10 câu nói tinh hoa nhất của Gia Cát Lượng, đừng nói là không thuộc, hãy ghi nhớ nó để thọ ích cả đời.
1. Đạm bạc để sáng tỏ chí lớn, yên tĩnh để chí hướng xa xôi
(Nguyên văn: Đạm bạc dĩ minh chí, ninh tĩnh nhi trí viễn).
Người ta thường nói có chí thì nên, hay “hữu chí giả, sự cánh thành” (người có chí thì việc ắt thành công). Có thể nói có chí lớn, hay có ý chí mạnh mẽ, con người có thể làm được việc phi thường. Để có được chí lớn, làm sáng tỏ được ý chí thì cần sống đạm bạc, vì đạm bạc nuôi chí lớn.
Xưa Câu Tiễn sống đạm bạc khắc khổ, nếm mật nằm gai 10 năm trời nuôi chí lớn phục quốc, cuối cùng đã đánh bại nước Ngô hùng mạnh. Trong gian nan, sống khắc khổ đạm bạc mới rèn lên chí lớn. Lê Lợi cũng là ví dụ điển hình:
“Chốn hoang dã nương mình…
Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối”
Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối”
(Bình Ngô Đại Cáo – Nguyễn Trãi)
Ngược lại, cuộc sống xa hoa làm người ta thối chí, sẽ dẫn đến thất bại và diệt vong. Hạng Vũ sau khi đánh đổ nhà Tần, cô lập Lưu Bang ở Hán Trung, lên ngôi trị vì thiên hạ. Hạng Vũ vui cùng mỹ nhân Ngu Cơ, cả ngày yến tiệc, ca múa với mỹ nhân, ý chí suy kiệt, khiến ông phải tự sát mặc dù đã thoát sang bờ kia sông Ô Giang và còn trong tay cả vùng Giang Đông rộng lớn.
Sơn hà ý khí tận
Lệ tiễn mỹ nhân y
Lệ tiễn mỹ nhân y
Dịch thơ:
Ý chí sơn hà hết,
Lệ đẫm áo Ngu Cơ
Lệ đẫm áo Ngu Cơ
2. Cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi
(Nguyên văn: Cúc cung tận tụy, tử nhi hậu kỷ)
Đây là mẫu mực của kẻ bề tôi tận trung báo quốc, được người đời ngưỡng mộ và noi theo. Trong “Luận ngữ”, Tăng Tử nói: “Ngô nhật tam tỉnh ngô thân: Vị nhân mưu nhi bất trung hồ? Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ? Truyền bất tập hồ?” (Mỗi ngày ta tự hỏi bản thân 3 lần: Mưu việc cho người ta có tận trung không? Kết giao bằng hữu có giữ chữ tín không? Được truyền thụ có luyện tập không?).
Mưu sự cho người phải tận trung, hết lòng dốc sức, cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi là tiêu chuẩn nền tảng làm người quân tử. Điều này trái ngược với phong thái xã hội hiện nay, khi nhiều người mượn công lợi tư, làm việc gì cho ai cũng nghĩ đến mình sẽ được cái gì, đặt cái lợi ích cá nhân lên bàn cân đong đo đếm.
Hoặc cũng có người làm cho người ta nhưng chẳng chịu dốc sức, sáng cắp ô đi tối cắp ô về. Chính cái suy nghĩ này khiến họ tự đánh mất phẩm chất, đánh mất lòng tin của mọi người, khiến trong mắt mọi người, họ chỉ là phường giá áo túi cơm, hoặc là kẻ tiểu nhân vì lợi mà thôi.
3. Vui cũng không nên vui với việc không đáng vui, giận cũng không nên giận với cái không đáng giận
(Nguyên văn: Hỷ bất ưng hỷ vô hỷ chi sự, nộ bất ưng nộ vô nộ chi vật).
Là con người thì thất tình lục dục là không tránh khỏi, những hỷ nộ ai lạc đã trở thành một phần trong cuộc sống thường nhật của mọi người. Bao nhiêu chuyện trên đời, trai nam nhi thân bất do kỷ, bao trách nhiệm với bản thân, gia đình, dòng tộc, xóm làng và với sơn hà xã tắc trên vai, trách nhiệm nặng nề.
Đến như Gia Cát Lượng thần cơ diệu toán còn phải ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Con người sống trong cõi trần thế, là sống trong bể khổ, vui vẻ đắc ý thì ít mà buồn đau khổ cực thì nhiều.
Tuy nhiên Gia Cát Lượng cho chúng ta biết cách đối nhân xử thế sao cho xứng với bậc trượng phu đầu đội trời, chân đạp đất, đường đường chính chính làm bậc chính nhân quân tử, vui thích cái gì, giận dữ điều gì cũng phải đáng vui đáng giận, phải có lý và hợp lý, hợp đạo của người quân tử.
4. Không vì có tài mà kiêu với người, không vì được sủng ái mà tác oai tác quái
(Nguyên văn: Bất ngạo tài dĩ kiêu nhân, bất dĩ sủng nhi tác uy).
Con người theo lẽ thường tình là khi thấy mình có tài năng vượt trội mọi người thì không còn coi ai ra gì, từ hành vi nói năng đi lại nghênh ngang, như đứng trên tất cả, muốn nhất hô bá ứng, muốn mỗi lời nói của mình phải được tung hô, cao ngạo lấn át người khác.
Những người như thế tuy có tài cũng chỉ là kẻ tầm thường, và sẽ dẫn đến thất bại, thậm chí diệt vong.
Sử ký có chép rằng: Trụ vương thông minh trí tuệ hơn người, kiến thức uyên bác vượt xa người thường, sức mạnh siêu phàm, tay không có thể đánh lại mãnh thú, biện luận sắc bén vượt quần thần…
Có thể thấy Trụ Vương đầy tài năng, trí tuệ và sức mạnh. Nhưng ông lại cậy tài mà kiêu ngạo với quần thần, không nghe can gián, tác oai tác quái để rồi kết cục phải lên Lộc Đài tự sát khi Triều Ca thất thủ.
Còn những người được sủng ái cũng dễ sinh ra lộng hành tác oai tác quái. Những chuyện này có thể thấy rất nhiều ở cuộc sống quanh ta. Khi được sủng ái, được nâng đỡ, họ dễ cửa quyền, lạm dụng quyền hành làm trái nguyên tắc, trái pháp luật. Nhưng thời thay vận đổi, khi người đỡ đầu của họ không còn thì chính những người bị họ đè đầu cưỡi cổ kia sẽ đứng lên đạp họ xuống.
5. Việc lớn bắt đầu khó, việc nhỏ bắt đầu dễ
(Nguyên văn: Đại sự khởi đầu nan, tiểu sự khởi đầu dị).
Chúng ta biết câu cổ ngữ “Vạn sự khởi đầu nan”, nhưng chính xác thì phải là câu “Đại sự khởi đầu nan, tiểu sự khởi đầu dị” của Gia Cát Lượng.
Những việc nhỏ hầu như không phải chuẩn bị nhiều, mà làm liền đạt, dễ như trở bàn tay. Những việc lớn thì trái lại, sẽ gặp muôn vàn trắc trở.
Như Lê Lợi khi khởi nghĩa chỉ có vài ngàn nghĩa binh, bị liên tiếp thất bại phải rút vào trong vùng rừng núi Thanh Hóa, lương hết, địch bao vây, rất nhiều nghĩa quân bỏ trốn. Lê Lai phải đóng giả Lê Lợi dùng cái chết liều mình cứu chúa Lê Lợi mới thoát chết, còn lại tàn quân hơn 100 người.
Khi chúng ta gặp khó khăn chồng chất, điều đó có nghĩa việc chúng ta đang làm ắt không phải việc nhỏ, nên cần hun đúc ý chí, kiên định bền lòng, đạp bằng khó khăn, vững bước tiến lên, mới có thể thành đại nghiệp.
Lửa thử vàng gian nan thử sức, gian nan luyện chí anh hùng. Hiểu được như vậy chúng ta sẽ không sợ khó khăn, coi khó khăn là cơ hội Trời cho để rèn ý chí, để thành tựu sự nghiệp của chúng ta mai sau.
6. Không yên tĩnh thì học chẳng thành
(Nguyên văn: Phi ninh tĩnh vô dĩ thành học).
Yên tĩnh ở đây gồm yên tĩnh môi trường và yên tĩnh nội tâm. Học ở đây gồm học thuật và học Đạo. Chỉ có môi trường xung quanh yên tĩnh và một nội tâm yên tĩnh mới có thể tập trung tinh thần sức lực dùi mài, khổ học. Chỉ có chuyên tâm, không bị can nhiễu bởi ngoại cảnh, và những tạp niệm nội tâm thì học mới thành tài.
Đây là lý do tại sao xưa các bậc kỳ tài thường ẩn cư nơi núi sâu rừng thẳm tu luyện, học tập, để rồi trở thành bậc kỳ tài vanh danh thiên cổ như Khương Tử Nha, Chu Văn Vương, Quỷ Cốc Tử, Lão Tử, Khổng Tử, Tôn Tử, Trương Lương, Gia Cát Lượng…
Người xưa có câu: “Thập niên song hạ vô nhân vấn, nhất cử thành danh thiên hạ tri” (Mười năm dùi mài kinh sử bên cửa sổ, không có ai hỏi đến, chỉ một khoa cử thi đỗ cao (Trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa) thì cả thiên hạ biết đến). Điều này đã minh họa rất rõ cho câu nói của Gia Cát Lượng: “Không yên tĩnh thì học chẳng thành”.
7. Lười nhác thì không thể tinh thâm, nóng nảy mạo hiểm thì không thể lý tính
(Nguyên văn: Đãi mạn tắc bất năng khai tinh, hiểm táo tắc bất năng lý tính).
Ai cũng có tài năng sở trường cá nhân, nhưng lại rất ít người phát triển tài năng sở trường của mình thành bậc lương tài rường cột quốc gia hay đóng góp xuất sắc cho nhân loại, cũng chỉ bởi “lười nhác”.
Khi tự mình bỏ qua cho mình, tự mình thỏa mãn, tự cho phép mình tạm nghỉ ngơi, hoặc cho phép mình để công việc, học hành hoãn lại, lùi lại, hoặc ưu tiên thời gian cho các hoạt động giải trí, đánh bóng tên tuổi, xã giao… thì đó chính là đang bước trên con đường thất bại vậy.
Người nóng nảy, mạo hiểm không giữ được lý tính, sẽ không đủ tỉnh táo đánh giá tình huống để đưa ra quyết định đúng, nên thường sẽ mắc các sai lầm chí mạng dẫn đến thất bại, thậm chí mất đi cả sinh mạng mình, mà tiêu biểu nhất là cái của Trương Phi đã nói rõ ý nghĩa của câu nói này.
8. Có việc văn ắt phải có phòng bị việc võ
(Nguyên văn: Hữu văn sự tất hữu võ bị).
Đây là thể hiển tầm nhìn của nhà chính trị, nhà quân sự. Bình yên là vô sự. Khi có việc, dù việc văn (ngoại giao) thì đều có nghĩa ẩn chứa mâu thuẫn, xung đột cần giải quyết, mà không giải quyết được thì biện pháp quân sự là không tránh khỏi.
Do đó, có việc văn thì ắt phải phòng bị việc võ. Trong lịch sử chiến tranh nhân loại, luôn luôn là “Tiên lễ hậu binh” (Lễ trước rồi sau đó đến hành động quân sự)
Người xưa cũng dạy “Cẩn tắc vô ưu” (Cẩn thận thì không phải lo lắng), và “Hữu bị vô hoạn” (Có phòng bị chuẩn bị thì không lo tai họa). Khổng Tử cũng răn rằng “Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu” (Người không lo xa, ắt có buồn gần).
9. Bậc tướng giỏi, ắt có người học rộng tài trí làm tâm phúc, có người trầm tĩnh thận trọng cẩn mật làm tai mắt, có người dũng mãnh thiện chiến làm móng vuốt
(Nguyên văn: Thiện tướng giả, tất hữu bác văn đa trí giả vi phúc tâm, do trầm thẩm cẩn mật giả vi nhĩ mục, dũng hãn thiện địch giả vi trảo nha).
Bậc tướng giỏi, cho dù tài giỏi, mưu lược đến đâu cũng không thể thành công nếu không có sự trợ giúp của mưu sỹ học rộng tài cao, suy xét cẩn trọng tỉ mỉ, và những tỳ tướng dũng mãnh thiện chiến xông pha sa trường.
Thời Tam Quốc, chỉ có Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền có đủ yếu tố này nên mới có thể tam phân thiên hạ. Đến như Gia Cát Lượng thần cơ diệu toán vẫn phải có các mưu sỹ, tham quân như Mã Tốc, Khương Duy… mưu bàn trong trướng, các dũng tướng Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu, Hoàng Trung tung hoành ngang dọc chốn sa trường.
Khi Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa, việc đầu tiên là tìm kiếm nhân tài:
Tấm lòng cứu nước, vẫn đăm đăm muốn tiến về Đông,
Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chắm còn dành phía tả.
Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chắm còn dành phía tả.
Và:
Sĩ tốt kén người hùng hổ
Bề tôi chọn kẻ vuốt nanh
Bề tôi chọn kẻ vuốt nanh
10. Phàm việc học, cần phải tĩnh, để thành tài, cần phải học, không học thì không lấy gì phát triển tài năng, không quyết chí thì không cách gì thành tựu việc học
(Nguyên văn: Phù học tu tĩnh dã, tài tu học dã, phi học vô dĩ quảng tài, phi chí vô dĩ thành học).
Câu này Gia Cát Lượng cho chúng ta biết mối quan hệ nhân quả của tài năng. Để có tài năng thì phải học, để thành tựu việc học thì phải có ý chí và sự yên tĩnh nội tâm.
Câu nói này cũng là tổng kết quá trình quyết chí học tập, tu luyện thành tài của Gia Cát Lượng. Ông 9 năm quyết chí cần mẫn hàng ngày lên núi theo học một đạo sỹ, rồi 9 năm nữa ẩn cư ở Long Trung mài giũa tài năng.
Đời sau Đỗ Phủ có mấy câu thơ ca ngợi lòng tận trung và tài năng của Gia Cát Lượng như sau:
Ba lần cầu kiến cao nhân
Hai triều đã tỏ lão thần tận tâm
Kỳ Sơn giữa trận từ trần
Khách anh hùng để tần ngần lệ rơi.
Hai triều đã tỏ lão thần tận tâm
Kỳ Sơn giữa trận từ trần
Khách anh hùng để tần ngần lệ rơi.
Theo DKN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét