“Đó là chưa kể, với những người chết do bị tai nạn, thi thể không còn nguyên vẹn thì bàn tay người trang điểm làm cách nào đó để người chết có được cái ‘thần,’ để người thân nhìn vào không đau lòng, lại khó gấp bội lần,” ông Nguyễn Đức Tuấn, chủ nhân nhà quàn Thiên Môn (Heaven’s Gate Funeral Home) ở Westminster, nói.
Ông Nguyễn Đức Tuấn chuẩn bị đồ nghề trang điểm cho người chết. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
Phải có “thần kinh thép”
Ông Tuấn với thâm niên hơn 10 năm làm nghề ướp xác, chuyên lo mọi dịch vụ về tẩm liệm, tang lễ, an táng, hỏa thiêu, nhận đưa quan tài cũng như tro cốt về Việt Nam và ngược lại trong vòng mười ngày, cho biết: “Làm nghề này phải có ‘thần kinh thép’ khi mà hằng ngày phải thường xuyên đối mặt với các xác chết lạnh lẽo. Có lẽ vì vậy mà nghề này hầu như cộng đồng Việt Nam chỉ có tôi làm, còn lại đều do người Mỹ làm.”
Theo ông Tuấn, trước khi trang điểm cho người chết thì gia đình phải ký giấy tờ để giao cho nhà quàn quyền được đụng đến người chết, vì nhà quàn phải đưa người chết vào phòng tắm, cởi quần áo và tắm rửa. “Các công đoạn để tắm rửa cho người chết mất khá nhiều thời gian và tỉ mỉ, trước tiên là phải hút bỏ hết máu trong cơ thể người quá cố,” ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho biết: “Tử thi được đặt trên cái bàn hơi lõm, giống với bồn tắm. Cái bàn này có ống dẫn thông ra cống. Ống cống này đi xuống cái hầm, trong hầm có thuốc diệt trùng tất cả vi trùng độc hại, sau đó thì từ hầm mới tống máu đi chỗ khác.”
“Khi đó, người làm việc tắm rửa tử thi sẽ lấy máu trong thi thể người chết ra, bằng cách dùng dung dịch formaldehyde bơm vào các mao mạch máu thông qua một ống tube nhỏ kết nối với máy ướp xác. Dung dịch này là hỗn hợp gồm nước và các chất có tác dụng bảo quản xác chết khó bị phân hủy, sẽ hút bớt nước và làm khô các tế bào,” ông nói.
Ông nói tiếp: “Lượng dung dịch formaldehyde được sử dụng sẽ khác nhau, tùy từng trường hợp, phải căn cứ người chết vì bệnh gì, rồi tùy theo người đó nặng bao nhiêu… để pha thuốc cho phù hợp. Bởi vì nếu pha nhiều thuốc thì sẽ ảnh hưởng đến màu da. Chẳng hạn nhiều quá thì da sẽ trở thành màu cam, còn nếu ít quá thì màu da sẽ đen…”
“Máu sau đó sẽ được hút bỏ khỏi hệ thống tuần hoàn. Mạch máu được bó lại và khâu lại vết cắt. Các phần còn trống bên trong cơ thể được xử lý bằng cách hút bỏ các chất lỏng và khí còn lại, chẳng hạn cắt ngay bụng để hút hết nước ra ngoài, đồng thời bơm thêm dung dịch formaldehyde vào. Lâu nay mọi người đồn đoán là ruột, gan… cũng bị lấy ra là sai, hoàn toàn không có chuyện đó. Thi thể chỉ bị lấy duy nhất là máu thôi,” ông cho hay.
Ông nói thêm: “Sau khi lấy máu và bơm dung dịch để ướp xác vào rồi thì tắm rửa và mặc trang phục cho người chết.”
Cận cảnh đồ nghề dành để trang điểm cho người chết. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
“Trang điểm” cho người chết
Ông Nguyễn Đức Tuấn cho biết: “Xong công đoạn để chuẩn bị cho ướp xác, trong khi chờ 15 tiếng để thuốc ngấm thì bắt đầu trang điểm cho người chết, để làm sao nhìn vào thấy người chết cứ như đang nằm ngủ. Thậm chí phải chắp vá những phần thi thể không còn nguyên vẹn đối với người chết do tai nạn bằng kỹ thuật riêng, để người chết nhìn vẫn có hồn như đang sống.”
“Phấn, son là dụng cụ riêng của nhà quàn, không dùng phấn, son của người thường được. Bởi vì phấn, son này có thuốc, khi trang điểm sẽ phù hợp với màu da người chết, nếu dùng đồ trang điểm của người sống cho người chết thì không ra màu, do người chết bao giờ cũng tái đi vì mất máu. Đồ dùng cho người chết cũng phân ra hai loại, phấn, son dành cho người lớn, và dùng cho trẻ em,” ông cho hay.
Ông kể: “Đàn ông thì cắt tóc, cạo râu sạch sẽ từ trên xuống dưới. Sau khi mặc trang phục thì tô son, điểm phấn, cắt móng tay, cắt móng chân, đeo đồng hồ… sao cho thật đẹp, thật giống như đang còn sống. Phụ nữ thì cầu kỳ hơn, phải trang điểm nhiều hơn, chẳng hạn vẽ lông mày, uốn mi mắt, xóa bớt nếp nhăn, đeo bông tai, dây chuyền, sơn móng tay, sơn móng chân… nói chung là phải đẹp, giống như đang ngủ.”
“Người chết thì miệng lúc nào cũng mở, phải dùng một miếng nhựa dẻo vừa với hai hàm răng rồi sau đó kéo miệng xuống và dùng keo dán để miệng ngậm lại. Mắt cũng vậy, phải dùng đồ kẹp để mắt nhắm. Rất nhiều gia đình sau khi nhà quàn đã làm để miệng người chết ngậm lại thì họ mới nhớ ra là bỏ vàng, gạo vào miệng, điều này cũng không mấy khó khăn, chỉ cần nhét vào bên hông khóe miệng là được,” ông kể tiếp.
Ông Tuấn cho biết, trường hợp người chết do tai nạn, bị mất một phần mặt, thì “Người trang điểm vẫn làm cho người chết đẹp như chưa hề bị tai nạn. Chúng tôi dùng sáp để giúp tái tạo gương mặt của thi thể. Sau khi tạo hình khuôn mặt bằng sáp xong, chúng tôi trang điểm. Người chết có nước da màu gì, sẽ được trang điểm nước da đó y như thật, để người thăm viếng nhìn không khỏi đau lòng.”
“Việc khâu vá các mảng thịt của tử thi vào nhau, rồi mới tô phấn để trang điểm cho người chết là chuyện bình thường của những ai làm công việc này. Làn da của người chết rất dễ rách, nên làm công việc này đòi hỏi phải có cái tâm, cố gắng làm sao để trang điểm cho họ thật đẹp khi sang thế giới bên kia,” ông chia sẻ.
Theo ông Tuấn, những ngày đầu làm nghề này, có khi cả tuần ông không ăn được cơm, nhìn thịt là buồn nôn. “Đôi khi thấy nghề này phải đối diện với nhiều nguy hiểm, nhất là phải thường xuyên phục vụ cho người chết mắc các bệnh truyền nhiễm, ung thư… nhưng làm lâu rồi cũng quen,” ông thổ lộ.
Nhà quàn Thiên Môn - nơi ướp xác, lo mọi dịch vụ về tẩm liệm, tang lễ, an táng, hỏa thiêu... (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
Nguy cơ ung thư vì nghề
Ông Nguyễn Đức Tuấn cho biết: “Hơn 10 năm trực tiếp làm nghề ướp xác, tẩm liệm thì hiện nay tôi thuê người để làm việc này. Bởi vì mùi thuốc rất độc, dù đã làm nhiều năm nhưng mỗi lần ngửi mùi thuốc là nước mắt, nước mũi chảy liền, chịu không nổi. Về lâu dài rất dễ bị ung thư, trên thuốc cũng có cảnh báo cho người tiếp xúc.”
“Tôi đến với nghề cũng khá tình cờ. Gia đình tôi vượt biên sang đây khi tôi ba tuổi, sau khi học xong trung học, tôi học lái máy bay. Từ lái máy bay nhỏ để tích lũy thêm giờ chuẩn bị cho việc lái máy bay lớn, thì tôi bỏ ngang để đi học ngành tẩm liệm ở trường đại học Oklahoma City University,” ông kể.
Ông kể tiếp: “Tôi học ngành này vì lúc đó cháu tôi chết đuối khi mới năm tuổi, phải sau mấy ngày mới tìm được xác dưới hồ. Lúc đó cháu tôi phình như cái bong bóng, bốc mùi dữ lắm. Gia đình phải tốn kém rất nhiều tiền để làm đám và thiêu. Sau đó, tôi tìm hiểu thì thấy các nhà quàn có rất nhiều giá, và một đám tang thì họ lời rất nhiều. Vì vậy mà tôi đi học nghề này là vậy, không muốn người Việt mình phải chịu giá đắt.”
“Thực tế, theo tôi không bắt buộc phải ướp xác, chỉ ướp xác khi để lâu, khi phải tổ chức thăm viếng nhiều ngày, hoặc những người bị ung thư gan da dẻ quá vàng, hay chuyển xác xuyên bang hoặc về Việt Nam thì mới ướp xác. Còn lại, nếu làm lễ tang và mang đi thiêu liền thì không cần phải ướp xác. Thêm vào đó, không ướp xác thì tiền sẽ rẻ hơn nhiều,” ông Tuấn khuyên.
Ông Tuấn cũng cho biết, nhiều năm qua, nhà quàn Thiên Môn thay đổi được giá, trong khi các nhà quàn khác đều có giá cố định và không thay đổi được, bởi vì “Tôi làm chủ nên tôi có quyền lên giá, xuống giá để hỗ trợ phần nào khó khăn cho những gia đình nghèo. Có thể nói tôi quảng cáo, nhưng sự thật là tôi đã tặng quan tài miễn phí cho hơn 10 gia đình đồng hương nghèo, và cả tổ chức miễn phí đám tang cho những gia đình không có điều kiện.”
-----
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét