Chẳng có mối nguy hại nào bằng điều đến từ chính tâm trí của mỗi chúng ta
Làm sao chúng ta có thể yêu thương người nào đó ghét mình?
Trước hết, bạn cần phải biết rằng người đó đang bị sự ngu dốt, giận dữ, tâm trí bất mãn và đầy tham muốn hành hạ. Điều quan trọng cần nhớ ngay là người đó chẳng có chút tự do nào cả, ngược lại, đang bị chính những ảo tưởng che phủ.
Người đang ghét bạn đó thật sự không chỉ bị một sự ảo tưởng che mờ mà là rất nhiều ảo tưởng khác nhau.
Thay vì suy nghĩ người đó giống như sự giận dữ của họ, là một với sự giận dữ đó - điều này là không thật - bạn phải nhìn nhận thấy con người đó và những ảo tưởng của họ, sự giận dữ của họ là hoàn toàn tách biệt.
Ngay cả nếu người đó nhầm tưởng chính họ với nỗi cáu giận của họ, họ cũng không phải như vậy.
Nghĩ rằng họ và nỗi giận dữ của họ là một – hay họ bị chính những nỗi giận dữ đó làm khổ sở - chỉ làm bạn thêm thất vọng.
Ngược lại, nếu bạn nghĩ rằng người đó và nỗi giận dữ của họ là khác nhau, nghĩa là họ và nỗi giận dữ đó chẳng có chút liên quan gì thì sẽ có thêm khoảng trống trong tâm trí của bạn cho tình thương yêu đâm chồi.
Ngay cả khi người đó ghét bạn và vui thích với trải nghiệm ghét bỏ đó thì sự vui sướng đó chỉ là khổ đau bởi nó chỉ như một sự vui thích giả tạm mà thôi. Người ghét bạn sẽ gọi sự thù ghét đó là “niềm vui”, nhưng nó chỉ là khổ đau.
Vấn đề ở đây là họ có để ý thấy điều đó hay không. Đó là lý do thứ hai tại sao người ghét bạn là đối tượng cần được yêu thương.
Lý do thứ ba là vì cô ấy/ anh ấy, chỉ như bạn, cũng như trải qua “khổ đau của khổ đau” (khổ khổ - ND)[1] - đó là tái sinh, già, bệnh, chết, chia lìa khỏi những gì ưa thích, phải gần với những gì không thích và vô số những vấn đề rắc rối của cuộc sống con người. Con người đó đầy rẫy những khổ đau!
Và đỉnh cao nhất của mọi khổ đau, vượt lên cả sự ảo tưởng, người ghét bạn sẽ tạo ra nghiệp mà sau này chính họ phải chịu đựng – tái sinh lại một lần nữa trong cõi luân hồi.
Sau đó, nếu bạn không thực hành hạnh nhẫn nhục đối với chính sự giận dữ đó, không gieo trồng tình yêu thương cho con người đang phải khổ đau đó mà lại giận dữ với họ, báo thù lại sự giận dữ đó thì bạn đang đẩy họ về phía tạo nên nhiều nghiệp quả có hại hơn. Bạn đang ném anh ta hay cô ta xuống những cõi thấp kém và khổ đau hơn.
Khi bạn suy ngẫm về tất cả những điều này, chẳng có lựa chọn nào là thực cả: Bạn cần phải cảm thấy thương yêu với mỗi người – ngay cả những người là kẻ thù của bạn!
Nếu một hành động làm hại bất kỳ chúng sinh nào, ngay cả đó là kẻ thù của bạn, cũng làm hại bạn.
Khi một ai đó ghét hay đối xử tồi tệ với bạn, khi một ai đó là kẻ thù của bạn, bạn đã có một cơ hội tuyệt vời để thực hành đức nhẫn nhục và nhờ đó phát triển tuệ giác của mình bằng con đường đầy trí tụê và từ bi. Nếu không có sự xuất hiện của người ghét bạn, bạn chẳng có cơ hội này.
Nếu người nào đó yêu bạn, nếu người nào đó chỉ luôn đối xử với bạn như cách bạn mong muốn, bạn sẽ chẳng bao giờ có cơ hội phát triển lòng kiên nhẫn để gieo trồng tình yêu thương người khác trong tâm và thực sự mang hạnh phúc đến cho mọi chúng sinh.
Người ghét bạn là người tạo cho bạn cơ hội thực hành nhẫn nhục và mang bạn đến những lợi ích vô biên. Vì thế, như tôi khẳng định, bạn có thể thấy bạn rất cần sự nhẫn nhục cũng như tình yêu thương nữa, người đang giận dữ với bạn thực sự đang rất tốt bụng với bạn đấy.
Suy nghĩ về tình yêu thương đặc biệt này từ kẻ thù của mình, bạn có thể trân trọng họ từ sâu thẳm trái tim mình.
Khi chẳng còn giận dữ ở bên trong thì chẳng có kẻ thù ở bên ngoài.
Nếu chúng ta giận dữ với một ai đó, suy nghĩ rằng họ đã hại ta, chúng ta có thể thấy họ như kẻ thù của mình. Nhưng nếu chúng ta nhìn thấy họ với trí tuệ, chúng ta sẽ không xem họ như kẻ thù mà là một người bạn tốt đang kiên nhẫn dạy chúng ta bài học về nhẫn nhục. Nếu giận dữ, chúng ta sẽ có không biết bao nhiêu là kẻ thù ở bên ngoài. Nếu chẳng có sự giận dữ ở trong mỗi người thì cũng chẳng có kẻ thù bên ngoài nào dù là người chỉ trích, ám hại hay giết chết ta.
Ngay cả những người ghét bạn cũng là đối tượng của tình yêu thương.
Chỉ cần nhận thức được rằng con người phải chịu bao nhiêu khổ đau – ngay cả khi người đó là kẻ thù của chúng ta – thì cũng đủ để chúng ta khởi lên tình yêu thương với họ. Và ngay khi điều này xảy ra, bạn cần trau chuốt tình yêu thương dành cho kẻ thù của mình bằng những suy nghĩ tương tự như khi bạn nghĩ về mọi người trong thành phố của bạn và mọi người trên trái đất này.
Khởi lên tình yêu thương cho tất cả mọi người; bản chất của khổ đau của họ, của những ảo tưởng là giống nhau. Mỗi người đều tự nhốt mình vào chính nhà tù do họ tạo ra. Cảm nhận rằng tình trạng của họ là không thể nào chịu đựng được, bạn muốn làm điều gì đó cho họ. Sau cùng thì bạn sẽ chẳng cảm thấy thoải mái nếu bạn không làm gì cho họ. Có phải không nào?
Lama Zopa Rinpoche
[1] Đạo Phật chia nỗi khổ đau thành 3 loại là khổ khổ, hoại khổ và hành khổ.
Theo: Cuốn sách “Hạnh phúc chân thực” - NXB Phương Đông (PTVN)
[1] Đạo Phật chia nỗi khổ đau thành 3 loại là khổ khổ, hoại khổ và hành khổ.
Theo: Cuốn sách “Hạnh phúc chân thực” - NXB Phương Đông (PTVN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét