Câu chuyện học tập suốt đời đáng kính nể của một người Nhật

Hàng triệu người già Nhật dù đã già, sức khỏe không còn tốt tiếp tục đi học rất nhiều kỹ năng và kiến thức mà họ cảm thấy yêu thích, không vì bất kỳ động cơ bằng cấp hay tiền bạc nào cả.
Ông Akimasa Takashi - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bạn nghĩ mình sẽ làm gì khi ở độ tuổi nghỉ hưu? Phần đông trong chúng ta sẽ nghĩ đến việc đi tham gia các câu lạc bộ tuổi già, đi du lịch hoặc làm công việc gì đó để nghỉ ngơi. Thế nhưng với người đàn ông Nhật Akimasa Takashi năm nay đã 67 tuổi, cuộc sống nghỉ hưu của ông lại dành cho mục tiêu khác ngoài tất cả những điều chúng ta thường nghĩ đến.
Trước đây, ông từng làm kỹ sư xây dựng nhiều năm, cuộc sống đi làm bận rộn kéo ông đi năm này qua năm khác. Ông thăng tiến qua từng dấu mốc quan trọng của sự nghiệp. Cho đến khi về hưu, ông cũng đã ở vị trí quản lý bậc trung với tài sản đủ lớn để trang trải cho cuộc sống của hai vợ chồng được sung túc khi về già. Ngày tháng nghỉ hưu rỗi rãi và nhàn hạ trôi qua bình yên.
Thế nhưng rồi không lâu sau đó, ông nghĩ rằng mình muốn làm điều gì đó ý nghĩa hơn cho cuộc đời. Vào năm 2013, khi chính phủ Nhật chính thức công bố sẽ đăng cai Thế vận hội Olympic năm 2020, ông đã quyết định đi học tiếng Anh để góp sức mình cho sự kiện quan trọng của nước Nhật.
Ngoài 60 tuổi, việc học hành một ngôn ngữ mới không hề dễ dàng đối với ông. Ông tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh, tự mua sách về nhà học hành chăm chỉ và cố gắng luyện nói tiếng Anh mọi nơi mọi lúc có thể. Thế nhưng sau hơn một năm, ông tự nhận thấy trình độ tiếng Anh vẫn chưa cải thiện nhiều. Ông quyết định sẽ phải ra nước ngoài học.
Những ngày hè nắng nóng tháng Tám của năm 2014 tại Malaysia, người ta nhìn thấy hai người già đã ngoài 60 tuổi chầm chậm dắt tay nhau đi trên đường. Thời tiết Malaysia nóng ẩm rất bức bách khó chịu ngay cả với người bản xứ nhưng không làm hai người già Nhật nản lòng. Trước đó ông đã bỏ số tiền không nhỏ để đăng ký khóa học tiếng Anh kéo dài 1 năm tại Malaysia.
Hai vợ chồng ông đã cùng nhau đi học tiếng Anh tại Malaysia như thế. Ông muốn học tiếng Anh để làm tình nguyện viên cho nước Nhật, bà không thích tiếng Anh nhưng bà ủng hộ ông làm những gì mình mơ ước. Cuộc sống của họ vẫn như ở Nhật, hàng ngày bà ở nhà nấu nướng, dọn nhà, hoặc đi mua sắm loanh quanh rồi chờ ông về.
Nếu như ngày xưa ông trở về nhà sau nhiều buổi làm căng thẳng, hai vợ chồng có khi cũng không nói chuyện với nhau quá nhiều vì ông đã quá mệt mỏi thì những ngày ở Malaysia lại hoàn toàn khác. Ông trở về sau buổi học tiếng Anh, được giao tiếp với nhiều bạn bè đến từ nhiều quốc gia khác nhau, ông vui và bà cũng chia sẻ niềm vui với ông.
Thế nhưng cuộc sống học tiếng Anh ở Malaysia cũng có cản trở nhất định. Tiếng Anh không phải ngôn ngữ thứ nhất, cũng không phải ngôn ngữ thứ hai mà chỉ được coi như ngôn ngữ được sử dụng nhiều. Vì vậy, ông cũng không thực sự được sống trong môi trường nói tiếng Anh hoàn toàn như mình mong muốn. Kỹ năng của ông dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đủ để nói trôi chảy như ông kỳ vọng.
Chính vì vậy tiếp sau đó, ông đăng ký tiếp một khóa học tiếng Anh một năm ở Philippines. Và ông thực sự hài lòng ở Philippines, nơi tiếng Anh được sử dụng làm ngôn ngữ chính trong giao tiếp tại tất cả các địa điểm công cộng cũng như cuộc sống thường ngày.
1 năm ở Philippines, trình độ tiếng Anh cả nói và viết của ông đã cải thiện rất nhiều. Quay trở về Nhật, ông thi TOEIC và đạt được số điểm 850, mức điểm khá cao, đặc biệt ở tuổi như ông. Và ông đã tự tin đăng ký làm tình nguyện viên cho Olympic 2020.
Sau khi đăng ký và một số vòng phỏng vấn kiến thức, tiếng Anh, ông đã được nhận chiếc thẻ tình nguyện viên hướng dẫn cho du khách trong sự kiện Olympic 2020. Để có thể trở thành hướng dẫn viên tình nguyện như vậy là khoản đầu tư tiền bạc, công sức, thời gian rất lớn suốt 3 năm trời của cả hai vợ chồng ông.
Ông cảm thấy rất hạnh phúc khi được góp một phần công sức vào sự kiện lớn của nước Nhật. Khi được hỏi tại sao ông làm như vậy, ông chỉ trả lời một câu đơn giản: “Tôi yêu nước Nhật”.
Tinh thần học hành như ông Akimasa Takashi dù ở tuổi gần 70 có thể không mấy phổ biến ở nhiều nước khác nhưng ở Nhật không khó để tìm thấy. Người già Nhật học với tình yêu thực sự dành cho kiến thức, kỹ năng mới, họ không quan tâm đến việc học để kiếm tiền hay hưởng lợi gì từ việc học.
Kết quả thống kê năm 2007 của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật (MEXT) cho thấy khoảng 90% sinh viên đại học Nhật dưới 24 tuổi, số lượng sinh viên nhiều tuổi rất ít. Thế nhưng điều đó không nói lên rằng người Nhật không đi học khi họ đã có tuổi.
Cũng theo Bộ Giáo dục Nhật, từ năm 2007, nước Nhật đã có gần 13 nghìn trung tâm cộng đồng và 230 nghìn lớp học với sự tham gia của hơn 10 triệu người, trong đó chủ yếu người già, số người tham gia tăng đều qua các năm.
Theo lý giải của Bộ Giáo dục Nhật, chính phủ Nhật muốn mang đến cơ hội học hành cho tất cả mọi người thuộc mọi tầng lớp, lứa tuổi trong xã hội, tăng cường tinh thần cộng đồng và khuyến khích thêm nhiều người tham gia vào các hoạt động xã hội.
Các lớp học kỹ năng, kiến thức được tổ chức với nhiều nội dung, chương trình khác nhau: hát truyền thống Nhật; khiêu vũ; yoga; nghệ thuật truyền thống Nhật như làm gốm,vẽ, cắt giấy; âm nhạc; ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Thái Lan, tiếng Pháp). Mỗi lớp được tổ chức tuần một lần hoặc một tháng mỗi lần.
Dù chỉ là những lớp học cộng đồng, không chứng chỉ, không bằng cấp nhưng người Nhật tham gia rất đều đặn, chăm chỉ qua năm tháng. Mối quan hệ giữa họ được hình thành và bền chặt qua nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ…cho đến khi họ quá ốm bệnh và qua đời. Kết quả các nghiên cứu về lớp học tập cộng đồng cho thấy nhìn chung thành viên không có nhiều thay đổi qua các năm.
Đặc biệt, có lớp học hát các bài hát truyền thống Nhật có lịch sử hoạt động đến 27 năm, nhóm này sau đó mở rộng hoạt động và hỗ trợ thành lập thêm nhiều nhóm nhỏ khác nữa.
Chính những nhóm học tập và hoạt động cộng đồng như thế này, tinh thần học tập dù ở bất kỳ lứa tuổi nào trong xã hội Nhật cũng luôn được hâm nóng. Không chỉ giúp đỡ nhau trong việc học, các nhóm đồng thời tham gia rất nhiều hoạt động tình nguyện để giúp đỡ nhau trong chính người Nhật.
Không chỉ có vậy, tác giả bài viết sống ở Nhật đã đến năm thứ 5, khắp nước Nhật các trung tâm cộng đồng như trên tổ chức rất nhiều hoạt động hỗ trợ cho người nước ngoài. Các cô giáo người Nhật dạ
y thư pháp, dy văn hóa Nhật, tiếng Nhật và nghệ thuật ẩm thực cho hàng nghìn người nước ngoài mỗi năm.
Tinh thần học tập suốt đời của người Nhật như vậy đã góp phần quan trọng mang đến xã hội tốt đẹp hơn cho chính người Nhật và giúp mang đến hình ảnh rất đẹp của người Nhật trong mắt người nước ngoài.

TRUNG MẾN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét