Chứng kiến cảnh 3 cô con gái từ chối trả nợ giúp mẹ, người con dâu đành đứng ra nhận trách nhiệm đó. Nhưng cô không ngờ được tình huống nảy sinh khi mang tiền đi trả cho chủ nợ.
Câu chuyện được đăng tải trên trang ntdtv.com (Trung Quốc) là lời nhắn nhủ đến những người làm con, đến đạo lý sống cơ bản, đến cái giá của sự tử tế… mà mỗi người đều nên đọc.
Nội dung câu chuyện như sau:
Chồng bà cụ qua đời từ sớm để lại cho bà 1 cậu con trai và 3 cô con gái. 5 mẹ con nương tựa vào nhau sống qua ngày. Vì chăm lo cho các con nên bà vất vả tối ngày, cuối cùng cũng nuôi được các con trưởng thành khôn lớn.
Vài năm nay, 4 người con của bà lần lượt yên bề gia thất, vậy là tạm yên tâm, bà không còn mối lo lắng nào quá lớn nữa, cũng đã đến lúc bà được hưởng phúc của con cháu rồi.
Thế nhưng tại họa bất ngờ ập xuống. Trong một lần ra ngoài uống rượu với bạn, vì uống say nên trên đường trở về, không biết đi thế nào anh ngã xuống một cái hồ và chết đuối.
Nghe tin dữ, bà gục ngã, sau một đợt bệnh nặng, bà nằm liệt giường, không thể đi lại như trước. Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, trong thời gian ngắn, bà tiều tụy đi trông thấy.
Ảnh minh họa.
Vì bà nằm liệt một chỗ, không thể tự chăm sóc mình nên ba cô con gái và người con dâu phải bàn việc chăm sóc mẹ ra sao. Thế nhưng, trái với lẽ đời, cả 3 cô con gái đều đùn đẩy, viện cớ mình bận mà thoái thác trách nhiệm chăm sóc mẹ.
Lúc đó, người con dâu đành nói, vậy thì mỗi người chăm mẹ một ngày, 3 cô con gái thấy nàng dâu nói vậy, không còn cách nào khác, đành phải đồng ý.
Vốn đã thỏa thuận mỗi người chăm mẹ một ngày nhưng đến ngày 3 cô con gái phải chăm mẹ, họ không bận đi đánh mạt chược, đi mua sắm thì cũng bận việc nọ việc kia, chẳng ai đến thăm nom, chăm sóc cho mẹ già.
Nhìn cảnh tượng đó, người con dâu chỉ thở dài, một mình lo cho mẹ chồng. Cả ngày, cô chẳng đi đâu, chỉ loanh quanh ở nhà lo việc ăn uống, thay giặt, chăm sóc cho bà từng ly từng tí.
Chẳng mấy mà vài tháng đã trôi qua. Tình trạng của bà cụ ngày càng xấu, nằm trên giường, bà thở từng hơi khó nhọc.
Thấy vậy, người con dâu vội vã gọi điện cho các cô con gái của bà đến. Khi đó, bà cụ mới nói: “Mẹ vẫn còn một khoản nợ 20.000 nhân dân tệ (NDT), các con đứa nào giúp mẹ trả nốt khoản nợ đó nhé.”
Cả 3 cô con gái đều lắc đầu nói: “Con không có tiền, con cũng không có tiền”. Nghe vậy, cô con dâu đành nói: “Mẹ, để con trả cho mẹ”.
Bà cụ nặng nhọc gật đầu, nói: “Đợi mẹ đi rồi, con đến tìm ông Trương hàng xóm trả nợ cho ông ấy, như vậy mẹ sẽ không con gì phải tiếc nuối, hối hận nữa”.
Nói xong, hai mắt bà từ từ nhắm lại, trút hơi thở cuối cùng.
Lo xong hậu sự cho mẹ, người con dâu ra ngân hàng rút tiền mang đi trả nợ cho mẹ.
Nhận số tiền trên, ông lấy ra một bức thư đưa cho cô con dâu: “Mẹ cháu sống thật vất vả. Số tiền này là năm đó bà ấy vay để lo cho mấy đứa con gái, không ngờ chúng nó lại để cháu trả. Bức thư này là vật thế chấp bà ấy đưa cho tôi khi vay tiền, nói là sau này ai đến trả tiền thì sẽ đưa cho người đó.”
Người con dâu mở bức thư ra xem, bên trong là một cuốn sổ tiết kiệm trong đó có 3 triệu NDT.
Câu chuyện này bỗng làm cá nhân tôi nhớ đến câu nói thâm thúy, sâu sắc của William Shakespeare: Khi cha cho con, cả hai đều cười; khi con biếu cha, cả hai cùng khóc.
Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, thế nên phận làm con, hãy đừng kể lể từng ngày nếu như cha mẹ già yếu cần chăm sóc, giúp đỡ.
Sống trên đời, sự vô ơn là điều đáng khinh nhất, thế nhưng kiểu vô ơn phổ biến và lâu đời nhất lại là sự vô ơn của con cái đối với cha mẹ. Thương thay cho những tấm lòng người làm cha mẹ!
Theo Soha
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét