Đêm qua bị mất ngủ? Các nhà khoa học khuyên bạn không nên... ngủ bù tối nay

Sau một đêm thức trắng hay ngủ muộn, nhiều người sẽ cho rằng nên ngủ sớm vào ngày hôm sau để "bù" lại những gì đã mất, thế nhưng điều này hoàn toàn sai lầm.



Ngủ sớm hơn sẽ là điều đầu tiên bạn nghĩ đến khi cảm thấy mệt sau một đêm không yên giấc, nhưng theo một nghiên cứu mới, đó lại là điều cuối cùng nên làm.
Danh sách những thứ khiến bạn ngủ không ngon rất dài: xem smartphone, uống rượu bia trước khi ngủ, nghĩ đến những điều không hay khi nằm trên giường, v.v. Bây giờ danh sách này cần bổ sung thêm một điều nữa: Nếu bạn ngủ không ngon vào tối qua, thì tối nay đừng đi ngủ sớm.


Nghiên cứu được trình bày tại hội thảo SLEEP 2016 (cuộc gặp thường niên của Viện Hàn lâm Y học về Giấc ngủ Hoa Kỳ và Hiệp hội Nghiên cứu Giấc ngủ) thì những người đi ngủ sớm, ngủ dậy muộn (ngủ nướng) hay ngủ trưa để bù lại cho một (hay nhiều) đêm mất ngủ nhiều khả năng sẽ biến bệnh mất ngủ cấp tính (mất hơn 30 phút để chìm vào giấc ngủ, diễn ra từ 3 lần trở lên/tuần, kéo dài trong ít nhất 2 tuần) của mình trở thành kinh niên.
Các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn 500 người “ngủ tốt” (tức trung bình họ mất ít hơn 15 phút để chìm vào giấc ngủ) và theo dõi họ trong 12 tháng, rồi yêu cầu họ điền vào nhật ký hàng ngày cũng như trả lời các câu hỏi về giấc ngủ của mình.
Đến cuối năm, 20% những người tham gia bị mắc chứng mất ngủ cấp tính ở mức độ nào đó, và trong số đó có 48% tiếp tục phải vật lộn với chứng mất ngủ từng chập, 7% bị mất ngủ kinh niên và 45% còn lại thì ngủ tốt như cũ.
Vậy điểm khác biệt giữa những người hồi phục được và những người bị mất ngủ trầm trọng thêm? Đó chính là việc cố gắng “bù trừ” cho thời gian thiếu ngủ.
Theo tiến sĩ Michael Perlis, tác giả của nghiên cứu, thì vấn đề xảy ra với việc ngủ thêm là có thể bạn sẽ thấy thoải mái ngay lập tức nhưng lại làm rối loạn hệ thống giấc ngủ của cơ thể. Nghĩa là, nếu bạn bị căng thẳng và chỉ ngủ được 6 tiếng đêm qua, bạn quyết định sẽ ngủ sớm lên 2 tiếng, thì chắc chắn bạn sẽ vẫn chỉ ngủ được có 6 tiếng mà thôi, và thức trắng trong 2 tiếng còn lại.


Thay vào đó, cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là “không làm gì cả. Không ngủ nướng, không ngủ trưa, và không đi ngủ sớm”. Theo Perlis, “Mất ngủ cấp tính sẽ tự mất đi sau 3 đến 5 ngày nếu bạn không làm gì cả. Nếu bạn kéo dài giấc ngủ của mình, có thể bạn sẽ bị mất ngủ suốt đời”.
Không làm gì có thể sẽ như thế này: Nếu bình thường bạn ngủ từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng, nhưng mất đến 1 tiếng để chìm vào giấc ngủ hoặc bị tỉnh giấc trong khoảng từ 1 đến 2 giờ sáng, thì bạn vẫn nên thức dậy lúc 6 giờ sáng và ngủ đúng 10 giờ tối vào đêm tiếp theo. Hãy giữ vững giờ ngủ như cũ cho đến khi mọi việc trở lại bình thường.
Chúng ta đều hiểu rằng trong ví dụ này, “không làm gì” thực ra rất khó, vì thế nếu bạn không thể ngăn mình ngủ nướng hoặc không cưỡng lại được giấc ngủ trưa, thì đây là một giải pháp: Nếu bạn ngủ nướng vào buổi sáng hoặc chợp mắt khoảng một tiếng vào buổi trưa hôm vừa mất ngủ, thay vì đi ngủ lúc 10:00 tối, hãy đi ngủ lúc 11:00 tối hoặc lý tưởng hơn, 11:15 hay 11:30 tối, sau đó thức dậy lúc 6h sáng hôm sau.
Hãy áp dụng ngay và hy vọng rằng bạn lại có những giấc ngủ ngon như lúc trước.
Đinh Vân

Theo Trí Thức Trẻ/Huffington Post

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét