Lão tử nói:
“Tri túc bất nhục, Tri chỉ bất đãi”.
Nghĩa là: Biết đủ không bị nhục, biết ngừng không bị nguy.
Không họa nào lớn bằng không biết đủ. Không hại nào to bằng lòng ham muốn. Những kẻ đua đòi thường bị khổ đau.
Ngoại trừ thiên tai đại họa do trời đất tạo ra, họa tai trên đời này đều do lòng tham của con người gây nên. Tham tiền tài, danh vọng, địa vị, khoái lạc... vì thế mới sinh ra cãi cọ, tranh chấp, ấu đả, thù oán, chiến tranh... xảy ra từ trong gia đình ra xã hội bên ngoài.
Người có lòng tham thường bị mắc lưới của dục vọng, mờ lý trí, vướng đam mê nên tâm hồn luôn bị dao động mới sinh ra ảo tưởng, mê muội, lầm đường lạc lối mà cứ tưởng rằng sắp đến thiên đường!
Người có lòng tham thường bị mắc lưới của dục vọng, mờ lý trí, vướng đam mê nên tâm hồn luôn bị dao động mới sinh ra ảo tưởng, mê muội, lầm đường lạc lối mà cứ tưởng rằng sắp đến thiên đường!
Người khôn ngoan biết giữ cho tâm hồn được bình thản, trí mới sáng để phân biệt đâu là lý chánh, đâu là lẽ tà thì sẽ vượt qua cơn mê muội. Thầy cho cẩm nang, bên trong có sáu chữ “Biết đủ, biết ngừng, không tranh” để ứng dụng vào cuộc sống thì con sẽ thấy chân hạnh phúc.
*****
Long mạch
Phàm vật gì có nhánh nối liền với nhau gọi là mạch. Mạch máu từ tim con người đẩy ra gọi là động mạch, mạch máu chảy trở về tim gọi là tĩnh mạch, các đường gân trên lá cây gọi là diệp mạch. Long là rồng, các nhà địa lý ngày xưa gọi những dãy núi đồi nối liền nhau hoặc các dòng sông có các con sông nhỏ chằng chịt uốn lượn như con rồng là long mạch.
Sơn long
Sơn mạch hay sơn long là núi đồi nối dài, xuất phát từ ngọn núi chính cao lớn hơn các núi khác (tổ sơn). Núi chính kế cạnh tổ sơn gọi là hành long. Từ hành long những dãy núi nối dài ra thêm gọi là cán long và các nhánh núi đồi nhỏ rẽ ra kéo dài thêm gọi là bàng long.
Nếu thuận theo chiều nước chảy gọi là thuận long. Nếu ngược chiều nước chảy gọi là nghịch long hay hồi long. Nếu vắt ngang qua chiều nước chảy từ trên xuống gọi là hoành long.
Thủy long
Thủy mạch còn được gọi là thủy long, là mạch nước xuất phát từ nơi cao đầu tiên (tổ long) chảy theo các sơn long, khi thành các con sông lớn gọi là cán long, từ sông lớn chảy qua các con sông nhỏ đổ ra biển hoặc chảy rẽ vào các con rạch gọi là chi long. Như sông Cửu long là cán long, chín nhánh nhỏ đổ ra biển là chi long.
Huyệt
Huyệt là hang, người xưa đào hang để ở gọi là huyệt cư, hố chôn người chết gọi là huyệt mộ. Cái lổ hay các chỗ quan trọng trong thân thể con người cũng được gọi là huyệt. Nếu huyệt vị của cơ thể con người thông với kinh lạc, thì huyệt vị của phong thủy thông với sinh khí của long mạch. Theo thuật ngữ phong thủy thì huyệt là chỗ khí của sơn long hoặc thủy long hội tụ, là nơi cát lợi để xây dựng nhà cửa hoặc táng mộ.
Minh đường
Minh đường là cuộc đất bằng phẳng trước huyệt, là nơi sông núi vây quanh nên sinh khí tụ hội. Ngày xưa minh đường là nơi vua cùng bá quan văn võ triều bái thiên địa mỗi khi có lễ lớn. Minh đường trước huyệt gọi là nội minh đường, minh đường trong long hổ sơn gọi là trung minh đường và minh đường trong án sơn gọi là ngoại minh đường. Minh đường hẹp thì huyệt ở nơi thấp, minh đường rộng thì huyệt ở chỗ cao.
Tầm long
Tầm long là phép tìm kiếm long mạch ngoài đất trống, như cụ Tả Ao (người được xem là ông tổ địa lý của Việt Nam) chỉ rõ:
“Chẳng qua ra đến ngoài đồng,
Tỏ mạch, tỏ nước, tỏ long mới tường”.
Và học giả Cao Trung (qua hằng chục năm nghiên cứu sách địa lý của cụ Tả Ao) giải thích rõ như sau:
“Long mạch là mạch đất bên trong có chứa khí mạch, giống như trong cành cây có chứa nhựa cây, nó có thể chạy qua những dãy đồi núi cao, cũng có thể đi rất thấp, luồn qua sông qua suối, thậm chí qua biển, rồi đột ngột nhô lên với những thớ đất lắm khi uốn lượn sà sà trên mặt ruộng như hình con rồng đang cuộn mình vươn tới để ôm chầu vào một huyệt đất nào đó (gọi là long nhập thủ).
Nơi đó có thể hạ huyệt chôn cất, hoặc cải táng mồ mả cha ông để con cháu đời sau phát vương, phát tướng, phát trạng, phát tài lộc phú quý. Trước huyệt kết có đất nổi lên cao che chắn (gọi là án), hoặc có gò bao quanh kết hình ấn kiếm, ngựa voi, chiêng trống (gọi là sa)”.
Trong cuốn Tả Ao địa lý toàn thư ghi rõ muốn tầm long cần phải biết: “Thái tổ sơn của toàn thể các cuộc đất xuất phát từ dãy Himalaya, phải biết Minh đường là nơi nước tụ trước huyệt để nuôi khí lành, biết Thanh long là thế đất bên trái huyệt và Bạch hổ là thế đất bên phải của huyệt, cả hai ôm chầu vào huyệt kết, biết về long sinh (mạch sống động như mãng xà vương đang phóng tới), long tử (mạch nằm ngay đơ như chiếc đũa tre), long cường (mạch nổi to như sóng lớn), long nhược (mạch lặng lờ như sóng nhỏ lăn tăn)”.
Huyền thoại
Trong phần Địa đạo diễn ca, cụ Tả Ao mô tả về huyệt đất phát quan:
"Muốn cho con cháu nên quan,
Thì tìm Thiên mã phương Nam ứng chầu.
Muốn cho kế thế công hầu,
Thì tìm chiêng trống dàn chầu hai bên”.
Còn đất phát đến vương giả thì cụ viết rằng:
“Ngũ tinh cách tú chiều nguyên,
Kim Mộc Thủy Hỏa bốn bên loan hoàn.
Thổ tinh kết huyệt trung ương,
Ấy đất sinh Thánh sinh Vương đời đời”.
Đất kết là thuật ngữ để chỉ nơi có sinh khí tụ lại trong khoa phong thủy. Người xưa quan niệm ở những nơi có đất kết, nếu đặt tro cốt của ông bà, tổ tiên vào đó thì do vượng khí của đất đai, tro cốt sẽ lâu mục nát và sẽ phát phúc cho con cháu.
Mức độ kết phát của đất tới đâu lại tùy thuộc vào các yếu tố tổng thể của cả cuộc đất. Có đất phát giàu có tiền tài, có đất phát quan tước công hầu khanh tướng và cao nhất là đất phát vua chúa. Do đó, các vua chúa Trung Hoa rất xem trọng khoa này, họ còn đem áp dụng cả vào trong việc ngoại trị. Một trong những ví dụ điển hình là việc vua nhà Đường sai Cao Biền sang trấn yểm các long mạch của nước Việt.
Ngược dòng lịch sử, từ đầu công nguyên cho đến đầu thế kỷ 10, nước Việt bị người Hán đô hộ, họ xem đất Việt là quận huyện và đưa quan lại sang cai trị. Nhưng người Việt lại không chịu khuất phục, mà luôn tìm cách nổi dậy chống đối giành độc lập.
Chính vì thế, các triều đại từ nhà Hán đến nhà Đường đều tin rằng, sở dĩ người Việt không chịu khuất phục mà liên tiếp nổi dậy là vì đất Việt có nhiều huyệt kết nên sinh ra nhiều anh hùng. Để diệt tận gốc mầm mống chống đối, họ đã nghĩ đến chuyện triệt âm phần bằng khoa Địa lý Phong thủy. Đó chính là sứ mệnh mà Đường Trung Tông giao phó cho Cao Biền làm An Nam đô hộ sứ sang cai trị nước Việt.
Nội dung sự việc được tập Phong thủy địa lý Tả Ao - Địa lý vi sư pháp của Vương Thị Nhị Mười ghi chi tiết: “Thời vua Đường Trung Tông đổi tên nước ta là An Nam đô hộ phủ và phong Cao Biền làm An Nam đô hộ sứ sang cai trị. Trước khi Cao Biền sang nhậm chức, nhà vua cho triệu vào ngự điện và nói: Khanh học địa lý tối vi tinh diệu, trẫm nghe An Nam có nhiều quý địa, kết phát tới Thiên tử, sản xuất ra nhiều nhân tài, anh kiệt nên luôn luôn nổi lên chống đối. Qua đó khanh nên tường suy phong thủy, kiến lãm sơn xuyên và làm tờ biểu tấu kèm theo lời diễn ca các kiểu đất bên An Nam gửi ngay về cho trẫm xem trước rồi ở bên đó khanh đem tài kinh luân, đoạt thần công, cải thiên mệnh, trấn áp các kiểu đất lớn đi, đó là cách nhổ cỏ thì nhổ cả gốc, để tránh hậu hoạn sau này”.
Sang đất Việt, Cao Biền đi xem xét các cuộc đất lớn nhỏ. Dân gian truyền rằng Cao Biền ngày ngày cưỡi chim thần đi xem xét phong thủy. Theo tài liệu của Vương Thị Nhị Mười thì Cao Biền dùng gỗ và da chế một con diều rồi ngồi trên con diều đó và có người kéo lên cao.
Theo như tài liệu của Vương Thị Nhị Mười thì năm 1427, đức Lê Lợi công phá thành Đông Quan bắt được Hoàng Phúc (Thượng thư bộ Công của nhà Minh) tịch thu đươc một tập sách mang tên Cao Biền địa lý tấu thư kiểu tự, chứng minh việc Cao Biền sang trấn yểm địa lý đất Việt là có thật.
Sở dĩ Hoàng Phúc có tập sách này là do vua Minh trao cho với nhiệm vụ xét duyệt lại xem còn huyệt lớn nào mà Cao Biền chưa yểm thì yểm luôn. Âm mưu của nhà Minh là làm sao cho Đại Việt không thể nào sản sinh ra được những anh hùng như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo (những người đã gây khó khăn cho cuộc Nam tiến) để Đại Việt trở lại thành quận huyện của Tàu như mấy trăm năm trước.
Tập Cao Biền địa lý tấu thư kiểu tự có viết đến 632 huyệt chính, cùng 1517 huyệt bàng, từ Ninh Bình trở ra (thời Đường, lãnh thổ nước Việt chỉ mới vào đến khu vực này). Những kiểu đất này đều là đất phát anh hùng hào kiệt, văn thì đến Tam khôi Trạng Nguyên, võ thì đến Quận công, danh tướng. Tổng cộng là hơn 2000 cuộc đất quý.
Ngoài ra, Cao Biền còn một bản tấu khác tên là Cao Biền tấu thư cửu long kinh. Bản tấu này đề cập đến 27 ngôi đại địa có thể phát đến đế vương ở đất Việt. Trong 27 ngôi đất này có những cuộc đã kết phát rực rỡ như cuộc đất ở Tức Mặc (Nam Định) đã tạo nên một thế hệ Trần triều hiển hách và cuộc đất ở Cổ Pháp kết phát triều đại nhà Lý.
Về nhiệm vụ trấn yểm long mạch, dân gian còn lưu truyền nhiều câu chuyện khác, trong đó có chuyện Cao Biền yểm thành Đại La và yểm thánh Tản Viên. Cả hai lần Cao Biền đều thất bại. Tuy nhiên, theo các thầy địa lý phong thủy cho rằng, thời gian trấn nhậm của Cao Biền chỉ trong khoảng chục năm, lại còn bận bịu việc chính trị thì sao có thể yểm hết được các cuộc đất kết của một vùng rộng lớn. Chỉ tính từ Ninh Bình trở ra mà đã có tới 27 cuộc đất kết Đế vương, hơn 2000 cuộc kết công hầu khanh tướng. Ngày nay lãnh thổ nước Việt đã vượt qua Ninh Bình rất xa vào phía Nam với một đại cán long nữa là dãy Trường Sơn, Thất Sơn và Cửu Long thì hẳn nhiên nước Việt phải thêm hàng ngàn cuộc đất quý nữa.
Các nhà địa lý nói rằng nhờ vào những quý địa đó mà sản sinh ra các anh thư hào kiệt để dựng nước và giữ nước suốt chiều dài mấy ngàn năm lịch sử. Mặc dù bị Cao Biền trấn yểm, khắp Việt Nam vẫn còn hàng ngàn ngôi đất kết phát có thể sản sinh ra nhân tài anh kiệt xuất chúng. ...
Vô Chiêu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét