...Theo đạo Phật, chúng ta không chỉ sinh ra trong một kiếp này, mà đã chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần, tùy theo nghiệp, trong những cõi giới khác nhau của lục đạo luân hồi, và trong sáu đường luân hồi đó, chỉ có sinh làm người mới có thể tu tập giác ngộ để giải thoát khỏi vòng trầm luân loanh quanh luẩn quẩn này. Kinh Phật thường nói "thân người khó được", và Đức Phật nói về cái phước được sinh ra làm người như sau:
- Ví như quả đất sụp thành bể cả, có một con rùa mù sống vô lượng kiếp, một trăm năm mới trồi đầu lên một lần. Trong biển có một bọng cây nổi chỉ có một lỗ hổng trôi dạt trên mặt biển theo gió từ Đông sang Tây. Con rùa mù một trăm năm mới trồi đầu lên một lần tìm bọng cây, có sẽ gặp được bọng cây này chăng?
A Nan bạch:
- Không thể gặp, thưa Thế Tôn! Vì sao? Vì con rùa này đến bể Đông, bọng cây đã theo gió đến bể Tây, Nam, Bắc bốn phía, chung quanh cũng vậy, không thể gặp nhau.
Đức Phật bảo:
- Con rùa mù tìm bọng cây tuy sai lạc, nhưng cũng có lúc gặp nhau. Còn kẻ phàm phu ngu si trôi dạt trong ngũ thú tạm được thân người, còn khó hơn con rùa mù kia tìm bọng cây. Vì cớ sao? Vì chúng sanh kia không hành nghĩa, không hành pháp, không hành thiện, không hành chân thật, sát hại lẫn nhau, mạnh hiếp yếu, tạo vô lượng tội ác.
Như thế, mặc dù biết thân này là giả tạm, cuộc sống là vô thường, ta vẫn phải biết ơn và trân quý thân mạng này của chúng ta, để sống làm sao cho xứng đáng, không uổng phí cuộc đời.
Tri Ân là điều mà các tôn giáo cũng như những truyền thống đạo đức thường nhắc nhở. Theo đạo Phật, có bốn ân lớn nhất, quan trọng nhất (Tứ Trọng Ân) mà ta phải báo đáp, đó là: Ân Cha Mẹ, Ân Tam Bảo, Ân Tổ Quốc, và Ân Chúng Sanh.
- Ân cha mẹ: là công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Cha mẹ chăm nom săn sóc cho con với tình thương vô điều kiện, sẵn sàng hi sinh tất cả để đứa con được mọi sự tốt đẹp. Ơn ấy bao la như trời biển, không thể nào đo lường hết được. Đức Phật nói rằng: "Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm như thế suốt trăm năm cho đến một trăm tuổi, người con cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ cho cha mẹ."
Công ơn cha mẹ vô biên vô hạn như thế, nên phận làm con phải biết tri ân và đáp trả lại bằng tình thương yêu đối với cha mẹ, để ý chăm lo săn sóc, chia xẻ cảm thông. Ngoài ra, một người con hiểu đạo còn phải hướng dẫn cho cha mẹ biết giáo lý đạo Phật, sống theo chánh pháp, không theo tà kiến, tạo nhân lành tránh điều ác. Cách báo hiếu đó là cách cao cả nhất, vì giúp cha mẹ không những hưởng được phước đời này, mà còn cả đời sau.
- Ân thầy bạn, ân Tam Bảo: ngoài công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ, các thầy cô dạy chúng ta là những người đã cho ta kiến thức, giúp ta có những trang bị cần thiết để mang theo trong cuộc sống sau này. Vì vậy, biết ơn thầy là điều tất yếu. Xưa kia, có những người dù đã đạt đến những địa vị cao sang trong xã hội nhưng vẫn luôn biết đến ơn thầy, đối với thầy bao giờ cũng cung kính như khi còn là đứa học trò thơ dại. Ngoài ra, ta cũng phải quý trọng tình bằng hữu, biết ơn những người bạn đã cùng chúng ta chia xẻ ngọt bùi, giúp đỡ vượt qua những lúc khó khăn trong đời sống.
Nhưng dù đời sống có may mắn hay bất hạnh thế nào, không ai là có thể tránh được phiền não do bản chất " vô thường, khổ, vô ngã" trong sự hiện hữu của con người. Từ bao kiếp nay ta đã trôi lăn trong vô minh, bị cuốn theo những cơn sóng gió của biển ái hà, đắm chìm trong những vui buồn sướng khổ mà không biết đường nào để thoát ra. Pháp Phật là thần dược mầu nhiệm chữa được căn bệnh khổ não trầm kha mà không phương thuốc thế gian nào có thể chữa khỏi. Vì thế ta phải biết ơn Tam Bảo -Phật, Pháp, Tăng đã soi sáng và hướng dẫn cho ta con đường giải thoát, và được an vui tự tại trong đời sống.
- Ân tổ quốc: Làm con dân trong một nước, sống trong một xã hội, ta là một thành viên làm nên quốc gia, xã hội đó, lớn lên trong sự bảo dưỡng của nếp sống văn hóa tổ tông, xây dựng cuộc đời mình trong môi trường và hoàn cảnh của đất nước, nên phải biết tri ân tổ quốc. "Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách". Khi đất nước bị đe dọa, chúng ta phải biết ơn những người lính đi ra chiến trường hi sinh thân mạng để bảo vệ tổ quốc. Tri ân tổ quốc cũng đồng nghĩa với lòng yêu nước, tình dân tộc, muốn đóng góp cho xã hội, cho quê hương, từ đó người con dân phấn đấu để làm những điều tốt đẹp, giúp cho xã hội và đất nước được phát triển, thăng tiến đời sống. Một người lãnh đạo quốc gia có lòng yêu nước sẽ đặt quyền lợi của đất nước dân tộc lên trên quyền lợi của mình, tìm cách làm cho đất nước dân tộc được thái bình, thịnh vượng. Còn nếu kẻ cầm quyền tham lam độc ác, chỉ biết quyền lợi riêng tư, lấy của dân làm của mình, sẵn sàng bán nước cầu vinh, thì cũng vì lòng tri ân tổ quốc mà người dân trong nước phải tìm cách trừ gian diệt bạo, dành lại quyền lèo lái quốc gia cho người xứng đáng nắm quyền chính, hầu báo đáp công ơn những bậc tiền nhân đã có công khai sơn dựng nước, bảo vệ giang sơn gấm vóc từ trước tới nay.
- Ân chúng sanh: chúng ta không tồn tại độc lập trên thế giới này, mà phải dựa vào biết bao yếu tố để có được đời sống hiện nay. Con người do yếu tố đất nước gió lửa kết hợp, phải cần đến nguồn đất nước gió lửa bao la trong thiên nhiên vũ trụ để trợ giúp cho sự tồn tại của mình. Trên những mảnh đất mầu mỡ hay khô cằn sỏi đá, biết bao nhiêu công sức con người đã đổ vào đó để cung ứng những thực phẩm nuôi dưỡng, biết bao sinh mạng chúng sanh đã bị cống hiến để ta có những món ăn bồi bổ hợp khẩu vị. Có câu nói: "Một hạt gạo là một hạt ngọc" để cho thấy sự quý giá của bát cơm chúng ta đang ăn như thế nào. Ngoài ra, chúng ta cũng phải biết ơn những công trình văn hóa nghệ thuật đã thăng hoa và làm đẹp tâm hồn, những tiến bộ kỹ thuật khoa học nâng cao mức sống của con người. Để tỏ lòng tri ân với chúng sanh và thiên nhiên vũ trụ, chúng ta phải trân trọng và bảo tồn những gì đang được thụ hưởng, không nên phung phí và xem thường, nếu không, đến lúc nào đó mất đi thì có hối tiếc cũng đã muộn.
Ở Mỹ, hàng năm ngày lễ lớn nhất là Thanksgiving Day để tỏ lòng biết ơn vụ mùa thành công đầu tiên đã đem đến thực phẩm dồi dào, sau bao công lao gian khổ của những người lập quốc đã đến khai hoang tại xứ này, với sự giúp đỡ của dân bản xứ. Ý nghĩa của ngày lễ này đã đem đến một truyền thống tốt đẹp "tạ ơn đời, tạ ơn người"cho người dân tại Mỹ, và được nhiều quốc gia khác bắt chước.
Tri ân là một thiện tính tự nhiên giúp nâng cao tinh thần, đem lại niềm vui và hạnh phúc. Câu nói "cám ơn" và "xin lỗi" biểu lộ một thái độ khiêm tốn, biết trọng người khác của một dân tộc có văn hóa. Meister Eckhart nói như sau: "Nếu cả đời này, bạn chỉ nói một lời kinh duy nhất là "cám ơn", thì nguyên điều đó cũng đã đủ rồi."
Lòng tri ân gợi lên tình thương, chất liệu của hạnh phúc. Sự cảm kích khi nhận lãnh một sự trợ giúp nào đó thường khiến phát sinh tình cảm và mối liên hệ tốt đẹp. Tong gia đình, biết ơn những gì người thân đã làm cho mình giúp cho sợi dây ân tình càng thêm bền chặt. Lòng tri ân cũng đưa đến sự nhận thức những khía cạnh tích cực trong con người và cuộc đời, khiến cho có cái nhìn lạc quan hơn, thấy đời đáng sống và có ý nghĩa hơn. Những công trình nghiên cứu gần đây về lòng tri ân, như của Robert Emmons, đã cho thấy rằng lòng tri ân có thể đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe như: giảm sự căng thẳng, đỡ lo âu trầm cảm, làm hạ huyết áp, tăng hệ thống miễn nhiễm, bớt mất ngủ v.v..
Lòng tri ân làm khai mở thiện tâm và lòng quảng đại, tình tha thứ. Khi nhận được sự giúp đỡ của một người nào đó mà không thể đền đáp được trực tiếp, ta có thể tỏ lòng tri ân bằng cách giúp đỡ lại người khác một cách tương tự, và điều đó sẽ tạo nên một chuỗi những việc thiện có hiệu quả tốt lành. Thế giới này sẽ đẹp hơn với những hành động giúp đỡ người mà không cần đền đáp ấy.
Khi nghĩ đến những người kém may mắn hơn, có hoàn cảnh bất hạnh, ta mới thấy biết ơn những gì đang có và muốn mở lòng ra giúp đỡ, đóng góp chia xẻ. Có những người thật giầu có, thành công rực rỡ như tỷ phú Bill Gates và Warren Buffet của Mỹ đã bỏ ra hàng tỷ đô la cho vào các quỹ từ thiện trên thế giới, hoặc cho học bổng để giúp giới trẻ có phương tiện học lên cao. Đó cũng là một cách để bầy tỏ lòng biết ơn những ân phước họ đã được hưởng.
Khi gặp những điều bất như ý hay trở ngại, nếu biết tri ân những kinh nghiệm ấy, xem đó như một dịp thử thách để cải thiện cho tốt hơn, trở thành con người vững mạnh hơn, ta có thể chuyển tâm trạng tốt thành xấu. Trong đạo Phật thường nói "Bồ Tát nghịch duyên" như một lời biết ơn đến những người đã gây đau khổ cho ta, bởi vì chính vì những nghịch cảnh người ấy tạo ra mà ta đã có sự biến chuyển nơi tâm, muốn tìm sự giải thoát, hướng tâm cầu đạo để giải trừ phiền não. Đó cũng là ý nghĩa của "Phiền não sinh Bồ Đề". Trong Luận Bảo Vương Tam Muội có mười điều tâm niệm như sau:
Lấy bệnh khổ làm thuốc thần
Lấy hoạn nạn làm giải thoát
Lấy khúc mắc làm thú vị
Lấy ma quân làm bạn đạo
Lấy khó khăn làm thích thú
Lấy kẻ tệ bạc làm người giúp đỡ
Lấy người chống đối làm nơi giao du
Coi thi ân như đôi dép bỏ
Lấy sự xả lợi làm vinh hoa
Lấy oan ức làm cửa ngõ đạo hạnh.
Trong truyện cổ Phật giáo có kể lại câu truyện "Cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán", trong đó một vị đạo sĩ tu ở trong rừng tình cờ cứu được một người thợ săn, một con rắn và một con chim bị kẹt dưới hầm sâu. Sau này khi gặp lại, đạo sĩ bị người thợ săn hãm hại, trong khi con rắn và con chim đều tìm đủ mọi cách để cứu ngài trả ơn. Truyện này nói lên một sự thực rằng thú vật cũng là loài hữu tình và có lòng tri ân như con người. Đã có rất nhiều giai thoại kể lại lòng biết ơn của thú vật đối với con người, kể cả những mãnh thú như hổ báo, sư tử, voi v.v..., và những loài thú hoang ấy khi có lòng tri ân thì nẩy sinh tình cảm và không còn tính hung dữ, trở nên thuần thục, ngoan ngoãn đối với người ơn của mình.
Một tác giả vô danh đã viết bài "Hãy biết ơn" với những lời hay ý đẹp như sau:
- Hãy biết ơn là ta không có tất cả những điều mong muốn,
Bởi vì nếu được như vậy, ta có còn gì để trông mong nữa không?
- Hãy biết ơn khi ta không biết một điều gì
Vì đó là cơ hội để cho ta có thể học hỏi
- Hãy biết ơn những lúc khó khăn
Vì đó là lúc cho ta trở thành lớn mạnh hơn
- Hãy biết ơn những điều yếu kém của mình
Vì đó là cơ hội để cho ta cải thiện
- Hãy biết ơn mỗi lần thử thách
Vì đó sẽ giúp ta xây dựng sức mạnh và nhân cách.
- Hãy biết ơn những lỗi lầm đã phạm
Vì chúng dạy cho ta những bài học quý giá
- Hãy biết ơn khi mệt mỏi, chán chường
Vì đó có nghĩa là ta đã đổi khác
- Biết ơn những điều tốt đẹp thuận lợi đến với mình thì dễ.
Nhưng một cuộc đời phong phú chỉ có được khi ta có lòng biết ơn đến cả những trở ngại gặp phải.
- Lòng tri ân có thể biến tiêu cực thành tích cực.
Hãy tìm cách biết ơn những điều gây khó khăn phiền não, vì chúng có thể trở thành ân phước cho ta.
Ngày đầu xuân, trong sự giao mùa của thời tiết, cây cỏ xanh tươi tràn đầy sức sống, muôn hoa rộ nở, ta hãy tận hưởng những gì đang có trong tay và mở lòng biết ơn đến tất cả, biết ơn trời, ơn đời, ơn người. Dù chỉ là biết ơn một đóa hoa đang nở, cũng đem lại niềm vui trong lòng.
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi.
(Tô Thùy Yên)
Ngọc Bảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét