Tôi chẳng muốn là ai trong số họ, nhưng trời ạ, tôi và em chính là tất cả bọn họ, là từng ngày trong số đó, một cách trọn vẹn không tránh đâu được.
Có buồn cười không khi chúng ta là một Nhạc Linh San thơ ngây tốt bụng, nhưng ham vui, thích chiều chuộng – để một ngày nhắm mắt chọn lấy một Lâm Bình Chi ngọt ngào mềm mại cho thuyền đời trôi về bến đục. Với tâm tình trẻ con đó, ai trong chúng ta chẳng một đời ruồng rẫy phụ phàng những Lệnh Hồ Đại Ca chẳng biết ngọt mềm. Chính trị, rồi thì tín ngưỡng, văn hóa… Ở lĩnh vực nào người ta cũng chỉ cứ đi tìm những Lâm Bình Chi, ngó như đáng mặt trao thân để rồi một ngày hiểu ra thì đã muộn. Thương lắm vậy thay!
Ấy vậy rồi tụi mình, có ai ngờ, cũng là một Lâm Bình Chi đáng thương, cắn răng buông thứ mình yêu để chạy theo món mình muốn. Chàng chỉ muốn trả thù, trong lòng chỉ có Tịch Tà Kiếm Phổ và món nợ máu của họ Lâm. Đời sống là một cuộc chọn lựa, hai tay không thể ôm hết mọi thứ, hai chân không thể đi cùng lúc hai con đường khác hướng. Mất Nhạc Linh San, Lâm Bình Chi chẳng còn gì hết. Còn món Tịch Tà chết tiệt kia ư, có làm chi để người trượng phu thêm hận. Người làm chính tri hay kẻ tín đồ các tôn giáo có ai dám chắc mình chẳng là chàng họ Lâm tội nghiệp cơ khổ đó. Tùy theo tạng phủ của bản thân mà mỗi người đi tìm một lối đi nào đó, gạt bỏ hết những cơ hội, bỏ qua hết những thứ mình cần để giữ lại một giọt đắng cuối đời.
Chúng ta có ai chối mình chẳng là một Nhạc Bất Quần, muốn toàn chuyện bậy, nhưng cứ phải sắm biết bao lớp áo quân tử để đi lại trong cuộc đời, hòng tìm một chỗ ngồi tử tế trong hàng ngũ những kẻ đệ nhất đàng hoàng!? Danh phận, địa vị, cách ăn nói đứng ngồi phải phép, đôi khi còn quá mức cầu kỳ, màu mè, hình như đều là những lớp vỏ bọc cho chàng quân tử kiếm của chúng ta. Dư biết những lớp vỏ đó là thứ ngửi chẳng vô, nhưng ai cũng phải ráng mà khoác nó lên người, để mà ngửa mặt với đời, dù đêm đêm về ngó bóng mình đôi khi cũng thấy lợm giọng. Nhưng rồi gì cũng phải quen. Nếp văn hóa xã hội đã buộc ta phải thế, nếu tháo nó xuống, trần trụi giữa đời, làm sao mà sống. Đời người nhiều khi chỉ là cái kiếp đời quẩn quanh của một con kiến bò quanh miệng chén mà thôi. Chúng ta chung thân e sợ những gì chẳng thuộc lối mòn. Cứ thế mà chết thảm trên những ngõ quen. Bồ-tát là người dám nghi ngờ những nẻo thuộc!
Đã là một quân tử kiếm giả hiệu, chúng ta có chiêm bao cũng không tưởng được rằng mình thực ra cũng chính là một Lệnh hồ Xung ai gặp cũng thương. Chúng ta trung thành với Hoa Sơn, với sư phụ sư nương, nhưng cái giá phải trả cho tấm lòng đó thiệt quá đắt. Hoa Sơn đã quay mặt với Hồ Xung. Từ vị trí một đại sư huynh của biết bao tuổi trẻ Hoa Sơn, bỗng một ngày Lệnh Hồ Đại Ca không chốn náu mình, thân trai bốn biển không nhà. Nhưng rồi cuộc đời luôn là những bến bờ bất trắc. Đôi khi cái được phải ra đi từ cái mất. Mất Hoa Sơn, mất luôn người sư muội trúc mã thanh mai rất mực dấu yêu vào tay một kẻ lạ, Lệnh Hồ Xung cũng nhờ vậy mà hạnh ngộ Doanh Doanh, đời chàng đi vào một khúc quanh khác ngoạn mục hơn. Nói thiệt, làm rể của Nhạc Bất Quần làm gì chàng vui được vậy. Lão Tử vẫn nói “họa hề phúc chi sở phục (trong cái rủi luôn có cái may) là thế. Dù dĩ nhiên, “phúc hề họa chi sở tàng” (trong cái may cũng luôn tiềm ẩn cái rủi). Cả đời Lệnh Hồ Xung, và cả đời tôi đời em, hình như chỉ quẩn quanh lui tới hai câu này của Đạo Đức Kinh!
Thế đã hết đâu, tôi và em cũng là một Đông Phương Bất Bại khi sư diệt tổ, soán ngôi giáo chủ để rồi cũng đánh mất luôn thân phận một nam tử hán bình thường nhất đời. Bán rẻ mọi thứ để ngày toại nguyện chỉ thành ra một thứ nửa người nửa ngợm: Quyền lực nghiêng trời trước thiên hạ để lúc về phòng riêng lại cam tâm làm thê thiếp cho một người đồng phái. Ai cũng có thể che mắt thiên hạ để ngất ngưỡng ngôi cao, nhưng không ai có thể soi gương tự nể mình khi bản thân đã không còn niềm tự trọng tối thiểu… Một con rồng ngoài sáng và một con dòi trong tối. Trong lòng tôi, Nhạc Bất Quần hình như vẫn còn chỗ đáng nể hơn Đông Phương Bất Bại!
Và bên cạnh những thân phận cùng lúc thành một ấy, tận đáy lòng tôi và em, vẫn thỉnh thoảng thấp thoáng cái bóng dáng của một Khúc Dương Trưởng Lão với cái nỗi niềm y hệt Phạm Lãi ngày xưa. Biết kẻ mình thờ là ai, nhưng dòng đời đã đẩy mình vào chỗ đứng đó, để bao phen cắn răng làm những chuyện chẳng đặng đừng. Ai nói Phạm Lãi không hiểu Việt Vương Câu Tiễn, cũng như ai dám nói Khúc Dương chẳng hiểu gì Nhậm Giáo Chủ. Nhưng ở đời nhiều khi thân bất do kỷ. Tôi viết bài này hình như cũng một phần nào bằng chính tâm trạng đó. Nói hay viết ra được điều bất tiện nhất nhiều khi cũng là một lối thoát. Nói ra là nhẹ, là thoát được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Thôi thì xem như một khúc sáo tiếu ngạo giang hồ giởi ai đó đọc chờ qua một đêm dài nhân gian.
Nhạc Linh San đã đi theo người, Doanh Doanh thì đến tận giờ tôi vẫn chưa biết mặt. Tôi bỗng ngờ rằng biết đâu chừng không phải ai luyện Tịch Tà cũng chỉ vì tham vọng chi đó, mà còn vì hoàn cảnh như tôi đêm nay không chừng!
Toại Khanh
Assam, March 30/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét