vương: hướng dẫn dân luyện tâm của họ.
Luyện tâm có nghĩa là tìm sự giác ngộ, cho nên, nhà trị quốc thông thái trước hết phải chú tâm vào những điều Phật dạy. Nếu ông tin vào Phật, kính ngưỡng giáo lý của ngài và vinh danh những người có đức hạnh và từ bi, sẽ không có sự thiên vị bạn hay thù, và quốc gia của ông sẽ luôn luôn được thịnh vượng.
Một quốc gia thịnh vượng sẽ không cần phải tấn công một nước nào khác và cũng không cần phải phát triển những vũ khí tấn công.
Khi người dân được hạnh phúc và mãn nguyện, những phân biệt giai cấp sẽ biến đi, những việc làm thiện được đề cao, đạo đức tăng thêm, và người ta sẽ kính trọng lẫn nhau. Lúc ấy tất cả đều được sung túc, thời tiết và khí hậu trở nên bình thường, mặt trời và trăng sao đều chiếu sáng tự nhiên, mưa và gió đều đến đúng thời, và tất cả những thiên tai sẽ không còn.
4- Bổn phận của một nhà trị quốc là phải bảo vệ dân chúng. Ông là cha mẹ dân, và ông bảo vệ dân qua pháp luật. Ông phải nuôi dưỡng dân như cha mẹ nuôi dưỡng con, đưa cho con cái khăn khô để thay cho cái khăn ướt, mà không cần đợi cho đến khi đứa trẻ khóc. Cũng như thế, nhà trị quốc phải tìm cách xóa bỏ những đau khổ và đem đến phúc lợi cho dân, mà không đợi cho đến khi dân phải than phiền. Quả thật là, sự trị vì của ông sẽ không được hoàn hảo nếu dân còn chưa có được đời sống an lành. Dân chính là bảo vật của quốc gia vậy.
Vì thế, một nhà trị quốc thông thái luôn nghĩ đến dân và không có một giây phút nào quên họ. Ông nghĩ đến những khó nhọc của họ và hoạch định làm sao để cho dân được sung túc. Để cai trị được thông thái, ông phải được trình cho biết tất cả mọi thứ - từ vấn đề nước, về những cơn hạn hán hay mưa bão; ông phải biết về mùa màng trong nông nghiệp, những cơ hội để có một vụ mùa tốt, về những gì làm cho người dân được an vui và những nỗi buồn của họ. Ở trong một địa vị có quyền thưởng phạt cho đúng, ông phải được báo cáo hoàn toàn đầy đủ về tội của những kẻ xấu và công của những người tốt.
Một nhà trị quốc thông thái ban bố cho dân khi họ đang thiếu thốn, và thu lại từ họ khi họ đã sung túc. Ông phải xử dụng sự phán đoán cho công minh khi thu thuế và đánh thuế sao cho nhẹ nhất, để giữ cho dân chúng được hài hòa.
Một nhà trị quốc thông thái sẽ bảo vệ dân bằng quyền lực và oai nghi của mình. Người biết trị quốc, chăm dân như vậy mới xứng đáng được gọi là một vị Vua.
5- Vua của Chân Lý (Chánh Pháp) là Vua của tất cả các vua (Chuyển Luân Thánh Vương). Ông xuất thân từ dòng dõi cao xa và thuần khiết nhất. Vua này không những trị vì cả bốn phương thế giới, mà còn là vị Vua của Trí Tuệ và là Người Bảo Vệ Chánh Pháp.
Bất cứ nơi nào ông đến, chiến tranh đều ngừng lại và mọi ác ý đều tan biến. Ông trị vì với tâm bình đẳng qua năng lực của Chánh Pháp, và bằng cách giải trừ tất cả những điều xấu ác, ông đem lại sự bình an cho tất cả mọi người.
Vị Chuyển Luân Thánh Vương không bao giờ giết hại, ăn cắp hay ngoại tình. Ông không bao giờ lừa đảo, lạm dụng quyền lực hay nói dối và nói lời vọng ngữ. Tâm của ông đã thoát ly khỏi mọi tham sân si. Ông đã loại trừ được thập ác và thay thế vào đó với mười hạnh lành (thập thiện).
Bởi vì sự cai trị của ông đặt căn bản trên Chân Lý (Chánh Pháp) nên ông không thể nào bị đánh bại. Bất cứ ở đâu Chánh Pháp xuất hiện, bạo lực sẽ ngừng lại và ác ý cũng tan biến. Không có sự bất mãn trong các thần dân của ông, cho nên họ sống trong sự an bình; chỉ nguyên sự hiện diện của ông cũng đem lại hòa bình và hạnh phúc cho họ. Đó là tại sao ông được gọi là vị Vua của Chánh Pháp.
Vì Chuyển Luân Thánh Vương là Vua của tất cả vua, tất cả những vị vua trị vì khác đều vinh danh ông và cai trị đất nước của họ theo gương của ông.
Như thế Chuyển Luân Thánh Vương là ngôi trên của tất cả các vị vua, và dưới sự cai trị công chính theo ông, họ đem an bình đến cho dân chúng và hoàn thành nghĩa vụ đối với Chánh Pháp.
6- Một nhà trị quốc thông thái sẽ hòa hợp việc xử án với lòng từ bi. Ông sẽ cố gắng xem xét mỗi bản án với trí tuệ sáng suốt và rồi ra phán quyết thuận theo năm nguyên tắc như sau:
Thứ nhất, phải xét sự chân thực của những sự kiện được trình bầy.
Thứ hai, phải chắc chắn rằng vụ án này thuộc quyền tài phán của mình. Nếu phán quyết hoàn toàn trong thẩm quyền của mình, án lệnh đó sẽ có hiệu quả, còn nếu không thì chỉ tạo thêm những vấn đề phức tạp; lúc đó phải đợi đến khi có những điều kiện đúng mới thực thi được.
Thứ ba, phải phán xét trong sự công chính; đó là, phải đặt mình vào tâm trạng của bị can, nếu thấy hành vi phạm pháp đó được làm mà không có chủ ý gây tội ác, phải nên tha thứ cho bị can.
Thứ tư, phải tuyên án bằng sự tử tế chứ không phải bằng sự cứng rắn; có nghĩa là, phải tìm một hình phạt thích hợp nhưng không quá đáng. Một vị quan tòa tốt sẽ khuyên dạy kẻ phạm tội với lòng tử tế và cho hắn thì giờ để quán xét lại những sai lầm đã phạm.
Thứ năm, phải xét xử với sự thương cảm, không với thái độ giận dữ; có nghĩa là, phải lên án tội ác chứ không phải là người phạm tội. Phải đặt sự phán xét trên nền tảng của sự thương cảm, và phải nhân cơ hội này để cố làm cho kẻ phạm tội nhận thức được lỗi lầm của hắn.
7- Nếu một viên chức quan trọng trong chính quyền xao lãng nhiệm vụ, làm việc cho lợi ích riêng của mình và nhận hối lộ, điều đó sẽ gây ra một tình trạng suy sụp đạo đức trong công chúng. Người ta sẽ lường gạt lẫn nhau, người mạnh ức hiếp kẻ yếu, người có quyền ngược đãi kẻ thường dân, hay người giầu sẽ lợi dụng người nghèo, và sẽ không còn công lý cho ai cả; cái xấu ác sẽ lộng hành và nhiễu nhương sẽ tăng thêm.
Trong hoàn cảnh như vậy, những trung thần sẽ rút lui khỏi nhiệm sở, người có trí sẽ yên lặng không muốn dính dáng đến những việc rắc rối và chỉ còn những kẻ dua nịnh giữ những chức vụ công quyền, và họ sẽ lợi dụng quyền thế của mình để làm giầu bất kể đến sự đau khổ của dân chúng.
Dưới những tình trạng như thế năng lực của chính phủ trở thành vô hiệu quả và những chính sách công minh bị băng hoại, sụp đổ.
Những viên chức bất chính như vậy là những kẻ ăn cắp hạnh phúc của dân, còn tệ mạt hơn cả kẻ cắp nữa vì chúng lường gạt cả nhà vua lẫn dân chúng, và là nguyên nhân tạo ra bất ổn cho đất nước. Nhà vua phải phải trừ khử ngay những viên chức như vậy và trừng phạt họ.
Nhưng ngay cả trong một nước có một minh quân trị vì và có pháp luật công chính, cũng có một hình thức bất trung khác xẩy ra. Có những người con trai vì yêu thương vợ con mà quên đi công ơn của cha mẹ đã nuôi nấng, săn sóc mình trong bao nhiêu năm. Họ bỏ rơi cha mẹ, cướp đi tài sản của họ, và không nghe những lời dạy của cha mẹ. Những đứa con trai đó được kể như là những kẻ xấu xa nhất.
Vì sao? Vì họ đã bất hiếu đối với cha mẹ, người đã có tình thương yêu bao la đối với họ, một tình thương không thể nào đền đáp được ngay cả nếu người con có tôn trọng và chăm nom săn sóc họ đến suốt cuộc đời chăng nữa. Những kẻ bất trung, bất hiếu phải bị xử phạt như những kẻ phạm trọng tội nhất.
Lại nữa, trong một đất nước được một minh quân trị vì và có pháp luật công chính, vẫn còn có một hình thức bất trung khác. Đó là những người đã quên lãng hoàn toàn Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Những người ấy phá hủy các thánh địa, đốt kinh sách, bắt những vị thầy chân chính phải phục vụ cho họ, và như vậy đã xâm phạm đến giáo lý thiêng liêng của Đức Phật. Họ cũng được kể là những kẻ phạm trọng tội nhất.
Vì sao? Vì họ hủy hoại niềm tin tâm linh của đất nước, nền tảng và nguồn gốc của mọi đức hạnh. Những người như thế, qua sự đốt cháy niềm tin của người khác, đã tự đào mồ cho chính mình.
Tất cả những tội khác đều có thể được coi như nhẹ hơn so với những trọng tội trên. Những kẻ phạm trọng tội ấy phải bị xử phạt nghiêm khắc nhất.
8- Một minh quân đang cai trị đất nước một cách công chính vẫn có thể bị những âm mưu ám hại, hay ngoại bang có ý đồ xâm lấn. Trong trường hợp đó nhà vua phải có ba quyết định sau đây.
Ông phải quyết định rằng:
“Thứ nhất, có những kẻ đang âm mưu hay thù địch ngoại bang đang đe dọa trật tự và phúc lợi của đất nước; tôi phải bảo vệ dân và quốc gia dù phải dùng đến quân đội để chiến đấu.
Thứ hai, tôi sẽ thử tìm cách nào để đánh bại họ mà không cần dùng đến quân đội.
Thứ ba, tôi sẽ thử tìm cách bắt sống họ, nếu có thể được sẽ không giết, chỉ lột vũ khí của họ.”
Bằng sự suy xét ba quyết định này, nhà vua sẽ xử trí mọi việc một cách thông thái nhất, sau khi đã đưa ra những thông tư và chỉ thị ra ngoài.
Tiến hành mọi việc theo cách đó, đất nước và binh lính sẽ được cổ võ bằng trí tuệ và oai nghi của nhà vua, và sẽ kính trọng cả hai thái độ cương và nhu của ông. Khi đến lúc cần phải vận dụng đến quân đội, họ sẽ hoàn toàn hiểu được lý do của cuộc chiến và bản chất của nó. Lúc đó họ sẽ đi ra chiến trường với một lòng trung dũng, kính trọng sự cai trị thông thái và độ lượng của nhà vua. Một cuộc chiến như vậy không chỉ mang lại chiến thắng, mà còn tăng thêm Đức cho quốc gia.
Diệu Huyền trích dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét