Đi lễ chùa đã là một truyền thống gắn liền với tín ngưỡng tâm linh sâu sắc của người Việt. Tuy nhiên đứng trong chốn linh thiêng đó, người ta nên cầu gì? Cầu tiền tài, may mắn, danh vọng? Cầu duyên? Cầu sức khỏe, bình an? Hay cầu cho người khác?
1- Nếu là cầu sức khỏe, bình an
- Theo lý nhân quả và niềm tin vào sự luân hồi thì con người ta gặp chuyện không may đều là để hoàn trả những oan nợ đã làm từ một hay nhiều kiếp trước, sau khi hoàn trả và chịu khổ rồi thì người ta mới có được phúc phận. Vậy có thể nói một người luôn sống thoải mái cả cuộc đời, thì phải chăng họ sẽ hiếm có cơ hội tiêu trừ những ác nghiệp? Phải chăng điều chờ đợi họ sẽ là oan nợ chất chồng, là đại nạn khó thoát?
2- Nếu là cầu tiền tài, may mắn, danh vọng
- Cả cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dẫn dắt các đệ tử của ngài đi xin ăn, đi hóa duyên, yêu cầu họ vứt bỏ hết những tâm đeo bám vào tiền tài danh vọng. Ngài dạy cho họ biết buông bỏ, biết cách tu hành, để rồi thật sự đạt được trí huệ cao hơn. Vậy thì những lợi ích phàm tục này có phải là những gì Đức Phật sẽ cấp phát để con người ham muốn tới u mê?
3- Nếu là cầu duyên
- Theo lý nhà Phật thì duyên cũng thật không phải thứ có thể cưỡng cầu. Chưa nói đến tình duyên, mà thậm chí là duyên cha mẹ, duyên con cái, có khi chỉ gói gọn trong một kiếp này. Có ai là mang theo được cái duyên ấy? Đức Phật hướng con người ta đến sự giải thoát khỏi cõi luân hồi, cũng chính là thoát khỏi những duyên nợ ân oán.
Vậy thì làm sao Phật có thể ban duyên cho người ta? Điều ấy có lẽ cầu Nguyệt lão se tơ hồng nghe ra còn hợp lý, nhưng không có cái phúc phận ấy thì cũng không thể nào toại nguyện. Một điều nên nhớ, cho dù cầu dược cái duyên hạnh phúc đi nữa, thì trong cái duyên hạnh phúc đó đã ẩn tàng sự khổ mất mát trong tương lai, vì bản chất của duyên là tụ tán vô thường vậy.
4- Nếu là cầu cho người khác
Cũng có người chẳng cần gì cho bản thân, nhưng lại muốn cầu cho người khác, hàm ý rằng cái tâm ấy là “vì người khác”. Nhưng “người khác” ấy thường thì là con cái, cha mẹ, anh chị em, cũng là cái tâm hướng tới người thân, chứ ít có ai thật sự cầu cho “người khác” cả.
Vậy thì người xưa cầu gì?
Người xưa đến lễ Phật là mang theo cái tâm kính ngưỡng Phật, mong muốn chiểu theo những gì Phật dạy mà làm. Người mộ Đạo đến cầu chân lý, bày tỏ cái tâm không sợ khó, không sợ khổ, chỉ một lòng mong được đắc độ.
Người bình thường cũng nhân dịp lễ Phật mà ăn năn trước những tội lỗi của mình, và cầu xin có cơ hội được hoàn trả sai trái, làm việc tốt, hành thiện giúp đời. Ngày nay người đến lễ Phật mấy ai sám hối ăn năn? Lại càng ít người có cái tâm cầu Đạo.
Năm mới đến cùng với những hy vọng mới, những kỳ vọng mới, những khát vọng mới. Nhưng mong rằng trong dịp năm mới này, người đi chùa sẽ không đến chỉ vì tài, vì lộc, vì duyên, cũng đừng chỉ nhấn mạnh vào sức khỏe, bình an, mà quên đi những chân lý mà Phật dạy – Đó là sự ăn năn, là thiện niệm, là lẽ nhân quả, là từ tâm đối với hết thảy mọi điều.
Theo: trithucvn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét