CỎ DẠI

    Tháng ba, sau những ngày mưa dầm dề liên tiếp, mùa xuân đã nở rộ tưng bừng trong khu vườn bé nhỏ nơi sân sau nhà Ngọc. Khu vườn mà khi Ngọc dọn về khoảng hơn 6 tháng trước đây đã chỉ là một mảnh đất khô cằn trơ trụi, với đám cỏ dại mọc tràn lan vô trật tự. 
            Sau những năm tháng “cầy bừa” vất vả nơi xứ người, quãng đời về hưu của Ngọc  tương đối thoải mái, có thời gian để làm những gì ưa thích. Ở đời có những việc không biết trước được, có những cơ duyên đến khiến Ngọc đang ở phía nam Orange County đã quyết định di chuyển lên phía bắc, gần trung tâm cộng đồng Việt Nam, cũng tiện bề  cho những sinh hoạt đang tham gia. 

            Một lần dọn nhà bằng ba lần cháy nhà, vậy mà Ngọc đã phải dọn nhà đến hai lần, nhưng đó cũng là dịp để thải đi những đồ dùng đã phế bỏ mấy chục năm không nhìn đến. Ngọc chỉ tiếc khu vườn nhỏ xinh xắn đã mất bao nhiêu công vun xới, với những cây ăn trái, cây phong Nhật và cây mộc liên như hoa sen tím nở tươi thắm mỗi độ xuân về. Giờ đây về nhà mới tất cả phải làm lại từ đầu.

            Nhìn đám cỏ dại tràn ngập mà Ngọc thấy ngán ngẩm, cảm thấy như đang kham một công việc quá sức mình, nhất là bây giờ tuổi đời chồng chất, đâu còn sức lực như ngày xưa. Nhưng rồi mỗi ngày một ít, khu vườn dần dần trông cũng khang trang hơn trước, bắt đầu có mầu sắc hoa cỏ tươi mát trong không gian.

            Con người dường như có sự nối kết căn bản và thiêng liêng nào đó với cây cỏ thiên nhiên, có lẽ bởi vì con người cũng từ thiên nhiên mà sinh ra. Các cụ ngày xưa nói “Vui thú điền viên” thật không sai. Mỗi khu vườn là một tác phẩm nghệ thuật đem lại niềm vui, trong đó ngoài công phu lao tác còn biểu hiện tâm của người dựng lên khu vườn ấy. Đặc điểm của vườn Nhật Bản là một thiên nhiên thu nhỏ với cây, đá và nước, được sắp đặt hài hòa và tự nhiên khiến dù không gian có chật hẹp cũng vẫn có vẻ thoáng đạt, có nét đẹp trang nhã đi thẳng vào nội tâm con người. Vườn Âu Châu sắp xếp cây lá theo những biểu đồ đã định sẵn, có nét đẹp rực rỡ tráng lệ gây ấn tượng bên ngoài, biểu lộ tinh thần duy lý và ưa chuộng  những hình sắc thu hút giác quan .  Có người thích trồng cây có trái để hái quả, có người lại chỉ thích hoa lá, cây cảnh. Làm vườn là một công tác, một thú vui và là nguồn an ủi. Cây cỏ tuy được coi như loài chúng sinh vô tình, nhưng dường như có một linh tính nào đó có thể thông cảm với con người. Thật ra chúng ta nào biết được cây cỏ có cảm nhận được gì hay không, nhưng đôi khi có những lúc buồn phiền ra vườn nhìn cây cỏ nói chuyện vô ngôn với chúng cũng cảm thấy lòng nhẹ đi, như thể chúng cũng hiểu được tâm sự của mình.

            Những người làm vườn thường nói rằng các loài cây cũng có một linh tính nào đó, nên khi chúng đang ở môi trường quen thuộc bị đặt vào một nơi chốn nào khác, thường héo úa và chết đi nếu không được chăm sóc đúng mức. Có thể nói cây rất nhậy cảm với môi trường chung quanh, nên giữa chủ và cây cần có sự cảm ứng; chủ nhìn cây biết phải làm những gì để chăm sóc cho cây tốt, ngược lại cây dường như cũng hiểu được tâm tư của chủ và đơm hoa kết trái đúng như mong đợi.

            Công việc làm vườn cũng đem lại những phần thưởng rất đáng quý.  Theo một bài viết gần đây của đài BBC, chăm sóc vườn tược, hay  sống với thiên nhiên cây cỏ, sẽ cải thiện sức khỏe cả thân lẫn tâm, bớt căng thẳng (stress), giảm nguy cơ bị mất trí nhớ và gia tăng tuổi thọ.   

            Các nghiên cứu sơ khởi về những người cao tuổi bị suy thoái khả năng nhận thức, như bệnh mất trí nhớ Dementia hoặc Alzheimer, cho thấy lợi ích của việc làm vườn và trồng rau quả như thế nào. Ánh sáng mặt trời và không khí trong lành giúp những người già bị kích động tâm thần cảm thấy yên ổn hơn, trong khi mầu sắc và bề mặt của các loại thực vật và rau quả khác nhau có thể cải thiện khả năng xúc giác và thị giác. Các nhà nghiên cứu ở Úc theo dõi các người nam và nữ ở tuổi trên 60 thấy rằng những người thường xuyên làm vườn có nguy cơ bị mất trí nhớ thấp hơn 36% đối với những người không làm vườn. 

            Những người già ít khi đi đâu hay ít có dịp giao tiếp bên ngoài, lấy cây cối hoa cỏ làm bạn cũng qua đi được những lúc buồn tủi cô đơn. Không có thuốc nào chữa được bệnh già, nhưng làm vườn dường như có thể cải thiện phẩm chất đời sống trong khi về già.

            Tuy nhiên, làm vườn cũng có mặt trái của nó, đó là những công việc tẻ nhạt và hao tổn sức lực, như việc nhổ cỏ dại.

            Người xưa nói: “Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”, bởi vì nếu không cỏ sẽ lại mọc tràn lan. Có thể nói việc nhổ cỏ là một việc không bao giờ hết. Nhưng trong khi cặm cụi ngồi nhổ cỏ, Ngọc bỗng “ngộ” ra một điều rằng đây là việc đầu tiên, và cũng là việc quan trọng nhất trong khi làm vườn. Bởi vì muốn cho việc trồng cây được tốt, trước hết là phải chuẩn bị cho đất được tốt để sẵn sàng đón nhận cây. Đất có cỏ dại vừa mất thẩm mỹ, vừa bị giảm đi phần dinh dưỡng dành cho cây.

            Việc nhổ cỏ dại mất rất nhiều thì giờ, và trong khi nhổ cỏ cũng cần nhiều chú tâm. Phải chăng đó cũng là một pháp tu để tập tính nhẫn nại, không chỉ trong làm vườn, mà còn trong đời sống. Ngọc nhớ có đọc đâu đó trong một quyển sách về Thiền có kể lại rằng, một thanh niên ngoại quốc đến một thiền viện Nhật Bản để tu thiền. Anh ta có nghiên cứu Phật giáo trước đó và mang rất nhiều kỳ vọng sẽ học được những điều cao siêu huyền diệu ở nơi thiền viện này. Nhưng đời sống trong thiền viện không dễ dàng, và một trong những lao tác phải làm mỗi ngày là nhổ cỏ dại. Mới đầu anh rất buồn chán với việc này, nhưng rồi dần dần anh học được từ các thiền sinh khác sự chú tâm trong khi làm việc và cải tiến phương cách nhổ cỏ cho càng ngày càng khéo hơn, nhanh hơn.  Anh nhận ra rằng, những công việc lao tác hàng ngày cũng chính là pháp tu, vừa luyện thân vừa luyện tâm, ứng dụng đạo vào đời trong những điều tưởng như rất tầm thường.

            Trong một nghĩa sâu xa hơn, trong đạo Phật tâm thường được ví như đất, được gọi là quốc độ, là ruộng điền nuôi dưỡng những hạt giống. Những hạt giống trong tâm xấu tốt lẫn lộn, và nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ sẽ như khu vườn hoang phế để cho cỏ dại mọc tràn lan. Cỏ dại dĩ nhiên xuất phát từ những hạt giống xấu của tham sân si, của lòng vị kỷ và những ảo vọng, khiến đem lại hệ lụy phiền não. Phần lớn con người thường si mê chìm đắm trong bể khổ do mình tạo ra, nhưng khi thức tỉnh thì chính những đau khổ phiền não ấy lại là hạt giống nuôi dưỡng Như Lai, là động cơ khiến con người thay đổi, tu tập cải thiện bản thân để đạt được sự tự tại giải thoát. Vì vậy nên có câu: “Phiền não sanh Bồ Đề”.

           Trong một ngày nhiều bận rộn đa đoan, những phút giây tĩnh tâm ngồi thiền là dịp cho Ngọc có thể soi chiếu lại mảnh đất tâm của mình, gạt bỏ những cỏ dại của vọng tưởng để dần dần bồi đắp một mảnh đất phì nhiêu mầu mỡ với những hạt giống tốt. Nhưng Ngọc cũng biết rằng, cỏ dại không bao giờ diệt hết được, cũng như không thể nào diệt hết vọng tưởng trong tâm. Cỏ dại mọc lên tự nhiên như những vọng tưởng chợt đến chợt đi, nếu muốn diệt vọng tưởng thì lại càng thêm vọng tưởng. Cách duy nhất là tập sống với vọng tưởng, thấy rõ thực chất sinh diệt, huyễn hóa của chúng thì sẽ lìa được vọng tưởng. Cũng như chấp nhận sự hiện hữu của cỏ dại, chỉ cần kiểm soát sự sinh sôi nẩy nở của chúng thì khu vườn vẫn sẽ đẹp như bao giờ.

Ngọc Bảo
 Cali mùa xuân, tháng 3-2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét