VÀI TRUYỀN THUYẾT VỀ NGÀY TẾT Ở PHƯƠNG ĐÔNG

1-Há cảo và đôi tai
Há cảo là món ăn được yêu thích vào dịp Tết của người Trung Quốc. Nhiều người nói rằng há cảo có hình dáng giống như thỏi vàng hay thỏi bạc. Một số người lại cho rằng chúng trông giống như những cái tai của con người.
Được biết, tục lệ ăn há cảo ngày Tết có liên quan đến thần thoại về Nữ Oa nương nương. Theo truyền thuyết, Nữ Oa là vị Thần Sáng tạo, bà đã dùng đất bùn của con sông Hoàng Hà phỏng theo hình dáng của mình để nặn ra con người.
Tuy nhiên khi mùa đông đến, đôi tai của loài người rất dễ bị rơi ra vì tê cóng. Vì vậy, lúc này Nữ Oa đã nghĩ ra một cách. Bà luồn dây qua tai của con người, khâu lại và dùng răng cắn đoạn chỉ đi, việc này giúp cho đôi tai của con người không bị rơi ra nữa.
Về sau, để tưởng nhớ việc làm của Nữ Oa, cứ đến dịp Tết nguyên đán, thời tiết rất lạnh giá, mọi người lại lấy bột làm ra một loại bánh có hình dạng giống như đôi tai người.

2-Nguồn gốc của rượu Đồ Tô – đặc sản của mùa xuân
Vài dịp Tết, ở Trung Quốc có rất nhiều đồ uống được yêu thích, trong đó đặc biệt nhất có lẽ chính là rượu Đồ Tô.
Truyền thuyết kể lại rằng, vào một năm nọ, một trận dịch hạch lớn đã bùng phát tại nhiều ngôi làng và cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Trong lúc mọi người không biết phải làm sao thì một người đàn ông trong làng đã lấy một số thảo mộc, lá cây và ngũ cốc cho vào trong các túi.
Đồ Tô là một loại rượu trắng thường được cất giữ trong những chiếc bình làm bằng gốm sứ.
Sau đó, người đàn ông này mang từng chiếc túi đến tặng cho những người hàng xóm và bảo họ ngâm túi vào trong nước. Vào dịp năm mới, mọi người lấy nước ra uống và nhận thấy rằng loại đồ uống kì diệu này đã cứu thoát họ khỏi bệnh dịch.
Sau đó, mọi người đã lấy tên ngôi nhà của người đàn ông để đặt tên cho loại rượu này gọi là rượu Đồ Tô. Cho đến ngày nay loại rượu này vẫn thường được sử dụng như một vị thuốc của y học cổ truyền Trung Hoa.

3-. Nguồn gốc của bao lì xì
Ngày nay, việc tặng bao lì xì vào dịp Tết đã trở thành một nét văn hóa truyền thống.
Theo truyền thuyết, từng có một linh hồn ma quỷ xấu xa tên Sui thường xuất hiện vào đêm Giao thừa khiến nhiều đứa trẻ bị bệnh nặng.
Theo đó, khi xuất hiện con vật này sẽ vỗ vào đầu những đứa trẻ đang ngủ say 3 lần khiến những đứa trẻ bị đau đầu, sốt cao. Thậm chí sau khi chữa khỏi bệnh, chúng cũng trở nên ngớ ngẩn không còn bình thường như trước.
Vào một năm nọ, có một gia đình họ Quan sống tại thành phố Gia Hưng vì có con lúc tuổi đã cao nên cực kì yêu thương đứa trẻ này. Vào đêm giao thừa, sợ con Sui đến sẽ làm hại con mình nên cha mẹ cậu bé đã cho cậu 8 đồng tiền xu để đùa nghịch.
Cậu bé đã lấy giấy đỏ bọc lại những đồng xu rồi sau đó mở ra, liên tiếp như thế cho đến khi mệt ngủ thiếp đi. Thấy vậy, hai vợ chồng liền đặt những đồng tiền được gói trong giấy đỏ bên dưới gối cậu bé.
Đêm đến, con Sui xuất hiện. Khi nó muốn vươn tay chạm vào đầu cậu bé thì liền bị ánh sáng từ những đồng tiền phát ra làm cho hoảng sợ và bỏ chạy đi mất. Từ đó trở đi, cha mẹ thường tặng tiền gói trong phong bì đỏ cho trẻ vào mỗi đêm giao thừa để bảo vệ con mình.

4-Thiên nga và lễ hội đèn lồng
Vào dịp lễ hội đèn lồng, mọi đường phố và nhà dân đều được thắp sáng bằng đèn lồng.
Lễ hội đèn lồng thường được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch để đánh dấu sự kết thúc của một loạt lễ hội mừng năm mới. Giống như cái tên của nó, đây là đêm lễ hội dành riêng cho đèn lồng. Nhưng tại sao lại là đèn lồng?
Truyền thuyết kể lại rằng, một con thiên nga trên trời rất được Ngọc Hoàng yêu thích đã bị một người thợ săn giết chết trong một lần xuống trần dạo chơi. Ngọc Hoàng đã cử các thiên binh thiên tướng xuống trần đốt cháy ngôi làng để trừng phạt con người.
Một số vị thần không nỡ nhìn thấy bi kịch đó xảy ra nên đã bí mật xuống trần để cảnh báo và chỉ cách cho người dân thoát khỏi tai họa.
Vào đêm thiên binh thiên tướng được cử xuống, mọi người liền đốt pháo hoa và treo đèn lồng đỏ trước cửa nhà. Từ trên trời nhìn xuống trông giống như trần gian đang bị đốt cháy. Việc này giúp ngôi làng thoát khỏi sự trừng phạt của thiên đình.
Từ đó, truyền thống thắp đèn lồng vẫn thường diễn ra vào đâù năm mới cho đến tận ngày nay.

Theo Thời Đại


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét