Khi bước vào thế giới sưu tầm của Lý Phong Mậu – một nhà nghiên cứu tại Viện Văn Triết Học Trung Quốc, bạn sẽ thấy rằng tổ tiên xưa đã sử dụng tối đa “văn tự” và “đồ tượng” (tức chữ viết và bức hoạ) để mang đến các thông điệp hay đạo lý cho người xem. Những bức phú thờ cúng hay những bức tượng bức hoạ được để trong nhà đều mang những ý nghĩa về văn học và tôn giáo. Nó đã rất sớm được phổ biến rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày của người xưa.
Người xưa kết hợp tám đức tính của con người qua hình chữ với Tám vị Thần trong “Bát Tiên”, từ đó truyền đạt những giáo lý qua sự kết hợp giữa hội hoạ và văn học.
Trong bức họa trên 8 vị Thần tiên được tạo hình theo 8 chữ thể hiện những đức tính tốt của con người, theo lý tưởng của Nho giáo:
孝 – Hiếu, 悌 – Đễ, 忠 – Trung, 信 – Tín, 礼 – Lễ, 义 – Nghĩa, 廉 – Liêm, 耻 – Sỉ.
Chúng ta cũng đã quá quen thuộc với “Tứ đại kỳ thư” (Thủy Hử, Tây Du ký, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Kim Bình Mai) là bốn bộ tiểu thuyết lịch sử và truyền thuyết văn hóa dân gian của triều đại nhà Minh. Ban đầu chỉ là những văn tự được ghi chép lại hoặc được truyền miệng lại, nhưng dưới ngòi bút của các bậc thầy họa gia cổ đại, từng câu truyện đã được biến thành những tác phẩm nghệ thuật phổ biến được truyền lại cho mọi người dân và đến tận ngày nay.
Lý Phong Mậu là một nhà nghiên cứu văn học và đạo giáo trong nhiều thập niên, ông là một vị “Giáo sư đạo sĩ”. Ngoài các tài liệu nghiên cứu hiện có, ông còn đi nghiên cứu thực địa để tìm kiếm các chủ đề nghiên cứu ngoài sách vở và cũng đã mua một số lượng phong phú các văn vật dân gian.
Hầu hết trong bộ sưu tầm của ông là hàng thủ công dân gian, từ những thứ được treo trong điện thờ đến nhà riêng, tiếp cận đến sát nhất cuộc sống hàng ngày của người dân bởi ông muốn cho mọi người thấy những thứ chính xác nhất và có hiện vật cụ thể.
Sau một thời gian thu thập và nghiên cứu ông đã tổ chức một cuộc triển lãm để chia sẻ với mọi người về những nghiên cứu của mình.
Với di sản văn vật dân gian, Lý Phong Mậu muốn truyền tải một khái niệm: “Về mặt học thuật có thể rất sâu sắc, nhưng cũng có thể chia sẻ với mọi người theo cách dân dã nhất”.
Cùng một bức tranh, nhưng sẽ có ý nghĩa khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau
Bức tranh nghi lễ là một bức tranh cũng là một nghi lễ. Chỉ cần lưu ý vài tình tiết trong đó, đã có thể tạo ra ý nghĩa vô tận. (Tư liệu nguyên bản, Thư viện của Viện Văn Triết học)
Lý Phong Mậu đã phát hiện được trong cuộc điều tra của mình rằng: những ngôi miếu đền giống như một bảo tàng. Bên trong đó có những đồ vật chạm khắc, những bức tranh treo tường và đồng trang trí đều là từ những truyền thuyết hay những câu chuyện truyền miệng mà làm thành.
Nguồn gốc của tác phẩm không nhất định phải có ý nghĩa tôn giáo, nhưng khi nó đã được đặt bên trong đền chùa thì ý nghĩa của nó sẽ được thần linh hóa.
Lấy “Tam anh chiến Lữ Bố” làm ví dụ. Điển cố “Tam anh chiến Lữ Bố” trong tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa” được đánh giá là một trong những câu chuyện truyền kỳ, khiến cho “chiến thần” Lữ Bố vang danh thiên hạ. Một chiến trường vô song giữa những cao thủ như thế, chỉ lấy ra phân đoạn này trong “Tam quốc diễn nghĩa”, vẽ cho thành một bức họa treo trong chùa. Lữ Bố được thấy rõ là nhân vật phản diện trong khi Trương Phi, Triệu Vân, Quan Vũ – 3 vị anh hào đóng vai nhân vật chính diện. Toàn bộ bức tranh tự nhiên trở thành một hàm ý trong tôn giáo “tà không thể thắng chính”.
An Trấn Đồ – Dành cho những người đi tìm cuộc sống an định
An Trấn Đồ ở đây là những bức phú hay những bức họa thư mang ý nghĩa giữ yên bình, an định cho con người trong phạm vi nhất định (chữ “An” trong từ an yên ổn định, “Trấn” chỉ thị trấn, một khu hay một vùng)
Một An Trấn Đồ mà Lý Phong Mậu yêu thích nhất trong bộ sưu tập của mình là “Ngũ Nhạc chân hình đồ” – Đồ hình 5 núi Ngũ Nhạc, đồ hình này có chiều cao còn hơn cả người. Đồ hình được khắc trên một tấm bia đá của núi Tung Sơn Ngũ Nhạc, do những người thời nhà Minh điêu khắc, cách đây cả vạn năm.
Đồ hình này chỉ về hình dạng chân thực của Ngũ Nhạc, với tầm nhìn của một con chim từ trên đỉnh núi đang nhìn xuống, giống như một bức ảnh chụp trên không, vị trí cũng phù hợp với địa thế thực tế của Ngũ Hành Sơn. Năm biểu tượng này cũng là một hình ảnh đơn giản hóa để đại diện cho hình dạng của 5 vị thần cai quản 5 ngọn núi thiêng liêng.
“Ngũ nhạc chân hình đồ” này có thể cho thấy được đức tin của người dân quanh Ngũ Nhạc. Nó thuộc về đạo giáo, như là một bùa hộ mệnh cho những người du sơn lên núi, nếu gặp được tấm đồ hình này sẽ có được sự gia trì của các vị thần linh. Để đảm bảo sự ổn định của đất nước, bách tính có thể sống với sự an tâm, Hoàng đế đã cho khắc bức tranh này trên một tảng đá, dùng khi quan tế lễ và đạo sĩ thờ cúng thần linh.
Một bức phú khác cũng thuộc về An Trấn Đồ đó là: “Canh Thần trấn áp vô chi Kỳ”. Nó thuộc đề tài về văn học kết hợp với tôn giáo. Theo “Thái Bình Quảng Ký” (một tuyển tập gồm khoảng 7.000 câu chuyện chọn lọc từ hơn 300 cuốn sách và tiểu thuyết từ thời nhà Hán đến đầu nhà Tống) có ghi chép lại rằng Canh Thần đã giúp đỡ vua Vũ (vua đầu tiên thời nhà Hạ ở Trung Quốc) thu phục được thủy quái, ngăn được cơn lũ, cứu được bách tính. Chiếu theo điển cố này, họa gia để cho Canh Thần ngồi lên trên con thủy quái mang ý chế ngự, chiếu phương bài, áp chế không cho con thủy quái động cựa. Bức tranh này thường có ở những khu vực hay bị ngập lụt, hay được treo ở phòng lớn giữa nhà hoặc miếu đường. Với hy vọng có thể tránh xa lũ lụt!
Trong mối liên hệ giữa văn học và tôn giáo, thấy được sự sáng tạo của cố nhân
Nếu như bạn đã từng nhìn thấy bức “Địa ngục Thập Vương đồ” trong những đám tang, chắc hẳn bạn đã được nghe kể về những câu chuyện dưới âm phủ, trong tâm sẽ có in vào một cái bóng đáng sợ về nơi đó. Từ những câu chuyện ghê sợ ở dưới chốn âm ti đã đưa con người chỉnh đốn lại lối sống và khuyên răn hãy sống một cách trung thực, kỷ luật.
“Địa Ngục Thập Vương đồ” thường được chia làm hai kiểu chính, kiểu thứ nhất là 10 bức phú nhưng hợp lại làm một tập, kiểu thứ hai chia làm hai bức là hai giai đoạn thượng và hạ (trong địa ngục có 10 vị vương xét tội và trừng trị theo những hình phạt khác nhau từ thấp đến cao).
Như bức họa bên dưới là được chia làm 2 bức, mỗi bức có 5 vị Minh Vương ngồi trên tòa xét xử. Trong nửa đầu tòa án, 5 vị Vương thẩm tra các tội phạm rồi đưa đến phiên tòa tiếp theo. Nửa sau tòa án là những tội phạm phải chịu hình phạt và uống canh Mạnh Bà để quên đi những gì trong kiếp trước, lần lượt qua cầu Nại Hà để chịu luân hồi.
Toàn bộ bức họa chủ yếu để cảnh tỉnh con người, khuyên con người hướng thiện. Chủ đề về địa ngục được các nghệ sĩ chú ý đến, chỉ riêng một chủ đề rất nghiêm túc này cũng không ngăn cản được nhà nghệ sĩ thể hiện sự sáng tạo của mình.
Sự độc đáo của hai bức phú “Địa ngục Thiên Vương” này là việc tác giả thay thế những tội nhân đau khổ bằng những nhân vật hí kịch. Chẳng hạn như một cốt truyện tưởng tượng Võ Tòng giơ lưỡi đao lên chém Phan Kim Liên để trả thù cho anh trai (hình bên phải), hay tình tiết của tên gian thần Tần Cối.v.v. Người nghệ sĩ mở rộng câu chuyện qua một cái nhìn mới về văn học để người xem dễ dàng đặt cảm xúc và hoàn cảnh bản thân vào đó hơn, tạo nên một sự gần gũi và mang lại giá trị nhân văn sâu sắc.
Nghệ thuật thẩm thấu qua những đồ chơi
“Phong thần diễn nghĩa” là bộ tiểu thuyết cực kì nổi tiếng và được rất nhiều quốc gia biết tới, xoay quanh việc suy vong của nhà Thương và sự nổi lên của nhà Chu, lồng vào đó là vô số thần thoại, truyền thuyết Trung Hoa, bao gồm cả các thần, tiên, yêu quái v.v. Trong chừng mực nào đó, Phong thần diễn nghĩa mô tả cuộc sống của người Trung Hoa đương thời, nơi tôn giáo có một vai trò lớn trong cuộc sống hàng ngày. Bộ tiểu thuyết này không chỉ được điện ảnh khai thác làm phim mà còn được cả người Nhật Bản cải biến thành truyện tranh.
Nhưng bạn có biết “Phong thần diễn nghĩa” sớm đã được vẽ thành những bức tranh liên hoàn (tương tự như truyện tranh)? Lý Phong Mậu thu thập được tổng cộng 8 bức “Phong thần diễn nghĩa” liên hoàn truyện. Nguyên ban đầu của nó được đặt trong những ngôi đền để thưởng thức giải trí. Khi những bức tranh này thu hút đứa trẻ, nó sẽ đặt câu hỏi và người lớn tự nhiên có thể truyền đạt kiến thức văn học bằng cách kể lại truyện theo tranh. Từ đó mà câu truyện được lưu lại đến những thế hệ sau.
Lý Phong Mậu và các trợ lý nghiên cứu của ông hy vọng sẽ tái tạo lại những bức tranh được sử dụng bởi người xưa thông qua cách dạy và học. Do đó, những bức tranh hài hước của “Phong thần diễn nghĩa” được thiết kế như một bài kiểm tra tương tác và tiêu đề của bức tranh đã được che phủ đằng sau, để cho mọi người xem hình đoán tiêu đề. vừa chơi vừa học! Vượt qua con đường của thế giới nghệ thuật, mà cảm nhận được tinh hoa “Nghệ gần với đạo”.
“Kỹ gần với nghệ, nghệ gần với đạo” là một câu nói xưa của thánh nhân. Cái gọi là “Đạo” ở đây nói về một loại tinh thần, một ý nghĩa văn hóa và có phần trừu tượng. Nhưng bằng cách thưởng thức thẩm định “văn vật nghệ thuật” cụ thể, mọi người có thể tiếp thu được những đạo lí được ẩn giấu trong đó.
Nếu như mang bộ sưu tập của Lý Phong Mậu về thời gian và không gian ban đầu, thì những văn vật nghệ thuật này chỉ là vật trang trí không gian mà người xưa thay thế hàng năm. Nhưng khi đi sâu vào bản chất của nó cùng với việc kết hợp văn học trong hình thức nghệ thuật, triết học và tôn giáo, lại dễ dàng bước vào cuộc sống hàng ngày thường nhật của người xưa, trở thành bằng chứng tốt nhất cho câu “Nghệ gần với đạo”.
Theo Epochtimes.com
Uyển Vân biên dịch
HH chuyển tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét