Lõm Bõm Học Phật “Ngày nào còn một chúng sanh…”

Ngày nào còn một chúng sanh…, thì tôi nguyện không thành Phật”.
Đó là lời thệ nguyện của một vị Bồ-tát. Mà có lẽ cũng là của tất cả các vị Bồ-tát trên con đường Phật đạo.
Ngày nào còn một chúng sanh… nghĩa là Bồ-tát muốn thành Phật thì phải “độ” cho hết tất cả các “loài”chúng sanh vào Niết bàn sạch trơn mới xong. Bồ-tát phải giúp cho vô lượng vô số vô biên chúng sanhđược… diệt độ mà thiệt ra chẳng có chúng sanh nào được diệt độ cả! (Kim Cang).

Bởi “Bồ-tát mà còn cóngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng thì chẳng phải Bồ-tát” (Kim Cang).
Vậy chúng sanh là gì mà ngày nào còn một chúng sanh thì Bồ-tát chưa thể thành Phật? Chúng sanh làmọi người trên hành tinh này ư? Là mọi loài sinh vật, cỏ cây, muôn thú ư? Vậy đưa hết chúng sanh vàoNiết bàn thì ta…thành Phật để chi? Bởi ước nguyện thành Phật là để mang lại hạnh phúc, an lạc, giải thoát cho mình và cho chúng sanh kia mà! Kim Cang nói rõ : “chúng sanh không phải là chúng sanhnên gọi là chúng sanh” (chúng sanh tức phi chúng sanh thị danh chúng sanh). Nghe thiệt điếc con ráy! Nhưng điếc con ráy là tại ta hiểu lầm thôi, chớ chúng sanh ở đây chỉ có nghĩa là những gì do nhiều (chúng) yếu tố tạo thành (sanh) thì gọi là chúng sanh. “Tùy chúng duyên nhi sanh”. Tùy nhiều yếu tố, nhiều điều kiện “duyên” với nhau mà thành thì gọi “chúng sanh” vậy thôi.
Carbon (C), Hydrogen (H) và Oxygen (O), dưới những điều kiện nhiệt độ nào đó, áp suất nào đó và vớitác dụng của một enzym nào đó thì kết hợp với nhau, có khi thành đường, có khi thành dấm, có khi thành rượu… Đường, dấm, rượu là những “chúng sanh” do duyên sanh vậy. Một lời nói xúc phạm của ai đó làm ta nổi cơn thịnh nộ, lúc đầu lời qua tiếng lại, lát sau động tay động chân, cũng sẽ tạo ra vô lượng vô số vô biên… “chúng sanh” đó thôi! Lòng tham, nỗi giận, sự si mê đều là những chúng sanh dắt díu nhau xuất hiện trong ta. Tà kiến, kiêu căng, ngạo mạn… đều là những chúng sanh. Và dĩ nhiên bản thân ta cũng là một “chúng sanh” vì được tạo nên từ tứ đại, ngũ uẩn. Bởi thế phải “hành thâm Bát Nhã” để đạt đến trạng thái “ngũ uẩn giai không” thì mới thoát mọi khổ đau ách nạn (Tâm kinh).
Những giận dữ, những tham luyến, những si mê, phiền não mà được đưa vào Niết bàn (tịch diệt) sạch trơn thì khỏe quá đi chớ.
Chúng sanh đầy dẫy trong tâm ta. Nó không từ ngoài vào. Nó từ tâm mà ra.Cho nên Lục tổ Huệ Năngkhuyên:
“Thức tự tâm chúng sanh
Kiến tự tâm Phật tánh ”,
còn Phật hoàng Trần Nhân Tông thì dạy:
“Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”.
Tất cả đều do “duyên” mà sanh. Do “phan duyên” mà dắt díu, tạo nên vô lượng vô số vô biên chúng sanh mà gây bao phiền não.
Và, như thế, Bồ-tát nguyện “ngày nào còn một chúng sanh… quyết không thành Phật” là có lý quá chớ!

Đỗ Hồng Ngọc


(Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 263, ngày 15.12.2016)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét