Ngài Punna Mantāṇiputta là cháu trai gọi ngài Kiều Trần Như là cậu ruột. Lúc ngài Ānanda mới xuất gia, ngài Puṇṇa Mantāṇiputta dạy cho ngài Ānanda một điều: Chính vì chấp chặt vào khái niệm “tôi, của tôi” nên chúng sinh mới sinh tử trầm luân, mọi rắc rối từ đó mà ra.
Ngày xưa khi chưa biết đạo mình thấy: đây là vợ chồng của tôi, con cái tài sản xe cộ của tôi, đây là tài khoản, tiền bạc, danh tiếng quyền lực, chức vị của tôi, đây là quan hệ xã hội, tình cảm bạn bè láng giềng, chòm xóm của tôi v.v... Khi biết đạo rồi thì thấy tất thảy những thứ đó là đồ giả. Cái quan trọng là mình phải làm theo lời Phật, phải có giới, có định, có tuệ, có thất thánh sản, có những đức tánh giá trị tâm linh, có sự hàm dưỡng về tinh thần; còn những ngoại vật thì phù du như sương khói, có đó mất đó. Mình thấy bây giờ mình quá ngon lành, nếu đi xuất gia thì bên trong giới định, bên ngoài bát y, còn nếu mình là cư sĩ thì tuy lo cho gia đình nhưng mình cũng là người hiểu đạo rồi, biết vạn pháp là vô thường… mình biết rồi chứ không phải không biết. Tuy nhiên, ‘ai’ biết những cái đó đây? Tôi biết! Vấn đề là: Ai là người đã bỏ đi những suy nghĩ thế gian phàm tục? Ai là người đã hiểu đạo? Ai là người mỗi năm đều đi Miến Điện hành thiền? Ai là người mỗi tháng cúng dường chùa này chùa kia, hộ trì chư tăng tu học? Ai là người ủng hộ in kinh sách? Ai là người mà vắng mặt thì tăng ni đói chỏng gọng? Ai là người đóng vai trò một trong bốn thành viên tứ chúng của Đức Phật? Dạ tôi! Vấn đề là ở chữ “tôi” này. Ai đi tu thiền? Ai thấy hơi thở đi ra đi vào? Ai thấy đây tâm tham đang khởi lên, tâm sân đang khởi lên? Ai thấy cái này là vô ngã, vô thường? Cũng là tôi!
Phải có một ngày mình có khả năng làm được chuyện này: quan sát mọi thứ theo nhiều hướng khác nhau, ở trên nhìn xuống, ở dưới nhìn lên, ở trong nhìn ra, ở ngoài nhìn vào… Tiếng Mỹ có hai chữ: ‘subjective’ và ‘objective’. Trong đạo có hai chữ: ‘ahankāra’: chấp cái tôi (I am) và ‘mamankāra’ chấp của tôi (my, mine). Mình quen nhiều đời nhiều kiếp, ngay trong kiếp sống này cũng vậy, từ trong nhìn ra, từ góc độ ‘tôi’, ‘của tôi’. Tôi đang nhìn, tôi đang thấy, tôi đang hiểu lý Duyên khởi, tôi bây giờ tốt hơn tôi ngày xưa, tốt hơn ông A, bà B… Từ góc độ đó không cách chi thấy được bốn Đế, không cách chi thấy được lý Duyên khởi, không cách chi thấy được lý Tam tướng, Danh sắc, ngũ uẩn vì mình cứ bị cột vào cái ‘tôi’ này. Cái mình cần thấy đây là sắc đây là danh chứ không phải bị cột vào ‘tôi thấy’. Có một thời ở VN, những người học Vi diệu pháp ở Siêu Lý bị mấy người không học ghét dữ lắm. Khi người ta không học, người ta khiêm tốn biết thân phận người ta dốt, nên dễ thương. Còn mấy người học Vi diệu pháp xong dòm ai cũng thấy người ta ngu hơn mình hết trơn. Đồng ý là mình có cái duyên, có cái phước nên mình mới học giáo lý nhiều hơn người ta nhưng cứ thấy người ta dốt hơn mình thì kẹt quá. Điều quan trọng rốt ráo nhất trong đạo Phật đó là bao nhiêu cái khổ đều đi ra từ khái niệm ‘tôi là, của tôi’. Ngày nào còn khái niệm ‘tôi là, của tôi’ thì dứt khoát lúc đó quí vị chưa là vị Tu-đà-hoàn, không chấm dứt được thân kiến, và như vậy thì dòng sinh tử sẽ “biền biệt sơn khê cố nhân đi bao giờ mới về”. Trong kinh gọi quả vị Tu-đà-hoàn bằng nhiều từ đồng nghĩa: Pháp nhãn (dhammacakkhu), tri kiến (dassana = view). Bởi vì, trong bốn tầng thánh, tầng thánh đầu tiên liên hệ đến cái nhìn. Eye (nhãn), view, đều ám chỉ cho cái thấy. Chuyện gì trên đời mà mình còn mù mờ thì dứt khoát mình không giải quyết dứt điểm được. Mọi thứ cần phải được bạch hóa (transparent) thì mới giải quyết được. Khi mình đi bác sĩ, bác sĩ muốn chữa bịnh cho mình thì phải biết tất cả những gì xảy ra trong cơ thể của mình chớ còn có cái điểm mù (blind spot) thì không giải quyết được gì hết; kỹ sư muốn sửa máy thì cũng phải thông suốt hết tất cả những gì bên trong cái máy. Sửa máy hay chữa bệnh cho con người thì không được có cái điểm mù nào hết, phải thông suốt hết thì mới giải quyết được. Ở đây cũng vậy, chuyện đầu tiên của cái gọi là quả vị thánh nhân là vị ấy phải thấy rõ rằng xưa nay mình nhầm. Ngay trong bài kệ đầu tiên mà bất cứ vị Phật nào khi thành đạo đều có cảm hứng giống nhau:
Lang thang bao kiếp luân hồi,
Tìm không gặp kẻ xây ngôi nhà này!
Ôi! Đời sống thật buồn thay!
Bèo mây bến cũ vần xoay lối về.
Hỡi này anh thợ nhà kia,
Rui mè kèo cột gãy lìa nát tan.
Bao tham ái thảy tiêu tàn,
Tâm ta thắng đạt, Niết Bàn thảnh thơi.”
Từ bao lâu cứ đi mãi đi hoài, hết đời này sang kiếp khác. Chữ ‘Saṅkhāra’ (pháp hành) từ động từ ‘Saṅkharoti’ (to build) nghĩa là ‘xây dựng’. Khi tôi thích nhìn cái đẹp, thích nghe tiếng hay, ngửi mùi thơm, chính cái thích đó là tôi đang ‘xây dựng’ năm căn vật chất cho đời sau. Hoặc khi thiền thấy khoái quá, nên ngay lúc tôi thích trong Sơ, Nhị, Tam, Tứ thiền là lúc tôi đang build, đang invesment cảnh giới Phạm thiên của tôi. Một ngày kia tôi chán thiền Sắc giới quá, tôi bèn lên tới thiền Vô sắc, Hư Không Vô biên, Thức Vô biên, Vô Sở hữu, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, lúc tôi đang chìm đắm đam mê trong đó nghĩa là đang xây dựng đầu tư cho ngôi nhà Vô Sắc giới, đầu tư cho cảnh Vô Sắc giới.
‘Saṅkharoti’: to build’, ‘saṅkhāra’: building. Ở tầng thánh đầu tiên, vị thánh thấy thì ra xưa nay mình lầm, cứ lo đi đào hang để làm chuột, xây tổ để làm chim, cất nhà để làm người. Bây giờ không còn làm chuyện đó nữa bởi còn có chỗ về thì mình sẽ về, còn có chỗ đi thì mình sẽ còn đi. Khi thấy là mình bị nhầm thì vị đó lập tức lìa bỏ cái gọi là thân kiến. Kể từ lúc lìa bỏ thân kiến, không còn thấy đây là sắc uẩn của tôi, thọ tưởng hành thức của tôi thì kể từ giây phút đó Đức Phật gọi (vị Tu-đà-hoàn) rằng, “đây là người thủy thủ (boatman) đã đem tàu lên bờ chờ ngày gỗ mục” (Tăng Chi Bộ Kinh, Phần 5 pháp). Tàu mà bỏ lên bờ thì không còn sửa chữa, duy tu, chăm sóc bảo dưỡng nữa, chỉ chờ ngày mục; không còn tiếp tục dong ruổi trong biển đời sinh tử nữa. Khi ngài Punna Mantāṇiputta giảng điều này thì ngài Ānanda lập tức buông xuống gánh nặng “tôi và của tôi”. Nói theo ngôn ngữ hôm nay, ngài lập tức đeo lên người mình cây thập tự giá: Hình dấu gạch ngang, xóa bỏ chữ ‘tôi’- ‘I’.
Ngài Ānanda kể lại câu chuyện cũ của đời tu mà đối với ngài đó là một sự kiện vô cùng quan trọng: “Các hiền giả có biết không, ngày xưa lúc mới xuất gia, tôi đã gặp tôn giả Punna Mantāṇiputta, tôn giả đã nói tôi nghe bài kinh có nội dung hễ ngày nào còn sống trong ý niệm ‘tôi là’, ‘của tôi’ thì ngày đó còn có vấn đề.” Từ ý niệm này nảy ra vô số ý niệm chấp thủ khác. Bao nhiêu ý niệm về văn hóa, chính trị, xã hội, triết học, khoa học… đều khởi đi từ ý niệm ‘tôi là’.
Một vị thánh Tu-đà-hoàn là người có được pháp nhãn. “dassanena pahātabbā dhammā”: những phiền não phải được đoạn trừ bằng trí Sơ quả, hay bằng cái nhìn đầu tiên. Quí vị đọc thấy trong Vi diệu pháp là “những pháp phải do tri kiến đoạn trừ” thì ‘tri kiến’ đây chính là trí tuệ của vị Sơ quả. Tất cả những vấn đề trên thế giới này muốn được giải quyết thì chuyện đầu tiên người ta phải thông suốt nó, biết vấn đề nằm ở đâu. Bác sĩ phải thấy những bất thường nảy sinh trong cơ thể người bệnh, kỹ sư phải thấy những vấn đề của cỗ máy, một chính phủ phải thấy những vấn đề bất thường nảy sinh trong đất nước để kịp thời ra tay chấn chỉnh, và trong từng gia đình, cá nhân, muốn giải quyết vấn đề thì chuyện đầu tiên phải thấy vấn đề đó là gì, ở đâu, đang ra sao. Tôi muốn nhân bài kinh này nhắc bà con một chuyện quan trọng đó là dù có học bao nhiêu cũng phải nhớ một điều là: buông.
Trong một buổi tu học cách đây không lâu tôi có kể hầu đại chúng một câu chuyện ‘bá láp’ nhưng tôi nghĩ đêm nay tôi không thể không nhắc. Đó là nội dung một bài viết trong cuốn Tâm Thức Gió Lùa tức Chuyện phiếm thầy tu tập 2. Tôi có đề nghị nho nhỏ. Vào chùa nhìn thấy chuông và trống, thì tiếng chuông phải được nghe là buông, không phải boong. Trống không phải là ‘drum’ mà là trống rỗng (empty, vacant). Khi đi máy bay, muốn đi toilet mà thấy trước cửa có chữ ‘occupied’ thì biết có người trong đó mà thấy chữ ‘Vacant’ thì biết là trống, không có người, chữ đó luôn luôn màu xanh (green). Khi vào chùa mà thấy cái chuông cái trống thì hiểu ngay là tinh hoa của Phật pháp. Nếu không hiểu hai chữ ‘buông’, ‘trống’ kia thì tiếng mõ lốc cốc lốc cốc tức là “ngốc, ngốc, ngốc, ngốc” dành cho mình. Bà con nghĩ đây là chuyện đùa nhưng thật sự rất thâm sâu. Lẽ ra mình phải kêu là cái buông và cái trống chứ không phải là cái chuông và cái trống. Tại sao có chữ ‘buông’? Tại sao mình nghe boong được mà không nghe ‘buông’. Nếu tôi có quyền như HT Nhất Hạnh, làm cuộc cách mạng gọi là Bụt chớ không phải là Phật thì tôi làm cuộc cách mạng sẽ gọi là ‘cái buông’ chớ không phải là ‘cái chuông’. Ngài là Nhất Hạnh, tôi là Bất Hạnh. Kể từ hôm nay tôi chính thức tên là thầy Thích Bất Hạnh. Như vậy, đầu tiên là thầy Thích Bất Hạnh có một đề nghị mang tính cách mạng trong lịch sử PG, kể từ nay Phật tử không gọi là ‘cái chuông’ mà gọi là ‘cái buông’, bởi có lý do rất dễ thương và minh triết, đó là, mới vô chùa là ‘giving’ (cho), tu lâu là ‘giving up’ (bỏ, xả), đó là ý nghĩa của chữ ‘buông’. Thứ đến là khi gặp người Mỹ thì đề nghị họ từ hôm nay thấy khối gỗ màu đỏ hai đầu bịt da thì không gọi là ‘drum’ mà gọi là ‘empty’. ‘Empty’ ở đây nghĩa là ‘selflessness’, là ‘emptiness’, là ‘vacant’. Rồi làm ơn giải thích cho họ chữ Cross (thánh giá) nữa. Mình gọi là ‘Buddhist Cross’, nghĩa là chữ ‘I’ trong tiếng Anh bị gạch ngang.
Đêm nay tôi đem mấy chuyện tào lao này ra nói để bà con nhớ hoài bài kinh Ānanda này. Tinh thần cao nhất của đạo Phật là buông. Không có ai làm việc buông đó cả, chỉ có việc buông mà thôi. Hành giả chỉ cần biết cái này là tham, cần được buông bỏ. Khi nhận ra nó là tham thì nó đang được buông bỏ. Không cần có ai làm việc đó cả. Khi đang ngồi thiền thấy chân đau thì mình chỉ biết ‘đây là khổ’ chớ đừng gắn vào ‘tôi đang bị đau’. Đêm nay bà con nghe bài kinh này chịu không nổi, bài kinh này là bài kinh búa tạ, đánh thẳng vào trung khu thần kinh, thẳng vào cái trung ương đảng của mình. Hồi đó đến giờ mình cứ chấp mình là đỉnh cao trí tuệ, thật ra chẳng có cái gì là đỉnh, mình thấy mình càng bảnh chừng nào là mình càng tệ chừng đó, càng thấy mình khôn chừng nào là mình càng ngu dữ dằn chừng đó. Chuyện quan trọng nhất là chỉ cần nhận diện thôi, biết cái gì đang xảy ra, không cần quan tâm là ai đang biết. Hồi đó đến giờ mình ignore nó, bây giờ mình recognize nó. Cứ việc sống chánh niệm giùm cho tôi. Tinh thần Tứ Niệm Xứ chỉ có hai: Niệm (mindfulness), know how it is; Tuệ: tỉnh giác, know what it is. Chánh niệm là biết mọi sự đang như thế nào, tỉnh giác là biết nó là gì. Ví dụ như bây giờ tôi nhìn bàn tay tôi. (Sao nó đẹp dữ thần vậy ta!). Bàn tay búp măng, móng sơn màu cánh sen, đẹp quá. Đó là cái biết của người không biết đạo. Còn người biết đạo thì biết bên trong nó là xương, là da, là máu, chỉ cần rọc một đường thì máu chảy ra ớn muốn chết, tanh rình. Máu của mình thì mình đã ớn rồi huống gì là máu người khác còn ghê nữa. Lúc đó là cái trí tuệ biết nó là cái gì. Chánh niệm là biết rõ mình đang sờ chạm, biết bàn tay đang cầm cái gì. Đang cầm với sự nhận thức, biết rõ cái gì đang xảy ra, đó là niệm. Đang đi biết rõ đang đi, đang ngồi biết rõ đang ngồi, đó là niệm. Ngay lúc đó tâm tham xuất hiện, ồ, đây là tâm tham nè, đó chính là trí. Rồi đau quá, biết đây là thọ khổ. Chỉ có bad feeling thôi. Không có ai khó chịu, chỉ có sự khó chịu (nobody feel bad, bad feeling only). Biết cái này thường xuyên, quan tâm cái này hoài, thì nhiều ngày nhiều tháng sẽ có cái thú vị lạ lùng, hạnh phúc cực kỳ. Tại sao lại hạnh phúc? Bởi vì những áp lực trong đời sống sẽ giảm đi rất nhiều, và phút cận tử mình không run lên gào khóc tiếc nuối, và không ra đi trong sợ hãi mà là ra đi trong sự thanh thản. Tôi từng nói, tôi, người đang hầu chuyện với quí vị, tôi không muốn chết trong niềm tiếc nuối hay sợ hãi; chỉ muốn ra đi trong sự chán chường hoặc hi vọng. Hy vọng là sao? Nghĩa là mình biết chắc chắn rằng đời sau sẽ tốt hơn bây giờ nhiều lắm. Vì bây giờ rõ ràng cái thân mình đã già, hôi hám, đau nhức, rệu rã, lì lợm, cứng đầu, nói không còn nghe nữa; mình chán chường, không còn nắm níu tiếc thương nữa, mình hy vọng đời sau tốt hơn. Tôi sợ nhất là chết trong sự tiếc nuối hay sợ hãi.
Đêm nay có lẽ bà con chưa thấm những câu nói này của tôi. Nhưng mỗi một câu đêm nay tôi nói đáng cho quí vị trả tôi mười ngàn đô la. Tôi nói như vậy bởi muốn quí vị đặc biệt lưu ý, những câu tôi đã dồn hết trong mấy tháng qua để nói trong đêm nay như một lời di huấn tối hậu trước khi tôi tiếp tục… luân hồi. Trước sau cũng chết, khi ta không thay đổi được chuyện đời thì ta phải thay đổi cách nhìn của mình về nó. Khi biết rằng mình chạy trốn cái chết không được thì mình phải lập tức tìm cách nào đó để không còn bị nó dọa mình nữa. Tôi từng có câu thơ lục bát thế này:
Phải đâu ta sợ chi tình.
Chỉ lo tình phụ nên đành vô tâm
Cũng ham lắm, cũng muốn bay bướm lắm, nhưng có một điều nghĩ thì ớn. Tôi có câu thần chú: “Mình không chán họ, họ cũng chán mình, mình không bỏ họ, họ cũng bỏ mình, không có cuộc tình nào như ý.” Có ông kia mê đời ổng nói vớt vát: Có những cuộc tình không là trăm năm. Nhưng tôi thì phải nói: Không cuộc tình nào là trăm năm hết, không bao giờ và không bao giờ! Bà con tưởng tượng, lết được 80 thì nhìn nhau ra sao nếu mình chưa bị Alzheimer, nếu cả hai chưa bị đau nhức liệt giường, tiêu tiểu không tự chủ? Có một bà vợ bên châu Âu, nuôi chồng ngồi xe lăn trong nhiều năm, một ngày kia bà phán thế này: “Tôi đã quá mệt mỏi rồi, bao nhiêu đêm nay tôi không có ngủ.” Quí vị có biết không, câu đó gần giống như xúi người ta tự tử. Dĩ nhiên có vị không đồng ý với tôi, nhưng một người tự ái và nóng tánh như tôi nghe câu đó bằng cái giọng đó thì tôi sẽ hiểu ngầm thôi uống overdose để đi luôn đi. Bao nhiêu năm đầu ấp tay gối kề vai tựa má mà giờ này nàng phán một câu xanh lè như vậy. Mình chưa kịp ngoại tình, mình chưa kịp lừa dối nhau, chỉ riêng cái khoản đầu bạc răng long nằm liệt giường liệt chiếu thì mình đã cô phụ nhau rồi. Alzheimer thì càng nản nữa. Nhiều người trong room có thể không tin, nhưng có chuyện tôi phải tự hào nói rằng là tôi luôn luôn nghĩ như vậy, đó là tôi chẳng tin vào cuộc tình nào hết, chẳng tin vào mối quan hệ bạn bè nam nữ nào hết. Vui đâu chúc đó chớ còn đặt vấn đề dài lâu thì không, trao hết sự sống chết vào tay một người bạn cùng phái hay khác phái thì không bao giờ. Không tin được, không bao giờ làm chuyện dại dột như vậy. Bởi vì một là cái chết sẽ mang họ đi, hai là cái chết sẽ mang mình đi và cuối cùng rồi “bình minh sẽ mang em đi”. Ngài Ānanda sau khi nghe giảng xong xuôi thì lập tức chứng quả Tu-đà-hoàn, còn mình thì sao? Sau khi nghe câu này xong mình không có đắc cái gì cả. Tôi không trách quí vị bởi tôi cũng chưa có đắc, nhưng khác nhau một chỗ là tôi nghĩ nhiều về điều tôi đang nói.
Sư Giác Nguyên giảng
(Tương Ưng Kinh - Kinh Ananda)
Nguồn: FB ToaiKhanhreader
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét