Chùa Kaizo, nơi tu hành của Chiyono.
Ni sư Mugai Nyodai, tên trước khi xuất gia là Adachi Chiyono (1223-1298), vốn là mỹ nhân nổi tiếng nhất vào thời trung kỳ ở vùng Kamakura, Nhật Bản. Đồng thời bà cũng là ni sư nổi tiếng trong lịch sử Thiền tông nước này. Bà sinh trong dòng tộc Adachi (thời bấy giờ dòng tộc Adachi và dòng tộc Hojo – nắm quyền Mạc Phủ, cùng với triều đình đồng thời được xưng là dòng tộc có thế lực lớn mạnh nhất Nhật Bản). Bà là con gái út của Adachi Yasumori.
Chiyono sau khi lớn lên, từ sớm đã trở thành đại mỹ nhân nổi tiếng gần xa. Bất cứ chàng trai anh tuấn hào hoa nào hễ nhìn thấy bà đều không khỏi rung động, những người ái mộ bà quả thật nhiều không kể xiết. Thậm chí ngay cả vua chúa cùng vương tôn quý tộc đều theo đuổi bà. Người theo đuổi nổi tiếng nhất là Thiên hoàng Go Saga và võ tướng Hojo Sanetoki. Tuy nhiên, Chiyono không hề để mắt đến họ, nhất nhất cự tuyệt hết. Bởi tương truyền rằng bà đã có được điểm hóa từ một vị Thần trong giấc mơ, bà muốn trở thành vợ của vị Thần này. Vậy nên không ai có thể đạt đến kỳ vọng của bà, cũng không người nào có thể thỏa mãn kỳ vọng của bà.
Bà một mặt trong lòng say đắm vị Thần trong mơ, mặt khác không ngừng cự tuyệt những người theo đuổi mình. Cứ như vậy mãi đến khi bà hơn hai mươi tuổi vẫn không gả cho ai. Về sau trong một lần lên chùa dâng dương, từ trong thuyết Pháp của thiền sư bà ngộ được rằng dung mạo dẫu có đẹp đẽ đến mấy đi nữa cũng sẽ có một ngày già đi, sau khi chết cũng chẳng qua chỉ là một đống xương trắng mà thôi. Điều thật sự có thể thay đổi cuộc đời vô thường thì chỉ có tu hành.
Sau đó bà liền đã có niệm đầu muốn được xuất gia cầu đạo. Trong thời gian này đã xảy ra việc cha bà là Adachi Yasumori tiêu diệt dòng tộc Sanpu, bà càm thấy cảm thương cho cảnh trăm họ lầm than. Sau đó lại thêm việc cha bà qua đời, nguyện vọng xuất gia của Chiyono càng thêm kiên định. Thế là bà liền thật sự bắt đầu con đường cầu đạo của mình.
Tranh vẽ bà Chiyono. (Ảnh: Internet)
Bà đã đi đến một số tự viện, hy vọng trở thành một ni cô, nhưng đều bị các sư phụ cự tuyệt. Một số sư trụ trì chỉ vừa mới nhìn thấy bà, đã nghiêm nghị dứt khoát đuổi bà đi. Mãi đến sau này, bà đến chùa Kaizo. Ở đây, sư trụ trì là Đại Giác thiền sư Lan Khê Đạo Long đến từ Trung Quốc, là người đầu tiên đến Nhật Bản truyền Pháp, cũng là người nổi tiếng nhất thời bấy giờ.
Đại Giác thiền sư nói:
“Tâm cầu đạo tu hành của nữ thí chủ đây là tốt, nhưng ta cũng phải hy vọng chúng đồ đệ môn hạ của ta cũng vậy. Thí chủ ở đây, năm trăm đồ đệ của ta sẽ thần hồn điên đảo, họ sẽ quên việc tĩnh tâm, quên học kinh sách, cho đến hết thảy mọi thứ của họ! Thí chủ sẽ trở thành Thần của họ, hơn nữa từ xưa đến nay, dung mạo đẹp đẽ chính là chướng ngại lớn nhất trên con đường tu luyện. Thí chủ trên phương diện tu học Phật pháp vốn tồn tại quá nhiều khó khan. Xưa nay nữ nhân xuất gia làm ni rất nhiều, nhưng rất nhiều người không những không tu thành Chánh quả, mà trái lại còn làm vấy bẩn Phật pháp. Vậy nên Chiyono, thí chủ hãy quay về đi!”.
Chiyono lúc này mới tỉnh ngộ, thì ra dung mạo tuyệt thế của bản thân mình đã trở thành chướng ngại lớn nhất trong việc xuất gia. Bà vốn chính là người phụ nữ kiên cường không chịu khuất phục, vậy mà lúc này cũng tìm không được cách nào khác nữa. Nhưng vì tín ngưỡng và theo đuổi của mình, cuối cùng đã hạ quyết tâm kiên định, bà đã dùng kìm gắp cục than đang cháy đỏ rực để thiêu hủy dung mạo tuyệt trần của mình, hủy đi toàn bộ gương mặt xinh đẹp của mình.
Sau đó bà lại đi tìm Đại Giác thiền sư, ông đã bị quyết tâm hướng đạo đến cùng này của bà làm cho cảm động. Cuối cùng thiền sư đã đồng ý cho bà xuống tóc xuất gia làm ni cô, lấy Pháp danh là Vô Trước (không ràng buộc). Mỗi ngày làm một số việc vặt như: gánh nước, quét sân, trồng rau.
Chiyono sau khi xuất gia, lòng ôm giữ tín tâm mong cầu đắc đạo một cách tha thiết, bà không sợ khổ hạnh, gắng sức làm việc, không ngừng tham ngộ. Nhưng bà vốn vẫn chưa thực sự ngộ Đạo. Vậy nên bà cũng bị Đại Giác thiền sư phê bình nghiêm khắc. Thiền sư chỉ ra rằng trong lòng bà vốn vẫn chưa dứt bỏ những hồi ức trong quá khứ, nội tâm cầu đạo nhưng lại tồn tại quá nhiều điều hữu cầu, như vậy thì không cách nào thật sự ngộ Đạo được.
Năm 1253, Đại Giác thiền sư dưới lời mời của Thiên hoàng đến chùa Kencho làm tổ sư khai sáng của chùa này. Ông cũng đã dẫn rất nhiều đệ tự của chùa Joka đi theo, trong đó cũng bao gồm cả Chiyono. Sau này bà đã ở lại chùa Kaizo thuộc chùa Kencho vốn là nơi chuyên dành cho nữ ni tu hành.
Rất nhiều năm đã trôi qua rồi, Chiyono từ lâu đã không còn là mỹ nhân vốn đã từng nức tiếng một thời nữa, người trong mộng mà bà say đắm trong lòng khi còn là thiếu nữ, cũng dần dần phai đi. Bà bây giờ là một người tu hành thật sự, mỗi ngày vẫn là trong khổ hạnh mà làm việc và nghe kinh tu thiền. Trong thời gian này, Đại Giác thiền sư đã viên tịch, một vị Pháp Quang thiền sư là Vô Học Đạo Nguyên đến từ Trung Quốc đã tiếp nhiệm trụ trì. Tuy nhiên đến lúc này bà vẫn chưa ngộ Đạo. Bà đã tiêu hao hết tuổi thanh xuân một đời của mình.
Cứ như vậy mãi cho đến một đêm của năm 1282, Chiyono gánh hai thùng nước đầy trở về tu viện theo thường lệ, công việc như vậy bà đã lặp đi lặp lại hơn ba mươi mấy năm. Đêm nay trăng rất đẹp, bà vừa đi vừa ngắm ánh trăng soi rọi xuống mặt nước trong thùng.
Bất thình lình, đòn gánh gãy đôi, giây thùng đứt và thùng nước rơi xuống. Nước đổ ào ra, bóng trăng tan biến mất, và Chiyono lúc này bỗng nhiên giác ngộ. Bà đã viết bài thơ:
“Bằng mọi cách, tôi đã cố giữ đôi thùng nước,
Mong rằng chiếc đòn gánh giòn yếu kia sẽ không gãy,
Bất chợt, dây đứt thùng văng,
Không còn nước trong thùng, không còn trăng trong nước,
Tay tôi rỗng không, chẳng còn lại gì,
Tâm tôi rỗng không, chẳng còn lại gì”.
Cái giếng nơi bà múc nước cũng vì vậy mà trở nên nổi tiếng, mãi cho đến tận bây giờ vẫn là nơi tham quan nổi tiếng nhất trong chùa Kaizo. Bên giếng còn lưu lại đoạn thơ “không trăng cũng không nước” kia của Chiyono. Cái giếng này chính là giếng Soko Datsu.
Chiyono đã khai ngộ, sau này bà đã trở thành môn đồ đắc ý nhất của Phật Quang thiền sư trong chùa Engaku, vào lúc cuối đời đã kế thừa y bát của thiền sư. Bà đã thành lập chùa Keiaiji đầu tiên trên núi Goshan, thuộc phía Bắc Kyoto, kiến lập đạo tràng dành cho nữ ni – nơi nổi tiếng nhất thời bấy giờ.
Cuộc đời của Chiyono đã trải qua từ một tuyệt đại giai nhân khiến cho biết bao đàn ông phải thần hồn điên đảo; đến một vị ni sư “kim thiền thoát xác” nổi tiếng trong lịch sử Thiền tông. Trong đó, có nỗi đau đớn khi phải hủy đi dung mạo tuyệt thế, có nỗi cô đơn suốt một quãng thời gian dài trong khi tham ngộ thiền cơ. Bà đã trải qua hết thảy, bà là nhân vật mang màu sắc truyền kỳ phong phú nhất trong lịch sử Thiền tông Nhật Bản.
Tiểu Thiện, dịch từ NTDTV.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét